Tạp chí Sông Hương - Số 179-180 (tháng 1-2)
Người kinh đô cũ
15:19 | 06/07/2009
HÀ KHÁNH LINH                Trích tiểu thuyếtCHƯƠNG I

Vừa thoạt nhìn ai cũng tưởng Bửu Toàn - Bửu Tín là cặp hoàng thân song sinh. Thực tế họ hơn kém nhau một tuổi. Hai hoàng thân được nuôi dạy tử tế ngay từ lúc lọt lòng. Cùng được thụ huấn một lúc cả Nho học và Tây học. Bửu Toàn tốt nghiệp trường Hậu Bổ trước em mình một năm, nhưng chàng bận đi Pháp để hoàn thiện môn Pháp văn của mình, thành ra cả hai anh em gần như được bổ nhiệm cùng một lúc: Người anh làm chánh văn phòng Tòa Khâm sứ. Người em nhậm chức tri phủ Thiệu Hóa.

Bản chất thông minh, chu đáo, cẩn thận, học hành lại xuất sắc nên giờ đây trong công việc Bửu Toàn được quan chánh sứ khen ngợi và các đồng sự vị nể. Chàng công tử giỏi giang thông minh và lễ độ này là cháu gọi Cung Tôn Huệ Hoàng đế bằng bác ruột; vừa cùng huyết thống với nhà vua Thành Thái chống thực dân Pháp. Nhưng người Pháp không e ngại vì mối liên hệ huyết thống với vị Hoàng đế cách mạng này, mà họ luôn nhớ người bác ruột của chàng là Cung Duệ Tông Hoàng đế thuở còn tiệm đế cho đến lúc ở ngôi đều là chỗ hết sức thân tình với ngài trú sứ Pháp Rheinart. Họ quan sát thấy chàng đặc biệt giống bác ruột của mình ở chỗ: học hết mình, chơi hết mình và làm việc hết mình. Mùa hạ năm ấy từ sáng tinh mơ người ta đã thấy có một chàng thanh niên cơ bắp hình khối rất đẹp - bơi dọc đoạn sông Hương trước Tòa khâm sứ, hoặc bơi ngang Đập Đá qua chợ Đông Ba và ngược lại, rồi lên nằm tắm nắng ở mé Đập Đá - những tia nắng đầu tiên hiếm hoi và rực rỡ. Sau đó chàng thoắt biến, để rồi đúng 6 giờ 45 phút người ta lại thấy chàng tuấn tú chững chạc trong bộ Âu phục sang trọng ung dung bước vào cổng Tòa Khâm sứ, bắt đầu một ngày làm việc. Cô giáo Diệu Anh dạy trường nữ trung học Đồng Khánh đi xe cao su nhà, chạy từ phía Vĩ Dạ lên, thỉnh thoảng nhìn thấy chàng trước cổng Tòa Khâm, hoặc khi có việc cần phải đi sớm hơn thì bắt gặp chàng đang nằm tắm nắng... Nhiều lần như thế, rồi cô để ý và đem lòng yêu chàng công tử hào hoa phong nhã - không những có cơ thể đẹp vì chăm chỉ rèn luyện môn thể thao bơi lội, mà khuôn mặt chàng đẹp cương nghị, mắt to và sáng, da trắng muốt, sóng mũi cao, cằm vương, trán rộng, tóc hơi vàng và xoăn... Trái tim thiếu nữ bị lưỡi sét của thần tình ái đánh trúng. Những tín hiệu bắt đầu phát ra từ đó. Họ nhanh chóng làm quen với nhau. Chàng được biết nàng là con gái của một gia đình danh giá, một giòng dõi lớn, vốn là một đại quý tộc ở Huế. Nhà nàng ở thôn Vĩ Dạ. Phủ Vinh Quốc phong của chàng ở thôn Nam Phổ thượng. Vậy ra hàng ngày chàng vẫn đi qua nhà nàng mà không biết. Nàng không đẹp rực rỡ như một vài người con gái mà chàng đã gặp, nhưng Diệu Anh đẹp dịu dàng đoan trang và kín đáo, có đủ tư chất của một người phụ nữ làm vợ. Chàng chính thức ra mắt gia đình nàng. Song thân của Diệu Anh bị chinh phục ngay bởi hào quang của chàng công tử. Lễ cưới được cử hành sau đó hai tháng - khi Huế vừa chớm đông. Và qua mùa xuân họ đã bắt đầu có tin vui. Mẹ chàng rất vừa ý cô con dâu xinh đẹp hiền lành nề nếp gia giáo. Nhưng phúc phận không cho bà được sống lâu để con dâu chiều chuộng chăm sóc. Thành ra cái ngày có tin vui cũng là ngày cả gia đình phải chịu nỗi buồn đau tang tóc. Mẹ chàng đã qua đời đột ngột vì một cơn đau tim nặng. Kể từ lúc đó một mình cô giáo Diệu Anh vừa đi dạy học vừa lo gánh vác giang sơn nhà chồng. Rồi đến ngày Diệu Anh khai hoa mãn nhụy sinh được con trai đầu lòng, được ông nội chọn đặt tên là Vĩnh Tuấn. Cha chàng lấy thế làm an ủi, tuy nỗi đau mất vợ đã làm cho ông suy sụp và sa vào hơi men với khói thuốc phiện để tìm quên. Hai năm sau con trai thứ của ông - Bửu Tín cũng cho ra đời đứa con gái đầu lòng. Ông chọn đặt tên cho cháu nội gái là Công Huyền Tôn Nữ Liên Chi. Thời gian này Bữu Toàn vẫn giữ thói quen bơi lội dọc sông Hương, bơi ngang sông đoạn Đập Đá - chợ Đông Ba, lên mé Đập Đá nằm tắm nắng, rồi đi làm việc ở Tòa Khâm sứ. Chàng vẫn tỏ ra yêu vợ thương con, nhưng chàng đi về thất thường. Có khi đi rất sớm - nói là đi bơi. Có khi về khá muộn - nói rằng quan Khâm sứ bảo làm thêm việc. Cho đến một hôm Diệu Anh bắt gặp trong túi áo của chàng một chiếc khăn tay lạ với mùi nước hoa lạ. Diệu Anh âm thầm theo dõi mới biết chồng mình đang có quan hệ khắng khít với một bà chủ hãng gỗ lớn nhất nước - bà Mộc Lan. Biết là biết vậy nhưng Diệu Anh chưa dám có một động thái nào ngăn trở mối quan hệ đó, cũng như Diệu Anh không biết được họ đã bắt đầu quen biết nhau như thế nào. Về sau nầy khi mọi chuyện vỡ lở, Diệu Anh mới biết một lần bà Mộc Lan từ KonTum ra Huế đích thân đến Tòa Khâm sứ xin giấy phép để xuất khẩu những mặt hàng mộc mỹ nghệ tinh xảo sang Pháp. Chàng Bửu Toàn phụng mệnh ngài Khâm sứ đã hết lòng giúp đỡ bà chủ hãng để làm xong các thủ tục giấy tờ trong một thời gian ngắn nhất. Mộc Lan là người đàn bà duyên dáng, xinh đẹp, đảm lược và quyền biến. Để tỏ lòng biết ơn, bà đã tặng ngài Khâm sứ một tạo hình bằng trầm kỳ chạm trổ tinh tế tháp Eiffel nguy nga đồ sộ. Còn với quan ngài Bửu Toàn bà đã gói vào chiếc khăn tay năm lượng vàng lá và chiếc áo dài gấm Thượng Hải cắt may rất khéo, rất vừa vặn, với bộ khuy bằng vàng ròng, bộ nút bằng những viên ngọc quý. Năm lượng vàng chàng cất để tiêu xài riêng. Chiếc áo đem về nhà treo trong tủ áo nói là của người ta tặng. Nhưng chiếc khăn tay gói những thứ đó được ướp bằng một loại nước hoa rất nồng nàn, rất dịu ngọt và rất đỗi quyến rũ, đã làm chàng như điên dại... Chàng đã tìm cách gặp lại người đàn bà đó một vài lần. Nhưng sau mỗi lần gặp, vừa chia tay xong là chàng cảm thấy cõi lòng trống trải hụt hẫng như vừa bị ai lấy đi một thứ gì quan trọng trong đời...

Về phía bà Mộc Lan sau khi làm xong giấy tờ, đáng lẽ bà phải mau chóng trở lại KonTum ngay để đôn đốc thợ thuyền làm việc, và để chăm sóc chồng con, thì bà lại cảm thấy nhớ nhung day dứt khi nói lời chia tay với quan ngài Bửu Toàn. Bà đang tìm cơ hội để gặp lại chàng, đúng lúc đó chàng tìm tới chỗ bà đang trọ. Một lần rồi hai lần, bà thấy trái tim mình đã bị quan ngài đẹp trai hào hoa phong nhã này bắt mất rồi, thu giữ mất rồi! Nhưng không lẽ bà cứ làm khách trọ ở Huế mãi? Bao nhiêu công việc và con cái đang đợi bà ở KonTum, và hơn hết là lô hàng mộc mỹ nghệ sắp tới phải được xuất khẩu sang Pháp.

Thời gian gần đây qua theo dõi báo chí Pháp, Bửu Toàn biết được trên thế giới vừa ra đời một tổ chức chống phát xít. Bởi vì ai cũng biết được rằng chủ nghĩa phát xít hiện đang trở thành mối đe dọa của toàn nhân loại. Đức - Ý - Nhật đã liên kết thành một khối chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược châu Âu, châu Á... và hơn hết, mục tiêu trước mắt của bọn họ là nhắm mũi nhọn về phía Liên Xô nhằm xóa bỏ những thành tựu của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Vận mệnh của nhiều dân tộc, an ninh hòa bình thế giới bị đe dọa, nên Quốc tế cộng sản đã thành lập Mặt trận nhân dân thế giới nhằm chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa phát xít, bảo vệ tự do dân chủ và hòa bình. Và Pháp gần như là nước đi đầu hơn cả trong việc hưởng ứng chủ trương này của Quốc tế cộng sản. Mặt trận nhân dân Pháp chống phát xít đã được thành lập từ tháng 1 năm 1936. Mặt trận đã đề ra cương lĩnh đòi thả hết tù chính trị, giải tán và tước vũ khí của bọn phát xít, thực hiện tuần làm việc mười giờ và tăng trợ cấp cho người thất nghiệp... Trong cuộc tổng tuyển cử dạo tháng 4.1936 tại Pháp, Đảng Cộng sản Pháp đã giành được thắng lợi lớn. Tháng 6.1936 chính phủ phái tả lên cầm quyền bao gồm những người thuộc đảng Xã hội và đảng Cấp tiến do Léon Blum làm Thủ tướng. Từ nay chính phủ Pháp buộc phải thi hành một số chính sách phù hợp với quyền lợi của nhân dân lao động trong nước và thuộc địa mà Mặt trận nhân dân đã đề ra. Bửu Toàn nghĩ vì có Tây học mà chàng trở thành một viên chức của Nhà nước bảo hộ Pháp. Đứng về mặt khách quan mà nói thì chàng đang đi ngược lại quyền lợi của nhân dân lao động, của đồng bào chàng, bởi vì dẫu có núp dưới chiêu bài, dưới danh nghĩa khai hóa, khai trí... gì chăng nữa, thì càng ngày chính phủ Pháp càng lộ rõ bản chất thực dân của mình! Cái điều mà các tiên đế nội tổ của chàng đã sớm nhận thấy nhưng đã không làm gì được trước sự lớn mạnh của quân đội, sự tối tân của vũ khí và tầm nhìn chiến lược của con mắt thần châu Âu. Ngược dòng lịch sử Bửu Toàn thấy như đức Thế Tổ Cao Hoàng đế nội tổ của chàng là một nhà chính trị quân sự lỗi lạc, một bậc thiên tài, đến nỗi người anh hùng thao lược Hồ Thơm đã không thể đánh bại được ông, không bắt được ông trong những cuộc vây ráp lùng sục liên tiếp diễn ra trong gần suốt hai mươi năm, vậy mà Thế Tổ đã có lúc dứt ruột đem đứa con trai đầu lòng lên bốn tuổi của mình trao vào tay người Pháp để làm con tin, xin viện trợ vũ khí. Cay đắng hơn, ban đầu bị chính phủ Pháp khước từ! Xưa nay trong lịch sử nhân loại những trường hợp phải đi cầu viện để dựng nghiệp cũng là lẽ thường, nhưng đức Thế Tổ khi đã lên ngôi lại lập ra một Nhà nước phong kiến theo truyền thống. Cái tình kết thân với người Tây dương ngày trước càng về sau càng nhạt phai. Có thể nói tính độc lập và tinh thần dân tộc trong đức Thế Tổ rất cao, đến nỗi có lúc dẫn đến cực đoan, bảo thủ - mà các vua đời sau kế thừa và mắc phải! Tại sao nội tổ của chàng cũng như các vua đời sau không chịu nhận ra một điều là độc lập tự chủ không có nghĩa là bảo thủ - cho rằng những gì mình nghĩ mình làm là hay, là tốt nhất, không chịu nhìn xa trông rộng, trông người ngắm ta để làm phép so sánh? Trời ơi, nếu như tổ tiên chàng có được một cái nhìn như thế thì đâu đến nỗi dân tộc này phải lầm than! Giờ đây con cháu của các ngài đâu phải chịu nhục đi làm công cho chủ Tây kiếm cơm nuôi thân? Dẫu Bửu Toàn làm việc cho Tòa khâm sứ hay Bửu Tín làm việc cho Nam triều thì cũng thế, có chăng khác nhau ở địa điểm đặt văn phòng! Và Bửu Toàn không ngờ cương lĩnh của Mặt trận nhân dân Pháp lại có sức lan tỏa nhanh như vậy! Theo thông báo chính thức của Tòa Khâm sứ thì ở Huế đã ra đời một tổ chức như thế.

Sáng nay thức dậy sớm như mọi ngày, Bửu Toàn chạy tập thể dục trên đường bắt gặp đây đó từng đoàn người từ ngoại ô tiến về thành phố. Trời lạnh, họ đi sát vào nhau thành từng cụm nhỏ, bật lửa châm thuốc cho nhau, dùng áo tơi che gió cho ngọn lửa khỏi tắt, vừa rì rầm chuyện trò to nhỏ. Đầu giờ làm việc Bửu Toàn đi đến công sở mới nhận ra những toán người chàng gặp từ sáng sớm, giờ đã tập họp lại thành một đoàn người xếp hàng hai, hàng ba tiến về phía Viện Dân Biểu. Ra thế. Cách mấy hôm trước tại Viện Dân Biểu các ký giả Trung kỳ cũng đã có một cuộc hội nghị, sau hội nghị các ký giả đã gởi đến Toà Khâm sứ một bản yêu sách đòi huỷ bỏ những điều luật hạn chế quyền tự do ngôn luận ở Đông Dương, đòi giảm thuế thân, thuế điền thổ... đòi đảm bảo quyền tự do hội họp, tự do đi lại trong và ngoài nước... Xem ra những điều mà các ký giả đòi hỏi là đúng cả, nhưng liệu Nhà nước bảo hộ Pháp sẽ giải quyết những yêu sách ấy đến đâu, Bửu Toàn không rõ. Bửu Toàn nghĩ trong các loại thuế mà người Việt Nam phải gánh chịu hiện nay, thì có thể nói thuế thân là loại thuế dã man nhất! Phi lý nhất! Vô nhân đạo nhất!... Có thể định nghĩa thuế thân là số tiền nguời Pháp bắt mỗi nguời dân Việt Nam phải trả cho Pháp về lượng không khí mà người Việt Nam đã thở trên đất nước của mình!...

Đó là hội nghị các ký giả Trung kỳ, còn hôm nay có việc gì mà đồng bào kéo đến Viện Dân Biểu đông thế?

Khi vào đến văn phòng làm việc, chừng hơn một giờ sau Bửu Toàn đã tìm được câu trả lời. Hôm nay có cuộc Đại hội nhân dân Trung kỳ lần thứ hai, đặc biệt có sự hiện diện của các chính trị phạm vừa mới được thả ra từ các nhà tù Côn Đảo, Buôn Mê Thuột... theo tinh thần của cương lĩnh Mặt trận nhân dân Pháp chống phát xít.

Cuối buổi làm việc Bửu Toàn về nhà thấy mặt vợ không vui. Chàng định lựa lời thăm hỏi và an ủi vợ, nhưng chàng chưa kịp mở lời thì Diệu Anh đã quay ngoắt đi. Phải chăng Diệu Anh đã biết mối quan hệ gần đây giữa chàng với bà Mộc Lan? Thôi, tốt hơn hết là im lặng, cứ để cho Diệu Anh hiểu thế nào thì hiểu. Một thực tế là lòng Bửu Toàn lúc này đây đang trào lên nỗi nhớ về bà Mộc Lan...

Trên sân ga Huế bà Mộc Lan đứng ngơ ngác nhìn về phía cầu ga, nhìn con đường Jules Ferry trải rộng với những hàng cây long não xà cừ thướt tha hai bên vệ đường... thầm nói lời giã biệt. Những cô nữ sinh áo tím e ấp dập dìu nghiêng nghiêng vành nón lá... bên những cậu học sinh tốp ba tốp bảy đang cười nói hồn nhiên nhí nhảnh vui tươi... Cứ theo cái cầu ga này, theo con đường đầy bóng mát mà các cô cậu học sinh đang tung tăng dạo bước ấy - bên dòng sông Hương thơ mộng kia - tiến về phía hạ lưu một chút và ở phía bên tay phải sẽ gặp ngay Toà Khâm sứ, chàng đang làm việc trong đó. Chàng là người đàn ông lịch lãm hào hoa tuơi vui và duyên dáng nhất trong những người đàn ông bà gặp trên cõi đời này. Nhưng chẳng phải cái “đẹp” làm rối lòng bà, cái lịch lãm làm mê hoặc bà, mà tự trong sâu thẳm của cõi lòng bà Mộc Lan cảm thấy một điều rằng - hình như kiếp trước bà đã mắc chàng một món nợ nào đó, to lắm! Để chỉ gặp chàng một lần là bà thấy mình không thể rời xa... Bà những muốn phải làm bất cứ một việc gì đó để đẹp lòng chàng. Bà muốn dâng tặng, muốn trao gởi, muốn chứng tỏ. Nghĩ vậy rồi bà khẽ đưa bàn tay đeo đầy nhẫn nạm ngọc quý vỗ nhẹ lên vầng trán mình và thầm nhủ mình lẩn thẩn mất rồi! Mình là một người đàn bà có chồng con, mình lại lớn hơn chàng ta trên mười tuổi. Và điều quan trọng hơn nữa là chàng đã có vợ có con. Vợ chàng là cô giáo xinh đẹp dạy trường nữ trung học Đồng Khánh. Bức ảnh hai vợ chồng họ trong ví mà bà tình cờ nhìn thấy hôm nọ thật quá đẹp đôi vừa lứa, như thể họ sinh ra là để cho nhau vậy. Thế thì can cớ gì mà bà cứ mãi bận lòng vì người đàn ông đó? Can cớ gì mà mọi giấy tờ thủ tục tưởng là khó khăn rắc rối lắm - vậy khi đã xong đâu vào đấy, đã làm xong cái công việc đền ơn đáp nghĩa rồi, sao bà không nhanh chóng trở về? Còn dùng dằng níu kéo với Huế mà làm chi?... Bỗng một bàn tay khẽ nắm nhẹ bàn tay bà Mộc Lan đang đưa lên vén tóc. Bà Mộc Lan giật mình quay ngoắt lại, thấy bên mình một quý ông vận quốc phục sang trọng với nụ cười tươi rói quen thuộc nở trên môi. Người đàn ông không phải ai xa lạ mà chính là Bửu Toàn. Bà Mộc Lan mừng rỡ cuống quýt thảng thốt:

- Quan ngài... làm em hết cả hồn!...

- Tôi muốn ra tiễn bà sớm hơn, nhưng công việc bây giờ mới xong...

Bửu Toàn nói vẻ chân thành.

- Quan ngài mặc chiếc áo này - làm tôi... rất cảm kích...

Bửu Toàn mỉm cười nói:

- Bà thật tài, thật khéo... Bởi vì chiếc áo tôi mặc vừa khít như thế này, bà lấy đâu ra số đo, lấy đâu ra sở thích về màu sắc của tôi?...

Bà Mộc Lan trả lời câu hỏi của Bửu Toàn bằng một nụ cười e lệ và tràn đầy hạnh phúc.

Bửu Toàn vẫy người đánh xe đưa cả hai vào một hiệu giải khát phía bên kia cầu ga. Bà Mộc Lan ngoan ngoãn ngồi lên xe khi tiếng còi tàu hú lên mấy hồi liền, lanh lảnh và giục giã.

Bà Mộc Lan ở lại Huế thêm một tuần nữa. Một tuần đó đối với bà khác nào một giấc mơ. Giờ đây đang ngồi trên xe lửa chạy từ Huế vào Nha Trang mà bà cứ nao nức cồn cào thắc thỏm với bao kỷ niệm còn tươi rói, bao niềm thương nỗi nhớ dâng ngập tâm hồn. Với kinh nghiệm của một người đàn bà đã có chồng, có bốn mặt con - con trai có, con gái có, bà Mộc Lan hiểu được rằng những lời yêu đương nồng thắm của Bửu Toàn dành cho bà là những lời nói thật, xuất phát từ trái tim chàng. Chàng say đắm bà cuồng nhiệt. Người chồng bằng vai phải lứa với bà chưa bao giờ yêu bà như thế. Chưa bao giờ có những cử chỉ săn sóc âu yếm dịu dàng như thế. Bà nghĩ chỉ cần sống được một ngày trọn vẹn bên nhau - một ngày với con người tài hoa lịch lãm nồng nàn và say đắm ấy cũng đã mãn nguyện. Một tuần qua là quá nhiều, quá no đủ đối với bà, nhưng giờ này bà vẫn cảm thấy đói. Một tuần vừa qua họ no đủ trong sự vụng trộm lén lút. Một tuần qua chàng đến với bà sau giờ tan sở. Một tuần qua chàng nói với gia đình vì bận nhiều công việc nên có lúc phải về khuya.

Biết chồng ngoại tình, nhưng Diệu Anh vẫn giữ thói quen chăm sóc chồng từ bữa cơm cho tới đôi giày, đôi tất, cái áo cái quần, chiếc khăn tay, chiếc cà vạt... Tuy bận đi dạy học, vừa nuôi con mọn, vừa hầu hạ cha chồng, nhưng Diệu Anh muốn tự tay mình nấu nướng những món mà chồng thích, chứ không để cho người giúp việc nấu, tự là phẳng quần áo cho chồng, tự thêu những chiếc khăn tay và chọn màu những đôi bít tất phù hợp với màu giày và kiểu giày của chồng. Chỉ trừ động tác thắt cà vạt cho chồng mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà - gần đây Diệu Anh không thực hiện. Những động tác có tính chất gần gũi đụng chạm vào thân thể của Bửu Toàn theo kiểu ấy - giờ đây Diệu Anh cố hết sức tránh né, giữ gìn.

Sáng nay Bửu Toàn mặc bộ Veston màu mỡ gà bằng tơ pha len cắt may rất khéo từ hiệu Unis nổi tiếng mà Diệu Anh vừa sai người đi lấy về từ chiều hôm trước. Giày da bóng loáng, tóc bôi dầu Brillantine chải lật ngược ra phía sau, khi bước vào Tòa Khâm sứ, đi ngang qua đám lính gác Bửu Toàn bắt gặp những đôi mắt trầm trồ khao khát lấm lét nhìn theo. Vừa vào đến văn phòng, viên tùy phái đã đặt trước mặt Bửu Toàn một thông tư của ngài chánh sứ. Bửu Toàn cầm đọc lướt qua. Thông tư cho biết: Trước cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương và trước áp lực của dư luận công chúng Pháp, chính phủ Bình dân Pháp phải cử một phái bộ sang Đông Dương để điều tra về tình hình dân chủ ở Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Dịp này có thể cộng sản sẽ tổ chức những cuộc tụ tập biểu tình với những yêu sách theo tinh thần cương lĩnh của Mặt trận dân chủ Đông Dương. Vì vậy ngài chánh sứ kêu gọi các công chức ai nấy ở nguyên vị trí, không bị lôi kéo hoặc nghe kẻ xấu phỉnh phờ, đặc biệt đối với cánh báo chí phải hết sức đề phòng. Thông tư còn cho biết sắp tới một phái bộ của Chính phủ Bình dân Pháp do Godart dẫn đầu sẽ đến Trung kỳ Việt Nam để điều tra tình hình. Gấp tờ thông tư đút vào ngăn kéo, Bửu Toàn thẫn thờ nhớ lại liên tiếp mấy hôm vừa qua nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại Huế. Bắt đầu là cuộc biểu tình của các thợ may Huế sáng ngày 27.1.1937 và cuộc biểu tình của thợ đóng giày buổi chiều cùng ngày. Thợ thuyền đồng loạt bãi công và tập trung ở vườn hoa Paul Bert, rồi xếp hàng hai đi biểu tình qua các đường phố chính, đến trước mỗi hiệu may đoàn biểu tình dừng lại kêu gọi đồng nghiệp cùng tham gia. Đoàn người mỗi lúc một đông, vượt qua cầu Trường Tiền đến trước Tòa Khâm sứ, rồi đi tới dinh Phủ Doãn đưa yêu sách đòi tăng lương sáu mươi phần trăm, đòi mỗi ngày chỉ làm việc mười giờ, đòi chủ nhật và ngày nghỉ lễ vẫn được trả lương, đòi chỗ làm việc phải rộng rãi thoáng mát, hợp vệ sinh, đòi chủ mỗi khi muốn cho thợ thôi việc phải báo trước hai tuần, và cuối cùng yêu cầu không được trả thù thợ sau các cuộc đình công! Đó là những yêu sách của lực lượng thợ may. Những yêu sách của các thợ giày cũng tương tự như vậy, thậm chí không đòi tăng lương cao như thợ may đã đòi, thợ giày chỉ yêu cầu tăng ba mươi phần trăm lương, đòi làm việc chỉ mười tiếng đồng hồ trong ngày mà thôi v.v... Ôi cảm ơn Mặt trận Dân chủ Đông Dương! Bửu Toàn thầm kêu lên trong tâm khảm - Nhờ có Mặt trận Dân chủ ra đời mà người dân xứ nhược tiểu nầy mới được ăn nói, được mở mắt ra mà nhìn người ngó ta! Được ý thức về quyền sống, quyền làm người và quyền lao động của bản thân mình! Cái sự làm việc mười tiếng đồng hồ trong một ngày xét tự thân nó đã phản khoa học, đã vô nhân đạo, đã mang tính bóc lột sức lao động của con người quá lắm rồi, vậy mà ở đây nó lại trở thành một yêu sách, một lời đề nghị khẩn thiết. Ôi, có nơi nào trên hành tinh này người dân lại khổ như dân nước Việt Nam ta?!...

Bửu Toàn giải quyết xong mớ công văn giấy tờ rồi tự mình mang trình cho quan chánh sứ. Xong, chàng trở về bàn viết của mình gọi người tùy phái đưa mấy phong thư ra bưu điện gởi. Người tùy phái đi rồi Bửu Toàn mở tờ báo NHÀNH LÚA ra đọc. Hôm nay 15.1.1937 báo ra số đầu tiên, ở trang một những hàng tít lớn đập vào mắt người đọc những bài báo nói lên nguyện vọng của nhân dân Huế và Trung kỳ đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ.

Về đến KonTum bà Mộc Lan lao ngay vào việc tổ chức đóng kiện hàng để kịp gởi chuyến tàu thủy đi Pháp vào tháng tới. Bây giờ là những ngày cận tết Đinh Sửu, nhưng các nhân công thợ thuyền người ăn kẻ ở trong nhà đều tuân theo bà răm rắp, với mong muốn dịp nầy họ sẽ kiếm thêm được một ít - để chi phí cho ba bữa tết. Các con thấy má về thì hết sức mừng rỡ, đặc biệt là thằng cu Tý. Anh Hai, chị Hương Thảo và chị Đoan Thuận đi học trường Tây bán trú. Buổi chiều về gặp má, cả ba thi nhau kể chuyện học hành, vừa dành nhau mở bóp đầm, mở va ly của má tìm quà Huế. Nhưng cả mấy anh em đều thất vọng tiu nghỉu bởi vì má không mua cho chúng một món quà nào. Bà Mộc Lan bây giờ như mới sực nhớ ra. Thoáng một nét ân hận, bà dỗ con và nói:

- Để rồi má sai người đi phố mua cho các con thật nhiều thứ mà các con thích, sẽ sắm nhiều quà tết cho các con. Má đi Huế chuyến này bận rộn quá nên má không... nhớ ra.

Nói đến đây chợt khuôn mặt, vóc dáng, nụ cười tươi trẻ và đầy mê hoặc của Bửu Toàn hiện ra trước mắt bà. Bà Mộc Lan như tê dại mê mẩn vì bóng dáng thân yêu vừa chợt hiện trong trí nhớ của bà. Các con không hề nhận thấy sự đổi khác ở má. Nhưng có một người đã sớm nhận ra, đó là người chồng. Người chồng thấy ở vợ có một mùi hương lạ. Cử chỉ của vợ có điều gì khang khác, và lúc gần gũi nhau ông thấy vợ nén một tiếng thở dài.

- Mình mệt vì công việc hay làm sao thế? - Người chồng hỏi.

- Không, tôi vẫn bình thường. Chỉ hơi nhức đầu vì đi đường xa. Tôi cần ở một mình - Người vợ nói.

Ba ngày tết nặng nề trôi qua, bà Mộc Lan theo xe vận tải hàng xuất khẩu về cảng biển Nha Trang. Mười ngày sau, chuyến tàu chở hàng xuất khẩu rời khỏi cảng, cũng là lúc bà Mộc Lan không thể nào chịu đựng hơn được nữa. Bà trở về KonTum thu vén một số tư trang và đồ dùng đi Huế.

- Mình đi Huế chuyến nầy có công việc gì? - Người chồng hỏi.

- Tôi ra Huế ở chơi mấy hôm, tiện đường có thể ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn, rồi đi Nam Vang để thăm dò thị trường. Mình và các con ở nhà, mọi việc tôi đã cắt đặt cho mấy đứa giúp việc lo liệu. Mình có buồn thì đi đánh tổ tôm tài bàn mà chơi...

Người chồng không nói một lời. Ông biết một khi vợ đã quyết việc gì thì rất khó lay chuyển. Ông nghĩ chắc có một tên quan Tây mũi lõ mắt xanh nào đó đã làm cho vợ ông xao xuyến. Ông mặc kệ sự đời. Đàn bà một khi đã thay lòng đổi dạ thì có trời mới bảo họ đặng đừng!

Ông thui thủi ở nhà một mình cắt đặt mọi việc cho người làm và chăm lo dạy dỗ các con. Ông biết vợ ông là một người có vị trí lớn trên thương trường, đồng thời cũng là một người đàn bà duyên dáng - mà trước và sau khi lấy ông- đã có nhiều gã trai lơ si tình chết mê chết mệt, nhưng bà ấy không cần quan tâm. Đây là lần đầu tiên bà có những hiện tượng lạ. Đi Huế về là hờ hững với chồng. Đi Huế về quên cả mua quà cho con. Và đặc biệt ở bà ngoài mùi nước hoa quen thuộc ra, còn có một mùi lạ, mà linh cảm của người đàn ông, của người chồng mách bảo ấy là mùi của một người đàn ông khác! Thôi thì trăm sự phú cho trời! Nghĩ vậy, nhưng bà Mộc Lan đi chừng một tuần thì ông bỗng có ý định bỏ nhà đi Huế tìm vợ. Ông muốn tìm hiểu cho ra nhẽ, kẻo để như thế nầy ấm ức lắm! Nhưng nhìn thấy đàn con bốn đứa không có má bên cạnh, bây giờ lại vắng cả ba, liệu chúng sẽ sống như thế nào đây? Ông lại hủy bỏ ý định đi Huế. Nhưng những ý tưởng nghi ngờ cứ lớn dần lên và luôn đè nặng tâm trí ông. Ngày thứ mười kể từ lúc bà Mộc Lan ra đi, ông cảm thấy lòng mình nóng ran như lửa đốt. Ông đang nhấp nhổm đứng ngồi không yên thì bà đột ngột trở về.

Bà lạnh lùng nói:

- Tôi hiện nay mắc chứng lãnh cảm, không thể gần gũi với chồng được. Đốc tờ bảo vậy. Nếu không tuân theo thì sẽ bị tổn thọ. Mình nên đi kiếm lấy một đám, để người ta còn chăm lo cho mình. Còn phần tôi, tôi xin ra ở riêng.

- Ở riêng? Mình nói gì nghe lạ vậy? - Người chồng thảng thốt hỏi.

- Không lạ đâu! - Bà Mộc Lan nghiêm nét mặt nói. Việc nghiêm chỉnh đấy! Chúng ta chia đôi các con ra, mỗi người hai đứa. Hoặc nếu mình không nuôi được thì tôi bắt cả bốn đứa theo luôn. Tài sản tôi sẽ chia đôi cho mình.

- Mình ơi! Người chồng gào lên nức nở - Tôi chỉ cần mình và các con chứ không cần tài sản.

- Mình nói chơi chi vậy? Bà Mộc Lan điềm tĩnh và rắn rỏi - Không có tiền mình sống bằng gì? Mình cần tôi nhưng tôi thì không cần mình nữa. Đây là một quyết định dứt khoát. Nếu chúng ta không thỏa thuận được với nhau thì tôi sẽ đệ đơn ta tòa án, người ta sẽ xử ly dị...

- Xấu hổ quá mình ơi! Làm sao tôi có thể ly dị mình? - Người chồng van xin - Mình nghĩ lại coi! Năm nay cả mình và tôi đều đã xấp xỉ bốn mươi, con cái lớn rồi, đừng làm vậy, người ta cười cho!

- Nếu mình sợ người ta chê cười thì tốt nhất là tôi với mình thỏa thuận với nhau, không nên gây ầm ĩ. Ngày trước chúng ta nên vợ thành chồng là do đôi bên cha mẹ sắp đặt. Nay cha mẹ đã qua đời rồi, tự chúng ta bàn bạc với nhau...

Nói rồi người đàn bà đi mở rương hòm kiểm kê tiền bạc ngọc ngà châu báu... Bà nói:

- Tôi để lại cho ông hai đứa con trai để nối dõi tông đường. Tôi đem theo hai đứa con gái.

- Bà nói sao? - Người chồng dãy nảy lên như đỉa phải vôi - Bà đem theo con Hương Thảo và con Đoan Thuận?... Nó là hai đứa con gái máu huyết tôi sinh ra, bà định đưa đi đâu?

- Vậy nó không phải là máu huyết của tôi ư? Hay là ông muốn tôi đưa hai đứa con trai đi, để lại hai đứa con gái cho ông cũng được - Bà Mộc Lan lạnh lùng nói.

- Không! Tôi không muốn đem đứa con nào ra khỏi nhà tôi hết! - Người chồng lại gào lên - Mình có muốn đi khỏi tôi thì hãy đi một mình! Vàng bạc châu báu của cải mình đem theo hết đi, nhưng xin mình hãy để lại những đứa con cho tôi! Mình có theo ai thì hãy theo một mình, đừng đem các con tôi theo làm khổ đời nó!...

- Ông nói nghe mới lạ làm sao? - Bà Mộc Lan vẫn bình thản - Tôi còn sống đây làm sao ai lại dám để cho con tôi khổ?

Khi ba má tranh luận gay gắt đến đây thì cậu con trai cả bất thần từ phòng bên nhào ra ôm chân mẹ mà khóc:

- Má ơi, đừng bỏ con má ơi!... Đừng bỏ chúng con! Má ơi!... Đừng bỏ ba, má ơi! Con xin má!...

Những lời kêu khóc thống thiết của đứa con trai lớn - mười lăm tuổi - có làm cho trái tim người mẹ xao động. Nhưng cùng lúc, bà sực nhớ đến Bửu Toàn với lời nguyện ước sống chung - làm cho bà Mộc Lan cảm thấy tê cóng tất cả mọi cảm xúc

Bà biết về phía Bửu Toàn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc chàng ly dị vợ không phải làm ngày một ngày hai mà xong được.

Tuy vậy, theo lời hẹn, một tuần sau bà Mộc Lan đã dẫn hai cô con gái Hương Thảo- mười ba tuổi, Đoan Thuận - mười hai tuổi - theo má về sống trong một ngôi nhà rộng rãi thoáng mát mà bà đã mua trong đợt đi Huế vừa qua.

Hằng ngày bà Mộc Lan sống với hai cô con gái và đợi chờ Bửu Toàn tới.

Bửu Toàn đã thực sự say mê người thiếu phụ đảm đang duyên dáng tài hoa giàu có và lớn hơn mình trên chục tuổi.

Những người nông dân đeo lên ngực lên cánh tay của mình những mảnh vải đỏ hình vuông có in hình lưỡi liềm. Mấy anh phu xe kéo thì mang mảnh vải trắng in hình một cái kéo đỏ. Và kìa ông chủ tiệm giày Tự Lực - chuyên đóng giày cho gia đình Bửu Toàn đang có mặt trong đội ngũ thợ giày, trên ngực ông ta và đồng nghiệp in hình một đôi giày màu đỏ. Các bà các chị buôn gánh bán bưng in hình hai cái thúng màu đỏ trên mảnh vải vàng đeo lên cánh tay... Đoàn biểu tình ước tính lên đến hàng vạn người từ khắp nơi trong tỉnh kéo về thành phố đợi đón Godart, nhưng đợi suốt từ sáng đến chiều ngày 24.2.1937 vẫn không thấy Godart đến. Buổi tối đoàn người thưa thớt dần, có người đoán họ đã giải tán và ra về. Nhưng sáng sớm mai lại thấy họ tề tựu đông đúc như ngày hôm trước. Đông và chật nhất là trên hai trục đường Paul Bert và Jules Ferry. Đến tối họ tản mát vào các con hẻm, các góc phố. Một số gia đình đem cơm và bánh mì ra tiếp tế cho đoàn biểu tình, một số khác được mời vào nghỉ trong các gia đình, trong các cửa tiệm, mọi người động viên nhau kiên trì đợi Godart. Và sự chờ đợi đã không uổng công. Đúng 10 giờ ngày 26.2.1937 đoàn xe của Godart xuất hiện ở cửa ngõ phía Bắc, tiến dần vào Kinh đô Huế. Từ cầu Bạch Hổ đến cầu Trường Tiền rừng người chật như nêm, những cánh tay tung lên cao, hô vang các khẩu hiệu:

- Hoan hô Mặt trận bình dân!

- Hoan hô Godart!

- Tự do báo chí!

- Tự do nghiệp đoàn!...

Từ trên xe Godart tươi cười phấn chấn vẫy tay chào mọi người với vẻ hết sức chân tình và đầy lòng biết ơn. Đoàn xe chạy rất chậm như trôi đi từ từ giữa làn sóng người. Mấy em nhỏ bán báo vạch đám đông chạy đến bên xe Godart đưa tặng Godart tờ báo NHÀNH LÚA số xuân vừa mới phát hành. Khi đoàn xe của phái bộ Chính phủ Bình dân Pháp vừa qua hết, lập tức làn sóng người trôi dần qua cầu Trường Tiền, tiến đến trước Tòa Khâm sứ, lại tiếp tục hô vang các khẩu hiệu: Hoan hô Mặt trận Bình dân! Hoan hô Godart... rồi tuần tự tỏa về những con đường trong thành phố.

Ngài chánh sứ đã lưu ý các quan viên thuộc cấp hãy chủ động để ứng phó khi phái đoàn của Chính phủ Bình dân Pháp do Godart dẫn đầu đến Trung kỳ để điều tra, hãy chủ động phòng ngừa những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, một khi cộng sản xúi dục đám nông dân và thợ thuyền làm náo loạn. Nhưng rất may là cuộc biểu tình của họ đã diễn ra trong trật tự êm thấm.

Bửu Toàn bước ra khỏi cửa phòng làm việc và thở phào như vừa trút xong một gánh nặng. Có thể nói suốt bốn mươi tám giờ đồng hồ qua các quan viên Tòa Khâm sứ gần như cấm trại! Bửu Toàn bước ra đường thấy người kéo xe vẫn kiên trì chờ đợi ông. Về đến nhà Bửu Toàn thay đồ, tắm rửa qua quýt rồi rút về phòng riêng, bảo rằng “đã ăn cơm tối rồi”, nhưng thực tế bụng đói từ sáng đến giờ và miệng lưỡi đắng chát, Bửu Toàn không muốn ăn uống gì. Ông rót một ly nhỏ rượu Rhum, đứng bên cửa sổ nhấm nháp vừa nghe ở phòng bên bé Vĩnh Tuấn đang bi bô học hát bài “Cái trống xinh... xinh...”. Liên tiếp hai ngày 27 và 28 tháng 2.1937 Tòa Khâm sứ đã chứng kiến cảnh hàng trăm người đại diện cho các ngành các giới: báo chí, thợ đóng giày, nông dân, thợ may, phụ nữ, giáo chức, học sinh... với các yêu sách mà họ gọi là các bản Dân nguyện, bản thỉnh nguyện, họ cử đại diện đến trao tận tay Godart. Bản thỉnh nguyện dày cộp gồm hai mươi trang giấy chữ nhỏ được chuẩn bị rất chu đáo. Ngài chánh sứ đã lập tức cho sao ra nhiều bản để lưu lại Tòa Khâm sứ. Bản thỉnh nguyện gồm có cả thảy ba mươi ba điều đề nghị cải cách các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội ở Trung kỳ Việt Nam, với mười bốn bức thư của cá nhân và tập thể gửi riêng cho Godart, xin Godart hãy can thiệp mạnh để nước Việt Nam nói chung và Trung kỳ nói riêng được cải cách dân chủ, dân sinh, và tiến bộ xã hội. Godart đã nhiều lần hứa hẹn sẽ trình lên Chính phủ Pháp các bản thỉnh nguyện thư này, đồng thời bản thân Godart sẽ làm hết sức mình, sẽ tranh thủ các lực lượng tiến bộ ở Pháp đứng về phía nhân dân Việt Nam để đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của nhân dân Việt Nam... Chắc chắn rồi đây sau lúc Godart trở về Pháp, Chính phủ Pháp sẽ có những nghị định mới, sẽ có những chỉ thị cho Tòa Khâm sứ Trung kỳ thực hiện những cải cách cần thiết - để giữ thế thăng bằng trước sức ép ngày càng tăng của công chúng - mà ai cũng thừa biết đứng đằng sau lưng họ là Đảng Cộng sản. Bửu Toàn nghĩ thây kệ mọi thứ đó của Chính phủ Pháp! Anh chỉ là người làm công tác văn phòng, người ta chỉ đâu làm đó, xong việc rồi về, cuối tháng lãnh lương. Hơn nữa, đời anh từ khi gặp bà Mộc Lan như bước qua một khúc ngoặt mới. Anh yêu quý và ngưỡng mộ tính xông xáo tháo vát của bà. Với tài năng quyền biến đảm lược như bà Mộc Lan, một lúc nào đó nếu bị thất nghiệp Bửu Toàn có thể làm thuê cho bà, làm anh thư ký đảm nhiệm tất cả mọi giấy tờ giao dịch của Hãng, nhất là trong quan hệ với các thương gia ngoại quốc. Ý nghĩ này chợt đến làm Bửu Toàn mỉm cười. Bởi vì làm sao Bửu Toàn có thể lâm vào tình trạng thất nghiệp được? Trừ khi anh chủ động bỏ việc. Nhưng người đàn ông một khi muốn giữ tư thế của mình thì đừng bao giờ trở thành nhân viên thuộc cấp của vợ. Chàng không thể làm thuê cho bà Mộc Lan, đó là một điều chắc chắn. Nhưng một mai nếu thấy không thích hợp với công việc chánh văn phòng Tòa Khâm sứ, anh có thể xin chuyển công tác đến một nhiệm sở nào đó... thích hợp hơn, ít nhất ở đó không có đụng chạm những vấn đề tế nhị về quân sự, chính trị, ngoại giao như ở Tòa Khâm sứ. Nhưng tìm đâu ra một cơ quan như thế ở Trung kỳ? Ở Việt Nam? Bởi vì đã là cơ quan Nhà nước hoặc trực thuộc Nam triều, hoặc trực thuộc Tòa Khâm sứ. Chỉ trừ khi anh làm cho một hãng tư. Nhưng hãng đó không phải của bà Mộc Lan. Bửu Toàn bước đi vừa suy nghĩ. Anh vẫy xe bảo đưa về phía Miếu cây thị, nơi có ngôi nhà mới tậu của bà Mộc Lan đầy đủ tiện nghi và ấm cúng.

Ở phòng khách Bửu Toàn gặp Hương Thảo và Đoan Thuận đang chơi Domino. Thấy Bửu Toàn cả hai rời bàn cờ đứng dậy khoanh tay lễ phép và cùng thốt lên:

- Con chào quan ngài ạ!

- Má đâu? Bửu Toàn hỏi.

Bà Mộc Lan từ phòng trong lật đật bước ra nở nụ cười rạng rỡ đón Bửu Toàn. Bửu Toàn bước sang phòng bên. Bà Mộc Lan giúp Bửu Toàn cởi áo khoác. Bửu Toàn ngồi xuống ghế nệm. Bà Mộc Lan tháo giày cho Bửu Toàn, rồi dùng khăn ấm lau sạch đôi bàn chân của Bửu Toàn xong, đặt dưới chân chàng một đôi dép da mềm và nhẹ. Bà Mộc Lan gọi các con đi ăn cơm. Hôm nay bà tự tay nấu món nấm mà các con thích, món xa lat rau đậu và món cánh gà chiên bơ mà Bửu Toàn thích. Mọi người cùng ngồi ăn uống vui vẻ. Khi hai cô con gái ăn xong vừa rút về phòng riêng của mình, Bửu Toàn nói giọng không vui:

- Thực lòng càng về sau nầy tôi càng không muốn làm việc cho người Pháp. Nhưng bây giờ mà xin chuyển ngạch chuyển ngành để có một việc làm ưng ý là rất khó. Ra làm quan như chú Bửu Tín thì tôi không thích. Tình hình chính trị xã hội ngày một phức tạp hơn. Tôi làm việc mà lòng lúc nào cũng bức bối chán nản. Ước gì mình còn là một anh sinh viên như trước đây chỉ biết học với học mà thôi...

Bà Mộc Lan sửa lại nếp áo cho Bửu Toàn vừa dịu dàng hỏi:

- Trước đây mình đã theo học trường Hậu bổ tức là đã nuôi mộng làm quan rồi. Cớ sao bây giờ không muốn ra làm quan?

- Lúc bấy giờ ở Đông Dương có cái trường gì cho con người ta theo học đâu? Chỉ có vài chỗ học nên rất khó chọn. Học cao đẳng mỹ thuật chẳng hạn thì tôi không thể, bởi vì tôi không có năng khiếu hội họa. Với lại xưa nay việc học hành của anh em chúng tôi đều do một tay ông cụ định đoạt cả, chúng tôi chỉ biết vâng lời.

Nhìn nét mặt buồn chán và đầy băn khoăn của Bửu Toàn, lòng bà Mộc Lan cảm thấy quặn thắt. Bà thương Bửu Toàn quá! Ước gì bà có thể san sẻ gánh vác bớt cho ông!

Hai người ngồi im lặng một hồi lâu, bỗng bà Mộc Lan đột ngột hỏi:

- Hay là mình quá lo lắng về việc của chúng ta?

- Một phần là như thế - Bửu Toàn thành thật đáp - Chắc chắn một lúc nào đó vấn đề được công khai, sẽ có nhiều dư luận. Cái thành phố này là sính dư luận lắm!...

- Nếu mình quá e ngại thì em sẽ rút lui êm thấm để khỏi ảnh hưởng cho mình...

- Mình đừng nói thế! Bửu Toàn gạt đi - Tôi đã quyết rồi không thể bàn lùi được nữa!...

H.K.L
(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Lòng mẹ (13/07/2009)
Ông và cháu (13/07/2009)
Trở về (10/07/2009)
Các bài đã đăng