Tạp chí Sông Hương - Số 182 (tháng 4)
Bế mạc trại sáng tác khí nhạc dân tộc và phê bình lý luận âm nhạc tại Huế
10:52 | 30/07/2009
THÂN VĂNSau hơn 2 tháng phát động và 9 ngày chính thức dự trại (từ ngày 09 đến 17/3/2004), với 14 tác phẩm khí nhạc dân tộc và 5 tác phẩm lý luận phê bình âm nhạc của 17 nhạc sĩ có mặt tham dự trại. Lễ bế mạc chiều ngày 17/3/2004 Trại sáng tác khí nhạc dân tộc & lý luận phê bình âm nhạc tại Huế đã gây được ấn tượng tốt đẹp và những tín hiệu đáng mừng trong lòng nhân dân Cố Đô. Điều đáng nói là các nhạc sĩ của Hà Nội, Huế và TP.Hồ Chí Minh đã gặp nhau từ một ý tưởng sáng tạo chủ đạo là nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị của di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu ở Huế, góp phần định hướng cho mô hình và mục tiêu đào tạo của Nhạc viện Huế trong tương lai.

Khúc dạo đầu của lễ bế mạc được vang lên từ tác phẩm viết cho dàn nhạc dân tộc Nét dạo ngày xuân của NS. Thế Dân (Nhạc Viện Hà Nội), do dàn nhạc dân tộc Trường Đại học Nghệ thuật Huế biểu diễn. Ngôn ngữ biểu cảm của tác phẩm này là sự hoà huyền tuyệt đối của 8 âm chất nhạc khí dân tộc, đó là Tranh - Sáo - Bầu - Nhị - Nguyệt - Tam - Tỳ - Trống. Cùng với sự kết hợp sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc bộ và dân ca Huế, đã tạo cho tác phẩm một âm hưởng làng quê bình dị, của những hội mùa, lễ hội ngày xuân và nhiều sinh hoạt dân gian thuần phác Việt Nam. Có thể nói rằng Nét dạo ngày xuân như một khúc dạo đầu đầy ý nghĩa của quá trình tiếp biến giữa nền văn hoá Thăng Long (Hà Nội) và nền văn hoá Phú Xuân (Huế).

Dù hiệu quả âm thanh của các tác phẩm khí nhạc dân tộc vừa mới hoàn thành trong đợt tham dự trại lần này chưa được tổ chức dàn dựng và biểu diễn đầy đủ (do thời gian quá ngắn), nhưng qua tổng phổ âm nhạc, tiểu ban thẩm định tác phẩm cũng đã có những đánh giá bước đầu về chủ đề tư tưởng và bút pháp nghệ thuật của tác phẩm. Điều đáng mừng là đa số các tác phẩm đã bám sát tiêu chí sáng tác của trại là “...Ưu tiên, khuyến khích các tác phẩm có chủ đề nói về Huế và khai thác sử dụng chất liệu âm nhạc cổ truyền Huế, nhằm phục vụ cho các trường đào tạo âm nhạc, các đoàn biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Huế...”. Trong số 14 tác phẩm tham dự trại, đã có tới 10 tác phẩm bám sát tiêu chí này, có thể nêu một vài tác phẩm tiêu biểu sau: Kỷ niệm Huế xưa của NS Minh Khang, viết theo hình thức tứ tấu dựa trên chất liệu dân ca Huế; Gánh lúa về của NS Bảo Phúc, viết theo hình thức độc tấu (đàn Nguyệt) dựa trên làn điệu Mang của âm nhạc cung đình; Hương sen thành cổ của NS Hà Sâm, viết theo hình thức dàn nhạc dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian Huế; Huế đại cảnh khúc của NS Khắc Yên, viết theo hình thức độc tấu (đàn Bầu) dựa trên làn điệu Tứ đại cảnh của Ca Huế; Thuyền và Trăng của Vĩnh Phúc, viết theo hình thức song tấu (Nhị - Nguyệt) dựa trên chất liệu của âm nhạc dân gian Huế; Hoa đăng dạ khúc của NS Tôn Thất Việt Hùng, viết theo hình thức dàn nhạc dựa trên chất liệu âm nhạc cung đình... một số tác phẩm khác viết theo hình thức Suite (liên hoàn khúc) và Fantaisie (ngẫu hứng), dựa trên âm hưởng âm nhạc dân gian Việt nam.

Mảng tác phẩm lý luận phê bình âm nhạc tuy có khiêm tốn hơn (do vắng nhiều hội viên lý luận tham dự trại), nhưng cũng đã phản ánh được tiêu chí lý luận phê bình của trại là, bám sát hoạt động âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp ở Huế, đặc biệt là phản ánh nhu cầu bức thiết về việc thành lập một trung tâm đào tạo âm nhạc tại Huế (Nhạc viện Huế), có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như Các phương thức hoà tấu nhạc cung đình Huế của NS Trọng Bình; Vài nét về cây đàn Ân Toong của người Tà Ôi - Thừa Thiên Huế của NS Dương Bích Hà; Tính dị bản trong nhạc đàn Huế của NS Hà Lam; Thành lập Nhạc Viện Huế một nhu cầu cấp thiết của NS Trần Đức...

Cùng với sự thành công của cuộc toà đàm về “Sự cần thiết phải thành lập Nhạc viện ở Huế”, thì tập tác phẩm khí nhạc dân tộc & lý luận phê bình âm nhạc Huế vừa mới hoàn thành, là bằng chứng sinh động, phán ánh tiềm năng, thế mạnh trong việc phát huy các giá trị đặc sắc của di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu ở Huế, đặc biệt là Nhã nhạc cung đình, trong sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ. Đồng thời, sự thành công của Trại sáng tác khí nhạc & lý luận phê bình âm nhạc tại Huế lần này sẽ là cơ sở quan trọng, góp phần định hướng cho mô hình và mục tiêu đào tạo của Nhạc viện Huế trong tương lai.

T.V
(182/04-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng