Tạp chí Sông Hương - Số 178 (tháng 12)
Viết tiểu thuyết là một công việc cực nhọc
10:00 | 25/06/2009
BÙI NGỌC TẤN... Đã bao nhiêu cuộc hội thảo, bao nhiêu cuộc tổng kết, bao nhiêu cuộc thi cùng với bao nhiêu giải thưởng, văn chương của chúng ta, đặc biệt là tiểu thuyết vẫn chẳng tiến lên. Rất nhiều tiền của bỏ ra, rất nhiều trí tuệ công sức đã được đầu tư để rồi không đạt được điều mong muốn. Không có được những sáng tác hay, những tác phẩm chịu được thử thách của thời gian. Sự thất thu này đều đã được tiêu liệu.

Tôi có theo dõi những cuộc hội thảo, những cuộc tổng kết... và thấy các nhà văn, các nhà phê bình nghiên cứu đều rất sâu sắc khi chỉ ra những nguyên nhân làm trì trệ nền tiểu thuyết của chúng ta, nhưng có một nguyên nhân được nhắc tới rất nhiều trong khi trà nước trao đổi than thở cùng nhau nhưng lại không được nói tới, không được bàn bạc kỹ càng thấu đáo trong hội thảo, mà theo tôi lại vô cùng quan trọng, đó là dân chủ hoá đời sống văn học.

Câu nói cửa miệng của các nhà văn, nghe đến thuộc lòng là “chúng ta đang sống trong thời đại của tiểu thuyết mà không có tiểu thuyết” có chứa đựng nguyên nhân trên. Mỗi khi cầm bút viết tiểu thuyết tôi hay nhớ đến Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng. Chúng ta đều biết Vũ Trọng Phụng chẳng những đùa với tất cả, từ cảnh sát, y học, đến những danh hiệu của nhà vua, ông còn bịa ra cả lịch sử. Làm gì có chuyện nhà vua Xiêm La cùng nhà vua Việt Nam xem đấu quần vợt và chiến tranh đã không xẩy ra, hoà bình đã được duy trì bằng cú lốp bóng hỏng của Xuân Tóc Đỏ, để rồi Xuân trở thành anh hùng cứu quốc!

Trong đời sống văn học của nước ta những năm gần đây có một hiện tượng đáng chú ý: Đó là việc dịch và in Mạc Ngôn. Nhà văn Trung Quốc này đã được đón tiếp nồng nhiệt. Báo chí viết rằng có một cơn sốt Mạc Ngôn. Tôi nghĩ nếu chỉ xét riêng về văn chương, Mạc Ngôn sẽ không được chào đón như vậy. Sáng tác hay nhất của Mạc Ngôn có lẽ là Cao lương đỏ, một quyển truyện trên trăm trang, một Mạc Ngôn hồn nhiên, chân chất, không quá say sưa với việc biểu diễn ngón nghề. Tôi cho rằng khi chúng ta hoan nghênh, chào đón Báu vật của đời, Đàn hương hình, Những cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ chúng ta chào đón nhiều hơn việc cho xuất bản những tác phẩm trên. Mạc Ngôn là cái cớ để bầy tỏ một nguyện vọng. Đủ biết nhu cầu được nhìn khác đi, được viết khác đi, được in khác đi là to lớn, cấp thiết biết chừng nào.

Người ta đã đúc kết rằng trong thời kỳ văn chương trước cách mạng, các tác phẩm hay của các nhà văn gần như cùng đồng thời xuất hiện. Thời đầu chống Pháp cũng vậy mà dễ dẫn chứng nhất là âm nhạc. Văn Cao có Trường ca sông Lô thì Nguyễn Đình Thi có Tiếng hát người Hà Nội, Đỗ Nhuận có Du kích sông Thao... Nói theo cách dân đã là con gà tức nhau tiếng gáy, còn nói cho có vẻ hơn thì đó là sự ganh đua, thi đua làm việc, cùng nhau góp hết sức mình để khu vườn nghệ thuật thêm tươi thắm, nhiều màu sắc.

Điều đáng buồn là các nhà văn hôm nay không có ý thức như thế nữa. Thậm chí chúng ta còn không đọc của nhau. Bởi vì trực tiếp đối thoại, nghe bạn tâm sự, cởi mở chân thực chắc chắn thú vị hơn đọc những điều đã được bạn mình gọt giũa, mài tròn hoặc bịa đặt vụng về cốt sao cho đúng để được in. Chúng ta không đọc của nhau những vẫn cứ nức nở khen nhau. Sự thờ ơ ấy là có thật, là phổ biến, là hoàn toàn dễ thông cảm, là công khai không giấu diếm giữa các nhà văn. Nó ăn mòn sự kích thích nhau làm việc, dẫn đến sự trung bình trong ham muốn, cái ham muốn viết được một tác phẩm để đời. Tình trạng này là vô cùng nguy hiểm. Tôi đề nghị Hội Nhà văn và cả các cấp trên của Hội hãy tạo dựng một không khí thi đua sáng tạo trong các hội viên và trong cuộc thi đua sáng tạo này hãy dành chỗ cho mọi khuynh hướng, mọi cách tiếp cận và thể hiện cuộc sống, mọi phong cách viết. Cũng như chúng ta sẽ nói chuyện với những tác phẩm xấu, non kém bằng hội thảo, bằng phê phán công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta nói chuyện với những tác giả và những tác phẩm vi phạm pháp luật bằng pháp luật chứ không cho rơi vào im lặng.

Chúng ta đều biết rằng tiểu thuyết là xương sống của một nền văn học cũng như biết rằng viết tiểu thuyết là một công việc cực nhọc. Khi viết dòng đầu tiên trên trang đầu tiên, trước mắt chúng ta là một chặng đường dài đến kiệt sức mà chưa nhìn thấy điểm kết thúc. Đó là cuộc mộng du vĩ đại và ta phải triền miên là một kẻ cực đoan. Bất kỳ ai sáng tạo đều cực đoan, nhưng người viết tiểu thuyết phải là kẻ cực đoan suốt nhiều tháng nhiều năm và phải luôn giữ vững sự cực đoan ấy nghĩa là phải có lòng tin lì lợm ở bản thân. Tin ở cuộc sống mình trình ra trước bạn đọc. Tin ở nghệ thuật của mình. Và nhất là tin ở tấm lòng mình. Để có thể dám là mình. Để có thể chân thực, không né tránh. Để có thể đẩy nhân vật tới tột cùng của số phận. Để không tự kiểm duyệt, tự cắt xén, tự pha loãng mình thành một thứ xi rô. Để có thể thể hiện cuộc sống như nó vốn có, bề bộn, ngổn ngang, nhiều dòng, chẳng bao giờ quy về một mối. Tiểu thuyết không đi đôi với sự dè dặt cẩn trọng hiền minh. Như Kun-đê-ra nhà tiểu thuyết người Pháp gốc Tiệp đã viết: “Quyển tiểu thuyết nào không khám phá được một mẫu của sự sống trước nay chưa từng có là một quyển tiểu thuyết vô đạo đức. Hiểu biết là đạo đức duy nhất của tiểu thuyết”.

Tôi luôn tin chúng ta sẽ viết được những quyển tiểu thuyết như chúng ta hằng mong ước cũng như tôi luôn tin mỗi giọt máu của chúng ta đều cháy lên lòng yêu Nhân Dân, yêu Đất nước, một Nhân Dân, một Đất nước đã đổ máu, đổ mồ hôi, đang vượt qua mọi khó khăn xây dựng cuộc sống mới và đang chờ đón những tác phẩm của chúng ta.

B.N.T

(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tã lót (25/06/2009)
Chùm thơ Võ Quê (24/06/2009)
Vẽ ác (23/06/2009)
Cát trắng (22/06/2009)