Tạp chí Sông Hương - Số 178 (tháng 12)
Bush và chiến tranh * - Những trang viết mẫu mực về lịch sử đương đại
14:38 | 23/06/2009
HÀ VĂN THỊNHI. Có lẽ trong nhiều chục năm gần đây của lịch sử thế giới, chưa có một nhà sử học nào cũng như chưa có một cuốn sách lịch sử nào lại phản ánh những gì vừa xẩy ra một cách mới mẻ và đầy ấn tượng như Bob Woodward (BW). Hơn nữa đó lại là lịch sử của cơ quan quyền lực cao nhất ở một cường quốc lớn nhất mọi thời đại; phản ánh về những sự kiện chấn động nhất, nghiêm trọng nhất đã diễn ra trong ba năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới: sự kiện ngày 11/9, cuộc chiến tranh Afganistan và một phần của cuộc chiến tranh Iraq.
Bush và chiến tranh * - Những trang viết mẫu mực về lịch sử đương đại

Là một nhà báo của Washington Post, từng là một trong những người “đưa” Richard Nixon ra khỏi nhà trắng bằng cách phanh phui thật dũng cảm vụ Watergate. BW là một trong rất ít những nhà báo được các chính khách Mỹ vừa nể trọng vừa e sợ. Chính vì vậy, BW đã có điều kiện để thâm nhập thật sâu và gần như đầy đủ mọi diễn biến của cội nguồn các sự kiện thông qua hàng trăm cuộc phỏng vấn; biên bản hơn 50 cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cùng rất nhiều tài liệu đáng tin cậy khác. Tất nhiên, như chính tác giả đã nói, những gì ông viết “không phải là phiên bản hoàn toàn “sạch sẽ” –“sạch sẽ” với rất nhiều nghĩa” (lời tựa).

Cách trình bày lịch sử của BW hoàn toàn khác với phương pháp luận lịch sử cổ điển. Đó là sự kết hợp hiệu quả kỳ lạ giữa ngôn ngữ báo chí với ngôn ngữ lịch sử, ngôn ngữ tự sự; pha trộn nhuần nhuyễn giữa quy tắc logic và phi logic...Tôi không dám nghĩ cách viết của BW là tối ưu nhưng chắc chắn rằng đó là cuốn sách lịch sử mà ai cũng có thể đọc suốt đêm.

II) Nội dung bao trùm của cuốn sách là trình bày Học thuyết Bush từ khi hình thành, thực hiện và cả tương lai của nó. Ba giai đoạn của Học thuyết Bush- nếu có thể gọi như thế- gần như tương ứng với 3 sự kiện đã nêu ở trên. Quả thật, trong lịch sử của nhân loại rất hiếm khi có sự “trùng hợp” hoàn hảo đến như thế giữa lý thuyết và thực tiễn. Học thuyết Bush tuyên bố “quyền” (!) gây chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào, tại bất kỳ địa điểm nào, ở bất kỳ thời điểm nào. Nguy hiểm hơn, Học thuyết Bush không giới hạn quy mô, mức độ của cuộc chiến tranh chống khủng bố toàn cầu- có nghĩa là Mỹ tự cho phép mình làm tất cả những gì cần thiết.

BW đã chỉ rõ sự kiện 11/9 chỉ là “cơ hội vàng” để Bush đưa ra một chiến lược mà ông ta biết chắc sẽ làm cho nước Mỹ bị cô lập vì những nội dung cơ bản của nó đã gần như hoàn tất vào ngày 10/9- có nghĩa là 1 ngày trước sự kiện bi thảm của nhân dân Mỹ (trang 153 - từ đây chú thích (153)). Bush không hề che giấu tham vọng “đè bẹp” mọi ý đồ đi ngược lại lợi ích Mỹ- “mọi quốc gia phải có sự lựa chọn cay nghiệt, không thể thoái thác được, hoặc ở bên phía chúng tôi,hoặc không”.(64) Để thực hiện mục đích, giống như Machiavelli, Bush bất kể phương tiện. Thậm chí khi được hỏi về việc nếu phát động chiến tranh, sẽ có rất- rất nhiều người chết, tổng thống Mỹ đã trả lời bằng một giọng thờ ơ: “Chiến tranh mà”(!)(70) Sự tàn bạo dường như là một thuộc tính ban chất của chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ: khi ném bom BLU- 82 (1) nặng 7500kg, có tầm sát thương trong bán kính 550m xuống Tora Bora, người Mỹ đặt tên cho nó là Máy Cắt Hoa! (389)

III) Nội các đương quyền của chính phủ Mỹ có nhiều người gắn bó với ngành khoa học lịch sử: Cả Bush lẫn bộ trưởng quốc phòng Donald H. Rumsfeld đều có bằng cử nhân sử học; Condoleezza Rice nguyên là giáo sư môn lịch sử - chính trị ở Stanford; cố vấn chiến lược của tổng thống- Karl Rove, nguyên là giáo sư sử học...

Có thể chính vì thế mà Học thuyết Bush - cả lý thuyết và thực tiễn - đều học hỏi được rất nhiều từ những kinh nghiệm đau đớn của cuộc chiến tranh Việt Nam. Hai từ “Việt Nam” là nỗi ám ảnh thường xuyên của tổng thống Bush trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Afganistan. Afganistan “gợi nhớ về một kiểu bộ chiến ở châu Á (Việt Nam) mà lịch sử đã dạy rằng phải tránh nó bằng mọi giá” (377). Nghịch lý của lịch sử thật cay nghiệt: Bush hiểu rõ một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho nước Mỹ bại trận - thất bại đầu tiên và cho đến nay là duy nhất của đế quốc Hoa Kỳ - là một dân tộc tự cường không bao giờ chấp nhận một yếu tố ngoại lai! Tổng thống Mỹ luôn nhắc nhở các thuộc cấp không được ném bom vào đền thờ Hồi giáo, bệnh viện, trường học; và phải “cấu trúc” cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành thành cuộc chiến của người Afganistan chống lại ngoại bang (Al Qaeda)! (169) Cho dù quan điểm này là do giám đốc CIA, George Tenet trình bày nhưng đã được Bush khẳng định: “Đây sẽ là cái khung cho chiến lược của chúng ta. Chúng ta phải sử dụng người Afganistan trong cuộc chiến này”.(170) (2) Việc tổng thống Mỹ “quan tâm” đến trường học, bệnh viện hoàn toàn không xuất phát từ đạo đức mà bởi vì “Ném bom vào người dân có thể sẽ khiến cho Taliban mạnh hơn”. (173) Đây là Bài học Việt Nam 100%. Bush đã rất thành thật khi từng thú nhận: “Tôi là sản phẩm của thời kỳ Việt Nam“ (127) Sự dối trá của cái gọi là “lòng nhân đạo” của Bush còn được bộc lộ rất rõ qua cách đặt vấn đề: “Có thể nào trái bom đầu tiên ta thả xuống Afganistan sẽ là thực phẩm không?“ Sự tinh vi ma quái của tổng thống đã làm cho con người nổi tiếng khôn ngoan như Rumsfeld cũng phải bất ngờ. Phải một lúc sau Rumsfeld mới hiểu được Bush nói gì(172). Thực tế chỉ 2 giờ sau khi Mỹ tấn công Afganistan, 37500 suất ăn đã được ném xuống cho những người dân.

IV) Dù sao cũng phải khách quan ghi nhận Học thuyết Bush đã khá thành công trong cuộc chiến tranh Afganistan. Đúng 2 tháng sau khi trái hỏa tiễn đầu tiên rời bệ phóng, ngày 07 - 12 - 2001, dinh lũy đáng kể cuối cùng của Taliban là Kandaha thất thủ, nước Mỹ đã toàn thắng. 102 ngày sau sự kiện 11/ 9, tổng thống Karsai nhậm chức ở Cabul (22 - 12 - 2001). Đây là một cuộc chiến tranh chưa hề có tiền lệ trong lịch sử: chỉ với 110 nhân viên CIA, 316 lính đặc nhiệm, 70 triệu dollar để mua chuộc, duới sự yểm trợ tối đa từ trên không, nước Mỹ chiến thắng mà không mất một người lính nào (!) (3) Về mặt quân sự đó quả là một chiến tích phi thường của bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ. Tất nhiên không loại trừ nguyên nhân “tự thua” của Taliban: một chính quyền vừa bị cô lập; vừa bị mất lòng dân lại vừa ngu xuẩn. Dù không hiểu lịch sử, ai cũng biết đánh thắng một nhà nước như thế không thể là việc quá khó khăn. Bài học từ Liên Xô cũng đáng kể: người Nga mất gần một thập kỷ với hàng chục ngàn quân nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận thất bại. Bush thắng vì biết cách “làm ngược lại những gì người Nga đã làm“ (152).

Các nhà phân tích lịch sử và chính trị sẽ còn nói nhiều và dài lâu về những bài học của cuộc chiến tranh Afganistan, Iraq. Tuy nhiên rất cần phải nhắc lại những cảnh báo.

Tham vọng của Học thuyết Bush là vô cùng lớn và nguy hiểm: “Chúng ta sẽ ấn định ngữ điệu cần thiết cho các đời tổng thống tương lai”(141); “Chúng ta sẽ theo đuổi việc này (Lật đổ mọi nhà nước Mỹ không thích - HVT) đến tận cùng”... (411) Bush không phải là kẻ nói suông: bất chấp sự phản đối của loài người tiến bộ trên thế giới, coi Liên Hợp Quốc có giá trị không hơn một chiếc micro; Mỹ ngang ngược và bạo tàn xóa bỏ chế độ chuyên chế của Saddam Hussein đã tồn tại suốt 30 năm chỉ trong vòng 3 tuần (!)

Phải chăng sự chiến thắng của Hoa Kỳ là không thể nào ngăn cản nổi? “Đòn phủ đầu chiến lược” (Strategy Primption) (4) mà tổng thống Bush dọa sẽ áp dụng “nếu thấy cần thiết” luôn luôn hiệu quả? Dường như điều đó vẫn đúng cho đến tháng 3- 2003, ở Iraq. Tuy nhiên nội các Bush đã quên mất rằng cả Afganistan và Iraq đều khác xa với phần lớn của phần còn lại của thế giới mà Việt Nam là một dẫn chứng điển hình.

BW đã hoàn toàn có lý khi kết thúc cuốn sách tuyệt vời của ông bằng lời thề của những người lính Mỹ (của tư tưởng cốt lõi của Học thuyết Bush - HVT) ở Afganistan: “Chúng tôi sẽ đem cái chết và bạo lực tới bốn phương trời để bảo vệ quốc gia vĩ đại của chúng tôi” (455). Đó là một lời cảnh báo nghiêm khắc và nhiều ý nghĩa.

Huế, 19 - 9 – 2003
H.V.T
(178/12-03)

------------------------

* Nguyên văn: Bush at War - của Bob Woodward do First News và Nxb Lao Động, Hà Nội phát hành tháng 9/2003 với tựa đề “Bush và quyền lực
nước Mỹ”.
 (1) Bom BLU - 82 có khả năng sát thương gần như toàn bộ mọi sinh vật: chết, thủng phổi hoặc ít nhất là thủng màng nhĩ.
(2) Những chữ in đậm và in nghiêng trong bài viết này là của chúng tôi - Hà Văn Thịnh.
(3) Cái chết của nhân viên CIA - Johny “ Mike” Spann xảy ra 3 ngày sau khi Karsai nhậm chức (25 - 12 - 2001).
(4)Đòn phủ đầu chiến lược’ so với cách hiểu “đánh đòn phủ
đầu” cũng giống như so sánh sự “giống nhau” giữa thời gian và khoảnh khắc.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vẽ ác (23/06/2009)
Cát trắng (22/06/2009)