Tạp chí Sông Hương - Số 184 (tháng 6)
Đến với bài thơ hay: “Gói” của Nguyễn Khắc Thạch
10:45 | 12/08/2009
MINH QUANG                Trời tròn lưng bánh tét                Đất vuông lòng bánh chưng                Dân nghèo thương ngày Tết                Gói đất trời rưng rưng...
Đến với bài thơ hay: “Gói” của Nguyễn Khắc Thạch
Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch

Lời bình:

Theo quan niệm của người xưa, bánh chưng, bánh tét có hình dáng của đất, trời. Thành thử, hai câu đầu của bài thơ như là một lời giải thích, một lời giải thích rất dân dã nhưng không kém phần điệu nghệ. Nguyễn Khắc Thạch đã khéo vận dụng sự tích bánh chưng, bánh dầy vào GÓI một cách tinh tế đầy gợi cảm:

                        Trời tròn lưng bánh tét
                        Đất vuông lòng bánh chưng

Cho nên khi năm hết Tết đến, ở trong một gia đình Việt Nam ta, hương vị Tết tất thảy đều phải có bánh chưng, bánh tét. Đó là một nét đẹp truyền thống làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc, cần phải được giữ gìn. Người lao động sống bằng nghề nông, vất vả quanh năm, chỉ thầm mong đủ miếng cơm manh áo, dễ gì có được “ngày Tết” theo như ý muốn đâu. Bởi thế, “Dân nghèo thương ngày tết” cũng chính là thương mình, là lo cho mình có tạo nên được “ngày Tết” chu tất hay không?!

Cũng vì bánh chưng, bánh tét có hình dáng của đất trời, do vậy gói bánh chưng, bánh tét là “gói đất trời”. Đất trời thật thiêng liêng. Gói đất trời rưng rưng... là “gói” bao nỗi niềm tâm trạng trong đó. Nỗi niềm tâm trạng của dân nghèo mà Nguyễn Khắc Thạch muốn nói lên ở đây chứa đựng đầy đủ qua hai từ rưng rưng này. Trên hết, đó là niềm vui sướng hạnh phúc về thành quả lúa gạo mà họ làm ra, nhưng làm ra được hạt lúa, hạt gạo, biết bao mồ hôi họ đã đổ xuống, biết bao công sức bỏ ra họ có quản đâu. Họ thấm thía hơn ai hết cái giá “đắng cay muôn phần” mà mình từng trải. Nguyễn Khắc Thạch đã thực sự đồng cảm với người dân nghèo khó ở cả hai cực biên độ của nỗi niềm tâm trạng này. Chính vậy mà rưng rưng quả thật là xuất thần về tài dùng chữ của anh!

Bài thơ đã lay động mạnh mẽ, gây được khoái cảm bất ngờ cho người đọc, điều tiên quyết là độ sâu chín trong cảm xúc của người viết. Nhà thơ qua GÓI thực sự “trải lòng” chứ không phải là “trải lời” trên giấy như cách nói của một nhà văn có uy tín khi nhận xét về thơ ta từ thực tế thơ xuất hiện trên các báo, tạp chí, đầu sách trong nhiều năm qua.

Mới hay, Nguyễn Khắc Thạch đã nói được rất nhiều qua bài thơ này. GÓI là bài thơ có tứ lạ, chất liệu thơ không mới nhưng thật cảm động. Một bài thơ tứ tuyệt chỉ vỏn vẹn hai mươi từ mà sức chứa, sức tỏa của nó thật lớn lao, thật bao la tựa như Trời-Đất. Lời thơ được lọc kỹ, tuyệt không cầu kỳ. Cách biểu đạt sự vật ở Gói có tính chuẩn mực cao. Các lời thơ như tròn lưng, vuông lòng, thương ngày tết, rưng rưng, thiết tưởng rất có sức nặng. Cấu trúc thơ GÓI chặt, các từ trong bài đều được xác lập vị trí rất vững chắc. Bấy nhiêu thôi, đủ tin tưởng GÓI của Nguyễn Khắc Thạch sẽ có sức sống lâu bền với thời gian và trong lòng công chúng mến mộ.

M.Q
(184/06-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng