Tạp chí Sông Hương - Số 179-180 (tháng 1-2)
Thương nhớ hoa đào
09:36 | 02/07/2009
NGUYỄN XUÂN HOÀNG1. Từ Huệ nằm thiêm thiếp bên cạnh án thư. Tóc râu chàng bạc trắng. Đêm qua, ngoài trời mưa gió to quá. Chàng không làm sao ngủ được. Từ Huệ sợ mưa, sợ phải nghe thấy những âm thanh cuồng nộ của trời đất. Điệu luân vũ ấy là nỗi ám ảnh khi chàng còn là một anh khóa vô danh.
Thương nhớ hoa đào
(Ảnh: Internet)

Dù tư gia vô cùng nghèo khó, chàng vẫn nuôi chí học hành. Khép mình vào khoa cử, chàng đã có lúc làm khổ nhục cả hình hài của mình. Học ban ngày, chàng cột chân vào án thư bằng một sợi dây thừng đen. Học ban đêm, để khỏi buồn ngủ, chàng cột tóc ngược lên xà nhà bằng một sợi dây thừng trắng. Một chiếc dùi thép cũng được chàng đặt rèn ở lò rèn lão Tư Hoa, dài cỡ hai gang tay người lớn. Khi quá buồn ngủ, chàng sẽ dùng nó chọc mạnh vào đùi. Ba năm trời ôn luyện, hai đùi chàng đầy những vết sẹo đen đã cũ. Chồng lên những vết sẹo đen là những vết sẹo đỏ mới tươi lõm hình đầu dùi còn chưa khép miệng.

Mất chồng từ khi còn rất trẻ, mẹ Từ Huệ đã ở vậy nuôi chàng. Ngày bắt ốc mò cua, đêm lách cách dệt vải, có áo quần ấm, có thức ăn ngon, mẹ thường dành riêng cho chàng. Vì vậy, dù nhà nghèo khó, Từ Huệ vẫn được nuông chiều. Thương mẹ, chàng quyết chí lập thân.

2. Từ khi còn rất trẻ ở bến sông, Từ Huệ đã phải lòng người con gái út của ông lão thuyền chài. Nàng tên là Ba. Trong đôi mắt si tình của Từ Huệ, nàng Ba là người con gái đẹp nhất vùng. Là đứa con gái của sông nước, da nàng có màu nâu sáng của phù sa Hoàng Sơn và màu nước xanh mạt ly. Đôi mắt nàng khi nhìn Từ Huệ sáng hoang dại như những vì sao trời đêm đêm rơi xuống bến sông Thai. Tóc nàng Ba dài thênh thang, sợi to như những sợi lưới mà cha nàng vẫn dùng để đánh bắt cá ở khúc sông này. Từ Huệ yêu nàng lắm, nhưng chàng không dám xao nhãng việc học hành. Những lúc học quá nhọc mệt, chàng tìm ra bến sông để được nhìn thấy bóng hình yêu dấu. Nàng Ba đang giúp cha đánh cá. Biết có Từ Huệ trên bến, nàng nghịch ngợm lấy mái chèo hất nước về phía chàng. Từ Huệ âu yếm dõi theo con thuyền chài trôi xuôi chầm chậm theo dòng nước. Âu yếm ngắm mái tóc dài của nàng Ba lúc này đã như một vệt đen xanh mờ ở cuối con thuyền.

Mùa xuân năm ấy, hoa đào nở đỏ cả một khúc sông. Chưa năm nào hoa đào làng Thai lại nở đẹp như vậy. Màu hoa hực hở trong nắng chiều vàng mật ong như mời gọi trai gái tự tình. Từ Huệ không làm sao học được. Bài “Bạch Đằng giang phú” ngày thường chàng rất mê, giờ bỗng nhạt thếch như nước ốc. Đầu óc chàng lởn vởn hình ảnh nàng Ba. Nụ cười ngà ngọc của nàng làm trái tim chàng buốt đau, miệng mặn đắng cơn thèm khát... Mở sợi dây thừng dưới chân, Từ Huệ vươn vai kêu răng rắc. Chàng khép nhanh sách lại, và bước vội ra vườn. Ở một góc khuất tăm tối của khu vườn tạp, Từ Huệ ngạc nhiên khi nhìn thấy nàng Ba đã đứng đó tự bao giờ. Không đợi Từ Huệ nói câu nào, nàng Ba đã vồ vập ôm choàng lấy chàng, giọng đắm đuối “Đêm nào... đêm nào..., thiếp cũng trốn cha lên đây để được nhìn thấy chàng. Những bài học khi chàng đọc to, thiếp đã thuộc nằm lòng. Thiếp sợ tình thiếp làm chàng bịn rịn mà xao nhãng văn chương. Nên từ bấy đến giờ lòng đã trộm thầm yêu thương chàng mà lời chưa dám nói...”. Đắm đuối ngắm gương mặt nàng Ba, Từ Huệ nói giọng run run “Nàng đã nói hộ lòng ta. Ta từ lâu cũng đã thương thầm trộm nhớ nàng, mà lòng còn e dè, chưa biết lòng nàng thể nào”. Dưới những hàng cây tăm tối trong khu vườn của người cha để lại, Từ Huệ hôn nàng Ba. Hai tấm thân run rẩy nép vào nhau như không muốn chia lìa.

3. Kể từ hôm ấy, cứ chiều chiều, Từ Huệ lại tìm ra bến sông. Chàng ngồi lặng lẽ dưới gốc cây liễu nhỏ, ngắm dáng nàng Ba đang giúp cha đánh cá. Mặt sông buổi chiều nhuôm nhuốm ráng đỏ. Sắc nước như gương mặt nàng Ba chuếnh choáng hồng. Lũy tre xanh miệt mài in bóng xuống dòng nước. Tiếng mái chèo xua cá vỗ vào mạn thuyền tạo ra những âm ba dồn dập khắp mặt sông rộng. Chốc chốc, nàng Ba lại xoay lưng về phía Từ Huệ, cái đáy lưng ong của nàng chập chờn gần xa khiến lòng Từ Huệ như mê muội.

Yêu nàng Ba, Từ Huệ quyết nuôi chí lập thân. Chàng ngày đêm miệt mài ôn luyện. Buổi sáng, chàng buộc chân vào án thư. Buổi đêm, chàng buộc tóc lên xà nhà. Cây dùi thép để bên ghế ngồi, cán đã mòn vẹt. Hai đùi chàng đầy những vết sẹo đen nhằng nhịt.

Thấm thoát đã mấy năm trôi qua, ngày lên đường ứng thí đã gần kề. Đêm cuối trước khi lên đường, Từ Huệ hẹn nàng Ba ở bến sông. Đêm ấy sương lạnh. Trăng muộn. Trong đêm tối ngàn cánh hoa đào có màu nâu sẫm nở âm thầm trước cuộc chia ly. Họ ngồi bên nhau dưới gốc cây liễu nhỏ. Bờ vai nàng Ba ướt đẫm sương đêm. Hơi ấm từ thân thể thanh xuân của nàng tỏa ra dìu dịu. Từ Huệ nói “Mai đã là ngày ta lên đường. Thi cử là chuyện học tài thi phận. Đi xa, lòng nhớ nàng, vậy mong nàng gìn vàng giữ ngọc cho trọn vẹn tình ta”. Nép người vào Từ Huệ, nàng Ba lưu luyến “Da thịt thiếp dầu có tan nát cũng là để dành riêng cho chàng. Đã là bậc bố kinh, lẽ ra phải đợi ngày chàng vinh quy thì điều ấy cũng chưa muộn. Nhưng đi xa sóng cả, dâu bể khôn lường, ai biết ngày sau thế nào. Vì vậy mà đêm nay thiếp nguyện hiến dâng cho chàng”. Nói xong, nàng Ba cởi xiêm y, gỡ chiếc trâm bằng thân cây kinh trên tóc đặt trên cành hoa đào. Từ Huệ lúng túng, trái tim chàng như con chim hồng đập cánh dữ dội muốn xổ tung ra khỏi lồng ngực nhức nhối. Cảm kích, Từ Huệ bảo “Tình nàng đã vậy, lòng ta yêu thương nàng, dầu da thịt ta có tan nát thì tình này nguyện vẫn nồng say”. Trăng lên đã cao. Ngàn cánh hoa đào bên bến sông nở lách tách. Họ nằm xuống trên mảnh đất mềm ấm phù sa. Từ Huệ nhìn thấy ánh trăng trôi trên sông lớn, dòng đào hoa lấp lánh ánh sáng chảy về tận cuối nẻo xa. Thân thể nàng Ba lồ lộ dưới ánh trăng xanh biếc. Gương mặt nàng trắng nõn nường như đóa quỳnh hương nở vội vàng trong đêm cuối năm. Động hoa đào như trời đất mở ra miên man suốt con đường tình ái của Từ Huệ. Chàng run rẩy không phải trong cái lạnh của ánh trăng đêm thâu mà là da thịt diễm lệ của nàng mời gọi từng cơn đê mê. Từ Huệ vùi đầu vào ngực nàng Ba, chàng nghe tiếng tim nàng đập vội vàng từng nhịp thắc thỏm... Hơi ấm từ khuôn ngực trần của nàng tỏa ra nóng bỏng môi Từ Huệ. Chàng miết đôi môi lên làn da như lửa cháy của nàng. Gió thổi rất mạnh, hoa đào rụng từng đợt lớn phủ kín trời đất. Trong đêm tối, màu hoa chợt đỏ rờ rỡ soi sáng đôi tấm thân tình ái mà giờ đây đã thỏa nguyện khát khao.

4. Từ Huệ trở người ngồi dậy. Trời đã tờ mờ sáng. Người giúp việc nhen lửa, chuẩn bị chuyên trà cho chủ nhân. Sáng nào, chàng cũng thích ngồi bên ấm trà mạn sen, uống từng ngụm nhỏ và suy nghĩ miên man. Giá như ngày ấy chàng thôi đừng theo giấc mộng công hầu, đừng mê mải trên đường hoạn lộ, thì đời chàng đâu có mất nàng. Sau ngày Từ Huệ ra kinh ứng thí, nàng Ba vò võ chờ đợi. Một năm, hai năm rồi ba năm... ba lần cá bống hoa vàng đẻ trứng, tin chàng vẫn bặt tăm. Chiều chiều, nàng Ba ngồi dưới gốc cây liễu đợi chờ Từ Huệ. Cứ thế mười năm nhạn vẫn mù tăm. Cho đến ngày có một người lái buôn đi qua làng tin cho hay chàng nay đỗ đạt, gia thất đề huề, chức trọng quyền cao... Năm ấy hoa đào chưa bao giờ lại nở đẹp đến như vậy. Cả bến sông đỏ ôi ối màu hoa. Hoa rụng đầy một khúc sông lớn, khiến màu nước cũng đỏ ối dưới trời chiều. Nàng Ba đi thẫn thờ dưới những cội hoa đào, nàng không biết đôi chân đưa nàng đi đâu. Gạt nước mắt, nàng bỗng thấy mình đứng ở nơi mà ngày xưa nàng đã trao thân cho Từ Huệ không một chút đắn đo. Dấu nằm vẫn còn đây. Vẫn còn đây màu nước này, màu trời kia, và cả những cánh hoa đào ngày cũ, nhưng người dấu yêu thì đã chia lìa. Cởi phăng xiêm áo lồ lộ, rút cây trâm kinh ngày trao thân cho Từ Huệ, nàng Ba bẻ đôi chiếc trâm ném xuống mặt sông phủ đầy cánh hoa đào... Từ ấy, nàng bặt tăm, không ai còn thấy nàng nữa. Có người bảo thấy nàng đi khỏi làng cùng với gã lái buôn và vì muốn chiếm hữu nàng gã lái buôn cơ mưu ấy đã tung tin thất thiệt.

Ngày nàng Ba mất tích, Từ Huệ còn đang dong ruổi trước hòn tên mũi đạn. Chàng tuân lệnh vua đánh dẹp giặc ngoài biên ải. Đêm đêm bên đống lửa trại, lòng chàng tha thiết nhớ nàng Ba. Nhớ đôi mắt nàng sâu thăm thẳm, cái đáy lưng ong dịu dàng của con nhà sông nước, khí chất mãnh liệt, không từ nan, khi đã dâng hiến là dâng hiến đến tận cùng. Bao năm chinh chiến, bao nhiêu sắc nước hương trời, bao nhiêu người con gái đẹp không hề làm lòng Từ Huệ mảy may xao động. Suốt đời mình, chàng chỉ yêu có mỗi nàng Ba. Khối tình si ấy, chàng đã mang theo vào chốn nồi da xáo thịt. Hình ảnh nàng là niềm hy vọng giúp chàng vượt qua bao nhiêu hiểm nguy, đói rét cơ hàn.

5. Tin nàng Ba mất tích đến Kinh sau ngày Từ Huệ từ biên ải trở về. Chàng tức tốc quy cố hương mà lòng xót xa. Ngày nào chàng vượt qua ải Vân Quan nuôi giấc mộng công hầu, ngày nào trở về nước mắt rơi ướt đẫm ngàn dâu xanh... Tất cả diễn ra như một giấc mộng đời chưa kịp vỡ tan. Sau khi viếng mộ mẹ, Từ Huệ tìm ra bến sông xưa. Vẫn còn đây cây liễu ngày cũ, giờ đã cao sừng sững, tán là tỏa rộng cả một góc trời. Còn đây chỗ ngồi chiều chiều chàng ngắm nàng Ba giúp cha đánh cá. Con nước ngày cũ giờ đã trôi về đâu để mối tình xưa xé nát trái tim chàng. Từ Huệ rống lên một tiếng lớn như con cọp dữ bị thương, đôi hàng nước mắt chảy ướt đẫm gương mặt từng trải ám màu thuốc súng. Sẵn giấy, chàng viết một bài Từ :

Nhớ thương ai hề ngày cũ bây giờ còn đâu
Tình xao xuyến hề bao năm mong chờ
Nàng xa vắng hề tim ta đớn đau
Nhìn mấy nước hề bao nhiêu luyến lưu
Thương ôi
Con nước ngày cũ hề chảy hoài
Mà nay hề vắng nàng
Ta hề con thuyền bạc bến
Ngày trở về hề xót xa bụi mù
Lưng ngựa chiến chinh hề chưa từng rơi nước mắt
Mà nay bến xưa hề ta khóc nàng

Viết xong bài Từ, Từ Huệ vừa đọc to, vừa khóc rống lên rồi xé nát tờ giấy lớn vứt xuống mặt sông buồn ảm đạm như gương mặt thê nhi. Chàng ngồi đó rũ rượi cho đến khi đêm xuống.

6. Treo ấn từ quan. Từ Huệ ở lại quê nhà. Chàng sống thui thủi một mình như anh chàng khóa nghèo ngày xưa. Năm ấy, mùa xuân đến sớm, nắng xuân mênh mang đổ vàng như tơ lụa. Hoa đào được tiết trời nở kín cả một triền sông vắng. Hoa nở đỏ thắm thiết khiến vết thương lòng Từ Huệ chưa kịp lành, bật máu. Ôi mới đó mà đã một đời người. Từ Huệ lặng lẽ tìm ra bến sông. Ngồi dưới cây liễu xưa chàng soi gương mặt mình xuống dòng nước ngập cánh hoa đào. Mái tóc bạc trắng của chàng lững lờ trôi trôi trên màu hoa đỏ bồng bềnh...

Huế ngày mưa lớn tết Giáp Thân
N.X.H

(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Lòng mẹ (13/07/2009)
Ông và cháu (13/07/2009)
Trở về (10/07/2009)
Các bài đã đăng