Tạp chí Sông Hương - Số 179-180 (tháng 1-2)
Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa
10:14 | 09/07/2009
TRIỀU NGUYÊN  Từ ngữ cùng nghĩa là những từ ngữ gần nhau về ý nghĩa, nhưng khác nhau về âm thanh. Có ba kiểu cùng nghĩa trong tiếng Việt, là cùng nghĩa giữa từ ngữ thuần Việt (TV) với từ ngữ thuần Việt, cùng nghĩa giữa từ ngữ thuần Việt với từ ngữ Hán Việt (HV), và cùng nghĩa giữa từ ngữ Hán Việt với từ ngữ Hán Việt. Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa, có hai hình thức: tạo các từ ngữ cùng nghĩa xuất hiện trên cùng một văn bản ngắn; và cách cùng nghĩa có kết hợp với các hình thức chơi chữ khác.

1. Câu đối chơi chữ theo cách tạo các từ ngữ cùng nghĩa xuất hiện trên cùng một văn bản ngắn
 Cách chơi chữ này thường dựa trên cơ sở cùng âm. Góp nhần nhận ra hiện tượng cùng nghĩa, có thể nhờ vào yếu tố cùng trường ở vị trí đối ứng. Ví dụ:
            * Trồng môn trước cửa;
              Bắt ốc sau nhà .
Các cặp cùng nghĩa HV–TV: “môn” – “cửa”; “ốc” – ”nhà”. Trong ngữ cảnh thuận, “môn”, “ốc” là tên cây, tên con vật (TV); chúng chuyển thành từ HV để tương ứng với “cửa”, “nhà”, theo cách cùng nghĩa (để chơi chữ). Sự chuyển nghĩa này được nhận ra do hiện tượng cùng trường: “cửa” – ”nhà” .

            * Thủ thỉ chén đầu lợn;
              Hung hổ vỗ bụng hùm.
“Thủ thỉ”, “hung hổ” (HV, cấu tạo theo ngữ pháp tiếng Việt), cùng nghĩa với “đầu lợn”, “bụng hùm” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, chúng là những từ thuần Việt (“thủ thỉ”: (ăn nói) nhỏ nhẹ, từ tốn; “hùng hổ”: (thái độ) nóng nảy, dữ tợn).

            * Da trắng vỗ bì bạch;
             Rừng sâu mưa lâm thâm.
“Da trắng” (TV) cùng nghĩa với “bì bạch” (HV). Trong ngữ cảnh thuận, “bì bạch” là từ tượng thanh; nó chuyển thành ngữ “bì bạch” (HV, cấu tạo theo ngữ pháp tiếng Việt –lẽ ra phải “bạch bì”), do sự xuất hiện của “da trắng”, nhằm đạt cùng nghĩa, trên cơ sở cùng âm (nếu đổi lại, “da đen vỗ bì bạch” chẳng hạn, thì nghĩa theo ngữ cảnh thuận không thay đổi, nhưng chuyện chơi chữ biến mất). Tương tự, “rừng sâu” (TV) cùng nghĩa với “lâm thâm” (HV). Ở ngữ cảnh thuận, “lâm thâm” là từ tượng hình; nó chuyển thành ngữ “lâm thâm” (HV), do sự có mặt của “rừng sâu”, trên cơ sở cùng âm, để tạo ra hiện tượng chơi chữ cùng nghĩa.
Có một số vế đối lại (thay vế dưới) khác: Mũi thấp hun tị ti, Trời xanh màu thiên thanh, Giếng nhỏ bé tỉnh tinh,... Chúng không chỉnh bằng (do nhiều yếu tố, nhưng yế tố cơ bản, là ở vị trí đối ứng với “bì bạch”, không sử dụng được từ tượng thanh).

            * Cuốc xuống ao uống nước;
             Gà vào vườn ăn kê.
“Cuốc” (quốc), “kê” (HV), cùng nghĩa với “nước” (nước nhà), “gà” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, “cuốc” là con chim cuốc, “kê” là loài cây (hạt kê thường dùng để nấu chè), “nước” là thức uống.

            * Sửa nhà, gia đình ra sân;
             Cứu nước, quốc hội phải họp.
Các cặp cùng nghĩa HV–TV: “gia” – “nhà”, ”đình” – “sân”; ”quốc” – “nước”, ”hội” – “họp”.
            * Dưới sông, hà bá là chúa;
             Trên đất, thổ công làm trùm.
Các cặp cùng nghĩa HV–TV: “hà” 2 “sông”, “bá” 2 “chúa”, “thổ” 2 ”đất”, “công” 2 “trùm”.

            * Nấu đậu phụ cho cha ăn;                          
             Sắc ích mẫu cho mẹ uống.
“Phụ”, “mẫu” (HV), cùng nghĩa với “cha”, “mẹ” (TV). “Phụ”, “mẫu” là các từ tố của “đậu phụ” (một nguyên liệu để chế biến thức ăn), “ích mẫu” (một cây thuốc thường dùng để chữa bệnh cho phụ nữ), được tách ra để hình thành lối chơi chữ cùng nghĩa, trên cơ sở cùng âm.

Một vế đối lại khác: Lấy mắm tôm cho mẹ chấm. Đem “mắm tôm” đối với “đậu phụ” có vẻ sát hợp hơn, chúng đều là những món ăn thường dùng; duy cách cùng nghĩa “tôm” với “mẹ” thì không tương ứng theo lối HV–TV của vế ra, lại không ổn về nghĩa –”tôm” thường được dân gian sử dụng như một biểu tượng chỉ phụ nữ nói chung, có ý tục, dùng với mẹ thì xấc.

            * Chuồng gà kê áp chuồng vịt;
             Cá diếc tức phường cá mè.
“Kê”, “áp”, “tức”, “phường” (HV), cùng nghĩa với “gà”, “vịt”, “diếc”, “mè” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, “kê” là đặt, xếp đặt (vật dụng); “áp” là (đặt) sát vào; “tức” là giận, bực; “phường” chỉ  tầng lớp người cùng làm một việc, một nghề (hoặc: lũ, bọn), là những từ TV. Do xuất hiện cùng nghĩa, chúng chuyển thành từ HV, theo cách cùng âm TV–HV. 

            * Đứng giữa làng Trung Lập;
             Dấy trước phủ Tiên Hưng.
“Đứng giữa”, “dấy trước” (TV), cùng nghĩa với “trung lập”, “tiên hưng” (HV –vốn tách theo cách cùng âm với hai địa danh Trung Lập, Tiên Hưng, thuộc tỉnh Thái Bình). Vế ra của quan huấn đạo, vế đối lại là của Kì Đồng (Nguyễn Văn Cẩm).

            * Ô! Quạ tha gà;
              Xà! Rắn bắt ngoé.
“Ô”, “xà” (HV), cùng nghĩa với “quạ”, “rắn” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, “ô”, “xà” là những từ cảm thán.

            * Hương ngũ vị năm mùi thơm chửa?
              Đèn tam tinh ba ngọn sáng sao! 
“Ngũ vị”, “tam tinh”, cùng nghĩa với “năm mùi”, “ba ngọn (sao)”; “vị”, “tinh” cũng có nghĩa là “chửa” (chưa), “sao”.
Có vế đối lại khác: Hồ bán nguyệt nửa tháng trông trăng. “Bán nguyệt”  cùng nghĩa với “nửa tháng”; “nguyệt” cũng có nghĩa là “trăng”.

             * Con rể nết na xem tử tế;
               Ông chồng cay đắng kể công phu.
“Tử tế”, “công phu” (HV, cấu tạo theo ngữ pháp tiếng Việt), cùng nghĩa với “con rể”, “ông chồng” (TV). “Tử tế” (có đủ theo yêu cầu, không lôi thôi; có lòng tốt), “công phu” (sự hao tổn sức lực, thời gian), dùng theo ngữ cảnh thuận, là những từ có gốc HV, chuyển thành từ ngữ HV cùng âm, do xuất hiện các yếu tố TV cùng nghĩa với chúng.

            * Học trò Phú Khê ăn cơm cháy;
             Quan huyện Thanh Trì uống nước ao.
“Cháy”, “ao” (TV) cùng nghĩa với cùng âm “khê” (TV) của “Khê” (trong Phú Khê), với “Trì” (trong Thanh Trì), là những yếu tố HV (được tách ra theo cách cùng âm).

            * Nước giếng Rồng pha chè Long Tỉnh;
              Lửa cầu Rắn thắp hương Xà Kiều.
Giếng Rồng, cầu Rắn (địa danh TV), cùng nghĩa với Long Tỉnh, Xà Kiều (địa danh theo HV). Long Tỉnh, Xà Kiều đồng thời là tên chè, tên hương; nên với hai địa danh trên là cùng âm.

            * Bươm bướm đậu cành sen, liên chi hồ điệp; 
             Gà trống mổ hạt thóc, cốc đế hùng kê. 
“Bươm bướm”, “cành sen” (TV), cùng nghĩa với “hồ điệp”, “liên chi” (HV); “gà trống”, “thóc” (TV), cùng nghĩa với “hùng kê”, “cốc” (HV). 

            * Ao Thanh Trì nước trong leo lẻo, cá lội ngắc ngư;
             Sông Ngân Hà sao bạc chan chan, vịt nằm ấm áp.
Có sáu cặp từ cùng nghĩa TV–HV: “ao”–”trì”; “trong”–”thanh”; “cá”–”ngư”; “sông”–”hà”; “bạc”–”ngân”; ”vịt”–”áp”. “Thanh”, “trì”, “ngân”, “hà” cùng âm với Thanh Trì, Ngân Hà (tên riêng); “ngư”, “áp” là từ tố của “ngắc ngư”, “ấm áp”, được tách ra trên cơ sở cùng âm để đạt yêu cầu chơi chữ. Ở đây, cũng dùng cách chơi chữ cùng trường nghĩa sở thuộc: “cá” ? “ao Thanh Trì”, “vịt” ? “sông Ngân Hà”. 

            * Huyện Tam Dương có ba con dê, đứng núi đá trông về Lập Thạch;
             Quan Tứ Kì đi xe bốn ngựa, vâng mệnh trời ra trị Thừa Thiên.
Các cặp từ ngữ cùng nghĩa HV–TV: “tam dương”–”ba con dê”; “lập thạch” –”đứng núi đá”; “tứ kì”–”bốn (con) ngựa”; “thừa thiên” –“vâng mệnh trời” (đồng thời, “tam dương”, “lập thạch”, “tứ kì”, “thừa thiên” là bốn từ ngữ cùng âm với bốn địa danh trong câu đối).

Có một câu đối được tạo nên bằng những cặp từ đơn tiết cùng nghĩa đi liền nhau:
            * Đi chi đường đạo sợ cụ;
             Không vô trong nội nhớ hoài. 
(tương truyền, vế ra của vua Duy Tân, vế đối lại của thượng thư Nguyễn Hữu Bài)
Các cặp cùng nghĩa TV–HV: “Đi”–”chi”; “đường”–”đạo”; “sợ”–”cụ” (vế trên); “không” –”vô”; “trong”–”nội”; “nhớ”–”hoài” (vế dưới). Các từ HV được chuyển từ cùng âm TV sang một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn đến mức khó nhận ra có sự dụng công, mà chỉ như những câu nói đầu cửa miệng.

Sau cùng, có hai vế câu đối, chưa thấy có các vế đối lại tương ứng, cùng ra đời vào dịp tết và cùng đề cập đến loài hổ báo, xin được chép ra đây:
            * Đêm ba mươi tết cọp nằm nhà, xoa đầu con, beo má vợ, sẵn tương ớt, rót hổ cốt nhắm với tôm hùm, no kễnh bụng.
            * Làm đại khái qua loa, nói như hùm như cọp, ông ba mươi đã lên giọng lão, chẳng sửa dần càng thêm hổ miệng. (Văn Lợi, 1986)
Loạt từ cùng nghĩa, chỉ loài hổ báo: (ông) ba mươi, cọp, beo1, hổ, hùm, kễnh (câu đầu); khái, hùm, cọp, ông ba mươi, dần, hổ (câu sau).

2. Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa kết hợp với các hình thức chơi chữ khác
a. Cùng nghĩa kết hợp với cùng âm
Đây là cách chơi chữ phức hợp, cả hai hình thức cùng nghĩa và cùng âm đều được thể hiện trên văn bản. Ví dụ:

            * Kê là gà, gà ăn kê;
             Âu là trẻ, trẻ ăn ấu.
“Kê1”, “ấu1” (HV), cùng nghĩa với ”gà”, ”trẻ” (TV). Có thể viết câu đối dưới dạng công thức suy luận : “kê”=”gà”, “ấu”=”trẻ”; và “kꔹ”gà”, “ấu”¹“trẻ”. Ta thấy, chúng phạm quy luật đồng nhất (đã là một thì không thể tự mình “ăn” (huỷ hoại) mình được). Để khỏi phạm luật, “kê2”, “ấu2” phải là những từ khác nghĩa với “kê1”, “ấu1” – đây là hai từ TV (gọi tên hạt kê và quả ấu).

            * Lộc là hươu, hươu đi lộc cộc;
              Ngư là cá, cá lội ngắc ngư. 
“Lộc”, “ngư” (HV), cùng nghĩa với “hươu”, “cá” (TV). Các từ HV này, đồng thời, cùng âm với các từ tố “lộc”, “ngư” trong “lộc  cộc”, “ngắc ngư” (TV).
Vế đối lại khác:  Long là rồng, rồng chạy long đong. “Long” (HV) cùng nghĩa với “rồng” (TV), cùng âm với từ tố “long” của “long đong”.

            * Cái là tượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái;
             Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thầy tu. 
(vế trên là của một nhà sư, vế dưới là của Hoàng Phan Thái)
Các cặp cùng nghĩa được nêu trực tiếp (cái là tượng, tượng là voi,...). Các cặp cùng âm như sau: HV-HV: “tượng” (tượng mảng) 2 ”tượng” (voi), “tu” tức “hổ” (xấu hổ) 2 ”tu”  (thầy tu); HV-TV: “cái” tức “tượng” (HV, tượng mảng) 2 ”cái” (“cửa cái” –TV, cửa chính), ”hổ” (cọp) 2 “hổ” (xấu hổ).
Ở đây, có hiện tượng chuyển nghĩa bằng cùng âm, tạo sự vi phạm quy luật đồng nhất về hình thức (giả vi phạm luật đồng nhất), trong lúc thực chất là hợp logic. Có thể mô hình hoá để lí giải hiện tượng này như sau:
“Tu (T) là hổ (H), hổ là cọp (C), cọp bắt thầy tu” :  T = H ,  H = C 
®  C ¹ T
Công thức trên biểu thị việc vi phạm luật đồng nhất (lẽ ra, phải suy thành C = T). Nhưng chỉ giả vi phạm, bởi vì “cọp” là “hổ” (con hổ), không phải là “hổ” (xấu hổ); và “hổ” (xấu hổ) này là “tu” (HV), cùng âm với “tu” (HV -trong “thầy tu”). Vì thực chất C
¹ T, “nên cọp bắt thầy tu” là hợp lẽ.

            * Phụ là vợ, phu là chồng, vì chồng vợ phải đi phu;
              Ngã là ta, nhĩ là mày, tại mày nên ta mới ngã.
Giai thoại về câu đối này: “Anh học trò trốn đi phu, quan bắt vợ anh ta đi thay, rồi đọc vế trên, bảo nếu đối lại hay, sẽ miễn phu cho cả hai người, và anh nọ đã đối như vậy; dù vế đối lại rất xấc, nhưng quan cũng giữ lời mà tha cho”.

Các cặp cùng nghĩa đã được nêu trực tiếp. Các cặp cùng âm như sau: “phu” (chồng) 2”phu” (phu phen, lao dịch); “ngã” (ta)2”ngã” (té ngã).
            * Phụ là cha, tử là con, công cha con không dám phụ;
              Mẫu là mẹ, tử là con, biết mẹ con còn nói mẫu.
Các cặp cùng nghĩa đã được nêu trực tiếp. Các cặp cùng âm: “phụ” (cha) 2 ”phụ” (phụ bạc); “mẫu” (mẹ) 2 ”mẫu” (nói mẫu: nói bông lơn, nói mỉa mai).

b. Cùng nghĩa kết hợp với cùng trường nghĩa
            * Tí tận, thử tống mão;
             Sửu đầu, ngưu thốn thìn.
“Tí”, “sửu”, về mặt biểu tượng, cùng nghĩa với “thử”, “ngưu”. Bên cạnh đó, “tí”, “sửu”, “mão”, “thìn” cùng trường nghĩa, thuộc thập nhị địa chi.

            * Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long;
             Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử.
Tương truyền, vế ra là của Thị Điểm, vế đối lại là của Trạng Quỳnh. “Rồng”, “chuột” (TV), cùng nghĩa với “long”, “thử” (HV). Vế ra có “rồng”, “rắn”, hai từ cùng trường nghĩa; vế đối lại có “(dưa) chuột”, “(dưa) gang”, cũng là hai từ cùng trường dưa quả.

            * Cha con thầy thuốc về làng, gánh một gánh hồi hương, phụ tử;
             Vàng bạc nhà nông chuộc đất, trồng đôi hàng thục địa, kim ngân.
(Vế trên là một vế đối cổ, vế dưới của Phan Châu Trinh)
Các cặp từ cùng nghĩa TV–HV: “cha con” – ”phụ tử”; “về làng”–”hồi hương”; “vàng bạc” – ”kim ngân”; “chuộc đất” – ”thục địa”. Chúng cùng âm với các tên gọi vị thuốc “hồi hương”, “phụ tử”,... Bên cạnh đó, “hồi hương”, “phụ tử”, “thục địa”, “kim ngân” lập thành một trường về các vị thuốc, phù hợp với nghề thuốc và nhà nông trồng cây thuốc.

            * Giậu rào mắt cáo, mèo chui lọt;
             Rổ nức lòng tâm, tép nhảy qua.
(vế trên chưa rõ tác giả; vế dưới, tương truyền của Nguyễn Huy Lượng)
Câu đối có các cặp cùng nghĩa: “giậu”–”rào”; “lòng”–”tâm”. Đồng thời, có “cáo”,”mèo” là hai từ cùng trường nghĩa; “tôm”,”tép” cũng vậy.

c. Cùng nghĩa kết hợp với nhiều nghĩa, cùng âm, trùng điệp
* Tương truyền, Đoàn Thị Điểm có ra một vế đối, mà đến nay vẫn chưa có vế đối lại tương xứng:
            Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.
Cùng nghĩa HV-TV: “song song” 12 ”hai cửa sổ”. Nhiều nghĩa: “song song” 2 vừa có nghĩa sóng đôi, ngang bằng nhau, vừa có nghĩa được thông suốt (nghĩa “sóng đôi, ngang bằng nhau” đã được Việt hoá). Cùng âm: “song song” 1 – “song song” 2. Cũng lưu ý rằng, nếu ngắt nhịp giữa “ngồi” và “trong”, thì “cửa sổ song song” lại có thể hiểu theo một cách khác, là hai lần cửa, hoặc hai cửa sổ cùng nằm trên hướng nhìn (hai người không ngồi gần nhau). Bên cạnh đó, hiện tượng trùng điệp (âm hay từ) cũng được sử dụng, chỉ có 8 âm tiết được dùng để lắp đầy cho 14 âm tiết của vế đối. ”Cái hay” ấy cũng là cái khó để có thể lựa lời đối lại.

Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa, qua các trình bày trên, là một mảng câu đối thú vị. Chúng góp phần làm phong phú diện mạo câu đối có sử dụng chơi chữ nói riêng, sự sắc sảo, hóm hỉnh của tính cách Việt nói chung.

T.N.
(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Lòng mẹ (13/07/2009)
Ông và cháu (13/07/2009)
Trở về (10/07/2009)
Các bài đã đăng
Miền cỏ thơm (07/07/2009)
Linh hồn Huế (06/07/2009)
Lhasa vẫy gọi (06/07/2009)