Tạp chí Sông Hương - Số 245 (tháng 7)
Khảo sát một số di tích trên sơn phận xã Dương Xuân Thượng xưa
10:48 | 14/08/2009
HỒ VĨNHĐồi Vọng Cảnh nằm cách thành phố Huế 7km về phía tây nam, vùng sơn phận này gồm nhiều núi đồi gối đầu lên nhau trong một khu vực rộng khoảng 2.400 ha diện tích đất tự nhiên. Về mặt địa hình của ngọn đồi, từ vị trí của tấm bia cổ Lý Khiêm Sơn (núi gối hậu của Khiêm Lăng - Tự Đức) kéo dài lên Vọng Cảnh là một dãy liên hoàn.
Khảo sát một số di tích trên sơn phận xã Dương Xuân Thượng xưa
Bên đồi Vọng Cảnh - Ảnh: nguoivienxu.vietnamnet.vn

Năm 1925 hai tác giả người Pháp là L.Gaide và H.Peyssonneux đã viết trong sách Prince Kiên Thái Vương (Hoàng thân Kiên Thái Vương) như sau: “Tại vùng này người ta còn đi lên một đỉnh đồi gọi là “le Belvédère” (đồi Vọng Cảnh), từ đỉnh đồi người ta có cái nhìn bao quát rất ngoạn mục về dòng sông, theo hướng đi lên lăng Minh Mạng và lăng Gia Long; về toàn núi non bao quanh Huế”. Năm 1935 Phòng Du lịch Huế đã ấn hành một tập gấp hướng dẫn du lịch và vùng phụ cận. Tập hướng dẫn cho biết dù tham quan 1 ngày, 2 ngày hay 3 ngày tại Huế đều có tour tham quan đồi Vọng Cảnh vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Để hấp dẫn du khách, tập gấp hướng dẫn du lịch nhấn mạnh: “Đồi Vọng Cảnh là điểm đẹp nhất để ngắm sông Hương và các khu lăng tẩm hùng vĩ của các vua triều Nguyễn”. Cụ Dương Đình Nguyên, một người gốc Huế năm nay đã 90 tuổi, ở phường Phú Cát, thành phố Huế cho biết: “Trước năm 1930 trên đồi này đã có đài Vọng Cảnh để du khách đến đó đứng ngắm cảnh”. Còn nhà báo Phan Quang nhận xét: “Huế đẹp kín đáo. Có quen thuộc đất, người và lối sống ở đây mới phát hiện được dần và thưởng thức hết vẻ đẹp. Ai cũng khen sông Hương đẹp, song phải đứng trên đài Vọng Cảnh vào sáng sớm mai, nhìn xuống dải sông dưới điện Hòn Chén lượn khúc giữa các đồi cây và vườn cau trang nhã mới hiểu hết vẻ đẹp của con sông này”. Ông Nguyễn Ngọc Giai, Việt kiều Pháp khi thăm Cố đô Huế, ông Giai được tôi hướng dẫn du ngoạn rừng cảnh quan. Đứng trên đồi Vọng Cảnh, ông Giai thốt lên: “Nhìn những làng quê Hải Cát, Ngọc Hồ, Hương Hồ… ẩn mình dưới rừng cây xanh, Huế như bức tranh lụa được lồng trong một khung cảnh yên ả và thanh bình”. Tôi tiếp lời: “Ở Malaysia có đồi du lịch Mimaland đã được du khách quốc tế biết đến là nhờ có cảnh quan thiên nhiên rất cổ sơ, hoang dã”.

Vừa qua chúng tôi đã đến xem quy hoạch chi tiết khu vực đồi Vọng Cảnh tại Văn phòng Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế. Đứng bên cạnh tôi, ông Trần Quốc Phong, Ủy viên Thông tin Câu lạc bộ Phú Xuân Huế, bộc bạch: “Tôi hoan nghênh và ủng hộ phần đầu tư tôn tạo khu vực này thành công viên lớn để nhân dân và du khách dạo chơi ngắm cảnh, kết hợp với tham quan vùng văn hoá tâm linh Huế gồm các lăng tẩm, chùa chiền xung quanh và làm nơi hoạt động dã ngoại, cắm trại, có các chòi ngồi mát ngắm cảnh như đã thể hiện trong quy hoạch.

Theo bản thuyết minh tóm tắt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận thành phố Huế (do Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn - Bộ Xây dựng lập) cho biết khu vực nghiên cứu khoảng 240 ha, trong đó khu vực đồi Vọng Cảnh tạm tính từ giới hạn Nhà máy nước (Vạn Niên) theo đường phân lưu của khu di tích các lăng tẩm tới nam sông Hương (Khe Bối) khoảng 30 ha.

Tuy nhiên qua khảo sát trên thực địa của chúng tôi thì xung quanh khu vực này bao gồm: khu lăng tẩm Khiêm Lăng - Tự Đức, lăng bà Học Phi (thứ phi vua Tự Đức), Tại Thử Đường (nhà thờ bà Học Phi), lăng Hoàng tử Cảnh, Tư lăng - Đồng Khánh, lăng Kiên Thái Vương, lăng bà Chiêu Nghi, vợ chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, lăng bà Võ Thị, vợ ông Tôn Thất Xuân, cải táng từ Xiêm - Thái Lan về kinh đô Huế năm 1810, Tư Minh Lăng - Thánh Cung (chính phi vua Đồng Khánh), Thọ Xuân Vương viên tẩm (Vườn lăng Thọ Xuân Vương), lăng bà Từ Cung (vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại), lăng mộ tổ họ Thân, bến Khiêm Sơn… Theo địa mạch, từ đồi Vọng Cảnh tiếp giáp các núi: Lý Khiêm Sơn, Lao Khiêm Sơn, Cư Khiêm Sơn, dấu tích Thần từ Khiêm Sơn (nhà thờ thần núi có Khiêm Lăng dựng năm 1867), Thiên Hoàng Long Sơn, Thiên Mã Chính Án Sơn… Riêng tấm bia cổ Lý Khiêm Sơn dựng cách đồi Vọng Cảnh khoảng 250m về phía Bắc, cách bên ngoài la thành Khiêm Lăng - Tự Đức khoảng 5m về phía Tây. Tấm bia được làm bằng đá thanh cao 90 cm, rộng 43cm, dày 13,5cm, đặt trên một bệ đá; cả hai mặt của bia đều khắc chữ Hán: “Lý Khiêm Sơn”. Theo bài Khiêm Cung ký, do vua Tự Đức viết năm 1871 Lý Khiêm Sơn là ngọn núi thứ 6, định vị thế phong thủy cho Khiêm Lăng. Bác Dương Văn Tùng, nguyên là hộ lăng (giữ lăng) hiện ở tại thôn Thượng 2, xã Thủy Xuân diễn tả: “Từ núi Cư Khiêm (còn gọi là độn Bầu Hồ) bao quát cả vùng đến đồi Vọng Cảnh (còn gọi là Độn Bạc) trước kia là đất quan phòng, tức là vùng đất ngoại cấm”. Theo địa bộ xã Dương Xuân Thượng (nay là xã Thủy Xuân), bản chữ Hán, đề ngày 15 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 12 (1937) cho biết đất quan phòng của Khiêm Lăng - Tự Đức rộng tới 29 mẫu 5 sào 6 thước. Riêng đất rừng do kiểm lâm quản lý 24 mẫu 1 sào 4 thước 3 tấc và rừng thông chiếm diện tích 20 mẫu 6 sào 15 thước 1 tấc. Sau năm 1954 rừng thông này đã bị chặt phá.

Trong một đợt khảo sát mới đây ở sườn đồi Vọng Cảnh, chúng tôi đã tìm thấy dấu tích một trụ biểu cổ. Dấu tích có hình tròn, đường kính khoảng 1m được xây bằng gạch trát vôi vữa, trên một số viên gạch có loại ký hiệu thường thấy ở gạch thời Nguyễn, chỉ tập trung một số di tích lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Qua nghiên cứu dấu tích này chỉ nằm cách la thành Khiêm Lăng khoảng 300m.

Trong một lần trao đổi với anh Lê Văn Ty, Phó phòng đặc trách kinh doanh thuộc Trung tâm Công viên cây xanh cho biết: “Chúng tôi đã phủ xanh 5.911 cây thông hai lá ở khu vực đồi Vọng Cảnh. Riêng trên đỉnh đồi đã có hàng trăm cây cao tới 3m”. Nhìn những hàng cây thông vươn mình trong nắng gió, tôi chợt nhớ tới câu thơ của cố Hòa thượng Bích Phong: “Một dãy núi xanh thành cảnh diệu. Bảy lớp hàng cây thấy công kỳ”.

H.V
(245/07-09)

Các bài mới
Con Gái (31/08/2009)
Các bài đã đăng
Đám cưới giả (14/08/2009)
Gió xuân thì (31/07/2009)