Tạp chí Sông Hương - Số 182 (tháng 4)
Bật máu gọi tôi ơi (1)...
15:59 | 22/07/2009
PHẠM NGUYÊN TƯỜNGKhao khát, đinh ninh một vẻ đẹp trường tồn giữa "cuộc sống có nhiều hư ảo", Vú Đá, phải chăng đó chính là điều mà kẻ lãng du trắng tóc Nhất Lâm muốn gửi gắm qua tập thơ mới nhất của mình? Bài thơ nhỏ, nằm nép ở bìa sau, tưởng chỉ đùa chơi nhưng thực sự mang một thông điệp sâu xa: bất kỳ một khoảnh khắc tuyệt cảm nào của đời sống cũng có thể tan biến nếu mỗi người trong chúng ta không kịp nắm bắt và gìn giữ, để rồi "mai sau mang tiếng dại khờ", không biết sống. Cũng chính từ nhận thức đó, Nhất Lâm luôn là một người đi nhiều, viết nhiều và cảm nghiệm liên tục qua từng vùng đất, từng trang viết. Câu chữ của ông, vì thế, bao giờ cũng là những chuyển động nhiệt thành nhất của đời sống và của chính bản thân ông.
Bật máu gọi tôi ơi (1)...
Nhà thơ Nhất Lâm (Ảnh: thovietnam.avn.vn)

Cảm nhận thật đậm từ tập thơ này, là già Lâm đã dừng lại rất nhiều lần, rất lâu trước những dòng sông. Ở tuổi trời sao xanh ngoái lại, đời người như sông dài, trôi mải miết, những bến cùng bờ. Dòng sông trôi đi, mang theo bao ước nguyện, hình bóng, và cả những tiếc nuối ơ hờ. Dòng sông chảy qua làng quê thanh bình yên ả nơi lưu dấu tuổi thơ ông "theo trâu về bến Đình vọc cát. Ra bờ sông đánh trận hoan ca". Dòng sông quê cũng là hình ảnh người mẹ hiền tần tảo sớm hôm, người con gái gánh rau về chợ, và cũng là nơi những người đồng đội của ông đã ngã xuống trong những ngày chiến tranh tàn khốc. Bây giờ đứng trước dòng sông, nhìn "hoa trên sông" thấy sông là cả một "nghĩa trang" buồn bã... Sông trôi như phận người. Ông "ru sông" cũng là ru cả một đời người, đời mình... Ru hời, sông chảy đi sông...
            Ngày thác lũ
            Sông đỏ bầm máu dữ
            Hành kinh cho nhân loại phù sinh

                                                (Sông đêm)

Những câu thơ thật kỳ lạ. Đó có phải là sự nhào trộn nhuần nhuyễn của ý tưởng, hình tượng và tư duy triết học trong một "nồi áp suất" sáng tạo bao giờ cũng nóng rực? Thơ hay, đọc lên nghe bàng hoàng là vậy. Ngay cả với những câu thơ thật nhẹ nhàng như không, nhưng vẫn chứa đựng những khuất khúc, dồn nén, thăm thẳm...:
            Sông buồn như
            mất mẹ
            Nước đổi màu
            thơ ngây...

                                    (Ấn tượng)

Cứ vậy, dòng sông đã theo suốt đời ông, thơ ông. Ông lớn lên bên sông, cùng sông đi hết những "đầu nguồn cuối mặt" để bây giờ trở lại, cũng chính dòng sông ấy đã giúp ông gột rửa bụi hồng, cả "vết thương đôi bờ lở lói", thầm thì cùng ông về lẽ vô thường, về nơi chốn đích thực của con người: chỉ là thăm thẳm một chữ "trôi"...
            Hoa trôi định mệnh
            Trôi về tâm linh
            Vơi đi nỗi buồn
            Hoa ơi dòng sông...

                                    (Hoa trên sông)

Không phải ngẫu nhiên mà đến lúc này, thơ Nhất Lâm lại đầy ắp những suy tư về phận người. Nỗi đau buồn mất mẹ, mất mẹ khi tuổi ông cũng không còn trẻ nữa, cái chết đẹp như từng sống của những nhà thơ đàn anh, của người bạn thơ mà ông hằng yêu quý... khiến ông càng nhận chân cuộc đời có có không không... Thờ ơ với những thua được trò đời bởi rồi ra "trăm năm một ván cờ", ông quẳng gánh sau lưng bao nhiêu mệt mỏi, ưu phiền, và cả một kiếp sống đầy hệ lụy:
            Ngày mai ừ chấm hết
            Gác chân nằm xả hơi
                                   
(Trăm năm)

Tất cả rồi sẽ tan biến, nhẹ nhàng thinh không:
            Có khi Trời cũng chết
            Như là giọt sương rơi
                                   
(Sương xuân)

Lên vùng Hương Thọ nơi có lăng vua, nhìn trăng bến Tuần, thấy "vua sống giữa mùa trăng xanh cỏ". Tại sao "sống" mà không phải là "chết"? Có phải "vầng trăng lang thang bến lạ" đã giúp ông nghiệm ra rằng "một đời người ngắn ngủi còn chi", rằng cõi sống của người cũng bàng bạc như trăng... Nhớ về một nhà thơ đàn anh, người mà trọn đời đau đáu Huế và thơ, trong ông nặng trĩu suy tư:
            Ơi con người trời đất tạo hoá
            Núi cùng sông duyên mỏng phận hờ
            Khi về nằm dưới cỏ
            Hết buồn không anh hỡi nhà thơ...!

                                    (Người một đời)

Hỏi, mà cũng là tự trả lời. Như đời tằm thôi chuyện bể dâu hãy còn day dứt đường tơ, người nghệ sĩ một ngày kia "khi về nằm dưới cỏ" làm sao có thể "hết buồn"? "Buồn", hay là thấm đẫm suy tư? "Sông ơi... sông ơi.../ Người buồn chi vậy...!. Những hiện hữu trên cõi đời này chỉ là tạm, chỉ là "duyên mỏng phận hờ", riêng những suy tư ngàn đời còn mãi. Cũng trong một bài thơ tưởng niệm khác, về một nhà thơ rời cuộc đời đã lại tiếp tục "phiêu bồng một cuộc rong chơi" mới, rong chơi với tuổi tên kiêu bạc, với một kiếp nạn mới của tâm hồn:
            Ông bây giờ thăng hoa dưới đất
                                   
(Mộ thi nhân)

Có nghĩa là, với ông, cuộc đời chỉ là một cuộc chơi. Ông vô cùng tâm đắc triết lý sống ấy của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, ông viết như cho mình:
            Làm quan
            kinh ngựa cỡi bò
            Thượng thư lính lệ
            cũng trò nhố nhăng
            Chi bằng
            một rượu một trăng
            Một cô em Huế
            một thằng ham chơi
                                   
(Nguyễn Công)

Mặc kệ người với những mất còn, được thua, mặc kệ "đời là trò chẵn lẻ", ông tự nhủ thầm: "Trăm năm ai dài ngắn/ Ta sống đủ cuộc chơi" (Trăm năm). Thật ra, cuộc chơi với người ham chơi ấy, nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường: "là cách sống đạt đạo của con người đã nhìn thấy từ lâu bản chất phù hư của thế giới" (2).
Vậy thì hà cớ gì không cất bước lên đường, đi và đi mãi...?
            Ta phong trần mấy độ
            Cát bụi nào sá chi.
                                   
(Đá phong trần)

Có thể nói phần lớn cuộc đời ông là những chuyến đi. Trên từng vùng đất, ông sống thật trải lòng và đều để lại những trang viết đầy trí tuệ và ân tình. Chính trải nghiệm phong phú từ những chuyến đi đã kích thích tiềm lực sáng tạo dồi dào trong ông:
            Hạt vùi sâu trong đất
            Cựa mình gọi mặt trời
            Tim ai vùi trong ngực
            Bật máu gọi tôi ơi...

                                    (Gọi)

Ông viết liên tục, từ những giục giã nội tâm, như thể sợ chỉ một phút gây chểnh mảng cũng có thể làm tan biến những điều tốt đẹp nhất. Quan niệm về sáng tạo của ông đã rõ: Tim ai vùi trong ngực/ Bật máu gọi tôi ơi... Rõ ràng là cuộc sống đã gọi tên ông, trao gửi nơi ông một trái tim đầy nhiệt huyết, để chia sẻ những buồn vui bất tận của cuộc đời. Đó cũng chính là sứ mạng lớn lao của thơ mà ông hằng theo đuổi. Càng đi nhiều, viết nhiều, thơ Nhất Lâm càng tươi mới, đầy sức sống và thấm đẫm ân tình. Bằng một giọng thơ ấm áp, ông viết về con người với những trang đời xuân sắc:
            Mùa lá dong xanh lá
            Gạo nếp ngọt phù sa
            Bánh chưng tình của mẹ
            Bánh tét nghĩa ơn cha
                                   
(Mai)

Và day dứt, thẩm sâu với ước vọng ngàn đời, như những ngôi "sao xanh" trên bầu trời:
            Ta nhìn sao bằng ngọn lửa
            Cháy bùng trong trái tim đau
                                   
(Sao xanh)

Hay với cả nhưng cơn mộng mị dày ải, vục vào trong giấc ngủ không yên: "Đêm qua tôi ngủ cơn mê đỏ bầm" (Bất chợt). Cái cách ông cảm nhận cuộc đời và con người cũng thật khác lạ, thật đấy mà vẫn ảo ảo hư hư:
            Anh tìm theo lông ngỗng
            Lạc đến quán rượu chiều
            Lông ngỗng nào có thấy
            Người bên người liêu xiêu
                                        
(Rượu chiều)

Chính là con người đang bận bịu, đang xoay xở với những dự định, những ước vọng đời mình. Hình ảnh trong thơ buồn và đẹp đến nao lòng. Trong hành trình đi tìm "lông ngỗng" hạnh phúc, con người sao mà nhỏ bé, sao mà mong manh. Rồi họ sẽ tìm thấy? Tin là như thế, để càng thêm yêu mến cuộc đời. Bởi dẫu phù hư trần thế, con người vẫn lớn lao với khát vọng đầy trời, trong từng khoảnh khắc nhân văn huyền hựu.
Thơ Nhất Lâm thầm thì cùng chúng ta điều đó.

Huế, tháng 2. 2004
P.N.T
(182/04-04)

---------------------
Đọc Vú Đá (tập thơ) Nhất Lâm- NXB Thuận Hoá 2004
Người ham chơi (nhàn đàm)- Hoàng Phủ Ngọc Tường- NXB Thuận Hoá 1998

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bảng chữ cái (21/07/2009)
Ma chim (20/07/2009)
Chùm thơ Mai Linh (20/07/2009)