Tạp chí Sông Hương - Số 179-180 (tháng 1-2)
Ngành nghề thủ công truyền thống Huế trong xu thế hội nhập hiên nay
16:26 | 02/07/2009
NGUYỄN HỮU THÔNGCó những câu hỏi đặt ra, Huế mãi không có câu trả lời thuyết phục:* Tại sao mặt hàng lưu niệm trong thị trường du lịch, trong các lễ hội Festival là nghèo nàn đến thế! Sản phẩm thủ công Huế lác đác chen chúc khuất lấp trong lớp lớp hàng Trung Quốc và các tỉnh khác trong nước?* Tại sao trong quá trình trùng tu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lại phải mời thợ từ "Đàng Ngoài" trong nhiều khâu kỹ thuật từ sơn, thếp, mộc, làm ngói men, gạch bát tràng...?* Tại sao nhà phục chế Trịnh Bách lại phải sống ở Hà Nội, để gửi vào Huế những tấm long bào, long cổn, hia, mão và kể cả những phiên bản phục chế men lam thời Nguyễn?...
Ngành nghề thủ công truyền thống Huế trong xu thế hội nhập hiên nay
(Ảnh: Internet)

Nhiều câu hỏi tương tự có thể đặt ra, và tất nhiên không chỉ với một ngành, một giới, hay với bản thân người thợ, xưởng thợ sản xuất mặt hàng thủ công, mà là cho chúng ta, những người quan tâm và có trách nhiệm về sự thăng trầm của hoạt động sản xuất này.

Huế ra đời và đóng vai trò trái tim của đất nước một thời, hoàn toàn không trên nền thừa kế từ một trung tâm phát triển kinh tế - thương nghiệp trước đó, mà chỉ là nơi hội tụ yếu tố địa lợi và những nỗi phức tạp, tế nhị về mặt lịch sử - chính trị đương thời. Hẳn nhiên, trước khi là thủ phủ của miền, kinh đô của cả nước, Huế vẫn như bao làng xã nông nghiệp khác ở miền Trung, không có nhiều đất để cày cấy, đoàn người nam tiến dừng chân nơi đây gần biển sát núi, nhưng vẫn lấy ruộng nước làm trọng.

Ở xuất phát điểm ấy, Huế bỗng nhiên trở thành chốn kinh kỳ, phồn hoa, khi đảm nhận vai trò lịch sử trong thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Gắn với nó là sự ra đời thị trường tiêu thụ của tầng lớp quý tộc, quan lại, thượng lưu... và mặt hàng đáp ứng là đồ thủ công cao cấp, cầu kỳ, cần đến những tay nghề bậc cao. Nhưng rõ ràng, nhu cầu đặc biệt ấy không tạo nên mối kích tác để thúc đẩy những làng nghề tại chỗ lớn mạnh, mà lại được giải quyết bằng quyền lực của giai cấp phong kiến, khiến nhiền mặt hàng cao cấp mọi miền được dâng tiến đến Huế theo yêu cầu của cung đình, nơi người tiêu thụ đang có cả quyền lẫn lực.

Hệ thống các trung tâm sản xuất những mặt hàng tinh xảo cũng lần lượt được thiết kế ở Kinh đô Huế bằng biện pháp trưng tập, cưỡng chế những người thợ giỏi khắp nước hội tụ về đây trong các quan xưởng, tượng cục, một dạng công trường đặc thù của hoạt động thủ công thời phong kiến Nguyễn. Đó là chưa nói đến những người thợ khéo được thuê từ Trung Quốc, phục vụ trong các xưởng gạch ngói thanh - hoàng lưu ly, pháp lam... Thực tế ấy, vô hình trung đã không tạo nên tình huống buộc người thợ tại chỗ phải đối đầu với bức xúc cải tiến nghề nghiệp vốn có của mình để thoả mãn đối tượng bậc cao của thị trường tiêu dùng.

Trong 57 cục thợ tại Kinh đô Huế, chúng tôi thống kê trong "Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ" thì quê quán người lao động trải trên một diện rộng từ Bắc chí Nam. Trong các tượng cục, có người phải gắn cả đời mình với các công trường, trại xưởng ở Kinh đô, nhưng phần lớn số còn lại đều nằm trong quy chế lính thợ, phục vụ có thời hạn hay luân phiên điền thay cho nhau; tập trung hoặc giãn ra tuỳ yêu cầu sản xuất, quy mô và tính chất sản phẩm.

Chế độ phong kiến Nguyễn cáo chung, kéo theo sự tan rã của các quan xưởng, tượng cục nhà nước ở Kinh đô. Hiện tượng phổ biến trong lúc này là các thợ giỏi quay về cố hương, chỉ có một số ít ở lại, tiếp tục hoạt động nghề nghiệp của mình trong quỹ đạo của những làng nghề dân gian phục vụ nhu cầu dân sinh. Sự cầu kỳ, nét tiểu xảo của họ trong quá trình sản xuất những mặt hàng phục vụ tầng lớp "khó tính" của triều đại phong kiến cũng từ đấy ngày một phai mờ trong ký ức; tri thức nghề nghiệp chìm dần trong trí nhớ...

Như vậy, trong tiến trình phát triển của các ngành nghề thủ công ở Huế, đã có hai thời điểm gây nên sự đột biến tăng giảm về cả quy mô lẫn tính chất ngành nghề trước những thăng trầm của lịch sử. Tất cả đã tạo nên một sự chông chênh giữa một bên là sự hiện diện của những sản phẩm cao cấp, tích tụ tinh hoa của ngành thủ công quốc gia, được sản xuất trên đất Huế, với một bên là tiềm lực và thực lực của đội ngũ thợ thủ công bản bộ khi Huế không còn đóng vai trò Kinh đô quốc gia phong kiến.

Chính đặc điểm này đã đặt chúng ta trước một tình huống dễ cảm thấy thất vọng khi so sánh những sản phẩm thủ công hiện nay đang được sản xuất trên đất Huế với những gì nó vốn có.

Chấp nhận thực trạng ấy để chúng ta chọn điểm xuất phát hợp lý, nhằm có những bước đi phù hợp là điều không thể không tính đến.

Tính chất của ngành nghề thủ công truyền thống trong xã hội hiện đại.

Quá trình phân công lao động để hình thành những làng nghề chuyên nghiệp (tách khỏi hẳn việc trồng trọt) là rất từ tốn và không phổ biến trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Suy cho cùng, sinh mệnh của các làng nghề khởi thuỷ chỉ nhằm vào việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt của chính người nông dân trong các làng xã nông nghiệp, mà tính chất khép kín, tự cung cấp là nổi trội. Cho nên, khi đặc trưng ấy phai nhạt, cũng chính là những thử thách đối với sự sinh tồn của những sản phẩm này.

Khi luỹ tre làng không còn là rào chắn thị trường tiêu thụ các mặt hàng thủ công lẫn công nghiệp, thì mọi điều sẽ diễn ra một cách công bằng trước thực tế cạnh tranh, buộc mỗi mặt hàng phải tự khẳng định mình trước người tiêu thụ.

Trong xã hội hiện đại, sản phẩm công nghiệp và bán thủ công với chất liệu, mẫu mã, tính năng, giá cả, độ bền... ngày càng tỏ ra nhiều ưu điểm thuyết phục, tuy vậy, đây không phải và không thể là nguyên nhân làm suy vong, hay "đối thủ" từ chối việc cộng sinh đối với ngành thủ công truyền thống. Tất nhiên, cũng có những sản phẩm thủ công do công dụng, tính năng, đặc điểm lịch sử..., cũng như sự phát triển không ngừng về mọi mặt như nguyên liệu, mẫu mã, kỹ thuật... đã không còn lý do tồn tại trong một cộng đồng nào đó, nhất là những mặt hàng mang thuần chức năng sử dụng đứng đối đầu trước sản phẩm mới đã hoàn toàn chiếm ưu thế.

Tuy vậy, vẫn còn không ít những sản phẩm thủ công có thể phát huy được khả năng cạnh tranh hay xứng đáng được khuyến khích bảo trợ nền công nghiệp hiện đại.

Bởi, trong một cách hiểu nào đó, nó không mang nét lạnh lùng, đơn điệu, khô cứng hay hào nhoáng phút chốc của những sản phẩm được làm ra hàng loạt từ máy móc. Ngược lại, phần lớn các sản phẩm thủ công tinh xảo đều có thể gọi nó là những tác phẩm nghệ thuật, và, ai lại chẳng muốn thủ đắc cho mình, những gì được làm ra từ chính đôi bàn tay lẫn tâm hồn con người đang gánh cả hành trang văn hoá truyền thống trên đôi vai. Và khi đã gọi nó là tác phẩm, thì không thể có những bản sao nguyên dạng, đó là chưa nói đến phút hứng khởi nào đó, kỹ thuật từ đôi tay thăng hoa, sản phẩm đã vượt khỏi sự mong đợi của chính người làm ra nó.

Con người tạo ra guồng máy công nghiệp, nhưng cuối cùng, ít nhiều cũng biến thành "nạn nhân" của chính nó. Do vậy, con người đến với sản phẩm thủ công không chỉ tìm đến những hồi ức của quá khứ, mà còn bị thuyết phục bằng chính những nét đẹp tự thân, những giá trị "không bị ô nhiễm" của nó. Nói như vậy, chúng tôi không hề có ý định phủ nhận những thành tựu của sản phẩm công nghiệp, hoặc thiếu tính khẳng định "vết son" phát kiến đầy trí tuệ của con người cho cuộc sống.

Sức sống của những giá trị kết tinh từ nhiều thế hệ, cũng như sự đa dạng phong phú của các nền văn hoá khác nhau thể hiện trên sản phẩm thủ công, luôn tạo nên sự hấp dẫn, thú vị, len vào những khoảng hở của cuộc sống đầy ắp căng thẳng, dồn dập hiện nay. Đó là cái mà sản phẩm phục vụ cuộc sống tiện nghi và thực dụng, cái mà tính thời thượng, các trào lưu ngắn ngủi của mode không thể thay thế. Bởi, bất cứ nơi nào trên hành tinh này cũng đều dễ dàng tiếp thu, nhập khẩu cả một quy trình sản xuất sản phẩm công nghiệp hiện đại, nếu họ có con người và ngân sách chuyển nhượng. Nhưng để có một ngành nghề thủ công thì không phải như thế.

Suy nghĩ về con đường phát triển của ngành nghề thủ công truyền thống Huế hiện nay.

Do vị thế của Huế và vai trò của nó một thời trong lịch sử, nơi đây đủ điều kiện và yếu tố "chính danh" để sản xuất những mặt hàng cao cấp, thượng phẩm của giới quý tộc cung đình và quan gia thượng lưu ngày nào. Nếu ngày xưa, triều đình có quyền lực trưng tập thợ giỏi về đây, thì ngày nay, chúng ta cũng phải tìm đến địa chỉ những dòng họ, gia đình nghệ nhân từng phục vụ trong cung đình Huế để học hỏi. Tất nhiên, không thể bằng con đường đưa giấy giới thiệu và nộp học phí. Ngoài ra, Huế còn phải biết chọn những mẫu mã và đề tài phù hợp để giới thiệu đời sống cung đình ngày xưa; để Huế nay được nói về Huế xưa và Huế xưa tiếp sức cho Huế nay phát triển.

Những sản phẩm dân gian của người thợ bản bộ Huế vẫn có thể mạnh riêng mình, vấn đề là phải tạo cho được dấu ấn đặc thù địa phương, không sợ sự thô sơ, mộc mạc mà chỉ sợ lòng người không gắn bó và say mê với cái mình đang làm.

Rất nhiều ngành nghề truyền thống mà người thợ (mỗi ngày mỗi vắng) đang nắm trong tay bí quyết sản xuất, đều không biết thị trường đang cần ở mình điều gì. Khách hàng nước ngoài lẫn nội địa ưa chuộng sản phẩm thủ công, đều không thể biết hết ngõ ngách của từng làng xã, khu phố, và ở đó, đang có khả năng làm được sản phẩm gì và giá trị của chúng đến đâu. Điều này phản ánh việc thống kê, đánh giá tiềm năng cũng như khả năng sản xuất của các ngành thủ công truyền thống mà chúng ta nắm được, so với thực tế hiện nay đều có thể nằm ngoài mọi sự tiên liệu.

Quan niệm "hữu xạ tự nhiên hương" của các vị nghệ nhân già, mặc dù, không thể được xem là phù hợp trong quy luật cạnh tranh nghiệt ngã của cơ chế thị trường, nhưng, đó vẫn là niềm kiêu hãnh không đáng bị trách cứ chút nào. Bởi, trong thời đại họ sống chất "sĩ" có khi không là thuộc tính của riêng kẻ sĩ, mà có cả trong nông, công, thương.

Chính vì những thực tế trên, sẽ cần thiết biết bao nếu tiến hành được công tác điều tra trên diện rộng về làng nghề, ngành nghề, nghệ nhân chuyên nghiệp và không chuyên đã từng làm, hoặc có khả năng tạo ra những sản phẩm do thừa kế hay sáng tạo. Công việc này hẳn nhiên phải nằm trong một chương trình có chủ trương, dưới sự chỉ đạo của một tổ chức, có mạng cộng tác viên giỏi trên khắp mọi địa phương.

Tính cấp bách của vấn đề trên có lẽ không cần phải bàn nhiều, bởi càng chậm thì càng mất. Và hẳn nhiên có những điều mất đi, vĩnh viễn không có dịp phục hồi, cho dù bằng phương tiện hiện đại đến thế nào đi nữa.

Cho đến nay, ngoài những bài khảo tả, phóng sự, ghi chép, ký sự, thống kê chính thức hay không chính thức, một số công trình nghiên cứu khá dày dặn về làng nghề và ngành nghề công bố trên các tạp chí chuyên ngành, sách, nhật báo kỷ yếu hội nghị..., chưa hề có một dạng ấn phẩm phổ thông nào nhắm vào đối tượng độc giả là những nghệ nhân đang xưng danh hay ẩn mình trong các làng xã, thôn bản, để bản thân người trực tiếp sản xuất biết khách hàng đang cần ở họ điều gì; các đồng nghiệp của họ hoạt động như thế nào; thế giới đang ưa chuộng, đang sản xuất những mặt hàng thủ công như thế nào; cách điều chỉnh, sáng tạo, mẫu mã các dạng mặt hàng, kỹ thuật chế tác, cách tiếp thị; cái giống và khác trên cùng một mặt hàng giữa các nền văn hoá khác nhau; ai đã làm giàu trên chính những nghề nghiệp tưởng chừng như không còn chỗ đứng trong xã hội hiện đại... Ngược lại, thông tin của họ và từ họ đến với khách hàng, chúng ta cần công bố như một điều không thể không làm để cho người thợ có cơ hội tiếp xúc với khách hàng và thị trường của mình.

Hoạt động sản xuất của một số ngành nghề thủ công tỏ ra thuận lợi trong việc truyền dạy cũng như nhân rộng các điểm sản xuất thông qua giáo trình lý thuyết, thực hành hoặc những khoá huấn nghệ có tính chất tập trung. Chúng ta có thể thấy tác dụng của phương thức này từ một số ngành nghề khá phổ biến hiện nay. Nhưng, không phải nghề nào cũng có thể giải quyết bằng cách ấy, nhất là những sản phẩm cần áp dụng những kỹ xảo bí truyền, kể cả với những nghề phổ biến hiện nay như may, thêu, đan, mộc, chạm, nấu và chế biến thức ăn... khó lòng đạt được những biểu hiện điêu luyện và đầy ấn tượng, nếu không có sự chân truyền cộng với năng khiếu của người học việc.

Sự hỗ trợ các yếu tố kỹ thuật hiện đại là một phương tiện tất yếu trong quá trình sản xuất các sản phẩm thủ công, nhưng mọi sự can thiệp của nó phải ở mức hợp lý. Tài khéo của đôi tay người thợ phải được xem là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm.

Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề nghiệp không chỉ là công việc của người thợ, mà nghề thủ công còn cần đến sự hỗ trợ rất thực tế của nhiều ngành. Chẳng hạn, đội ngũ nghiên cứu, sưu tầm tư liệu văn bản, hiện vật xưa, phỏng vấn hồi cố những người có tay nghề cao nhưng "lực bất tòng tâm", những "quan sát viên" hoặc chứng nhân đương thời..., để có thể góp với người thợ những nhận định qua quá trình tư duy, khái quát, tổng hợp, so sánh, cũng như cung cấp cho họ những tư liệu cần thiết từ công trình nghiên cứu. Ở đây, nhà nghiên cứu có thể cùng với người thợ và các nhà tạo mẫu thảo luận trên cơ sở các tư liệu có khả năng phục dựng cái đã thất truyền, tạo nên những mẫu mã mới, điều chỉnh cái bất hợp lý hoặc không còn phù hợp với thị trường, thị hiếu khách hàng hiện đại.

Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm và những xưởng thợ hoạt động minh hoạ đối với du khách cũng có thể gọi đó là sự đóng góp của những yếu tố hiện đại vào quá trình tiêu thụ sản phẩm. Dạng hoạt động này, người trực tiếp sản xuất rất khó thực hiện. Các mô hình xưởng hay liên xưởng mang chất trưng bày để giới thiệu sản phẩm cần được các cơ quan chức năng nhà nước, các tổ chức du lịch thương mại, khuyến nghệ hay những câu lạc bộ ngành nghề... mới có thể tạo điều kiện tốt việc giới thiệu sản phẩm một cách thường xuyên, trên nhiều địa bàn và phương tiện khác nhau, kể cả trong và ngoài nước. Sẵn sàng tạo điều kiện cho họ tham gia một cách chủ động các hội chợ quốc tế kể cả việc đa dạng hoá thông tin trong quá trình giới thiệu sản phẩm.

Cùng với nó là chủ trương chính sách khuyến khích của nhà nước đối với các ngành nghề thủ công phát triển qua những văn bản pháp quy, càng cụ thể, rõ ràng và khả thi chừng nào, càng tạo điều kiện tốt cho các ngành nghề thủ công sớm tìm được sinh lộ cho mình chừng ấy. Bởi, việc tìm kiếm thị trường, quá trình đối tác với khách hàng, những chính sách ưu đãi trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh liên quan; chính sách đối với nghệ nhân "lớn"; sự hỗ trợ vốn; tạo điều kiện giao lưu; công tác hướng dẫn, tư vấn, tiếp thị, phiên dịch hoặc trực tiếp chia sẻ vấn đề này từ cơ quan chức năng, đều là những vấn đề có tính quyết định trong quá trình phát triển và trụ vững của nghề và làng nghề truyền thống hiện nay.

Việc giáo dục đối với thế hệ trẻ và ngay cả với người trực tiếp sản xuất niềm hãnh diện, tự hào về lịch sử, ý nghĩa, thẩm mỹ, tầm quan trọng... của những sản phẩm thủ công tiêu biểu điển hình của đất nước, dân tộc hay mỗi địa phương là một việc làm thường xuyên và cần thiết.

Sản phẩm thủ công truyền thống của một tộc người, một quốc gia hay một địa phương không chỉ đơn thuần là một mặt hàng kinh tế, hay phương tiện sinh hoạt mà nó còn là đối tượng văn hoá vật thể lẫn phi vật thể, biểu thị bản sắc bản lĩnh cộng đồng, là một trong những điều gây ấn tượng cho người khách về dấu ấn của một nền văn hoá.

Không có gì lạ khi chúng ta thấy ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất của nhân loại, ngành nghề thủ công truyền thống vẫn có chỗ đứng trang trọng và quan trọng trong hoạt động lẫn tài sản kinh tế - văn hoá của họ. Và hình như đó mới chính là cái để họ tự hào, bên cạnh guồng máy công nghiệp khổng lồ, với những sản phẩm hàng hoá tràn ngập thế giới.

N.H.T
(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Lòng mẹ (13/07/2009)
Ông và cháu (13/07/2009)
Trở về (10/07/2009)
Các bài đã đăng