Tạp chí Sông Hương - Số 182 (tháng 4)
Thành xưa in dấu
16:15 | 27/07/2009
HOÀNG QUỐC HẢI                        Bút kýVì sao khi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) được nước, cung điện nơi thành Hoa Lư các vua Đinh, vua Lê dựng như “điện Bách Bao thiên tuế, cột điện dát vàng, dát bạc làm nơi coi chầu, bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc...”, lâu đài điện các như thế, tưởng đã đến cùng xa cực xỉ.
Thành xưa in dấu
Tượng Lý Thái Tổ - Ảnh: vinamaso.net

Thế mà Lý Công Uẩn vẫn chưa hài lòng, vẫn quyết định dời đô về nơi đất thành Đại La? Tại sao lại như vậy?

Nếu ham hưởng lạc, chắc chắn Lý Công Uẩn đã đắm mình trong các cung vàng điện ngọc nơi đất cũ Hoa Lư. Ta cũng nên nhớ, khi ấy nhà vua mới có 36 tuổi, sức lực còn đang cường tráng, dễ thả mình vào các thú vui dục lạc. Nhưng vì thế nước, vì sự phát triển dài lâu nên ông phải chuyển dời. Đường hướng, ý tứ đều ngụ cả trong lời “Chiếu dời đô”.

Nhà vua đã xác định với ý thức tự chịu trách nhiệm trước lịch sử. Tức là “không theo ý riêng mà tự dời đô bậy đâu là vì mưu chọn chỗ ở chính giữa làm kế cho con cháu muôn đời”.

Nói về thế đất chọn làm nơi định đô, trong tờ thư chiếu, Lý Công Uẩn khẳng định:

... “Đại La  ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời...”

Đúng như lời “Chiếu dời đô” mong muốn, từ khi nhà Lý chuyển về Thăng Long, vận hội nước ta ngày một mở mang. Kinh tế phát triển. Văn hoá tân tiến, cởi mở. Các học thuyết Phật - Nho - Lão được vận dụng vào việc định hướng chính trị rõ ràng. Với định chế hài hoà giữa con người, xã hội và thiên nhiên. Đó là xã hội Nho, tâm linh Phật và thiên nhiên Đạo. Đây chính là cốt lõi của học thuyết “tam giáo đồng nguyên”. Đặc biệt về quân sự có học thuyết “Ngụ binh ư nông” để tổ chức quân đội, khiến nhà Tống còn phải học.

Việc này trong “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn viết: “Thái Diên Khánh làm quan ở đất Hoạt, học được cách tổ chức quân đội của An Nam, biên chép thành sách, dâng lên vua Thần Tông nhà Tống, được vua khen.”

Ở Châu Âu, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá Pierre Pasquier trong l’Annam d’autrefois cũng nhận định về việc này như sau: “Nước Nam đã biết dùng binh lính vào việc làm ruộng trước cả nước La Mã cổ xưa” (L’ Annam a connu le soldat laboureur avant la Rome antique).

Nhà Lý sau khi đã bình ổn được thiên hạ, lập tức nghĩ đến kế sách làm cho dân giàu, nước mạnh. Tổ chức quân đội thì như vậy. Còn việc nông tang lại càng khuyến khích người dân khai hoang vỡ hoá, và cho làm chủ luôn đất ấy. Vừa lên ngôi, kho tàng trống rỗng, mà Lý Công Uẩn xuống chiếu tha tô thuế ba năm liền, để người dân có cơ hồi sức. Trong 18 năm trị vì, vị vua khởi nghiệp của nhà Lý đã ba lần tha tô thuế, tổng cộng tới 8 năm. Các loại thuế trong thiên hạ chỉ qui về có 6 sắc, chủ yếu đánh vào các nguồn lợi thu từ rừng và biển. Ví dụ: Sừng tê, ngà voi, trầm hương, ngọc trai, đồi mồi và muối.

Các chính sách chăn dân và phát triển đất nước của Thái tổ Lý Công Uẩn, đều thể hiện rất rõ trong lời chiếu. Và đất nước hưng thịnh sau khi đời đô, lại càng ứng với sự tiên đoán của nhà vua.

Thật ra trong lịch sử cổ kim của nhân loại, từ khi có tổ chức nhà nước, thì chưa có nhà nước nào lại thương dân, nuôi vỗ dân và tha tô thuế dài dài như vị vua mở nghiệp nhà Lý này. Phải chăng, ông xuất thân từ cửa Phật, nên lấy sự hướng thiện làm mục tiêu chính trị của đời mình.

Chính vì thế mà triều Lý là triều đại đầu tiên đưa nước ta vào hàng ngũ các quốc gia văn hiến, lại nữa cũng chính nhà Lý, xây dựng nước Đại Việt trở thành một nước vừa giàu có vừa hùng mạnh, vào bậc nhất trong khu vực, đến nhà Tống cũng phải nể trọng. Điều đó càng chứng minh bản lĩnh chính trị và sự sáng suốt của thái tổ Lý Công Uẩn, mà dời đô chỉ là việc mở đầu.

Nay nhân xây nhà Quốc hội, giới khảo cổ nước ta được phép vào thám sát trước khi đào móng đắp nền. May thay lại khai đúng “mỏ vàng”.

Điều đáng nói, không phải lần đầu tiên ta tìm thấy ngói úp nóc lá đề, ngói ống trang trí hình rồng giun, men ngọc, đầu rồng bằng đất nung đặt trên mái điện và bình, bát... đời Lý. Cũng không phải lần đầu tiên ta tìm thấy đầu phượng đất nung, gạch lát thềm, gạch lát nền trang trí hoa cúc, các linh thú bằng gốm, các thạp, thố, bình, bát, đĩa men ngà, men nâu thời Trần. Mà điều quan trọng ở chỗ ta khai quật được một số lượng khá lớn các di vật cổ, và trong cùng một hố khai quật cho ta biết tới mấy tầng văn hoá.

Diện tích khai quật chưa phải là lớn, nhưng các cổ vật thu được tới hàng triệu, rõ ràng ngành khảo cổ nước ta đang được mùa lớn. Đặc biệt nhất là những hàng táng chân cột cung điện, hứa hẹn cho ta một cái nhìn toàn cảnh về Thăng Long cả ngàn năm trước.

Từ xưa, các triều đại Lý, Trần, Lê dựng các cung điện tại các vị trí đều đã được mô  tả trong sách sử. Kể cả vẻ huy hoàng, lộng lẫy của nó, không chỉ sử ta ghi chép, mà các sứ thần phương Bắc tới, dù ngông nghênh, ngạo nghễ như sứ Tống, sứ Nguyên cũng đều phải thốt lên: “Đến triều đình bên thượng quốc chúng tôi, cung điện cũng không đẹp hơn bên quý quốc được”. Và những điều mắt thấy ấy đều được họ chép ghi rải rác trong các sách sử hoặc các tạp ký của người Trung Hoa.

Chỉ xem những đầu rồng, đầu phượng, ngói úp nóc lá đề, ngói ống men ngọc với những hoa văn trang trí tinh xảo như vậy, đủ biết qui mô và rực rỡ của các cung điện thời Lý Trần đến mức nào.

Tuy nhiên, để hình dung ra một kinh thành Thăng Long từ đời Lý- Trần thật không dễ. Bởi trải bao biến thiên. Nào bão lụt, nào động đất, nào giặc đốt phá. Riêng đời Lý đã mấy lần tu sửa cung điện. Đời Trần nhiều lần giặc Nguyên- Mông tràn vào đốt phá. Cả nước Champa nhỏ bé ở phương nam, được vị vua giỏi là Chế Bồng Nga dẫn dắt, cũng nhiều phen vào phá Thăng Long hồi cuối thế kỷ 14. Khi Chế Bồng Nga rút đi, vua Trần Nghệ Tông đã phải cho dựng nhà tranh tre làm nơi coi chầu.

Ta biết nơi nhà Lý dựng điện Càn Nguyên, sau nhà Trần dựng điện lớn Thiên An vẫn trên nền đất ấy. Rồi sau nữa nhà Lê dựng điện Kính Thiên cũng trên nền điện Càn Nguyên khi trước.

Ta lại có bản đồ Hồng Đức, gần đây tiến sĩ Ngô Đức Thọ vừa công bố tấm bản đồ khá chi tiết, và được rõ xuất xứ từ năm 1810. Do đó gương mặt thành Thăng Long cũng giúp ta hình dung tương đối rõ nét.

Việc định vị điện Kính Thiên, rồi từ đó xác định vị trí các cung phủ khác không phải là khó. Thế nhưng ta có dám chắc các cung điện khác, các đời sau vẫn duy trì tu bổ, hoặc bị giặc tàn phá, lại dựng đúng đất cũ nền xưa, hay nó chuyển dịch sang đông, sang nam... Cho nên các nhà khoa học lấy Kính Thiên làm định vị để đoán tả văn hữu võ, rồi suy ra cung này cung nọ, cũng chỉ là một giả định thôi.

Việc xác định này thật không dễ, chắc còn phải khai quật tiếp để thêm nữa các thông tin lịch sử, rồi hội thảo, bàn bạc và cuối cùng là kết luận trên các luận chứng lịch sử mang tính khoa học chặt chẽ. Mong sao nhân sự việc trọng đại này, ngành khảo cổ học nước ta, nên mời thêm các chuyên gia một số nước có trình độ phát triển cao, và có quan tâm đến lịch sử Việt Nam như Pháp, Nhật để tham vấn. Và như vậy, khi kết luận, các công trình sẽ mang độ tin cậy cao.

Ngôi mộ cổ Dương Lôi ngày nào, vì kết luận theo suy đoán, chứ không dựa trên những thông tin khoa học, đã gây hậu quả phiền toái, chắc đã là bài học mà giới sử học nước nhà khó quên. Dân chúng càng không thể quên được.

Đây là một công việc của khoa học lịch sử, chỉ giới khoa học lịch sử mới đủ thẩm quyền kết luận. Là một nhà văn, viết về đề tài lịch sử trong các giai đoạn Lý- Trần, tôi hết sức quan tâm theo dõi.

Nhân dây, có một vài cảm nghĩ về các đồ gốm, sứ mà ta vừa khai quật được. Các giá trị về kỹ năng chế tác như xương, men, nghệ thuật nung và đặc biệt là phong cách tạo dáng, vẻ đẹp của hoa văn trang trí, giới khoa học và mỹ thuật nước nhà từ lâu đã khẳng định rằng, nền gốm sứ thời Lý- Trần đạt tới trình độ tuyệt hảo.

Những nhà sưu tầm gốm sứ sành điệu của Nhật Bản, từ những thế kỷ trước đã rất ưa chuộng đồ gốm sứ Lý- Trần của Đại Việt. Hiện được biết, trên thế giới không một nước nào có bộ sưu tập gốm sứ Lý- Trần- Lê hoàn hảo như của người Nhật Bản. Ngay ở nước ta, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, cũng chỉ có được những mảnh vụn của dòng văn hoá vật thể này.

Từ những viên gạch lát nền, lát thềm, gạch xây tường, ngói lợp mái, ngói ống, ngói nóc rồi tới các đầu rồng, đầu phượng, các linh thú, các thạp, thố, bình, ấm, chén, bát, đĩa... cho ta một cảm nghĩ:

1. Tất cả những sản phẩm trên về mặt tạo hình đều in đậm nét văn hoá đại Việt, dường như không có dấu ấn Trung Hoa.

Ta cứ hình dung trên nóc điện hoặc nóc đình chùa, tại hai đầu mút có hai cái đầu rồng (Lý) hoặc đầu phượng (Trần), chầu về một lá đề lớn đặt chính giữa các nóc mái với hoạ tiết rất tinh tế, và chạy dọc nơi mái là những ngói úp nóc cũng hình lá đề nhỏ, cho ta cảm giác về cái đẹp thuần Việt biết chừng nào. Cách trang trí này sang thời Lê- Nguyễn là lưỡng long triều nhật hoặc triều nguyệt. (Hai rồng chầu mặt trời hoặc mặt trăng). Đây là lối trang trí ảnh hưởng nặng nề phong cách Trung Hoa. Sự ảnh hưởng nặng nề đó, không chỉ riêng về kiến trúc mà còn thể hiện trên nhiều bình diện xã hội khác. Sở dĩ có tình trạng này là bởi các triều đại Lê, Nguyễn đã để mất đi tính độc lập của Việt nho mà lấy nho giáo Trung Hoa, cụ thể là Minh nho, Thanh nho làm hệ qui chiếu.

2. Về kỹ năng chế tác những loại sản phẩm này như xương đất, chất liệu men và màu men cùng nghệ thuật nung, đã đạt tới trình độ rất cao so với kỹ nghệ chung của thế giới trong các thế kỷ X- XIV.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao cái nghề gốm sứ tinh xảo thời Lý- Trần ấy lại mất tiêu vào thời Lê kế đó? Mãi gần đây một vài nghệ nhân ở Bát Tràng mới phục chế được. Tuy nhiên chất men vẫn chưa đằm, và chưa “khôn” tới mức sâu lắng hút cả tầm mắt ta như loại men ngọc thời Lý, hoặc khoẻ khoắn đến ngạc nhiên như chất men nâu thời Trần.

Sự đứt gãy nghề gốm sứ tinh xảo thời Lý- Trần kéo dài tới sáu thế kỷ, chỉ có thể giải thích được do cuộc xâm lược tàn bạo của giặc Minh, đứng đầu là tên cáo già Minh Thành tổ. Chính sách của nhà Minh là đồng hoá Đại Việt bắt đầu bằng việc tàn sát văn hoá. Tiếp đó là tàn sát con người, đặc biệt là giết hại đàn ông, thiến hoạn trẻ em tiến tới đồng hoá về huyết thống, về chủng tộc.

Minh Thành tổ lệnh cho các tướng sang xâm lược An Nam phải đốt tất cả các sách do người Nam viết. Tất cả những sản phẩm văn hoá cái gì quí có thể cướp đi được thì cướp, không cướp được thì phá hủy. Tất cả những sách do người Trung Hoa viết thì thu hết đưa về Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay). Tất cả những người có học thức, có chữ nghĩa, có nghề nghiệp đều bắt hết đưa về Trung Hoa.

Về việc giặc Minh đốt phá, cướp bóc, huỷ hoại khiến thiếu nghiêm trọng tài liệu cho việc viết quốc sử, được thể hiện trong Biểu dâng sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên lên vua Lê Thánh Tông, trong đó ông viết:

“Dáo mác đầy đường, đâu chẳng là giặc Minh cường bạo, sách vở cả nước, đều trở thành một đống tro tàn. Muốn tìm sự tích sót lại trong than trong tro, khó tránh thị phi về lầm chữ hợi, chữ thỉ.” (Hai chữ này tự dạng gần giống nhau)

Các việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “Quân Minh vào Đông Đô (tức thành Thăng Long), cướp bắt con gái và của cải, tính toán lương chứa, đặt quan coi việc, chiêu tập dân xiêu tán, làm kế ở lâu dài, thiến hoạn nhiều con trai trẻ tuổi và thu lấy tiền đồng ở các xứ cho trạm đem về Kim Lăng  (Nam Kinh ngày nay). (Bản ký, quyển VIII trang 248).

Ở một đoạn khác Toàn thư lại chép về thủ đoạn và hành vi thâm độc của giặc Minh. Chúng bắt “...Người có tài đức, thông minh, chính trực, giỏi giang xuất chúng, thông kinh giỏi văn, học rộng có tài, quen thuộc việc quan, tốt chữ giỏi tính, nói năng hoạt bát, hiếu đễ lực điền, tướng mạo khôi ngô, mạnh khoẻ can đảm, tập quen đi biển, thợ nung ngói làm hương, tìm bắt chính thân những người ấy lục tục đưa về Kim Lăng...” (Bản Ký, quyển IX trang 255).

Thế là đủ rõ âm mưu nham hiểm được tính toán khá kỹ càng của giặc Minh. Ngoài việc chúng tàn sát nền văn hoá vật thể, kể cả nền sản xuất của chúng ta, chúng còn triệt phá nguồn lực và cả các tiềm năng có thể hồi phục đất nước của Đại Việt. Nên chúng đã bắt hầu như tất cả những lực lượng ưu tú nhất của xã hội ta từ người có nghề đến người có chữ, từ người khoẻ mạnh can trường đến người biết các nghề thủ công (mộc, nề, gốm, sứ), kể cả người làm ruộng (lực điền), người quen thạo nghề đi biển (để mò ngọc trai, bắt đồi mồi), thậm chí cả người đẹp (tướng mạo khôi ngô) cũng bị đưa hết về Yên Kinh, để chúng tuỳ nghi sử dụng hoặc thủ tiêu.

Ta đã biết nhà khoa học và là chuyên gia chế tạo vũ khí Hồ Nguyên Trừng, được nhà Minh trọng dụng đưa lên tới chức thượng thư bộ Công, để ông ta chế tạo đại bác bắn đạn đồng vào loại sớm nhất thế giới cho nước Trung Hoa. Trong khi đó thì cha (Hồ Quý Ly) và em (Hồ Hán Thương) của Hồ Nguyên Trừng đều bị người Minh bắt và giết chết.

Lại nữa, kiến trúc sư Nguyễn An cũng bị giặc Minh bắt đưa về Yên Kinh, họ dùng ông vào việc xây dựng cung điện. Chính Nguyễn An là tác giả của công trình kiến trúc Thiên An Môn, và là tổng công trình sư đại trùng tu cố cung Bắc Kinh dưới triều nhà Minh.

Vì những lý do trên, sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, nước ta bị hẫng hụt về trí thức, về vật lực, tài lực. Và việc mất tiêu ngành gốm, sứ tinh xảo vào bậc nhất trong lịch sử gốm sứ nước nhà, thủ phạm chính là bọn xâm lược nhà Minh. Bởi chúng đã tàn phá triệt để các cơ sở sản xuất, lại giết hoặc bắt hết thợ đi rồi để ta hết đường khôi phục. Vì vậy ngành gốm, sứ Lý- Trần nước ta bị mai một là điều dễ hiểu.

Nhân việc ta tìm lại được một số lượng lớn gốm, sứ tập trung trong các hố vừa khai quật, nên chăng giới sử học, giới văn học, giới báo chí nước nhà hãy cùng nhau làm sống lại lịch sử và vạch trần tội ác không dung, đất không tha của giặc Minh tàn bạo thế kỷ 15. Việc phơi bày tội ác huỷ diệt văn hoá và môi trường văn hoá này, nhằm cảnh báo để không bao giờ các thảm hoạ văn hoá tương tự được phép xảy ra nữa đối với nhân loại.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trãi viết lời hịch kể tội ác của giặc Minh, với tất cả lòng căm thù được trút lên ngọn bút. Lời hịch có sức nặng như cả trái núi.

“...
Cậy binh gây hấn, ác chứa gần hai chục năm,
Bại nghĩa thương nhân, trời đất tưởng chừng muốn dứt
Cỏ cây sâu bọ, không loài nào được thoả sống còn,
Quan quả khốn cùng, chẳng một ai được ở yên ổn.
Hút máu mủ sinh linh, quân tham ác miệng răng nhờn béo.
...
Tát cạn nước Đông- hải không đủ rửa hết vết nhơ,
Chặt hết trúc Nam- sơn, chẳng đủ ghi hết tội ác.
Thần người đều căm giận, trời đất chẳng dung tha..”


Trở lại chuyện thành xưa in dấu. Chắc chắn Thăng Long rồi sẽ được hiển lộ rõ nét hơn, nếu ta mở rộng diện thám sát và khai quật.

Tuy nhiên, để phân loại rồi đánh giá các cổ vật ấy, và xác định vị trí những cung điện xưa, còn phải mất nhiều thời gian nữa.

Song thiết nghĩ, một khi ta đã có đủ dữ liệu lịch sử tin cậy và điều kiện cho phép, nên tái dựng mô hình Thăng Long thế kỷ XI. Và nên chăng, thử dựng lại một trong các cung điện đó, như điện Tập Hiền chẳng hạn. Và cũng nên giữ lại một diện tích tiêu biểu làm bảo tàng ngoài trời, như nước Nhật Bản đã từng làm với kinh đô Nara cổ kính của họ.

Song tốt nhất vẫn nên dựng lại điện Càn Nguyên (đời Lý) hoặc điện Thiên An (đời Trần) thay vì điện Tập Hiền. Bởi Càn Nguyên- Thiên An có vai trò lịch sử quan trọng trong việc hoạch định các chính sách to lớn mang tính sống còn của nhà nước Đại Việt.

Tuy nhiên, thành Thăng Long đã bị chìm khuất, bởi nó bị tàn phá nặng nề qua các cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại bang, như nhà Nguyên (thế kỷ XIII), Champa (thế kỷ XIV), nhà Minh (thế kỷ XV), nhà Thanh (thế kỷ XVIII), thực dân Pháp (thế kỷ XIX)..

Do đó, đối với mỗi người Việt Nam, kinh thành Thăng Long chỉ tồn tại như một dư ảnh. Nay ta khai quật, vóc dáng kinh thành đã hiện dần lên với diện mạo thời Lý- Trần, vừa đẹp đẽ vừa hoành tráng xiết bao.

Nếu tái dựng điện Càn Nguyên trên nền đất cũ (tức là nền điện Kính Thiên thời Lê), thì đó sẽ là niềm tự hào chân chính của nhân dân cả nước, kể cả kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài cũng vô cùng hoan hỉ. Đặc biệt rất có ý nghĩa đối với nhân dân miền Nam, những chiến sĩ tiên phong đi mở đất, từng mơ khát về Thăng Long như nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ đã viết:

Có ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Biết đâu, kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long ta chẳng có nhiều cái mới, như mô hình thành Thăng Long, bảo tàng cổ vật Thăng Long, bảo tàng Thăng Long ngoài trời..

Đó mới là những việc làm đích thực để kỷ niệm MỘT NGÀN NĂM THĂNG LONG. Đó mới là những việc làm để tôn vinh lịch sử đúng mức.
Hy vọng từ đây nước ta sẽ mở ra một vận hội mới.

Láng Thượng ngày 11. 01. 2004
H.Q.H
(182/04-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bảng chữ cái (21/07/2009)