Tạp chí Sông Hương - Số 177 (tháng 11)
Tiếp nhận tác phẩm văn học
10:46 | 17/06/2009
MÃ GIANG LÂNVăn học tồn tại được nhiều khi phụ thuộc vào độc giả. Độc giả tiếp nhận tác phẩm như thế nào? Tiếp nhận và truyền đạt cho người khác. Có khi tiếp nhận rồi nhưng lại rất khó truyền đạt. Trường hợp này thường diễn ra với tác phẩm thơ. Thực ra tiếp nhận là một quá trình. Mỗi lần đọc là một lần tiếp nhận, phát hiện.

Đọc thơ không phải chỉ nhằm biết thơ nói gì mà phải hiểu được thơ nói như thế nào?. Câu thơ ấy, đoạn thơ ấy, bài thơ ấy nói gì, tâm trạng thế nào, hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu... ra sao? Thơ phải tạo ra rung động ở người đọc từ nhiều phía: ý, tình, hình, nhạc ... Như vậy khi phân tích một hình ảnh, một cảnh, một bức tranh trong thơ, nhất thiết không thể bỏ qua những yêu cầu trên. Trừ khi anh tồi, thiển cận, không hiểu thơ, chỉ chăm chăm đi vào giải thích ý, nghĩa mà "nương nhẹ các biện pháp nghệ thuật như nhịp điệu, điệp từ, điệp ngữ..." (Cần lưu ý ở đây: hình ảnh, cảnh, bức tranh là ở cấp độ từ, chứ không phải cấp độ khái niệm)(1).

Có một điều quan trọng, người đọc thơ không thể bỏ qua. Sau khi đọc bằng mắt rồi, lại cần phải nhắm mắt lại mà đọc bằng tấm lòng, bằng trái tim xem xem ở đấy nhà thơ bộc lộ tâm trạng gì, muốn thông báo thẩm mỹ gì với người đọc. Cái khó là ở đấy, không thể nói chung chung.

Tất nhiên, tâm trạng thế nào đã hiện ra ở thể thơ, hình ảnh, câu chữ, nhịp điệu... Một lần tôi hỏi thi một trò.

- Em hãy phân tích đoạn thơ này.

Trò nhanh nhẩu trả lời:

- Thưa thầy: "Đoạn thơ tổng hợp và đồng hiện hàng loạt tâm trạng khác nhau"

Tôi khẽ gật đầu để em yên tâm, nhưng nghĩ thầm: đây là một trò láu, đại ngôn, nhưng không biết gì về thơ. Tôi động viên tiếp:

- Em nói cụ thể hơn được không?

- Thưa thầy, vâng, vâng...

Rồi em im bặt. Xét đến cùng thì vẫn là lỗi ở tôi, ở người dạy.

Theo tôi muốn hiểu thơ, người đọc cần có một hiểu biết tối thiểu về loại hình này như thể thơ, vần, nhịp điệu, các biện pháp nghệ thuật tu từ, ngôn ngữ thơ... nếu không sẽ lúng túng, tưởng mình hiểu hoá ra lại chẳng hiểu gì. Nắm chắc những cơ bản ấy mới có thể hiểu thơ xưa, thơ nay, đặc biệt là thơ đương đại, đang có những chuyển động mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức trên cơ sở một triết - mỹ mới.

Cách truyền đạt những hiểu biết về thơ bằng nói, bằng giảng bài cho học trò là ở dạng nghe. Cách truyền đạt bằng văn bản - viết thành bài (ở dạng nhìn) yêu cầu cao hơn. Giấy trắng mực đen đấy, người ta nhìn, người ta đọc, lật đi lật lại, thì câu chữ, diễn đạt phải cẩn thận hơn. Để người đọc thấy được cái đúng, cái hay, cái đẹp của thơ, bài viết cần một văn phong thích hợp: gợi cảm, giàu hình ảnh, sử dụng từ sinh động, không thể chỉ dùng những khái niệm khô cứng, sách vở để phân tích thơ, bình giảng thơ... Tôi đã đọc nhiều bài phân tích thơ có những sáng tạo từ làm câu văn bớt đơn điệu, gây hứng thú cho người đọc. Ví như: "Bài thơ Tây Tiến - tượng đài bất tử về người lính vô danh", "Chúng ta hãy ngắm kỹ lại những chân dung La Hán khắc bằng ngôn ngữ của Huy Cận" (Vũ Quần Phương), "Bức tranh cuối bài Việt Bắc, theo ý tôi, là của một danh họa" (Xuân Diệu)... Xin nhớ: tượng đài, chân dung, bức tranh ở đây là từ, không phải là khái niệm.

Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm, tôi nhớ Lê Sử có bài viết hay (Báo Giáo dục và Thời đại số 68 ngày 6-6-2002). Cách viết uyển chuyển, tinh tế, văn có hồn, khả năng thẩm thơ tốt. Đây chính là yêu cầu hàng đầu đối với người phân tích, bình giảng thơ. Chỉ tiếc ở cuối bài, khi nói đến 4 câu thơ cuối của Tống biệt hành, tác giả bài viết hiểu chưa đúng, chưa trúng: "Ở khổ thơ mở đầu, người đưa tiễn ngạc nhiên vì người ra đi có thể "dứt bỏ tình riêng" để lên đường. Bài thơ có nhiều khoảng trống, nhiều điểm lặng, nhiều bước ngoặt đòi hỏi sự sáng tạo nơi người tiếp nhận (...). Người ra đi vẫn mang trong lòng nỗi đau giằng xé vì thế mới có trạng thái khinh bạc đến tàn nhẫn và cả cái trạng thái buồn bã hư vô"

                        Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
                        Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
                        Chị thà coi như là hạt bụi,
                        Em thà coi như hơi rượu say.

Về 4 câu thơ cuối này, có người nghĩ người ra đi đối với mẹ, đối với chị, đối với em như thế. Chắc Lê Sử cũng nghĩ như thế nên mới ngạc nhiên, vì người ra đi có thể "dứt bỏ tình riêng", "có trạng thái khinh bạc đến tàn nhẫn". Nhà văn Bùi Hiển lại hiểu mấy câu thơ trên "theo ý nghĩa ngược lại", tức là đối với người ra đi thì mẹ hãy coi như chiếc lá bay, chị hãy coi như hạt bụi, em hãy coi như hơi rượu say (Văn nghệ số 8 tháng 2-1992).

Theo tôi, cách hiểu 1 người ra đi sẽ mang tiếng oan là "khinh bạc đến tàn nhẫn". Không thể có người nghĩ về mẹ, về chị, về em của mình như thế được. Cách hiểu 2, cũng không thoả đáng. Mẹ, chị, em nỡ nào lại nghĩ đến người thân ruột thịt của mình như thế? Có lẽ nên chấp nhận cách hiểu 3: Cả bài thơ là lời người đưa tiễn. Vậy người đưa tiễn nghĩ thế, thổ lộ như thế. Và người đưa tiễn nói như thế lại là lời an ủi cho cả kẻ ở, người đi.

Suy nghĩ của tôi, cách tiếp nhận bài thơ Tống biệt hành của tôi, cũng đã diễn ra qua một quá trình. Nhưng biết đâu còn có điều mình chưa hiểu cặn kẽ, chưa thật đúng với tâm trạng Thâm Tâm. Tiếp nhận tác phẩm thơ quả thật là khó. Không ai và lại càng không nên cho mình là người hiểu biết hơn người.

30-7-2003
   M.G.L
(177/11-03)

Các bài mới
Cảm hứng (18/06/2009)
Các bài đã đăng
Lũ quét (17/06/2009)
Cho nghìn sau (10/06/2009)