Tạp chí Sông Hương - Số 213 (tháng 11)
Ấn tượng Thụy Điển
20:07 | 10/03/2008
TRẦN THUỲ MAITrước đây khi nhắc đến Thụy Điển tôi chỉ liên tưởng đến công ty xe hơi Volvo và hãng điện thọai di động Ericsson... Nhưng khi đến đây, cảm nhận của tôi phần nào có khác. Ấn tượng  đầu tiên của tôi là: Dân tộc này rất yêu văn chương. Chắc chẳng có thành phố nào trên thế giới lại yêu thơ đến mức đem thơ in ngay giữa lòng đường, như ở Stockholm . Trên đường Drottninggatan, thường gọi là phố Hoàng Hậu, người ta khắc thơ dọc theo tim đường, với một cỡ chữ lớn đủ cho người từ trên các nhà tầng hai bên nhìn thấy.
Ấn tượng Thụy Điển
Đất nước Thụy Điển

Trước đây khi nhắc đến Thụy Điển tôi chỉ liên tưởng đến công ty xe hơi Volvo và hãng điện thọai di động Ericsson... Nhưng khi đến đây, cảm nhận của tôi phần nào có khác. Ấn tượng  đầu tiên của tôi là: Dân tộc này rất yêu văn chương. Chắc chẳng có thành phố nào trên thế giới lại yêu thơ đến mức đem thơ in ngay giữa lòng đường, như ở Stockholm . Trên đường Drottninggatan, thường gọi là phố Hoàng Hậu, người ta khắc thơ dọc theo tim đường, với một cỡ chữ lớn đủ cho người từ trên các nhà tầng hai bên nhìn thấy. Từ cửa sổ phòng tôi trên tầng 3, có thể nhìn thấy câu thơ của Strindberg (*):
Chàng đến như cơn bão
Vào một chiều tháng tư...
Tháng tư... Đó là tháng bắt đầu mùa xuân ở Thụy Điển, có rất nhiều hoa và tiếng chim. Còn  chúng tôi đến Stockholm vào những ngày cuối tháng 9. Ở đây  tháng 9 vẫn còn là cuối mùa hè, cây lá vẫn còn xanh, dù những lòai chim đã sớm rủ nhau bay hết về nam trước khi cái lạnh mùa thu tìm đến.

Nghe báo trước là Mimmi Bergstrom sẽ cùng đi, chúng tôi cứ ngỡ sẽ gặp một bà Tây nào đó. Hóa ra đấy là một phụ nữ Việt Nam có mái tóc xõa ngang lưng với dáng vẻ nhu mì đằm thắm. Vốn là sinh viên kinh tế Hà Nội, Mimmi lấy chồng Thụy Điển rồi sang ở Stockholm đã mười bảy năm nay. Bây giờ, Mimmi là trợ lý giám đốc của Liên đoàn NIR. Ở Stockholm này chẳng có mấy người Việt nên dù công việc rất bận rộn nhưng thỉnh thoảng  Mimmi  vẫn phải thu xếp thời gian để giúp đón các đoàn khách từ Việt Nam sang.
Mấy hôm trước đây, khi còn tham gia Hội chợ sách ở Gothenburg, Nhà xuất bản Tranan bố trí cho cả đoàn ở một khách sạn rất hiện đại, nên khi bước vào khách sạn Bentley ở Stockholm chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ngay giữa khách sạn là cái thang máy trông rất lạ và xem chừng quá ư cũ kỹ. Mới đến, đang mệt và hành lý lại nặng nề mà phải vào thang máy qua hai lớp cửa lỉnh kỉnh, trong bụng tôi than thầm, sao Tranan lại cho ở cái khách sạn rắc rối như thế này. Sau nghe Mimmi nói mới biết, khu này là khu phố cổ ở trung tâm thành phố, và chủ nhân đứng ra mời đã phải trả tiền gấp đôi để chúng tôi được thưởng thức cái thú lên xuống với cái thang máy rung rinh  y như thời mới được kỹ sư Leopold người Anh sáng chế ra.

Phố Hoàng Hậu, ở cạnh ngay phố Vua, là một phố đi bộ với nhiều cửa hàng thời trang và siêu thị lớn, trong đó có siêu thị Orlane lớn nhất Bắc Âu. Người Thụy Điển, con cháu của những Viking thời cổ, đa số rất cao và cân đối. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm thán: Ở đây con gái cô nào chân cũng dài như.... phố Bà Triệu! Mặc dù ở xứ lạnh, thời trang của họ nghiêng về những màu sẫm và nhã nhặn, ít thấy ai mặc sắc màu rực rỡ. Tìm cho được những sản phẩm của Thụy Điển trong các siêu thị cũng không dễ dàng, bởi người Thụy Điển giờ đây đã tập trung vào các hoạt động sản xuất công nghệ cao, hàng tiêu dùng của họ chủ yếu là hàng nhập từ các nước Pháp, Đức, Thổ, Ý, và đặc biệt là hàng cao cấp của Trung Quốc thì đâu đâu cũng thấy.

Stockholm là Thủ đô một nước văn minh nhưng ở đây không thấy có hệ thống tàu điện ngầm... Chỉ một hệ thống xe điện cùng với tắc-xi và ô tô riêng cũng đủ giải quyết hết nhu cầu đi lại của người dân. Đúng như họ thường tự nói về mình: “Một dân tộc nhỏ trong một nước lớn”. Thụy Điển chỉ có 9 triệu dân, bằng 1/10 dân số nước ta, nhưng diện tích thì 450.000 km2, gấp rưỡi diện tích Việt Nam. Vì vậy, ngay ở Thủ đô là nơi mật độ cao nhất nước, dưới con mắt người Việt Nam, dường như hơi vắng vẻ! Nhà nước Thụy Điển khuyến khích sinh nở, nhưng dân số vẫn không tăng....Có lẽ vì vậy mà trong khi ở bên ta, phụ nữ có thai thường mặc “đầm bầu” che kín bụng (vì có thai là dáng xấu, là chậm lụt, thua thiệt), thì ở đây các bà bầu lại khóai mặc áo thun mềm bó sát người khoe cái bụng tròn một cách hãnh diện. Mimmi khoe vói chúng tôi là đã có hai con, chúng đều cao, khỏe, học giỏi. Vừa kể chuyện Việt Nam vừa nói chuyện Thụy Điển, chúng tôi đi một vòng quanh quảng trường trung tâm, nơi có cung điện của Hoàng gia, Nghị viện, Nhà thờ lớn nơi vua Gustaf XVI và hoàng hậu Sylvia đã làm lễ cưới. Kiến trúc Thụy Điển không tinh xảo diễm lệ như kiến trúc Pháp, mà thiên về sắc thái hoành tráng, thâm nghiêm và trang nhã. Qua toà thị chính, sảnh đường hoà tấu (nơi hàng năm công bố giải thưởng Nobel), vòng qua những con đường ven biển, mới thấy hết Stockholm với vẻ đẹp lung linh trên mặt nước (Stockholm kết thành từ 14 hòn đảo ngay chỗ hồ Malaren đổ vào biển Baltic). Chúng tôi băng qua cây cầu dài nhất, được mệnh danh là Bài thơ của Stockholm...

Nếu viết về những cái đẹp, cái văn minh ở thủ đô của một nước đầy tiềm lực ở châu Âu thì cũng chẳng khác nào khen “phò mã tốt áo”, không nói ai cũng biết rồi. Nên chỉ xin kể về những cái lạ đối với một người Việt Nam như tôi. Ví dụ: Ở đây, các quan chức lại thường ăn mặc rất xuềnh xoàng, cử chỉ dáng điệu trông có vẻ mộc mạc. Tuy vậy họ là những người nắm trong tay những nguồn vốn xã hội rất lớn-Người Thụy Điển đóng thuế thu nhập đến 60 phần trăm, phúc lợi xã hội của họ rất dồi dào. Trong tổ chức kinh tế, người Thụy Điển thời nay theo tôn chỉ “Small is beautiful”- Nhỏ mới đẹp - chủ trương gia tăng những công ty nhỏ, phù hợp với việc xuất khẩu sang các nước có mức sống thấp hơn. Các hoạt động văn hóa cũng được tổ chức gọn nhẹ và chú trọng hiệu lực. Và sở dĩ họ hoạt động hiệu lực được là nhờ sự yểm trợ đắc lực của những nguồn tài trợ. Công ty Sebrafilm của ông Bengt Jonson chẳng hạn, chỉ có ba người làm việc, nhưng họ đã đi khắp thế giới để làm phim, số lượng phim làm ra và lưu trữ có thể xem liên tục trong vài tháng chưa hết.

Nhà xuất bản Tranan cũng chỉ có ba người trực tiếp làm việc, nhưng với sự hỗ trợ của các quỹ văn hóa, Tranan là đầu mối của một mạng lưới cộng tác viên rất uy tín ở nhiều quốc gia. Đây là nhà xuất bản chuyên dịch và giới thiệu văn học thế giới, đặc biệt là văn học châu Á. Năm nay, nhân Hội chợ sách ở Gothenburg, Tran an mời một số tác giả có tác phẩm được Tranan dịch in và đại diện của Cục xuất bản, của các nhà xuất bản đối tác ở Việt Nam sang thăm. Tranan đứng ra mời, nhưng chi phí là của SIDA, quỹ hợp tác quốc tế Thụy Điển tài trợ. Nhà nước Thụy Điển hỗ trợ rất mạnh cho văn hoá đọc. Ông Hans Erik Arleskar, chủ nhiệm chương trình “Sách cho mọi người” nhiều năm qua đã thực hiện một dự án được công chúng đặc biệt quan tâm: khi những cuốn sách nổi tiếng đã lưu hành được hai năm, ông mua lại bản quyền với giá rẻ để in và bán với một giá rất thấp để người dân nào cũng có thể đọc được. Ông Arleskar bảo, “Cách đây hai năm khi dự án mới khởi đầu  một cuốn sách có giá 5 couron, tương đương một bao thuốc. Bây giờ thì giá sách của chúng tôi đã rẻ hơn cả thuốc lá”.

Varmland là một khu du lịch cách Stockholm 1.500km, đi tàu cao tốc chỉ mất vài giờ. Tàu đẹp, sạch và rộng, trong toilet có khăn lau tay, máy sấy, có hệ thống báo động khi... cần người giúp đỡ. Điều gây ấn tượng với tôi là trong toilet có tấm nhựa trắng tinh ngay bên vách, có thể bật nằm ngang xuống và các bà mẹ trẻ có thể đặt con lên đó trong lúc bản thân phải giải quyết việc riêng. Cái chi tiết đơn giản đó, không hiểu sao lại làm tôi cảm động quá chừng. Ở Varmland, Gothenburg cũng như ở Stockholm, các toilet hầu như đều có phòng dành riêng cho người khuyết tật, hai bên bồn ngồi có hệ thống càng nhôm giúp cho người đi xe lăn có thể tự vận động không cần người giúp đỡ. Thụy Điển luôn tự khẳng định là mình chọn con đường thứ ba ở giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, nên ở cái xứ này người khỏe mạnh thì phải cạnh tranh từng giờ từng phút còn người đau yếu thì được chăm lo bảo bọc đến cùng.

Đường đến Varmland băng qua một vùng nông thôn bao la. Trên những đồng lúa vừa gặt xong, rơm được nhồi vào những bao nhựa trắng lốm đốm khắp cánh đồng. Chúng tôi đến ở tại Vagsjofors, một ngôi nhà hai tầng kiểu như những căn nhà người Thụy Điển đã ở cách đây vài ba thế kỷ. Có vẻ như tất cả đã được duy trì cho nguyên vẹn như thời xa xưa ấy: trong phòng ăn là những bộ chén dĩa kiểu cổ, những chiếc khăn thêu, và lời kinh tạ ơn trước bữa ăn vẫn còn ghi trên vách. Cầu thang gỗ nhẹ rung dưới mỗi bước chân người, trước cửa phòng còn cắm chiếc chìa khoá lủng lẳng mảnh gỗ thông. Tưởng chừng những người chủ cũ chỉ mới vừa đi đâu đấy, và chúng tôi là những người khách tình cờ đi lạc vào không gian của họ...

 

 

 

 


Ở Varmland, người ta tận dụng thế mạnh của thiên nhiên và văn hoá để giới thiệu vẻ đẹp của thắng cảnh  từ chiều sâu tâm hồn con người. Varmland có hồ Vanern, hồ lớn nhất của Thụy Điển, mênh mông, trong vắt, rất nên thơ với những cây tùng cây liễu chạy dọc bên bờ. Người Varmland yêu hồ Vanern cũng như người Huế yêu sông Hương vậy, nhưng chắc độ giữ gìn của người ta thì hơn mình... Môi trường thiên nhiên của Varmland được bảo vệ cẩn thận, loài sói và gấu vẫn còn chỗ trú thân trong những vùng rừng dày rậm chung quanh. Ông Styrbjorn, chủ nhân nhà xuất bản Tranan và nhà thơ Bengt Berg đưa chúng tôi đi ven hồ, hai ông thỉnh thoảng lại dọa sói kìa, gấu kìa, trong chuyện hù dọa đó hình như có chút tự hào rằng nơi quê hương họ những loài thú rừng ấy cũng được sống bình an và hạnh phúc.

Nhà thơ Bengt Berg là khuôn mặt văn chương tiêu biểu của Varmland. Tất cả những phim tài liệu, những sách giới thiệu về Varmland đều có hình ảnh ông. Có vẻ như ngành du lịch ở Varmland nhận ra rằng nếu không có Selma Largelov, Gustaf Froding của ngày xưa và Bengt Berg của hôm nay thì Varmland sẽ mất đi chiều sâu thăm thẳm mà vẻ đẹp nội tâm mang lại. Sáng hôm ấy, ông Berg đưa chúng tôi đi thăm nhà kỷ niệm Nhà văn nữ Selma Largelov, người Thụy Điển đầu tiên đọat giải Nobel. Là một người đàn bà tật nguyền (bẩm sinh Selma có tật thọt chân), không chồng con, trải qua cảnh gia đình suy sụp (sau khi cha Selma chết, gia đình bà sa sút và phải bán trang trại Mobacka, nơi có căn nhà thời thơ ấu). Selma Largelov đã dành trọn tình yêu và cuộc sống cho văn chương, dồn hết tâm hồn vào những nhân vật để đời của mình. Sau khi đoạt giải Nobel (1910) bà đã chuộc lại trang trại Mobacka, và nay đó chính là Nhà kỷ niệm về bà... Cô hướng dẫn viên người Thụy Điển rất xinh dẫn chúng tôi đi thăm các gian phòng, nơi Selma đã viết, nơi Selma tiếp bạn bè, cả gian bếp trong đó người ta treo những chiếc bánh mì hình vành khăn mà ngày xưa bà vẫn thường dùng... Ngòai vườn, những cây táo trĩu đầy trái mọng nước, trái chín rơi đầy mặt đất, thơm ngát. Có cả những cây sồi, cây dẻ, ngày xưa do chính cha của Selma trồng, nay đã thành những cây cổ thụ trăm năm.

Không chỉ giữ gìn trang trại Mobacka, người ta còn giữ những địa điểm đã in dấu trong tác phẩm của bà. Ngọn đồi Tossebergs klatten, nơi Selma đã hư cấu thành ngọn đồi Gurlita klatten trong tiểu thuyết Gosta Berling nay đã thành một địa điểm tham quan, và chú gấu trong truyện nay được dựng tượng trên đỉnh đồi. Lẽ ra còn có thể đến thăm bảo tàng về nhà thơ Gustaf Froding, nhưng cũng vì chúng tôi mải tha thẩn chụp hình với chú gấu, chủ nhà không đành lòng cắt ngang hứng thú của khách nên cuối cùng đành phải cắt bớt chương trình...
Buổi tối cuối cùng tại Varmland, một buổi sinh hoạt văn nghệ được tổ chức tại quán cà phê sách Heidrun - chính là nhà của nhà thơ Bengt Berg. Không ngờ người Thụy Điển cũng khoái đọc thơ đọc thẩn như người Việt Nam! Những người bạn văn nghệ của Bengt Berg đã lái xe vượt qua 20, 30 cây số để đến họp mặt trong không gian ấm cúng của gian nhà nhỏ xinh giữa một vườn hoa lá. Trong nhà ông Bengt có tượng Phật SakyaMuni, trước mặt nhà, ông tự vạch một con đường tráng nhựa hẳn hoi, dựng bảng tên là đường Tự do. Chúng tôi đọc truyện, đọc thơ Thụy Điển và Việt Nam... Đặc biệt có ông Stevenson đã từng sang Hà Nội và đã có thơ được dịch đăng ở báo Việt, ông cẩn thận đem theo mẩu báo cất giữ từ nhiều năm đến khoe với chúng tôi. Ông còn đọc tặng một bài thơ mới viết về Việt Nam. Vì thơ làm bằng tiếng Thụy Điển nên cứ xong mỗi câu, ông Styrbjorn phải dịch ngay ra tiếng Anh, sau đó Nguyễn Quang Thiều dịch lại thành tiếng Việt. Bài thơ sau hai lần dịch cấp tốc đã có những chỗ “tam sao thất bản” khiến chúng tôi có lúc không nhịn được cười, nhưng cười trong nỗi xúc động vô cùng.

Đêm ấy chúng tôi về rất khuya, và năm giờ sáng hôm sau đã phải dậy sớm để lên tàu về Stockholm. Năm giờ sáng ở khu nhà Vagsjofors, không gian yên lặng, yên lặng như vô tận. Ông Berg lái xe đến đón khi trời còn chưa sáng. Thực khó nói lời tạm biệt với Vagsjofors, nhưng đã đến lúc phải ra đi. Những chiếc vò cổ vẫn nằm yên trên nóc tủ, như thể cô gái Thụy Điển xa xưa còn mải xuống nhà cầu kinh sáng trước khi đưa sữa ra chợ... Chúng tôi ra khỏi phòng, để lại chiếc chìa khoá với mảnh gỗ thông lủng lẳng trên cửa. Bước thật nhẹ trên cầu thang gỗ như sợ đánh thức những linh hồn thiên cổ còn ẩn náu trong từng vật dụng bé nhỏ của ngôi nhà này... Xe chở chúng tôi xuyên qua rừng tối. Tôi nhìn qua kính xe: tạm biệt thế giới của Selma Largelov, tạm biệt Varmland, chó sói và gấu
...

Ngày chia tay trên sân bay Arlanda, Mimmi bùi ngùi: “Năm nào em cũng về thăm Việt , mộ ba em nằm ở phía Tây thành phố Huế. Nhất định sẽ có ngày gặp lại...”. Quen nhau chưa mấy lâu mà sao lòng bịn rịn quá chừng. Mimmi gửi tôi nỗi nhớ quê nhà, còn tôi gửi lại Mimmi nỗi lưu luyến về một đất nước đã dành cho Việt một tình bạn chân thành đến thế. Một đất nước có những con người nhân hậu và chan chứa hồn thơ
.

T.T.M
(*)August Strindberg, nhà thơ nổi tiếng của Thụy Điển (1849-1912). Hiện nay nhà bảo tàng về ông nằm trên đường Drottninggattan

(nguồn: TCSH số 213 - 11 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
May, rủi (08/03/2008)