Tạp chí Sông Hương - Số 178 (tháng 12)
Vẽ ác
08:38 | 23/06/2009
THÁI BÁ TÂN…Con chim hung dữ màu đen là trọng tâm của bức tranh, được ông giành hết tâm sức miêu tả rất sống động. Trong tranh, nó đang bám chân vào ngực Prômêtê, xoè hai cánh giữ thăng bằng, chiếc mỏ khoặm ngậm một miếng tim vừa moi từ lồng ngực khổng lồ của chàng…
Vẽ ác

Chiếc hồ nhỏ nằm ngay dưới chân núi Tam Đảo. Nước phẳng lặng, trong xanh, màu xanh lẫn lộn của bầu trời tháng Tám và rừng thông mọc gần sát nước cả bốn phía, trừ phía đông, nơi có một chỗ thưa với con đường đất màu đỏ nhạt ngoằn ngoèo dẫn xuống hồ. Một vẻ đẹp thanh bình và cảm động, đến mức ông đứng ngây ra nhìn hồi lâu, dù ở cái tuổi năm mươi của mình, ông đã đi nhiều và được chiêm ngưỡng nhiều cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú. Chốc chốc, từ sau những bụi cây rậm rạp lại ló ra một vài chú hươu ngơ ngác. Hươu nhà, tất nhiên, nhưng không vì thế mà giảm phần nguyên sơ hoang dã. Cách đấy không xa, cũng khuất sau những tán cây rậm, ông thấy lác đác có mấy ngôi nhà với làn khói chiều mỏng tang vấn vương trên mái. Một cảnh điền viên hiếm thấy. Khó tin rằng đâu đó chỉ cách độ mấy chục cây số là cảnh phố phường chật hẹp, ngột ngạt với trăm nghìn cái bon chen, lo lắng.

Cãi nhau với vợ, chán nản với công việc và bạn bè, ông bỏ Hà Nội lên đây tìm nơi yên tĩnh, và có vẻ như cái hồ này là chỗ lý tưởng. Ông là một hoạ sĩ đã đứng tuổi, có tài, học hành rất bài bản, vẽ nhiều và vẽ giỏi, đặc biệt sở trường tả thực. Tuy nhiên, khó có thể nói ông nổi tiếng trong giới. Người ta biết ông, nể phục ông, nhưng chẳng bao giờ đề cao ông, có lẽ một phần vì họ không làm được cái ông làm, là vẽ rất tỉ mỉ, rất giống thật. Giữa thời nhố nhăng thật giả này, ông bị coi là cổ lỗ, là “thợ nhiếp ảnh”. Vốn hiền lành nhưng yếu bản lĩnh, có thể nói nhu nhược, ông đâm ra hận mình, hận đời, có khi đến mức độc ác. Ông thất vọng cả việc đến người thân duy nhất trong nhà là bà vợ cũng không hiểu ông nốt. Chính vì cãi nhau với bà (không phải lần đầu) mà ông lên đây.

Hôm qua bà đã dùng con dao thái thịt đâm mấy nhát vào bức sơn dầu khổ lớn ông mới vẽ xong, miêu tả vua Agamênôn, thống lĩnh quân đội Hy Lạp đang tự tay cầm kiếm dí vào cổ con gái yêu của mình là Iphighênia để tế thần trong cuộc chiến tranh T’roa. (Ông say mê thần thoại Hy Lạp, La Mã và vẽ rất nhiều tranh khai thác từ nguồn này. Đấy cũng thêm một lý do người ta không thích ông lai Tây và xa lánh cuộc sống). Thành ra, theo truyền thuyết thì các thần ở đỉnh Ôlimpơ thương tình cứu sống Iphighênia, nhưng giờ đây nàng lại bị chính tay bà vợ ông đâm chết. Đúng tim. Khi đau xót nhìn kỹ, ông có cảm giác như trái tim nàng đang rỉ máu thật.

Bị căn vặn vì sao, bà vợ ông chỉ đáp:

“Kinh lắm! Tôi không chịu nổi!”

“Nhưng đây là tác phẩm nghệ thuật!”

“Nghệ thuật hay không thì cảnh chém giết cũng đáng kinh tởm! Ông không biết vẽ gì tử tế hơn à?”

Ông không đáp, chỉ lẳng lặng xách túi ra đi.

Quanh hồ chỉ có một xóm nhỏ, độ hơn chục nóc nhà, cũng sống yên bình, lặng lẽ như quang cảnh nơi này, bằng nghề nông và gần đây thêm nghề nuôi hươu lấy nhung. Ông dễ dàng tìm được nơi ông muốn. Đó là nhà một cặp vợ chồng già, con cái đã lên thành phố làm việc nên thừa một phòng trống. Họ bảo ông ở đấy, bao lâu cũng được. Nếu muốn, họ nấu riêng cho ông, còn không, “mời bác ăn với vợ chồng tôi, thêm bát thêm đũa cho vui. Chuyện tiền nong không quan trọng!”

Hai ngày đầu ông dạo lang thang quanh hồ và những khu rừng lân cận. Mọi cái tuyệt vời, chẳng ai quấy rầy, thế mà thật lạ, sau phút choáng ngợp ban đầu, chiếc hồ và quang cảnh nên thơ nơi này chẳng làm ông thanh thản chút nào. Hình như ông còn thấy khó chịu, giận dữ một các vô cớ. Có thể vì nó quá tương phản với tâm trạng ông chăng? Nhưng trở về Hà Nội thì không muốn, vì ở đấy còn khó chịu hơn.

Ngày thứ ba ông bắt tay vào vẽ. Hậm hực, cay cú và giận dữ. Lại đề tài khai thác từ thần thoại Hy Lạp. Ông vẽ cảnh Prômêtê bị xiềng trên vách núi đá Côcadơ, và một con chim khổng lồ màu đen đang xé ngực moi tim chàng. Tuy nhiên, đáng lẽ vách núi dựng đứng phải ở bên bờ biển sóng vỡ dữ dội, thì không hiểu sao ông lại thay vào đó bằng chiếc hồ con yên tĩnh, thơ mộng này. Mà lại vẽ rất giống, rất chi tiết, có cả mấy con hươu, cả mấy hòn đá xếp thành hàng từ ngôi nhà ông đang trọ dẫn xuống hồ. Con chim hung dữ màu đen là trọng tâm của bức tranh, được ông giành hết tâm sức miêu tả rất sống động. Trong tranh, nó đang bám chân vào ngực Prômêtê, xoè hai cánh giữ thăng bằng, chiếc mỏ khoặm ngậm một miếng tim vừa moi từ lồng ngực khổng lồ của chàng. Ba giọt máu tươi rơi phía dưới. Màu đen lông chim và màu đỏ của máu thật tương phản nhau. Đôi mắt con chim tròn xoe, hau háu và hung dữ. Còn chàng Prômêtê cao thượng bị thần Dớt bắt chịu hình phạt này vì tội dám lấy trộm lửa thần mang xuống cho loài người thì đang dũng cảm chịu đựng. Tay chân chàng bị xích vào vách núi bằng những sợi xích khổng lồ. Người cuồn cuộn các bắp cơ, đôi mắt mở to, kiêu hãnh, nhưng trong đấy cũng bộc lộ một nỗi đau ghê gớm. Nỗi đau của trái tim bị cái kìm nhọn mỏ chim cấu vào, rút ra từng mẩu.

Tất cả những chi tiết này được ông vẽ rất giống, rất thật. Chính ông cũng tự hài lòng với nghệ thuật của mình. Ông có cảm giác như nghe được hơi thở của Prômêtê, ngửi thấy mùi tanh của máu và bị đôi cánh khổng lồ của con chim chạm vào tay áo. Trong khi đấy, phía dưới lại là chiếc hồ con yên ả quen thuộc, có thật và nằm ngay dưới chân núi Tam Đảo, nơi ông vẫn hàng ngày đi dạo. Tất nhiên ông biết sự trái khoáy của hai cảnh đó. Trong hội hoọa bố cục như vậy không chấp nhận được. Ông biết, nhưng đang bực mình, đang muốn phá phách ông bất chấp điều ấy. Thậm chí, ông còn lấy thế làm thích. Từ trong tranh, con chim đen nhìn ông tán thưởng. Còn đôi mắt của Prômêtê thì đầy vẻ đau đớn. Ông không dám nhìn lâu vào đôi mắt ấy, vì hình như chúng oán trách ông. Cả chiếc hồ con cũng vậy.

- Ây chết, sao tay bác đầy máu thế? Ông lão chủ nhà hỏi khi vào mời khách ăn trưa, cũng là lúc ông vừa thích thú ngắm bức tranh lần cuối và đang định bước ra ngoài.

- Đâu có, ông hoạ sĩ cười. Sơn vẽ đấy.

Rồi ông xoè cả hai tay cho ông lão xem. Trên các ngón tay ông quả thật máu chứ không phải sơn. Loãng hơn, tươi hơn. Ơ đầu ngón trỏ tay phải có một giọt lớn sắp rơi xuống. Ông giật mình, vội chùi cả hai tay và chiếc tạp dề trước bụng.

- Bác vẽ gì mà trông kinh thế này? Ông lão chủ nhà lại hỏi. Sao để cho chim moi ruột gan người ta thế? Kinh quá!

Ông không đáp, chỉ gượng gạo cười, vì vẫn chưa hết ngỡ ngàng với bàn tay dính máu.

- Bác vẽ cả chiếc hồ của chúng tôi nữa đấy à?

- Vâng. Cụ thấy có giống không?

- Có. Giống lắm, nhưng... nhưng nó thế nào ấy. Nước ở đây bao giờ cũng trong xanh chứ không phải màu đỏ. Bác đã để máu rơi xuống hồ chúng tôi. Tôi sợ lắm.

Ông hoạ sĩ lại giật mình ngạc nhiên. Chỗ nước phía dưới Prômêtê quả có màu đỏ thật, dù ông nhớ không hề vẽ như thế.

Chiều hôm đó ông dạo lâu hơn thường lệ, và do mệt, ông đi ngủ sớm. Trước khi lên giường, ông nhìn kĩ bức tranh lần nữa. Chỗ nước hồ đỏ ông vẽ lại mấy lần, cố bôi xanh thật nhiều, nhưng không hiểu sao lát sau lại hiện lên màu cũ. Prômêtê đang oán trách ông. Con chim đen trâng tráo nhìn ông với vẻ thích thú không che giấu. Nó là hiện thân của Cái Ac, do chính ông tạo ra, thế mà giờ đây ông cảm thấy sờ sợ nó. Cảm giác sợ hãi mơ hồ ấy cũng len cả vào giấc ngủ.

Trằn trọc mãi hồi lâu mới thiếp đi, bỗng ông chợt tỉnh vì nghe có tiếng động lạ. Tiếng phành phạch như tiếng quạt nan đập vào tường, hoặc như tiếng cánh chim vỗ mạnh. Ông lấy làm lạ nhưng vẫn nằm yên. Hình như tiếng chim vỗ cánh, loại chim lớn, mà ngay bên cạnh. Sao lại như thế được? Chim nào vào đây, và vào cách nào khi các cửa đều đóng kín? Tiếng động còn kéo dài thêm mấy giây nữa rồi im bặt, như thể con chim, nếu quả đúng là một con chim, đã bỏ bay đi.

Ông rón rén nhỏm dậy bật đèn. Cái đầu tiên đập vào mắt là bức tranh sơn dầu khổ lớn mới vẽ. Nơi trước đây là hình con chim đen bây giờ trơ toan trắng. Ông ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, lặng người không biết phải làm gì, nghĩ gì. Nỗi sợ âm ỉ suốt ngày lúc này làm đầu óc ông tê cứng. Một chuyện phi lý, không thể tin nổi, nhưng cái chuyện phi lý ấy đã xảy ra trước mặt và ông không thể không tin. Ông ghé mắt nhìn lại, sờ cả tay vào lớp vải. Vâng, chỉ một lớp vải trắng thô ráp. Thân hình lực lưỡng của Prômêtê bây giờ bị rách thêm một miếng to, trông càng dễ sợ hơn. Cuối cùng, như chợt hiểu ra điều gì, ông vội lấy bút, pha màu rồi cắm cúi vẽ. Bộ ngực lực lưỡng của Prômêtê được chắp vá lại dần cho đến khi trên tranh chỉ còn lại mình chàng nguyên vẹn. Không có con chim Thần Ac, không có trái tim bị xé vụn và những dòng máu đỏ. Ông cảm thấy đỡ sợ phần nào. Prômêtê cũng nhìn ông với đôi mắt biết ơn và ít đau đớn hơn.

Hôm sau, trời mới rạng, cả hai ông bà chủ nhà đã đến đập mạnh cửa phòng ông.

- Bác hoạ sĩ! Dậy đi! Bác hoạ sĩ! Đêm qua nhà chúng tôi mất hai con hươu!

- Việc này thì liên quan gì đến tôi? Ông khó chịu nói khi vội ra mở cửa cho họ.

- Hay hai cụ nghi tôi ăn trộm.

- Ăn trộm thì không, nhưng liên quan thì có đấy.

- Tôi không hiểu...

- Tôi nghi con này! Ông lão bước thêm mấy bước, chỉ vào bức tranh. Con chim đen đã xuất hiện trở lại từ bao giờ trên chính bức tranh mới vẽ lại đêm qua.

Cố giấu ngạc niên, ông hoạ sĩ hỏi:

- Vì sao?

- Vì ở đây xưa nay chưa bị mất trộm cái gì. Vì đêm qua tôi nghe tiếng nó kêu, bay lượn quanh nhà. Vì bây giờ ngoài hồ còn sót lại ít thịt nó ăn chưa hết, in rõ móng vuốt của nó. Bác theo tôi ra xem thì biết.

Vẫn bộ quần áo ngủ nhàu nát trên người, ông hoạ sĩ theo họ ra hồ. Một góc hồ nước đỏ lòm vì máu của một
phần ba con hươu chưa ăn hết, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

- Suốt đêm qua tôi không ngủ được, bà già luôn im lặng, bây giờ lên tiếng. Tim tôi đau nhói, cứ như bị ai lấy kìm rứt từng tí một...

- Cả bà cũng thế à? Ông chồng vội quay sang ngắt lời. Tôi cũng không ngủ được. Cũng bị đau ngực. Chính là do con chim đó! Chính nó!

Trưa hôm ấy, ăn cơm xong trở lại phòng, ông họa sĩ thấy bức tranh đã bị ai lấy dao cắt nát, đúng chỗ con chim đen. Miếng vải bị cắt gấp xuống, làm thân hình nó méo mó, cổ bị chém đứt cùng chiếc mỏ sắc nhọn và đôi mắt háu đói, độc ác.

Ông hoạ sĩ đứng im nhìn tác phẩm của mình. Thờ ơ, không thương xót.

Một lúc sau ông già lại xuất hiện. Ông có vẻ bình tĩnh hơn, thậm chí hơi chút ngượng nghịu. Ông lúng túng ngồi xuống, tự tay pha ấm trà, rót vào chén đưa cho khách rồi hắng giọng hai lần, nói:

- Dân quê chúng tôi quen nói thẳng. Có gì không phải, bác bỏ quá cho. Nhưng thực tình chúng tôi không muốn bác ở lại đây thêm nữa. Xin bác dọn đi nơi khác thật xa, càng sớm càng tốt. Chả là, bác biết đấy, nơi này vốn yên bình, giản dị, thế mà bác đến làm xáo trộn hết bằng những cái khủng khiếp kia. Ông hất đầu chỉ về phía bức tranh.

- Vâng, hai cụ đã có ý thế thì tôi xin đi, tất nhiên. Tôi đi ngay bây giờ. Có điều, xin hai cụ hiểu cho. Tôi là người hiền lành, chưa làm ác điều gì với ai bao giờ. Tôi chỉ là anh họa sĩ, vẽ vời nhăng nhít. Một việc làm thiết tưởng cũng vô hại.

Ông già trầm ngâm một chốc rồi nói, giọng buồn buồn:

- Nhưng ông vẽ ác. Vẽ ác cũng gần như làm việc ác vậy.

Leo ngược hết con đường quanh co màu đỏ gạch, ông dừng lại thở, đưa mắt nhìn lần cuối chiếc hồ nhỏ xinh đẹp phía dưới. Nó đã lấy lại được vẻ thanh bình thơ mộng vốn có. Cạnh ngôi nhà nhỏ không xa mặt nước có hai chấm đen nhỏ. Đó là ông bà già đã cho ông ở nhờ nửa tháng qua. Có thể họ đang vẫy tay tiễn ông. Cũng có thể họ đứng đấy canh chừng có phải ông đã thực sự đi chưa. Rồi ông quay người, chậm chạp bước về phía đường nhựa để đi nhờ xe về Hà Nội. Trong đầu ông chẳng có gì ngoài nỗi buồn mơ hồ và cảm giác xấu hổ của người vừa làm điều xấu bị người khác đuổi đi. Bên tai văng vẳng câu nói chất phác mà chua cay của ông già:
“Nhưng ông vẽ ác. Vẽ ác cũng gần như làm việc ác vậy!”

T.B.T
(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cát trắng (22/06/2009)