Tạp chí Sông Hương - Số 213 (tháng 11)
Thương tiếc hoạ sĩ Đỗ Kỳ Hoàng
16:25 | 08/01/2009
VÕ QUÊLTS: Hoạ sỹ Đỗ Kỳ Hoàng nguyên ủy viên thường vụ Hội LH.VHNT TT.Huế, nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật TT.Huế, nguyên giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế v.v... đã từ trần ngày 26 tháng 10 năm 2006, hưởng thọ 75 tuổi.Thương tiếc người hoạ sỹ tài danh xứ Huế, Sông Hương xin đăng bài viết của nhà thơ Võ Quê và xin được coi đây như một nén hương tưởng niệm.

Mỗi ngày, mỗi ngày... du khách trong, ngoài nước khi đến tham quan di tích lịch sử Ngọ Môn, Huế đều không thể không thưởng ngoạn tác phẩm mỹ thuật “Lễ Truyền lô” có giá trị nghệ thuật bằng sơn mài của họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng được trưng bày tại đây, bức tranh giới thiệu về một nghi thức quan trọng của cung đình triều Nguyễn.
Theo sự đánh giá của nhiều đồng nghiệp mỹ thuật đương thời, họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng đã sáng tác bằng một tâm hồn yêu quê hương chân chính. Từ trong sâu thẳm tâm thức người nghệ sĩ tài hoa ấy là những dằn vặt, suy tư, chiêm nghiệm về đời, về người, về cuộc sống. Họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng đã dành phần lớn cảm xúc sáng tạo cho chủ đề Huế: Huế đẹp, Huế thơ, Huế cổ kính, Huế trầm lắng, Huế duyên dáng, Huế trữ tình của “Hương Giang nhất phiến nguyệt. Kim cổ hứa đa sầu” trong thơ Nguyễn Du và một Huế khí phách, hào hùng, lãng mạn cách mạng với hình tượng “trường giang như kiếm lập thanh thiên” trong thi phẩm “Hiểu quá Hương Giang” của Cao Bá Quát. Những tác phẩm hội họa chuyên về sơn mài của Đỗ Kỳ Hoàng được xuất hiện trước công chúng đã rất trung thực biểu lộ những hoài bão, khát vọng, ước mơ của ông nhằm giới thiệu, phản ảnh sinh động những giá trị, bản sắc văn hóa Huế trong các thời kỳ, qua nhiều cách thể hiện vừa phong phú, đa dạng của mỹ thuật đương đại, vừa rất nhuần nhuyễn, thuần thục, tinh tế trong hòa sắc phương Đông.

Với một quá trình sáng tác tương đối sung mãn, đam mê, linh hoạt và thêm vào đó là một bề dày hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật từ trước đến nay, họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng đã đem đến công chúng yêu thích nghệ thuật tạo hình những cuộc triển lãm kỳ thú và được nhiều nhà phê bình mỹ thuật, những nhà sưu tập trong và ngoài nước cảm nhận một cách sâu sắc về ý tưởng, nội dung, chủ đề thể hiện của tác giả. Đó là các cuộc triển lãm cá nhân tại Sài Gòn (1961, 1970), Huế (1966, 1972, 1993)), Đà Lạt (1969); các cuộc triển lãm chung tiêu biểu như: Triển lãm 3 họa sĩ Huế tại Hà Nội (1988), triển lãm lưu động tại An Ocean Apart, Hoa Kỳ (1995), triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (1976, 1980, 1985, 1990, 1995, 2000...), triển lãm chung của các trường Đại học Mỹ thuật Huế, Hà Nội, Chiang Mai và Silpakorn, Thái Lan (1995, 1997), triển lãm tranh Huế nhân dịp Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội (1999), triển lãm tranh 7 họa sĩ Huế: Đỗ Kỳ Hoàng, Nguyễn Thái Hòa, Thân Văn Huy, Ngô Lan Hương, Hồng Trọng Mỹ, Vũ Văn Thiện, Đặng Mậu Tựu tại Khách sạn Mélia, Hà Nội do Đại Sứ quán Thụy Sỹ bảo trợ  (2000)...

Hạnh phúc lớn lao nhất của họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng trong cuộc đời dạy học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật ( nay là trường Đại học Nghệ thuật Huế) là đã rất tâm huyết khi đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ học trò ngành mỹ thuật. Những thế hệ học trò ấy đã dành riêng cho ông sự trân trọng cao khiết bởi ông đã có những cống hiến tâm thành khi truyền thụ tất cả các chức năng về kỹ thuật ứng dụng, về xử lý chất liệu, hình ảnh, sắc màu, bố cục khi sáng tác tranh sơn mài. Điều đáng nói là họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng thường tinh tế, chuẩn xác khi đánh giá, nhận xét về tài năng của đồng nghiệp cũng như tay nghề, tính cách của học trò trong các bài viết rất công phu về học thuật. Nhìn nhận về sự phát triển nền mỹ thuật Huế, nhiều người đã ghi nhận công lao của họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, bởi ông đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng phong trào mỹ thuật Huế ngày một lớn mạnh, trưởng thành, tạo điều kiện tốt cho nhiều tác giả mỹ thuật trẻ trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, tiến tới trở thành hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam với nhiều cống hiến mới xây dựng thành công nền mỹ thuật đương đại của Thừa Thiên Huế và của cả nước. Chính xuất phát từ quan niệm này mà hai con trai của ông là Đỗ Kỳ Huy, Đỗ Kỳ Mẫn cũng trở thành những họa sĩ trẻ, tài danh, đang có những cống hiến tâm đắc cho sự phát triển phong trào sáng tạo mỹ thuật cố đô Huế.

Công tâm với những gì mà họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng đã hiến tặng cho đời, cho phong trào mỹ thuật, nhiều giải thưởng về nghệ thuật tạo hình đã được trao cho ông trong sự trân trọng, đáng quý: Giải thưởng của Hội VHNT Bình Trị Thiên (1980); Giải thưởng Bông Sen Trắng của Hội VHNT Bình Trị Thiên (1980-1985); Giải thưởng VHNT Cố Đô (1993); Giải thưởng VHNT hằng năm của Hội VHNT Thừa Thiên Huế (1995); Huy chương Vì sự nghiêp Mỹ thuật Việt Nam (Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng); Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam (UBTQLHCHVHNT Việt Nam trao tặng).
Sau năm 1975, bên cạnh chức năng chuyên môn là một thầy giáo hội họa bộ môn sơn mài của trường Đại học Nghệ thuật Huế, họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng đã tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, chính trị xã hội đạt hiệu quả cao. Với cương vị đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Huế, Hội đồng Nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi hội trưởng Chi Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế (1994)... họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng đã rất tâm huyết bảo vệ những giá trị truyền thống văn hóa nghệ thuật Huế trên diễn đàn, trong nghị trường, tạo niềm tin trong cử tri, trong hội viên mỹ thuật về một thành phố Huế trữ tình, giàu tính nhân văn, đầy ắp những không gian mỹ thuật.

Từ lâu, họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng vẫn canh cánh bên lòng một ý niệm, một mong ước thiết tha về một Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng từng tâm sự: “Giờ đây, với nữ Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị thì đã có nhà trưng bày tác phẩm điêu khắc tại đường Phan Bội Châu, Huế; với họa sĩ Lê Bá Đảng đã có Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng tại 15A Lê Lợi Huế. Vậy mà giới mỹ thuật Huế vẫn đang còn phân vân, băn khoăn đến khát khao, xót xa thầm hỏi: Không biết tới khi mô mỹ thuật Thừa Thiên Huế mới có một bảo tàng?”
                    V.Q

(nguồn: TCSH số 213 - 11 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
May, rủi (08/03/2008)