Tạp chí Sông Hương - Số 178 (tháng 12)
Từ cầm quân đến cầm bút
10:33 | 21/06/2009
ĐẶNG TIẾN     (Đọc Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)Một tờ báo ở ngoài nước đã giới thiệu bốn cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp mới xuất bản. Dĩ nhiên là một bài báo không thể tóm lược được khoảng 1700 trang hồi ký viết cô đúc, nhưng cũng lảy ra được những đặc điểm, ý chính và trích dẫn dồi dào, giúp người đọc không có sách cũng gặt hái được vài khái niệm về tác phẩm.
Từ cầm quân đến cầm bút

Tác giả đã nhận ra điều này "khi viết hồi ức, hầu như Đại tướng Giáp không quên ai, công lao của ai, ý kiến của ai..." (tr.27). "Ai" đây không dừng lại ở kẻ cầm quyền, kẻ cầm quân, mà còn có những người cầm bút. Bài này chỉ đưa ra một khía cạnh nhỏ: tấm lòng với văn nghệ và phong cách văn học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong bài tôi mạn ghép gọi tắt là Tướng Giáp cho gọn nhẹ.

Trước tiên, ông ghi phần đóng góp của văn học vào "thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Với nền văn hoá mới, văn nghệ sĩ trở thành chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn học nghệ thuật, trực tiếp góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do (...), với những phương tiện cực kỳ eo hẹp, những tờ báo tường, báo in đá, tạp chí, truyện in với số lượng ít trên giấy giang, những bản nhạc chép tay, truyền miệng... văn nghệ kháng chiến vẫn có mặt trên khắp nẻo đường kháng chiến. Văn hoá, văn nghệ kháng chiến đã có những cống hiến to lớn trong suốt ba mươi năm chiến tranh" (VNG.I.tr.302).

Những lời như thế, chúng ta đã từng nghe nhiều lần, nơi này hay nơi khác. Nhưng ở miệng đại tướng, âm vang bỗng khác: vì ông không phải là người đãi bôi, và ở địa vị, tư thế, tuổi tác ông, không việc gì phải đãi bôi. Hơn nữa nhiều chi tiết trong hồi ức chứng tỏ ông có quan tâm thật sự đến văn nghệ.

Chi tiết thứ nhất là chuyện nhà văn Nguyễn Tuân đánh trống thúc quân trong trận Đại Bục, giữa 1949. Câu chuyện gần như là huyền thoại trong thời chống Pháp: trong chiến tranh hiện đại, giữa thế kỷ XX, sao lại có chiêng trống, và người đánh trống là Nguyễn Tuân, nhà văn đã nổi danh về tiếng trống cô đầu của Hà Nội dăm ba năm về trước. Từ tiếng tom chát giữa son phấn lụa là đến tiếng trống xuất quân giữa lửa đạn, xã hội Việt Nam đã lật một trang sử, qua cuộc đời Nguyễn Tuân.

"Trong trận này, đơn vị mang theo một chiếc trống. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh nổi trống cho bộ đội xung phong. Nhà văn Nguyễn Tuân cùng ra trận với đơn vị, đứng cạnh tiểu đoàn trưởng, vội giành lấy đùi để đánh trống" (VNG I,tr.338).

Nguyễn Tuân cũng đã kể lại chuyện này, trong Tuỳ Bút Kháng Chiến, bằng ngôn ngữ nghệ thuật: "Thì trống. Trống đâu? Những hồi trống ngũ liên ầm ầm như thuỷ triều dâng lên mặt đê... Tiếng trống cái đang cuộn dần lũ giặc từ đồi A xuống đồi B. Tiếng trống dâng nước rung đến đâu, lưỡi mác xung xích dâng cao đến đấy. Tôi vớ luôn một cành khô nện vào một mặt trống nữa. Trống kêu cả hai mặt. Trống kêu to lên nữa. Kêu thế chưa đủ, kêu to cho bõ lúc đêm qua hành quân...Tôi cuống quít bên tang trống. Vậy ra giờ ta đánh đồn, có cả kèn cả trống (...) Hàng rào cháy rồi anh em ơi... Chúng tôi đang mơ chung một cơn hoả mộng. Hoả thiêu Đại Bục. Kích bích giữa rừng khô".

Câu văn mang phong cách đặc biệt Nguyễn Tuân, thời đó, đã có người lên án... Nay Tướng Giáp nhắc lại chuyện cũ, cũng là cách "hoá giải" cho Tuỳ Bút Kháng Chiến. Nhà văn Hồ Phương, có mặt giai đoạn này, có kể lại chuyện đúng như thế, và ghi nhận: "trong hoàn cảnh chiến đấu lúc ấy, giữa anh em văn nghệ sĩ và chiến sĩ có sự gắn bó rất thân thiết. Những người lính cảm thấy phấn khởi, tự hào khi biết có nhà văn đang bước trong đội ngũ của mình". Chuyến ấy, cùng đi với Nguyễn Tuân theo tiểu đoàn 54 dự chiến dịch Sông Thao, còn có Tô Hoài. Anh kể lại rằng cái trống lấy từ nhà chánh tổng, và sau chiến thắng, các vị anh hùng và nghệ sĩ đã mừng nhau bằng "thùng rượu vang to bằng cái vại sành bên gốc cau... Chiếc dùi trống thò một đầu trên ba-lô Nguyễn Tuân". Một tác phẩm Nguyễn Tuân thời đó, 1949, mang tên Đường Vui.

Tiểu đoàn trưởng lúc ấy là Vũ Lăng. Tham gia chiến dịch có Xuân Trường, con trai cả của Nguyễn Tuân; Hồ Phương, nhà văn, tác giả Thư Nhà; Chính Hữu, nhà thơ, tác giả Ngày Về. Cả bốn vị ngày nay đều lên cấp tướng.

Một ví dụ khác về thịnh tình của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp với văn nghệ là đã ân cần trích dẫn: "Một người chiến sĩ tài hoa trong đoàn quân Tây Tiến ngày đó, sau này là nhà thơ Quang Dũng, đã có những câu thơ:

            Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
            Quân xanh màu lá dữ oai hùm
            Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
            Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
                                               
(VNG I, tr.233)

Bài Tây Tiến, Quang Dũng làm tại Phù Lưu Chanh, năm 1948, sau khi đơn vị Tây Tiến đã giải thể. Bài thơ đăng trên báo Văn Nghệ, Việt Bắc, số 11 và 12 tháng 4-5/1949, được nhiều người yêu thích và truyền tụng, Xuân Diệu có lần ngợi khen trên báo Độc Lập.

Nhưng sau đó, bài thơ bị lên án, như lời Tố Hữu: "Sơn La gái đẹp, Sông Mã, cọp gầm" và xếp vào loại "chủ nghĩa cá nhân nhuộm màu tư sản sa đọa". Đoạn thơ bị phê phán nhiều nhất, chính là 4 câu mà Tướng Giáp đã ân cần trích dẫn, và còn nhắc lại trong cuốn hồi ức tiếp theo (VNG II, tr,376). Câu chuyện không dừng lại trong phạm vi văn học: ông đại tướng không có thẩm quyền gì trong việc phê phán văn học; sự nghiệp trước tác của Quang Dũng (1921-1988) cũng không trông cậy gì vào sự chiếu cố của Đại tướng. Nhưng tướng Giáp tạo được bằng an cho tâm thế đám quân binh mà ông lãnh đạo: họ là những chiến sĩ, nhiều người đã lên cấp tướng, đã từng yêu mến bài thơ Tây Tiến, vẫn thường ngâm nga với nhau để nhớ cái thuở Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Đối với nhiều người, đó là mối tình đầu với văn nghệ. Nay được biết Đại tướng cũng thông cảm với những "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm", là họ vui. Niềm vui hiếm hoi, ẩn nhẫn, thầm lặng ở những buổi chiều già, những buổi chiều không tuổi và vô tội.

Câu chuyện thứ ba chứng tỏ chân tình của Tướng Giáp với văn nghệ là cái chết của Trần Đăng, cuối năm 1949, trên lãnh thổ Trung Quốc. Nhà văn làm gì mà hy sinh bên ấy? Trong hồi ký Chuyện Cũ Hà Nội, Tô Hoài có kể lại nhưng cũng chỉ theo lời người khác. Nay Tướng Giáp cho biết cặn kẽ: đây là chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, từ đầu tháng 6-1949, bộ đội Việt Nam, do tướng Lê Quảng Ba chỉ huy, phối hợp với Hồng Quân Trung Quốc, đánh nhau với quân Tưởng Giới Thạch.

"Một số cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Trung Quốc trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế này. Nhà văn quân đội Trần Đăng, một cây bút rất nhiều triển vọng, sau khi từ chiến dịch Sông Thao trở về, hăng hái đi tiếp lên đường số 4 cùng bộ đội qua biên giới làm nhiệm vụ, đã hy sinh trong một trận đụng độ với quân Tưởng" (VNG I,tr.349).

Trần Đăng (1921-1949) là nhà văn quân đội đầu tiên hy sinh trên chiến trường, mà không chết trên đất nước. Có lẽ vì vậy mà Tướng Giáp có niềm ưu ái riêng: ông còn nhắc lại một lần nữa trong cuốn sau (VNG II, tra.25).

Dường như ông cũng có thịnh tình với Nguyễn Huy Tưởng khi nhắc đến chuyến đi thị sát mặt trận Cao Bằng (VNG II, tr.25); và không quên những bản nhạc thường nghe trên đường hành quân: Bông Lau rừng xanh pha máu... Sông Lô sóng ngàn kháng chiến... dĩ nhiên vì nội dung chiến đấu.

Nhưng kỳ diệu là giữa trận mạc, ông vẫn lắng nghe một tiếng đàn. Như ở chiến dịch Đông Khê, 1950:

"Nhẩm tính đã mười một đêm không ngủ, nhiều đêm ngồi trên lưng ngựa. Những ngày chiến dịch khẩn trương kéo dài suốt ba tháng đã qua... Chợt nghe từ một bản nhỏ bên đường vẳng ra tiếng đàn. Tôi ngỡ ngàng cứ như lần đầu nghe thấy những âm thanh này. Nhưng âm thanh thật kỳ lạ. Những mệt mỏi tiêu tan, đầu óc trở nên trong suốt (...) Cũng từ đó tôi yêu âm nhạc" (VNG II, tr96). Sau đó Đại tướng đã cho mời người chiến sĩ trẻ chơi ghi-ta đến, rồi "bảo văn phòng tạm ngừng liên lạc điện đài với các nơi trong một giờ, cùng nhau ngồi nghe âm nhạc" (tr.96).

Giữa mặt trận Điện Biên Phủ cam go, Đại tướng vẫn lưu tâm đến mùi hương một khóm lan rừng: "Những cây lan rừng nở hoa không rực rỡ nhưng có một mùi hương đặc biệt, khi thì thoang thoảng đến bất chợt, chú ý tìm không thấy, khi thì nồng nàn" (VNG II, tr.149). Có khi những đoá hoa không tìm, cũng hiện ra tươi tắn: ấy là dù của đối phương còn lại trên mặt trận.

"Cánh đồng Mường Thanh chạy dài tít tắp đến chân dãy núi phía nam. Cơn mưa thép đã tạnh; cánh đồng phẳng lặng trang điểm những chiếc dù màu sắc rất tươi, như nở đầy hoa. Xa xa, trên đỉnh núi ở biên giới Việt Lào, những đám mây trắng êm đềm kéo nhau đi" (VNG III, tr.339). Trong câu văn, hình ảnh đặc sắc, bất ngờ là "cơn mưa thép đã tạnh"; hay ở chữ tạnh. Các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp ít khi đạt tới một ẩn dụ bình dị và sắc cạnh như vậy.

Một câu hỏi đến tự nhiên với người đọc: Đại tướng có làm thơ không? Ông có ghi lại đoạn thơ làm năm 1948, tiễn những đoàn quân lên Tây Bắc gian lao tiếp tục công tác Tây Tiến:

            Sông Đà, sông Mã uốn dòng
            Ghềnh rêu, thác bạc ghi công anh hào
            Con vàn tung cánh bay cao
            Ngọn cờ chỉ hướng, ngôi sao dẫn đường

Câu thơ ghi lại những địa danh trong thiên nhiên hiểm trở, lạ nước lạ người. Con vàn là tên địa phương của một loài chim, loài vạc, ở đây tạo được một âm hao hoang dã, vang xa trên rừng cao núi thẳm.

Ấy là những nét tâm hồn Đại tướng. Tâm hồn ấy mở rộng về phía văn học nghệ thuật âu cũng không lấy gì làm ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi Tướng Giáp gợi lại một chuyện văn nghệ nào đó, thì thường gửi gắm thêm chút niềm riêng, người đọc nắm rõ tình cảnh mới thấu triệt sâu sắc những cảm nghĩ thâm trầm, tế nhị của tác giả. Nhưng đọc qua loa, biết qua loa cũng lý thú.

Ghi nhận cuối cùng: câu văn trong Hồi ức rất hay, dĩ nhiên là có công của người ghi chép và biên tập, chủ yếu là Hữu Mai, cuốn cuối cùng do Phạm Chí Nhân thể hiện.

Đọc 1700 trang quân sử, người đọc có ngán mà không chán. Nhờ người kể biết xen kẽ kỷ niệm và giọng kể. Nói chung là câu văn mềm mại, lưu loát, trong sáng. Nghiêm nghị nhưng ôn tồn: chuyện súng đạn, mưu lược và tình nghĩa đan cài.

Người ta đã nói nhiều về những tiến bộ của tiếng Việt trong khả năng diễn đạt mọi tình huống. Hồi ức Tướng Giáp đã điềm đạm chứng minh khả năng này, từ những tổng kết khái quát:

"Chiến tranh là một khoa học, đồng thời là một nghệ thuật. Thành bại của nó bao giờ cũng là kết quả tổng hợp sự vận động nhiều quy luật và nhiều yếu tố khác nhau, cơ bản và không cơ bản, tất nhiên và ngẫu nhiên. Những nhân tố quyết định đôi khi lại ẩn náu dưới một cái gì đó của cuộc sống và chiến đấu hằng ngày, quá quen thuộc, nên thường dễ bị lẫn lộn, dễ bị bỏ qua trong vô vàn những sự kiện liên quan tới chiến tranh" (VNG I, tr.421).

Câu văn hàm súc, khúc chiết và trong sáng. Những người lao động ngôn ngữ phải biết nghiêng mình trước một câu văn như thế, có thể làm kinh điển cho văn chính luận. Dĩ nhiên muốn viết câu văn trong sáng thì phải có tư tưởng trong sáng; muốn có câu văn Việt Nam thì phải biết suy nghĩ trong lời ăn tiếng nói Việt Nam hằng ngày.

Để tổng kết cuộc chiến ba mươi năm và thành quả của nó, Tướng Giáp đã cô đúc: "ý chí thống nhất Tổ Quốc là thế và lực mạnh trong chiến tranh" (VNG IV, tr.360). Câu văn sắc cạnh ở chữ "và", làm nổi bật hai khái niệm "thế" khác với "lực". Suốt 80 năm Pháp thuộc, các phong trào võ trang yêu nước đã thất bại, vì có thế mà không có lực. Sau đó, hai cường quốc Pháp và Mỹ đã thất bại trên chiến trường Việt Nam, vì có lực mà không có thế. Một ví dụ trong nghệ thuật cầm bút.

Đ.T
(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng