Tạp chí Sông Hương - Số 178 (tháng 12)
Chút tâm tình với "Trà thiếu phụ"
09:55 | 16/06/2009
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO       (Đọc tập truyện ngắn “Trà thiếu phụ” của nhà văn Hồng Nhu – NXB Hội Nhà văn 2003)Tôi đã được đọc không ít truyện ngắn của nhà văn Hồng Nhu và hầu như mỗi tập truyện đều để lại trong tôi không ít ấn tượng. Trải dài theo những dòng văn mượt mà, viết theo lối tự sự của nhà văn Hồng Nhu là cuộc sống muôn màu với những tình cảm thân thương, nhiều khi là một nhận định đơn thuần trong cách sống. Nhà văn Hồng Nhu đi từ những sự việc, những đổi thay tinh tế quanh mình để tìm ra một lối viết, một phong cách thể hiện riêng biệt.
Chút tâm tình với
Nhà văn Hồng Nhu

Sau tập truyện ngắn "Lễ hội ăn mày", nhà văn Hồng Nhu đã một lần nữa tìm lại chính mình trong "Trà thiếu phụ". Với 9 truyện ngắn, tập truyện "Trà thiếu phụ" dày 200 trang, khổ 13x19 đã đưa lại cho độc giả yêu mến văn học những phút giây thư thái tâm hồn. Có thể nói, với nhà văn Hồng Nhu thì được viết đó là một diễm phúc lớn lao trong suốt cuộc đời cầm bút. Với một chiếc xe đạp, ông đã đi và quan sát được thật nhiều, thu vào tầm ngắm của mình một lượng kiến thức cuộc sống bổ ích. Trong một lần trò chuyện với nhà văn Hồng Nhu, ông đã rất thân tình "Kinh nghiệm viết văn thì khó có thể nói được bằng lời, nhưng thời gian chú viết, chú vừa học vừa viết, vừa tự biên tập bài cho riêng mình, nếu không bằng lòng là chú bỏ ngay truyện ngắn ấy, dẫu đã cất công rất nhiều, trăn trở rất nhiều". Trong cuộc sống hiện đại, ít ai tự ngồi lại chiêm nghiệm bản thân và tự đánh giá mình như thế, chắc cũng vì thế mà nhà văn Hồng Nhu đã cho ra đời không ít tác phẩm nổi tiếng trên diễn đàn Văn học hiện đại.

Trong "Trà thiếu phụ", người đọc tìm thấy một nét riêng biệt của nhà văn đó là cách xâm nhập cuộc sống. Nhiều đoạn văn rất mượt nhưng cũng có không ít đoạn văn khúc khuỷu, dẫn dắt người đọc vào một thế giới cổ tích. Cổ tích thời hiện đại thì mới có "Chuyện ông Âu "gả vợ" cho người chủ thuyền buôn xứ Quảng chẳng mấy chốc đã lan truyền cả dải làng cát dằng dặc chạy theo ven biển xứ Thuận. Người ta khen ngợi rằng: ông Âu quả thật nhân đức cao dày, đã không kết tội người vợ trẻ lại còn chia một phần ba gia tài cho bà ta nữa. Rồi cho phép bà ta tháng tháng năm năm đi lại thăm nom mấy đứa con trai dòng họ Âu tại làng cát. Chao! Người đời mấy ai như vậy? Lại có người chê trách: ông Âu dại khờ, nhu nhược. Con vợ hai đó, dù nó trẻ đẹp đến mấy mà hư thân mất nết, theo trai, đã không gọt đầu bôi vôi thì thôi, lại còn mở đường cho nó chạy. Mà nó chạy đi đâu? Nó chạy đi với cái thằng bỏ bùa mê, thuốc lú nó; chúng nó sống với nhau hú hí sung sướng trước mặt mình mới tức chứ!..." (Bao nhiêu là cát - "Trà thiếu phụ"- tr 30)

Khi mở tập sách ra, người đọc sẽ nhận thấy một chút gì đó rất mặn mòi như nước mắt. Tự dưng dòng chảy từ phía trái tim nhà văn Hồng Nhu đã đi đến tận cùng nỗi đau cùng với những tâm hồn đồng cảm. Khi viết về tình yêu đôi lứa, nhà văn Hồng Nhu có một cách thể hiện riêng. Khó có thể tìm thấy đoạn nào trong tập truyện "Trà thiếu phụ" tả về tình yêu. Duy chỉ có một điều là cái hồn trong ngôn ngữ văn học của nhà văn Hồng Nhu được vận dụng, xâu chuỗi và toát lên điều cần thể hiện. Chỉ một ánh mắt buổi đầu gặp gỡ mà Đường đã yêu Khánh - người hơn anh khá nhiều tuổi, đã có một lần sang ngang và rồi Văn hiểu ra rằng, hàng xóm thì chỉ ngồi với nhau một đoạn trên chuyến tàu cũng đủ rung động con tim mất rồi. Cái biến thể trong phong cách kể chuyện tả thực của nhà văn Hồng Nhu đã đưa người đọc về với những miền thẳm sâu trong lòng người. Nơi bắt nguồn của bao nhiêu sóng gió cũng không thể bào mòn được nếp nhăn trên vầng trán của ông già thiếu tá công an về hưu trong truyện "Láng giềng". Đó là một sợi dây mắt xích kết dính giữa những người không họ hàng thân thích, của những người gọi là "Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Trong xóm phố, nhà nhà san sát bên nhau thì không vì cái này thì cái kia cũng va chạm. Ít nhiều thì người ta cũng không cắt nghĩa được vì sao sau bao năm chung sống, ông Thậm lại quyết định đi bước nữa với bà Ái.

Trong cách viết của nhà văn Hồng Nhu thì cuộc sống vốn dĩ là bức tranh muôn màu, muôn cung bậc đa thanh, chúng dồn đẩy và luôn va chạm nhau. Đó là một anh chàng Hoà đã có một tình yêu đắm say từ thời thơ ấu với cô Thuý đẹp yêu kiều nhưng để có được hạnh phúc, Hoà đã trở thành thủ phạm, tạt axít vào Thuý - nói như cách Hoà nhận tội với ông đại uý Nhâm thì mục đích của anh làm như vậy để Thuý là duy nhất của mình. Để người khác không lấy mất Thuý của anh. "Đêm hạ huyền yên tĩnh" là truyện ngắn cảm động của nhà văn Hồng Nhu viết về tình yêu đôi lứa. Hầu như suốt chiều dài của truyện ngắn này, nhà văn luôn tự an ủi nhân vật của mình rằng nếu có gây ra chuyện gì trọng tội thì gắng sám hối - đó là cách tốt nhất để niềm tin còn trong cuộc đời này. Kết thúc câu chuyện tình có một không hai này là hình ảnh chiếc thiệp mời đám cưới có lồng hai chữ H và T. Tình yêu và hôn nhân không phải nói đến là đến được mà mọi người đều phải thử thách, không ít thì nhiều. Nhưng đặt vào trường hợp của Hoà và Thuý trong truyện ngắn "Đêm hạ huyền yên tĩnh" thì liệu mấy ai làm được như thế.

Trở lại trong cách viết tả thực của nhà văn Hồng Nhu, người đọc có thể nhận ra giữa những va chạm thực tế trong cuộc sống, không có cái gì đến một cánh bằng phẳng nhưng cũng không phải như thế người ta mất đi niềm tin, mất đi hi vọng. Trong cách kể của nhà văn Hồng Nhu, cuộc sống cũng như mọi sinh hoạt hàng ngày của người dân xóm nhỏ nơi Văn về ở - chỗ ngày xưa là nghĩa địa hoang vu ấy - đã trở thành một xóm nhỏ đầy ắp tình người. Người đọc sẽ bắt gặp không ít thì nhiều những nỗi niềm lắng đọng của nhà văn khi để cái tôi trữ tình của mình đi dọc trang viết. Người ấy đi lặng lẽ nhưng bước đi chắc chắn và khoẻ. Cũng như khi ông cho nhân vật mình chạy từ hiện đại về quá khứ với sự hồi sinh trong lịch sử thời đại. Truyện ngắn "Mùa cau ấp bẹ" đem lại cho người thưởng thức một vở kịch có nhiều nhân vật đan lồng quá khứ và hiện tại để bứt ra khỏi không gian riêng - mùa cau ngát hương ở một ngôi làng hoạt động cách mạng trong lòng địch những năm 1945. "Mùa cau ấp bẹ" giống như một bộ phim quay rất kỹ từng trường đoạn, khắc hoạ kỹ tính cách từng nhân vật. Trong lối hành văn của nhà văn Hồng Nhu, người đọc dễ nhận ra những kinh nghiệm thực tế mà ông cố đúc gắn vào tác phẩm. Nhân vật trong "Mùa cau ấp bẹ" hiện lên như một khối tình chung ấy của cả dân tộc mà tình yêu đôi lứa như một sức mạnh ngấm ngầm đưa con người vượt qua mọi gian khó, mọi nỗi sầu muộn và những mất mát... Dưới ngòi bút của nhà văn Hồng Nhu, nhân vật hiện lên theo tuyến trực diện, ít có tính cách đối chọi nhau mà chung nhau quan niệm sống, quan niệm sáng tạo.

Nếu không phải người nếm trải thì nhà văn Hồng Nhu đã không viết thành công truyện ngắn "Trà thiếu phụ". Đó là câu chuyện cảm động về hai bố con ông Kiệm và "mối tình" với Thuận - một cô giáo vùng cao. Sự từng trải trong cuộc đời đã cho phép ông Kiệm nhắn nhủ với con trai mình rằng: "Hình như con..." nghĩa là ông hiểu con trai mình đã để ý đến cô giáo Thuận. Trên vùng cao ấy, thời tiết đầu đông không làm không khí trở lạnh mà tự họ, hơi ấm tình người đã trở về bên ấm trà Bắc Thái đậm đặc, bên những đồi chè xanh mướt bạt ngàn. Trong cách viết của nhà văn Hồng Nhu, cuộc sống được thắt nút - mở nút tự nhiên như chính nụ cười hay việc Thuận lấy tay khép lại đôi tà áo trong gió mùa đông. Cuộc sống của bố con nhà ông Kiệm và bà con xóm bản đã được nhà văn cắm từng mốc thời gian. Như một sự tình cờ, khi người ta tự triết lý về một điều gì đó trong cuộc sống, nghĩa là người ta đã tự mình cho phép bản thân bộc lộ hết suy nghĩ của mình. Ông Kiệm cũng yêu con người của cô giáo Thuận, cũng đã "để lộ thân phận" của mình cho Thuận biết, nhưng khi nghĩ đến từng ánh mắt, cử chỉ của người con trai, ông đã nhận ra mọi việc mới bắt đầu. Tình yêu cũng giống như cuộc sống, vợ chồng ông Kiệm đã ly hôn chỉ vì một lý do nhiều người không tin được:

"Họ tốt với nhau quá nên không thể chung sống với nhau. Nếu tiếp tục, họ sẽ không còn tốt với nhau được nữa, ngay cả chính bản thân họ, cháu à! Song chuyện gì cũng phải có cái cớ. Cháu biết không, đứa con gái giữa không phải con ruột của ông chồng; và đứa con gái út cũng vậy, không phải con ruột của bà vợ..." (Trà thiếu phụ -tr 39). Đó chính là lý do mà ông Kiệm về sống với con trai, bắt đầu một cuộc đời mới nơi đây. Thuận cảm thông được hoàn cảnh của ông Kiệm khi được ông trút bầu tâm sự. Nhưng có lẽ chính con trai ông Kiệm đã lại một lần nữa thức tỉnh trái tim cô. Và tình yêu. Có lẽ thế nên ông Kiệm mới triết lý với con mình "Con biết không? Hồi xưa các cụ nhà ta sành sỏi cũng đã nói rồi! Rằng trà có nhiều nước. Nước đầu là "Nước thiếu nữ". Thanh khiết, ngào ngạt. Nước thứ hai là "Nước thiếu phụ". Đượm đà, ngào ngạt, sâu thẳm. Đấy mới là nước ngon nhất trong một ấm trà. Dư vị trong cổ họng cứ đọng hoài đọng mãi... không tan. Con có biết không, Toàn?"

Về với cuộc sống trong "Trà thiếu phụ", không ít thì nhiều, người đọc cũng thưởng thức được hương vị quê hương qua ngôn ngữ nhà văn. Một tập truyện ngắn độc đáo là tập truyện ngắn mang ý nghĩa nhân văn cao cả. "Trà thiếu phụ" phần lớn đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe ấy từ độc giả. Như một lời độc thoại khi người ta cầm lên và đọc tập truyện "Trà thiếu phụ", cuộc đời hiện lên trên trang viết thật phong phú và đa dạng. Đó là nhân cách sống của một người cầm bút, nhà văn Hồng Nhu.

Huế, tháng 6/2003
N.T.A.Đ
(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng