Tạp chí Sông Hương - Số 245 (tháng 7)
Giới thiệu Chi hội nhà văn Việt Nam tại Huế - Nhà thơ Hải Bằng
17:02 | 07/08/2009
Nhà thơ Hải Bằng tên thật là Vĩnh Tôn, sinh ngày 3 tháng 2 năm 1930, quê ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông mất ngày 7 tháng 7 năm 1998.
Giới thiệu Chi hội nhà văn Việt Nam tại Huế - Nhà thơ Hải Bằng
Nhà thơ Hải Bằng (Ảnh: internet)

Vốn xuất thân trong một gia đình dòng dõi Hoàng tộc nhưng Hải Bằng sớm giác ngộ Cách mạng. Mới mười lăm tuổi, ông đã gia nhập Vệ Quốc đoàn rồi trở thành chiến sĩ thuộc Trung đoàn 101, chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên. Hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Vụ Văn hóa đại chúng thuộc Bộ Văn hóa. Năm 1959, ông chuyển về Quảng Bình làm công tác phát hành sách. Sau 1975, ông làm việc ở Sở Văn hoá Thông tin Bình Trị Thiên rồi Thừa Thiên Huế cho đến khi nghỉ hưu.

Hải Bằng làm thơ, vẽ tranh, tạo hình bằng rễ cây. Thơ Hải Bằng vừa sâu lắng vừa góc cạnh. Ông có những vần thơ viết về Huế hết sức da diết. Ông cũng gửi vào thơ những ẩn ức bởi cuộc đời lắm tai ương của mình.

Hải Bằng đã xuất bản:
Hát về ngọn lửa (thơ, 1980); Trăng đợi trước thềm (thơ, 1988); Thơ tình Hải Bằng (thơ, 1989); Mưa Huế (thơ, 1992); Mưa lại về (thơ tứ tuyệt, 1993); Sóng đôi bờ (thơ, 1994); Đề lên năm tháng (thơ, 1995); Tuổi Huế trong ta (thơ, 1996).

Nhân ngày giỗ lần thứ 11, Tạp chí Sông Hương xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Hà Nhật và chùm thơ chọn lọc của ông.

MAI VĂN HOAN giới thiệu



Văn Tôn - Hải Bằng bạn tôi

HÀ NHẬT LƯƠNG DUY CÁN

Dạo ấy, chúng tôi, Văn Tôn, Phùng Quán, Hà Nhật, ba thằng còn trẻ măng, thân nhau vì cùng gắn bó với Huế. Phùng Quán quê Thừa Thiên. Văn Tôn là “dân mệ” gốc. Còn tôi tuy không phải dân Huế nhưng lại duyên nợ, vừa bước ra từ trường Khải Định. Số phận sau này càng gắn ba đứa lại hơn nữa, nhất là kể từ sau những vụ việc trong các năm 1957 - 1958 liên quan đến Nhân văn - Giai phẩm mà có lẽ bây giờ nhiều người còn nhớ.

Tôi đã khá ngạc nhiên khi gặp tại trụ sở báo Trăm Hoa của nhà thơ Nguyễn Bính, vào khoảng cuối năm 1956, một anh chàng nói tiếng Huế, tự xưng mình là Văn Tôn, tác giả bài thơ Em nữ cứu thương người Pháp mà tôi từng có dịp đọc trong sổ  tay thơ kháng chiến của một đứa bạn trước đó. Lúc ấy tôi cứ yên trí hắn ta tên là Tôn, họ là Văn. Hóa ra tên hắn là Vĩnh Tôn, dân hoàng tộc, con một ông “Bửu” từng làm tri huyện cái huyện quê tôi. Hắn bỏ nhà, rời Huế, lên chiến khu theo kháng chiến với mong ước làm một nghệ sĩ kháng chiến, chuyển từ Vĩnh Tôn sang Văn Tôn là để “quần chúng hoá” mà đi vào công nông. Sau này hắn còn nhiều dịp để “quần chúng hoá” theo kiểu như vậy. Cho đến khi làm giấy chứng minh, rồi lý lịch cán bộ, hộ khẩu, tên họ hắn chỉ gồm vỏn vẹn hai chữ “Văn Tôn”, không hề lộ một chút hơi hướng quý tộc.

Chuyển ngành từ bộ đội, hắn làm ở Vụ Văn hoá quần chúng, nhưng lại vẽ tranh châm biếm cho báo Trăm Hoa.

Đùng một cái, hắn báo tin là xin nghỉ việc để “đi thực tế” về làng Cảnh Dương, một làng quê nổi tiếng anh hùng trong kháng chiến, nằm bên bờ biển dưới chân Đèo Ngang, cực Bắc tỉnh Quảng Bình. Tôi vốn là đứa nhát gan, thấy thế, phục lăn. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn rất khâm phục cái quyết định táo bạo ấy của hắn, cả cái cách hắn đã làm đủ thứ việc để sống mà không dựa vào một nguồn tài chính tài trợ nào hết.

Cũng hoàn cảnh như hắn, Phùng Quán sống với nghề “viết văn chui” và câu trộm cá Hồ Tây. Còn hắn, Văn Tôn, không thể kiếm sống được với nghề câu cá ở làng biển Cảnh Dương, đi vào Đồng Hới, vẽ tranh cổ động cho Ty Văn hoá, rồi làm thơ. Hắn làm việc quần quật suốt ngày, không vẽ tranh thì làm thơ. Và hắn làm rất nhiều thơ. Cả cái thị xã Đồng Hới nhỏ như một thị trấn miền quê lúc ấy hầu như đều biết tên biết mặt Văn Tôn. Hắn có thể chơi thân với tất cả mọi người ở đây, từ anh cán bộ chính quyền, ông bộ đội về hưu, học sinh, cho đến anh thợ cắt tóc, thợ may, thợ cắt dép lốp, từ người có lập trường tư tưởng công nông cho đến những người “lí lịch không trong sạch”... Hắn đi ra đường, hầu như luôn luôn có người chào hắn. Lạ nhất là thỉnh thoảng có những cô gái vừa nhìn thấy hắn, đã kêu lên một cách tự nhiên:

-  Văn Tôn!

Cuối năm 1962, tôi từ Vinh chuyển vào Đồng Hới dạy học. Văn Tôn mừng như bắt được của. Hắn lôi tôi đi khắp thị xã, vào hết nhà nọ đến nhà kia. Đến đâu, không cần giới thiệu, hắn chỉ đọc to lên mấy câu thơ trong một bài thơ dài mà có lẽ hắn đã đọc trước đó cả chục lần, mấy câu thơ dành để giới thiệu về tôi. Lập tức tôi cũng trở thành người nổi tiếng gần bằng Văn Tôn. Tất nhiên, việc ấy đã góp phần tăng thêm nguy hiểm và phiền lụy cho cả hai thằng trong suốt bao nhiêu năm chúng tôi còn sống ở Đồng Hới. Tôi đoán rằng, không ít người đã từng nghĩ: chúng nó thân nhau là phải, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Có lẽ vì thế mà năm 1975, sau tròn 13 năm, tôi đã không ngần ngại rời khỏi Đồng Hới, dù đó là mảnh đất chôn nhau cắt rốn, vẫn luôn luôn là một phần thiêng liêng trong máu thịt của tôi.

Văn Tôn là một người nồng nhiệt trong tình bạn, có thể nói là nồng nhiệt một cách quá đáng, đến độ ích kỷ. Chỉ cần tôi ở lại Đồng Hới, ngủ lại nhà một ai đó, chứ không phải là chỗ hắn ở, thế là hắn có thể mắng ngay vào mặt tôi, không một chút nể nang. Thật khổ cho tôi, bởi hắn có nhà cửa gì đâu, cái chỗ hắn ở, là cái chỗ hắn ở nhờ, thì có rộng rãi gì cho cam, lại còn đầy khung tranh, giấy và vải cùng bao nhiêu thứ bột màu... Vả lại, hắn đã ở nhờ nhà người ta, tôi đưa xác vào đó, cũng thêm phiền cho người ta. Nhưng không có tôi thì hắn còn biết tâm sự với ai, đọc thơ cho ai nghe? Còn ai để cho hắn ôn lại những ngày Hà Nội đẹp đẽ? Chẳng lẽ ở Đồng Hới tôi có thể có một người đáng để thân hơn hắn được sao?

Sau này, vào thời kỳ chiến tranh, có lần Phùng Quán được đi công tác vào Quảng Bình. Trước khi trở ra Hà Nội, Quán vừa cười vừa nói với tôi:

- Vào Quảng Bình, gặp Văn Tôn, biết ngay là Mỹ thế nào cũng thua. Bom đạn như rứa mà Văn Tôn vẫn cứ là Văn Tôn.

Quảng Bình hồi đó thì ác liệt thật. Không chỉ vì bom đạn suốt ngày đêm, Quảng Bình còn là nơi mà chúng tôi nhìn thấy thường xuyên diễn ra hai hình ảnh như là tượng trưng cho sự thật của một cuộc chiến tranh: những đoàn quân áo quần giày mũ oai hùng nối nhau đi về phía Nam trên con đường này và những đoàn thương binh quấn đầy băng trắng trở về Bắc trên con đường khác. Không chỉ khổ vì bom đạn, chúng tôi còn trở thành những kẻ thiếu đói, hầu như lúc nào cũng có cảm giác thèm ăn. Có những ngày thứ lương thực chủ yếu của chúng tôi là rau má. Vậy mà Văn Tôn không thể bỏ được bất kỳ thứ nghiện nào của mình: thuốc lá và chè tàu. Kiếm ra thuốc để hút đã lạ, kiếm ra chè để uống còn lạ vô cùng. Tôi chưa hề gặp Văn Tôn ở đâu mà không có bộ ấm chén pha trà với những cái chén hạt mít màu nâu nâu của hắn. Chưa hề gặp Văn Tôn mà không có quyển sổ nháp thơ dày cộm của hắn. Gặp Văn Tôn là Văn Tôn đang có mấy bài thơ mới làm, phải nghe. Thơ cứ như là một thứ kinh cho Văn Tôn tụng niệm hàng ngày. Tính tình Văn Tôn lúc nào cũng vậy, vừa đáng yêu vừa khó chịu, vừa rất phóng khoáng như nghệ sĩ vừa dễ dỗi hờn như trẻ con, vừa lịch thiệp vừa nghiệt ngã... Hầu như tất cả những thứ ấy đều hoàn toàn thống nhất, trở thành một khối, tạo nên cái chất Văn Tôn, không giống ai, một tính cách Văn Tôn.

Còn nhớ, hình như vào đầu năm 1964, Ty Văn hoá Quảng Bình cho in một tập san kiểu như tuyển tập văn thơ, lấy tên là Cành Xuân. Có thể coi đây là sự việc trọng đại: lần đầu tiên tỉnh có một tập thơ văn khá dày dặn, chất lượng nghệ thuật cũng đáng tự hào, bìa đẹp, nhiều trang có minh họa, được coi như lời trình làng chính thức của một khái niệm từ nay đã có thật: Hội Sáng tác Văn nghệ Quảng Bình. Điều rất hay nữa là tất cả bài vở in trong tập Cành Xuân đều có nhuận bút. Bởi vậy nên mới có một cuộc liên hoan tất niên rất rộn ràng tại một cửa hàng ăn uống. Mặt mũi hai đứa Văn Tôn và Hà Nhật đến dự buổi liên hoan ấy khá là rạng rỡ. Văn Tôn được in một chùm thơ về biển, Hà Nhật được in một chùm thơ ngắn Gửi Cu - ba, có minh họa của Văn Tôn. Có điều là cả hai đứa không được dùng bút danh cũ mà phải dùng bút danh mới. Văn Tôn dùng bút danh là Hải Bằng, còn tôi dùng bút danh là Mai Liêm. Ôi, quan trọng gì chuyện ấy, miễn chúng tôi từ nay có thể in bài của mình trên cái đất Quảng Bình này là được rồi! Cũng từ đó, hai thằng nghiễm nhiên trở thành hội viên của Hội Sáng tác Quảng Bình (Đến kỳ đại hội Văn Nghệ Quảng Bình năm 1974, tôi còn trúng cử vào ban chấp hành nữa chứ! Văn Tôn không trúng cử nhưng là người “có số phiếu cao nhất trong những người không trúng cử”!

Cũng vào khoảng thời gian in tập Cành Xuân, một hôm, bằng một giọng hài hước, Văn Tôn còn báo cho tôi một tin vui khác:

- Tau vừa được vô biên chế, lương ba mươi sáu đồng.

Ba mươi sáu đồng, ấy là bậc lương khởi điểm của một anh lao công hay một bà cấp dưỡng!

Lai lịch Hải Bằng là vậy. Từ đó cho đến nay, không có thơ Văn Tôn mà chỉ có thơ Hải Bằng.

Từ cuối năm 1975, tôi đi một mạch vào Nam, chỉ thỉnh thoảng đôi ba năm mới về quê, ghé qua Huế. Có lần ngồi cùng Văn Tôn giữa đông đảo bạn bè ở Huế, người thì gọi ông Hải Bằng, người thì gọi anh Hải Bằng hay chú Hải Bằng, riêng tôi vẫn chỉ gọi Văn Tôn. Bởi với tôi, hắn mãi mãi là Văn Tôn từ những ngày lận đận ở Phà Đen, Nghi Tàm, rồi Cảnh Dương, Đồng Hới... một Văn Tôn có lúc giận đến muốn tuyệt giao, nhưng rồi nghĩ lại những lúc cay đắng, chỉ có hai thằng là bạn nối khố, như hai kẻ bị ruồng bỏ, chỉ có hai thằng biết nhau và nâng đỡ cho nhau, trong thơ và cả trong đời.

Có một chuyện vui vui, tôi muốn dùng để kết thúc bài văn tản mạn này. Ấy là sau khi Văn Tôn có vợ, bởi chị Chiến là chị con cô con cậu với tôi, Văn Tôn nghiễm nhiên trở thành anh tôi. Một lần, nửa đùa nửa thật, Văn Tôn nói:

- Nì Hà Nhật, mi thử gọi tau bằng anh một lần coi chơi.

Tôi cười:

- Chịu!

Cũng lạ thật, cả Văn Tôn và Phùng Quán đều hơn tuổi tôi, nhưng kể từ lúc mới quen nhau rồi thân thiết, cả ba đứa chỉ có một cách là “tau mi” với nhau.

Cho đến cái lần lên đồi thăm mộ, hình dung Văn Tôn nằm dưới mộ, một nỗi buồn mênh mông chợt xô đến, tôi cũng chỉ nói được:

- Văn Tôn ơi, tau đến thăm mi đây! 

Thật ra, dù Văn Tôn hay Hải Bằng, trước sau chỉ có một con người ấy, một con người mà khát vọng lớn nhất ở đời là được sống để làm thơ, làm thơ thôi, chứ không làm gì cả. Có lẽ, triết lý cao nhất của Văn Tôn: tôi làm thơ, ấy là tôi tồn tại. Suốt đời, Văn Tôn vùng vẫy, nhiều lúc đến khốn khổ, đến tuyệt vọng, cho khát vọng ấy. Văn Tôn sẵn sàng so găng với cuộc đời, với mọi người, với cả chính mình, chỉ vì khát vọng ấy.

Đọc thơ Văn Tôn, đọc thơ Hải Bằng, chính là tìm đến khát vọng ấy.

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 8 - 2007

            H.N.L.D.C


HẢI BẰNG
(03.02.1930 - 07.7.1998)


Thơ hai câu

Nhìn biển mùa hè tôi nghĩ về em
Nhưng khi nhìn em tôi lo biển động
*
Con muỗi bay lên từ mặt nước ao nhà
Không dám nhận mình là bọ gậy
*
Nếu em là làn gió nhẹ thổi quanh tôi
Tôi cũng bình tâm chờ cơn bão đến
*
Trăng nói với mặt trời:
      - anh sáng ban ngày tôi sáng ban đêm
Thế mà dưới trần gian vẫn kêu còn tăm tối
*
Trong tiếng thủy chung có niềm hy vọng
Sao mái tóc em rối cả niềm tin
*
Nguyện với cây bút viết lời thơ như dòng sông êm ả
Giọt mực nào cũng gợn nét đăm chiêu
*
Người không có quê hương
Đến đâu cũng là nơi xa cách
*
Mùa đông em lấy lửa của tôi đi
Đến mùa hạ tôi đã thành đám cháy
*
Cầu bắc qua mọi dòng sông
Không bắc qua được những gì đã mất
*
Chiếc ghế mỗi ngày thêm bóng loáng
Chẳng còn biết mình là cây


Thơ bốn câu

Lời tựa

Suốt đời viết mãi cuộc chia ly
Hằng triệu câu thơ chẳng nghĩa gì
Chỉ tủi thời gian khi bạc tóc
Em cầm tuổi trẻ của tôi đi

Nhà thơ 2

Dòng nước tuôn qua dòng lệ chảy
Mái chèo nhịp nắng chớp ngang sông
Vầng trăng rải chữ tràn lên giấy
Hơn nửa đời thơ được mấy dòng

Trót yêu

Chẳng biết bao lâu tới được bờ
Trót yêu đành chịu nỗi bơ vơ
Em xui tôi sống làm thi sĩ
Bắt mọi đau buồn phải hoá thơ.

Tình yêu

Ai ví em như gió trở mùa
Chập chờn cái ráng giữa mây thưa
Khi nhìn rõ nét giai nhân ấy
Tôi bỗng sa vào trận bão mưa!

Lời diễn viên

Bước lên sân khấu tìm đời
Bóng ma trộn lẫn bóng người nhá nhem
Bước xuống sân khấu là đêm
Xin đời trả lại cho em mấy ngày


Đề lên năm tháng

I.
Trăm chuyện buồn thức tỉnh
Một lần vui: chiêm bao
Dấn vào trăm trận lửa
Về - một ngọn dầu hao
Góp trăm tiếng chung thủy
Nhận một lời khổ đau
Qua trăm mùa xuân nhớ
Một chiều đông trắng đầu

II.
Nước mắt đã khô rồi
Tờ khai sinh còn ướt
Con ngươi sáng tỏ rồi
Vẫn mập mờ phía?
Dù em ở trong tôi
Làm sao mà gặp được!

III.
Thân nhồi trong biển động
Mắt ngợp mưa xói bờ
Khi choáng đầu trên sóng
Tưởng mình còn trong mơ...

IV.
Vườn mùa thu trở lại
Một mình trăng lẻ loi...

V.
Quả không cần chín mãi!

(245/07-09)

Các bài mới
Con Gái (31/08/2009)
Các bài đã đăng
Gió xuân thì (31/07/2009)