Tạp chí Sông Hương - Số 178 (tháng 12)
Huế - Qua 10 năm bảo tồn và phát triển di sản văn hóa
16:14 | 25/06/2009
NGUYỄN VĂN MỄ                    (Trích)Huế - thành phố lịch sử, một trung tâm văn hóa du lịch, là vùng đất có bề dày văn hóa với những tầng văn hóa khác nhau: di chỉ Khảo cổ học thời Tiền, Sơ sử; các dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh; văn hóa Chămpa; văn hóa Đại Việt... và vô cùng quan trọng là hệ thống di tích Cố đô được xây dựng dưới vương triều Nguyễn.
Huế - Qua 10 năm bảo tồn và phát triển di sản văn hóa
(Ảnh: Internet)

Với tư cách là Kinh đô, Huế là điểm hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam, đây cũng là nơi gặp gỡ giao lưu các luồng văn minh nhân loại. Tổng thể di tích còn lại hiện nay là đỉnh cao của sự kết hợp hài hòa của kiến trúc và thiên nhiên, đây là bức tranh rõ nét về chân dung Kinh đô xưa của Việt Nam, hội tụ những đặc trưng của bản sắc văn hóa Việt Nam, vừa chứa đựng những sắc thái văn hóa rất riêng của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Từ Kinh đô một thuở, nay trở thành Cố đô, mặc nhiên Huế giữ lại trong lòng mình những giá trị văn hóa quý giá. Đây là viên ngọc quý mà dân tộc Việt Nam đóng góp vào kho báu nhân loại.

Trải qua các cuộc chiến tranh tàn khốc và thiên nhiên khắc nghiệt tàn phá nặng nề, gần 2/3 số công trình của Quần thể Di tích Huế đã trở thành phế tích. Đến năm 1975 chỉ còn 470 công trình trên tổng số 1000. Số còn tồn tại cũng ở trong tình trạng bị hư hại nghiêm trọng. Hơn 45.000m2 mái lợp bị thấm dột, khung chịu lực của hơn 60% hạng mục công trình không còn giữ được vai trò liên kết; 10.000m tường thành của Kinh thành và la thành đang bị lở và lún nghiêng; 15 km trong tổng số 42km đường trong các di tích không sử dụng được; 30 trên 46 chiếc cầu bị hỏng mố, lở vòm; 20 trên 40 hồ trong các di tích bị lấp cạn; 8.000m kè các hồ bị lở sập làm cho việc cấp thoát nước bị tắc nghẽn; 60 khu vườn bị hoang phế, cảnh quan nhiều khu vực bị xâm hại. Kinh đô Huế vốn được quy hoạch xây dựng bằng tài năng trí tuệ của cả dân tộc, bị ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ các di sản kiến trúc mà còn ở những di sản phi vật thể như các loại hình văn học nghệ thuật truyền thống; các nghề thủ công, văn hóa ẩm thực... Bên cạnh đó, Di sản Văn hóa Huế cũng phải đương đầu với những tác động tiêu cực của quá trình đào thải.

Do xác định rõ tầm quan trọng và tính cấp bách của việc trùng tu, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa; mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Trung ương Đảng và Nhà nước CHXHCNVN đã tập trung chỉ đạo và có biện pháp tích cực, huy động mọi nguồn lực nhằm từng bước khôi phục các hạng mục công trình bị hư hại nặng; tiến hành sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu, hiện vật hiện có; chăm lo đào tạo nghệ nhân các ngành nghề, các loại hình văn hóa nghệ thuật quần chúng. Với sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung Ương, của Ủy ban UNESCO quốc gia và quốc tế, đến ngày 11/12/1993, Di sản Văn hóa Huế được UNESCO xếp hạng Di sản Văn hóa Thế giới. Tiếp đó Dự án Quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích Cố đô Huế 1996-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 105/TTg ngày 12/2/1996, tạo cơ sở vững chắc cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở cả trong và ngoài nước. Với hai sự kiện trên, Quần thể Di tích Huế đã được thăng hoa với những đặc điểm nổi bật, thể hiện rõ diện mạo và tâm hồn của vùng đất Cố đô nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Có thể nói, việc UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới đã đem lại cho chúng ta "hộ chiếu văn hóa" để mở rộng giao lưu với các nước, chọn lọc bổ sung những yếu tố thích hợp làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Quần thể Di tích Huế là một kho báu, là một bộ phận cấu thành sinh thái văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Di sản Văn hóa Huế còn mở rộng du lịch để thúc đẩy sự phát triển của tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội. Khai thác và phát huy giá trị văn hóa là một giải pháp để bảo tồn làm cho di tích sống lại, hòa với cuộc sống đương đại. Hoạt động du lịch văn hóa tại Huế đã góp phần tạo ra sự tăng trưởng nhanh của các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, thương mại, công nghệ thông tin và ngành nông lâm, thủy sản, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động xã hội; đồng thời, tạo điều kiện phát huy tài năng sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu khoa học, thúc đẩy mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực văn hóa du lịch.

Mười năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sự tham gia đầy nhiệt huyết của cán bộ, Đảng viên và nhân dân Thừa Thiên Huế, công tác trùng tu, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Huế đã có được những chuyển biến lớn lao và đạt những thành tựu to lớn. Hơn 80 công trình được phục hồi, hàng trăm công trình được bảo quản chống xuống cấp, hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường, không gian hoang phế được thu hẹp. Nhờ huy động tốt các nguồn đầu tư vốn hơn 180 tỷ đồng, nhiều công trình có giá trị tiêu biểu đã được tu bổ như Ngọ Môn, Duyệt Thị Đường, điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, Hiển Lâm Các, Thế Miếu (Đại Nội), Minh Thành Điện (lăng Gia Long), điện Sùng Ân, Minh Lâu (lăng Minh Mạng), điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị), Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung (lăng Khải Định), Kỳ Đài, Phu Văn Lâu (Kinh Thành)...

Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng đã nhận được 10 dự án tài trợ của các Chính phủ Nhật Bản, Lào, Ba Lan, Thái Lan, Canada, Đại sứ quán Vương Quốc Anh, Đại sứ quán Đức... về tôn tạo tu bổ di tích. Ngoài ra còn thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu, lập dự án và phối hợp tu bổ tôn tạo tại các di tích như: với Công ty Rhône-Poulenc trong việc bảo quản Hiển Lâm Các; với CODEV, Hội tái tạo Nghệ thuật Việt Nam, Hội người yêu Huế tại Pháp trong Dự án tu bổ Duyệt Thị Đường và Văn Thánh; chương trình hợp tác với Quỹ Di sản Thế giới và Công ty Tài Chính American Express của Hoa Kỳ trong kế hoạch trùng tu, nâng cấp Minh Lâu và Bi Đình. Dự án khôi phục Ngôi nhà Di sản tại 73 Lê Thánh Tôn Huế với sự giúp đỡ của vùng Nord Pas de Calais và Cộng đồng đô thị Lille. Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng đang triển khai dự án hợp tác với Viện Nghiên cứu Kiến trúc Đại học Waseda (Nhật Bản) nghiên cứu lập dự án phục hồi Điện Cần Chánh và một số công trình khác.

Mười năm qua, kể từ khi Di tích Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, công tác bảo tồn di tích đang được từng bước chuyên môn hóa với những lĩnh vực nghiệp vụ riêng biệt, đồng thời càng được xã hội hóa rộng rãi. Sự tiến bộ cả về nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân dân đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong hành động với mục đích chung là bảo vệ sự tồn tại lâu dài của khu di tích Huế. Thành tựu trên đã góp phần nâng cao mức sống của người dân, kích thích các hoạt động du lịch phát triển làm cho du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Những giá trị văn hóa Huế cũng đã tích cực góp phần mở rộng giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước trong vùng và trên thế giới, tranh thủ tốt sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy Di sản Văn hóa Huế. Hai mươi năm qua, cuộc vận động bảo vệ di tích Huế đã được UNESCO đánh giá là một trong hai cuộc vận động toàn cầu mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Đảng bộ và Chính quyền nhân dân Thừa Thiên Huế đánh giá cao và chân thành cảm ơn sự đóng góp của các tập thể và cá nhân ở trong và ngoài nước đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công tác trùng tu, bảo vệ Di sản Văn hóa Huế không chỉ bằng sự động viên tinh thần, sự ủng hộ về vật chất, mà còn cả tâm sức, trí tuệ, sự sống của mình.

Bên cạnh thành tựu to lớn trên đây vẫn còn nhiều khó khăn chưa khắc phục được, vẫn còn không ít các công trình tiêu biểu chưa được phục hồi, dấu vết hoang tàn đổ nát vẫn chưa được xóa hết ở nhiều di tích. Việc huy động các nguồn lực chưa được phát huy đúng mức. Các giá trị văn hóa phi vật thể tuy được ưu tiên đầu tư nhưng kết quả đạt được còn hạn chế do chưa có kế hoạch cụ thể và giải pháp đồng bộ. Việc giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng làng, xã, gia đình giữ gìn phong cách nếp sống của người dân Cố đô chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Những nỗ lực không mệt mỏi của công cuộc bảo tồn Di sản Văn hóa Huế đã làm cho Di sản Văn hóa Huế từng bước hồi sinh với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt, đúng như Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương - đã khẳng định: "Thời gian đã chứng minh tầm vóc một di sản văn hóa, thời gian cũng chứng minh khả năng gìn giữ di sản của con người. Thời gian ủng hộ con người. Không phải là sự tàn phá, ngủ quên, thời gian đang giúp chúng ta làm sống lại từng vẻ đẹp, cho ta thêm bạn bè, ký thác những nỗi niềm hy vọng".

Để đẩy mạnh công tác bảo tồn trong giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế sẽ tập trung các nội dung sau:

1. Tập trung các nguồn lực để bảo tồn có hiệu quả các giá trị văn hóa theo Dự án Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế 1996-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nâng cao chất lượng bảo tồn đảm bảo các nguyên tắc của Công ước quốc tế và Luật Di sản Văn hóa quy định. Kết hợp đồng bộ giữa trùng tu di tích, với xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. Tiến hành sưu tầm tổ chức trưng bày các hiện vật độc đáo vào những không gian mà nó đã tồn tại. Nâng cao chất lượng trưng bày ở các khu di tích và ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, tạo sự hợp lý giữa tính biên niên và tính chủ đề, giữa nghệ thuật và lịch sử để đáp ứng yêu cầu của công chúng và của du khách về mặt hưởng thụ các giá trị văn hóa. Tích cực sưu tầm mua thêm các cổ vật quý trong nhân dân nhằm làm phong phú tài sản văn hóa. Thiết lập hệ thống tư liệu thông tin về di sản văn hóa động sản nhằm phục vụ công tác quản lý cũng như hợp tác nghiên cứu giữa các khu di sản, các bảo tàng trong nước cũng như quốc tế. Việc làm này sẽ phục vụ việc ngăn chặn có hiệu quả sự xâm hại và tra cứu tìm kiếm khi hiện vật bị mất mát. Tuyên truyền và phổ biến các quy định, kiến thức bảo quản để các tổ chức, nhân dân biết và tiến hành giữ gìn những giá trị mà họ đang sở hữu.

Bên cạnh việc trùng tu các di tích trong Quần thể Di tích Cố đô Huế cần kết hợp đồng bộ trùng tu bảo tồn các di tích liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ tại Huế, các di tích lịch sử cách mạng, các danh thắng, phố cổ Bao Vinh và phố cổ Gia Hội, nhà vườn ở Huế và vùng phụ cận... bảo vệ cảnh quan sông Hương và các vùng tiếp giáp di tích...

Chấp hành nghiêm túc Luật Di sản Văn hóa trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án: chỉnh trang cảnh quan đô thị; giải tỏa dân cư ở các khu di tích đã được khoanh vùng bảo vệ... Tiếp tục ban hành các quyết định, quy chế quản lý cải tạo, xây dựng các công trình kiến trúc trong khu Kinh thành và các lăng tẩm.

2. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng các yêu cầu về thiết lập dự án, hoạch định chương trình bảo tồn, cung cấp các luận cứ khoa học góp phần vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Thẩm định các giá trị về văn hóa phi vật thể, để có biện pháp bảo tồn các lễ hội, các loại hình nghệ thuật... một cách thiết thực hiệu quả. Tập trung xây dựng Đại Nội, Cung An Định trở thành những địa chỉ văn hóa hấp dẫn, những trung tâm sinh hoạt với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào quản lý, bảo quản công trình, hiện vật, các tư liệu văn hóa lịch sử. Xây dựng mạng thông tin phục vụ công tác quản lý và hoạt động trùng tu, bảo vệ di sản văn hóa Huế; đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và giao lưu quốc tế.

3. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, thực hiện có hiệu quả các dự án đã cam kết với UNESCO và các tổ chức quốc tế. Tranh thủ sự hỗ trợ về các mặt kinh phí tài chính, kinh nghiệm, đào tạo, tuyên truyền. Tăng cường liên kết để mở rộng các đề tài khoa học, các chương trình hợp tác để khẳng định vị trí của khu di sản Huế. Trước mắt thực hiện tốt các dự án hợp tác với đại học Chiêu Hòa, đại học Waseda Nhật Bản, với ICROM và các đối tác khác.

4. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch bao gồm cả tham quan di tích, thắng cảnh; tham dự Festival định kỳ và các lễ hội văn hóa cung đình, văn hóa dân gian. Nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch từ các khâu lưu trú, vận chuyển, mua sắm, nghỉ ngơi đến các dịch vụ ngành bưu điện y tế... Tiếp tục nâng cấp ga đường sắt, các tuyến đường bộ đến các di tích; hoàn thiện Sân bay du lịch quốc tế Phú Bài, cảng Chân Mây; xây dựng và sớm đưa vào hoạt động các cụm điểm du lịch Lăng Cô - Bạch Mã- Cảnh Dương, cụm Tân Mỹ - Thuận An, các khu vui chơi giải trí Ngự Bình - Thủy Tiên; Ổn định các tour du lịch sinh thái, du lịch thể thao, nghỉ dưỡng; phát triển tuyến du lịch "khám phá nghệ thuật sống" ở Huế; khám phá đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại và tuyến du lịch "Con đường Di sản Văn hóa Thế giới". Phấn đấu từ năm 2004 và những năm tiếp theo đạt lượng khách từ 1,8 đến 2,5 triệu lượt mỗi năm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước nhằm đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch. Luôn giữ vững những đặc điểm tốt đẹp mà khách đã đúc kết dành cho Huế: Huế có di tích, danh thắng phong phú, hấp dẫn, con người Huế kín đáo, thân thiện, giá cả sinh hoạt rẽ và tuyệt đối an toàn. Xây dựng phương án và các biện pháp để khắc phục những tác động tiêu cực do du lịch số đông mang lại.

5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong và ngoài nước về giá trị Di sản Văn hóa Huế. Tập huấn cho cán bộ, các tình nguyện viên kiến thức và kỹ năng, thông qua đội ngũ này để tuyên truyền cho mọi người thực hiện bảo vệ, gìn giữ di sản, nhất là sự tham gia của lớp trẻ. Các cơ quan chức năng chỉ có thể làm tốt trách nhiệm của mình khi mọi người nhận thức đúng và cùng tham gia một cách đầy đủ, tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa du lịch.

6. Từng bước kiện toàn bộ máy nghiệp vụ bảo tồn tương xứng với quy mô và tính chất công việc. Tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Thông tin, của các nhà khoa học đầu đàn để làm tốt công tác tư vấn cho các chuyên ngành khoa học bảo tồn. Xây dựng các thiết chế phục vụ cho các hoạt động chuyên môn tiến tới xây dựng Huế thành một Trung tâm chuẩn mực về lĩnh vực bảo tồn. Chú trọng các khâu đào tạo để bổ sung cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật, bao gồm đào tạo tại chỗ, đào tạo tập trung, đào tạo trong nước và nước ngoài. Có chính sách cơ chế khuyến khích đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ để họ truyền thụ kiến thức cho thế hệ kế tiếp. Đó là những nhân tố có tính quyết định đảm bảo cho công cuộc bảo tồn di tích có lực lượng đáp ứng cả trước mắt và lâu dài. Việc kiện toàn củng cố bộ máy sẽ tạo tiền đề cho việc không ngừng nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả của các cấp, các ngành trong việc phối hợp triển khai các kế hoạch được xác định trong từng giai đoạn của Dự án Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích Cố đô Huế 1996-2010. Chỉ trên cơ sở đó mới thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Nghị quyết TW5 (Khóa VIII) đã đề ra là: "Nâng cao chất lượng của các thiết chế văn hóa hiện có, sắp xếp hợp lý các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp và kinh doanh, nâng cấp các đơn vị văn hóa nghệ thuật trọng điểm tạo chất lượng mới cho toàn ngành".

Di tích lịch sử văn hóa là sản phẩm tập trung trí tuệ, là tình cảm của con người, là biểu hiện tính sáng tạo của mỗi dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là thể hiện trình độ nhận thức, thái độ ứng xử của từng quốc gia.

Mười năm, kể từ khi Quần thể Di tích Huế được công nhận Di sản Văn hóa Thế giới (1993-2003), công cuộc bảo tồn di tích đã trải qua một chặng đường trong một hành trình dài với nhiều thành tựu. Di tích Huế đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp để chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Sự nỗ lực này đã tạo ra những tiền đề mới, đưa Di sản Văn hóa Huế lên một tầm cao mới, đồng thời, mở ra những triển vọng và cả những thách thức cho công cuộc bảo tồn cũng như phát huy các tiềm năng đang chứa đựng trong kho tàng văn hóa quý giá này.

Với sự quan tâm hỗ trợ sâu sắc của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành, của nhân dân cả nước, của cộng đồng quốc tế Di sản Văn hóa Huế hồi sinh và có được như hôm nay. Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục vươn lên để xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước và của bạn bè quốc tế, không những nỗ lực giữ gìn trọn vẹn những giá trị di sản có tính nổi bật toàn cầu đã được thế giới công nhận, mà phải góp phần sáng tạo ra những giá trị văn hoá kế tiếp làm cho Huế luôn luôn mới.

N.V.M

(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tã lót (25/06/2009)
Chùm thơ Võ Quê (24/06/2009)