Tạp chí Sông Hương - Số 179-180 (tháng 1-2)
Điều gì đó không đến
14:54 | 01/07/2009
PHAN TUẤN ANHLớp Lý trong một chiều nhốn nháo. Vài đứa con gái ngồi sụt sùi cho nhân vật nữ trong phim trên ti vi chết sớm và nguyền rủa đạo diễn như một tay giết người. Những đứa con trai thì tiếc rẻ cho một vài pha bóng hụt tối qua, để lại hậu quả là mất hẳn một "tháng lương" mà nhẽ ra đã có thể lĩnh sáng nay tại... chủ quán.

Tệ hơn nữa là sáng nay hoa khôi của trường đi ngang qua nhưng đành ngậm đắng nuốt cay nhìn những đứa con trai lớp Toán lắm tiền mời đi ăn sáng. Vài kẻ hùng hồn diễn thuyết máu lửa về một bài học nào đó và chắc là họ nghĩ cái gì cao hơn thì sẽ có trọng lượng hơn nên bèn nhảy cả lên ghế để tranh luận. Bỗng có ai đó ré lên: "Giáo sư tới", và mọi chuyện bỗng im bặt như thể mất điện mà mọi âm thanh đều vạn hành từ điện vậy.

Thầy nhẹ nhàng bước lên bục giảng, vẫn nụ cười Angloxaxong như mọi ngày. Dĩ diên thầy mới được giữ lại trường nên chưa được phong làm giáo sư. Tuy nhiên, một người thi vào thủ khoa, thi ra thủ khoa và nổi tiếng "hắc" lẫn thông thái như thầy thì hoàn toàn có thể trị một lớp quậy như lớp Lý. Trong lớp học mọi đứa con gái đều trở nên mơ mộng mỗi khi đến tiết thầy, còn Linh thì không thích đi lại những con đường người ta đã đi và đến những nơi người ta muốn đến. Linh được mọi người coi là một bí thư đoàn cứng cỏi. Trong khi đó, thầy vẫn luôn cho rằng Linh chỉ là một cô bé năm bốn hay thắc mắc mà thôi.

- Như ta đã biết một đại lượng vectơ là những đại lượng có hướng như lực kéo, lực đàn hồi, phản lực... - Thầy cầm micro giảng bài. Phong cách của thầy có cái gì đó phảng phất phong cách của một ca sỹ.

- Thưa thầy... thời gian có phải là một đại lượng vectơ không ạ? - Linh hài lòng về một câu hỏi hóc búa của mình.

- Tất nhiên thời gian không phải là một đại lượng vectơ.

- Nhưng tại sao người ta cho rằng thời gian vẫn trôi? Trôi tức là có chuyển động, mà chuyển động tức là phải có hướng. Ví dụ như người ta bảo "Hai tháng nữa là đến tết". Như vậy, có đến tức là có đi, có điểm xuất phát, có đích. Rõ ràng thời gian là một đại lượng vectơ.

Linh cười thầm và chuẩn bị cho một chiến thắng trước thầy.

- Rất hay! nhưng theo chị thời gian lấy phương nào, chiều nào để quy định? Người ra nói "thời gian trôi về phía trước" song tại sao nói "sau này" để dự định làm một điều gì đó. Có vật theo thời gian sinh ra, lớn lên và chết đi như chúng ta, nhưng có vật theo thời gian tiêu huỷ, tái sinh rồi lại tồn tại như cái bao chẳng hạn. Vậy lấy hệ quy chiếu nào cho thời gian đây? Điểm đi và đến mà chị nói thật mơ hồ, năm tháng chị nói cũng chẳng phải là do chúng ta quy ước đó hay sao? Ai dám chắc thời gian bắt đầu ở đâu và kết thúc ở nơi nào. Khoa học không chấp nhận mơ hồ, khoa học là chính xác. Nhưng dù sao ý kiến của chị vẫn rất thú vị.

Thầy vẫn thế, cho dù đập cho luận điểm của đối phương tơi tả vẫn đề cao họ một cách... đáng ghét. Trên bục giảng, thầy lại cười nụ cười Angloxaxong quen thuộc.

Lớp Lý trong những ngày cuối năm học. Ngoài đường tiếng ve kêu râm ran bên những chùm hoa phượng nở bung đỏ phố phường. Tiếng ve kêu cứ thảng thốt mãi vào những tháng đầu hạ, để rồi khi tất cả nghỉ hè, những chú ve chỉ còn là những cái vỏ khô khốc. Người ta cứ bảo ve kêu vào mùa hè nhưng hình như tiếng ve chỉ gọi hè về. Ôi chao! cứ đến giữa hè và cuối hè mới thèm một tiếng ve râm ran như tiếng ve thủa nào kêu vang ngoài phố xá. Tất cả vẫn đùa vui tuy thoáng trong mắt ai một nỗi buồn vô cớ nào đó. Lớp Lý không đa cảm như lớp Văn nhưng khi mấy đứa con gái ở xa chuẩn bị đồ đạc cũng không khỏi sụt sùi. Rồi những thoáng thẫn thờ như thế cũng qua nhanh khi tất cả phải lao vào một kì thi tốt nghiệp sắp đến.

- Có ai thắc mắc gì nữa không ạ? - Giọng thầy vẫn bình thản pha chút hài hước vào những tiết học cuối cùng.

- Thưa thầy... trong biểu thức tính vận tốc thì thời gian có phải là một hằng số (số xác định) không ạ? - Vẫn là Linh với những câu hỏi bướng bỉnh của mình.

- Nếu vận tốc và quãng đường là những hằng số. Được chưa ạ? - Thầy vẫn nói giọng của kẻ dưới lẫn của người trên.

- Nhưng thời gian không phải là một đại lượng xác định. Có ai biết thời gian bắt đầu từ khi nào và kết thúc ở đâu? Thời gian không xác định cụ thể vì thế thời gian không phải là một hằng số. - Giọng Linh cứng cỏi để che giấu nỗi vui mừng bắt bẻ được thầy. Một lí lẽ mà Linh cho rằng không thể nào bị bẻ gãy.

- Chị có lí! Song ở đây thời gian không phải là thời gian vô tận từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Thời gian ở đây chỉ vận tốc mà vật đạt được trên quãng đường đó mà thôi. Nếu ta lấy t1 làm kí hiệu đặc trưng cho thời gian mà vật bắt đầu đạt được vận tốc V trên quãng đường S và t2 là kí hiệu đặc trưng cho thời gian vật kết thúc vận tốc V trên quãng đường S thì có thể xác định được điểm bắt đầu và điểm kết thúc của thời gian. - Thầy lại mỉm cười, nụ cười quen thuộc.

Lớp Lý ngày chia tay. Người ta nói hết những gì chưa kịp nói. Một anh chàng nhút nhát để ý một "bà chằn" từ lâu. Một tên hung hăng cảm thấy ghét chính mình. Vài đứa đã có nơi nhận làm việc nhưng đa số chưa biết sẽ làm ở đâu. Tuy nhiên, ai cũng xác định cho mình một nơi để về, để đến. Bốn năm thời gian chưa đủ lâu để người ta có thể quên đi tất cả, nhưng cũng không phải là ngày hôm qua để có thể nhớ tất cả. Những gì đáng quên đã tự quên và những gì đáng nhớ cứ âm ỉ mãi trong lòng. Một không khí chứa đầy những cảm xúc lạ lẫm với một lớp đông và vui như lớp Lý. Ai cũng muốn chụp cùng nhau vài tấm ảnh kể cả những tên vốn tự ti với vẻ ngoài của mình hay những cô nàng chỉ thích chụp ảnh chân dung kĩ thuật số... Linh vẫn là đầu tàu của lớp trong những ki-lô- mét đi cùng nhau cuối cùng. Sau bài hát chia tay, bí thư nghẹn ngào nói:

- Tôi xin thông báo một tin... không vui, thầy chủ nhiệm lớp ta đang bị ốm nặng ở bệnh viện. Như ta đã biết nhà thầy ở xa nên thầy đang ở một mình. Tôi đề nghị chúng ta đến thăm thầy trước khi các bạn ở xa lên đường.

Bệnh viện 7 giờ tối. Thầy vẫn còn đó nụ cười Angloxaxong quen thuộc nhưng trong bộ pyrama ủ rũ. Không còn cravat, áo ủi thẳng tắp và những chiếc tay áo dài gài nút cẩn thận, trông thầy thật gần gũi. Tụi học trò cứ xúm xít lên, trách thầy sao cả năm không đau, không nghỉ giờ nào, giờ chia tay lại lăn ra ốm. Thầy cười bảo:

- Bệnh tật đâu phải "hằng số". Dù sao thầy cũng cố hoàn thành một "vectơ" năm học từ "điểm mút bắt đầu tới điểm mút kết thúc" một cách hoàn hảo. Phải không bí thư?

Linh cảm thấy không còn khó chịu với thầy như trước nữa. Khi cả lớp lục tục ra về vào mười hai giờ khuya, Linh và Chi lớp trưởng vẫn còn ở lại. Con béo ngủ khì trên ghế còn Linh vẫn thức cùng thầy. Linh không chịu đi ngủ, ít ra Linh vẫn là người không làm theo ý thầy khi không thua lí lẽ. Lần này thầy không có lí lẽ nào để giải thích thêm mà lúng túng thấy rõ.

- Sao em không ngủ đi? Thầy đi ngủ liền mà.

- Thì thầy cứ ngủ trước, em lỡ thức giùm Chi rồi.

- Nhưng thầy đau lắm. Đôi khi cả đêm không ngủ, em cứ ngủ đi.

- Vậy thì em thức nói chuyện với thầy cho vui.

- Ban đêm ồn ào người ta la cho đó... Lúc nào cần thầy sẽ gọi.

- Không! em thức trực bệnh nhân mà. Em đã ngủ là không nghe gọi đâu.

- Thì... có y tá họ trực chứ lo gì em.

- Phòng trực xa lắm thầy à.

- Ừ thì có cô y tá bạn thân thầy tí nữa đến.

- Sao cô ấy đến trễ vậy hả thầy. Chắc người ta bận rồi.

- Không! cô ấy nhất định đến, chắc tôi nay bận ca trực đấy. Có cô ấy nói chuyện cũng được. Em cứ đi ngủ đi.

- Thế nói chuyện với cô y tá đó không ồn. Người ta không la hả thầy?

- Ừ thì... sao ồn được... mà sao em bắt bẻ thế.

- Hì hì! tâm tình thì nho nhỏ thôi phải không thầy? Có người yêu y tá hèn gì nằm viện siêng thế, thầy đỏ mặt rồi kìa.

- Con nhóc quỷ quái, cho một trận bây giờ. Người ta đỏ mặt vì sốt mà.

Linh chạy ra ngoài sau khi nháy mắt tinh nghịch. Khung cảnh trời đêm với những ngọn đèn đường vàng tỏa sáng xa xa nối tiếp nhau như một đường hạnh phúc. Đứng ở nơi này cứ muốn tìm tới nơi kia, mong gặp một ai đó, nói một điều gì đó bất kì trong đêm. Để rồi khi ta đến khoảng sáng phía trước mặt mới bẽ bàng nhận ra ở đó cũng chẳng có một ai, chẳng nói được một câu gì. Nhưng... phía trước vẫn còn đó những ngọn đèn kéo dài, kéo dài thẳng tắp...

Những ngọn đèn kia rồi sẽ kéo về đâu nhỉ? Linh miên man nghĩ. Ai mà biết, chỉ biết những ngọn đèn kéo dài tới tận bình minh. Chẳng lẽ trên thế gian hay dưới tất cả các ngọn đèn đều không có ai chờ thức hay sao? Nhất định phải có chứ! Chắc hẳn họ cũng đang tìm kiếm ta, chờ nói với ta điều gì đó. Không đêm này thì đêm mai, không cột đèn này thì cột đèn khác... Thời gian và cả không gian quả là mông lung, khó xác định. Điều gì đó không đến không hẳn là không có.

P.T.A

(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Lòng mẹ (13/07/2009)
Ông và cháu (13/07/2009)
Trở về (10/07/2009)
Các bài đã đăng