Tạp chí Sông Hương - Số 245 (tháng 7)
Dành cho nhân dân trước…
10:43 | 31/07/2009
TẤN HOÀIHưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhĐêm đó, Bác nghỉ lại tại Cọt Mạ - một thị trấn nhỏ của Trung Quốc, thị trấn nhỏ như một bản miền núi miền nam Trung Quốc, có một cái chợ nhỏ, cách biên giới Việt Nam khoảng trên bốn cây số. Tất nhiên, đó là một cơ sở của cách mạng Trung quốc. Hôm sau, Bác về nước cùng với những đồng chí Việt Nam đi đón Bác trong đó có Dương Đại Lâm, Lê Quảng Ba, Bằng Giang. Những người này về sau trở thành cán bộ lãnh đạo của khu tự trị Việt Bắc. Bác về đúng vào tháng 2 năm 1941. Bác đã ghi trên một phiến đá trong hang Cốc Bó, nằm trong khu vực Pác Bó. Gia tài Bác chỉ có một chiếc va li cũ đan bằng mây, bên cạnh một chiếc máy đánh chữ mà Bác luôn luôn xách bằng tay.
Dành cho nhân dân trước…
Nhân dân Pác Bó nồng nhiệt đón tiếp Hồ chủ tịch về thăm (20.2.1961)

Bác mặc một bộ áo quần màu xanh chàm của người Nùng, vì vùng này, cả phía bên Trung Quốc đều là dân tộc Nùng. Đội chiếc nón bẹt rộng vành, đi đôi giày vải tự may của người dân tộc, Bác đã trở thành ông già Thu, tiếng Nùng gọi là Ké Thu, về sau nhiều người cứ gọi là ông Ké. Bác dừng lại bên cột mốc 108 giữa biên giới Việt Nam - Trung Quốc một lúc. Có lẽ trong giây phút này là giây phút cảm động nhất trong đời Bác sau đúng 30 năm xa Tổ quốc. Bác ra đi vào năm 1911, chia tay đất nước trên cảng Nhà Rồng, và trở lại năm 1941 - đúng 30 năm. Có lẽ trong đời người, không có gì đáng ghi nhớ hơn khi nhìn và gặp mẹ sau đằng đẵng 30 năm trời. Từ cột mốc xuống dốc, đến con suối đầu nguồn Pác Bó, các đồng chí địa phương đã chọn cho Bác cái hang Cốc Bó lưng chừng núi làm chỗ nghỉ.

Từ dưới suối Pác Bó, phải leo lên mấy chục mét sườn núi đầy cây cối rậm rịt mới vào hang. Hang rộng khoảng hơn một căn nhà, nhưng những thạch nhũ - măng đá từ trên trần thõng xuống và dưới mọc lên đã chiếm gần hết phần hang. Bác nghỉ trên mấy tấm phản mộc mà nhân dân đã mang vào. Chỉ có một mảnh chiếu, không chăn, không màn, đêm đốt một đĩa dầu sở - thứ dầu nhân dân tự ép bằng quả sở. Đêm trong hang núi đá rất lạnh, Bác phải đốt thêm một đống lửa để sưởi. Đã là mùa xuân, nhưng vẫn rất lạnh, hoặc những lúc mưa gió, rắn còn chui vào ngủ dưới tấm phản của Bác. Nhưng Bác chỉ có một mình! Mãi sau Bác mới dời ra ở lán Khuổi Nậm mé bên ngoài suối Pác Bó. Nhìn lên cả dãy núi cao, và Bác đã đặt tên cho ngọn núi cao nhất là núi Mác, và dòng suối Pác Bó là suối Lê - Nin. Tên núi và tên suối có từ đó cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng các đồng chí cùng lên họp với Bác ở hang đầu nguồn Pác Bó. Ở đầu ngọn suối này, nước cạn, trong vắt, sát bờ có một mỏm đá nhô ra, Bác đã kê làm một cái bàn - bàn đá và chỗ ngồi vừa tầm cũng là một mỏm đá. Cứ sáng sáng, Bác xuống suối, tập thể dục và làm việc tại bàn đá. Cây cối xung quanh che phủ nên cũng rất mát mẻ, và lại có sẵn suối, nên Bác làm việc được nhiều. Bác đã dịch từ tiếng Nga quyển lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô tại bàn đá này. Ngày ngày nhân dân mang cơm nước vào đây cho Bác, và cũng chính tại nơi này, Bác đã kết nạp người con gái Cao Bằng đầu tiên là Nông Thị Trưng vào Đảng.

Ở Khuổi Nậm ít lúc, Bác lại ra ở tại nhà đồng chí Dương Đại Lâm một thời gian nữa rồi sau mới về Tân Trào. Nhà Dương Đại Lâm ở cạnh cầu Pác Bó, bên suối Pác Bó - tức là suối Lê-Nin. Có cái bến trước mặt nhà, hằng ngày Ké Thu thường ra tắm cho các em nhỏ trong cái “loóng” - giống như cái thuyền nhỏ, một loại máng gỗ dân dùng để đập lúa.

Tại Pác Bó, Bác đã xây dựng cơ sở, huấn luyện cho phong trào cách mạng chung của cả nước. Ngày Tết, Bác cũng “lì xì” cho các em bằng những phong bao giấy đỏ như phong tục dân tộc địa phương. Nhân dân Pác Bó rất cảm phục và thương yêu Ké Thu. Bác đã xem Pác Bó như quê hương thứ hai của mình, nên nhân dân càng xem Bác như người nhà.

Sau khi cách mạng thành công, Bác về làm Chủ tịch nước ở tại Hà Nội. Và đến năm 1961, Bác trở lại thăm Pác Bó. Nếu năm 1941, Bác đã viết những câu thơ:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang

thì năm 1961 về thăm lại Pác Bó, Bác lại viết:

Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật Tây;
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay.

Chính những năm ở Pác Bó, Bác đã để lại bao nhiêu tình cảm, sự yêu mến, sự kính phục đối với nhân dân, vì thế cũng chính năm 1961, khi Bác lên thăm lại Pác Bó, có một sự kiện mà nhân dân càng thêm cảm phục yêu mến lãnh tụ của mình.

Lúc đó tỉnh Cao Bằng cùng nhân dân Pác Bó chuẩn bị xây ngôi nhà lưu niệm về Bác ngay tại đầu làng Pác Bó, gạch, xi măng, vật liệu đã chở về tập trung đầy đủ, chỉ chờ ngày khởi công. Vừa lúc Bác lên thăm, khi Bác đi ngang qua nơi chuẩn bị mở công trường xây dựng, Bác đã hỏi:

- Các đồng chí định xây dựng cái gì đây?

Cán bộ Cao Bằng và Pác Bó đành thưa thật với Bác:

- Chúng cháu định xây dựng ngôi nhà lưu niệm Bác tại đây.

Bác sửng sốt ngạc nhiên, và Bác xua tay dứt khoát:

- Các đồng chí hãy xem, nhân dân còn sống ra sao? Nhà tranh vách đất, đèn dầu, chưa có trạm xá, chưa có trường học, thế thì lưu niệm Bác để làm gì? Làm sao Bác yên tâm được! Hãy mang tất cả các thứ này ra xây trạm xá, trường học cho xã Trường Hà (Pác Bó nằm trong xã Trường Hà) hay trạm phát điện cho xã. Các đồng chí hãy thi hành ngay!

- Sau khi Bác về, tỉnh Cao Bằng và nhân dân Pác Bó đã tuân theo ý của Bác và, ít lâu sau đó, xã Trường Hà đã có một trạm xá và một nhà máy thuỷ điện phục vụ rộng khắp cả một vùng. Nhân dân phấn khởi, khi đến khám bệnh buổi đầu tiên, khi bật ngọn đèn điện đầu tiên trên đất Pác Bó nghĩa tình đối với Bác.

Ơn sâu của Bác những ngày ở Pác Bó không thể phai mờ nên mãi đến tận khi Bác mất rồi, nhân dân Pác Bó mới dám xây ngôi nhà lưu niệm.

Rất cảm động nữa là nhân dân xin để tang Bác ba năm như con đối với cha mẹ, nhưng sau khi bàn bạc, tỉnh uỷ đã đề nghị rút xuống một năm.

Trước mặt nhà đồng chí Dương Đại Lâm, có cái miếu nhỏ thờ Bác, suốt một năm ròng đều cúng cơm hàng ngày cho Bác và nhân dân thường xuyên đến dâng những sản vật tự mình làm ra.

Với cả nước, với một vùng Pác Bó, Bác vẫn sống trong lòng nhân dân. Vì sao? Vì Bác đã sống vì nhân dân - vì Bác luôn luôn lo cho người khác, chứ không bao giờ lo cho mình!

T.H
(245/07-09)

Các bài mới
Con Gái (31/08/2009)