Thời vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương từ Huế chạy ra miền Tây Quảng Bình đóng bản doanh chống Pháp, vùng tôi nổi lên danh tướng Lê Trực chỉ huy một cánh quân hoạt động rộng khắp cả vùng phía Bắc tỉnh, kẻ địch cũng phải khiếp vía. Bấy giờ ông tôi vừa tuổi đôi mươi, tâm hồn nhạy cảm sớm bén lửa yêu nước liền sung ngay vào đội cảm tử dưới lá cờ nghĩa. Thấy ông nhanh như sóc, Lê Trực bèn cho làm chân liên lạc. Từ căn cứ vùng núi Chóp Chài, Cu Trắt đã đi khắp nơi với đôi chân đất, đầu trần, bên hông mang cái túi, tay cầm con dao bầu. Những thông tin qua về giữa triều đình của ông vua yêu nước tận chốn rừng xanh và cánh quân Lê Trực đều do một mình ông đảm trách. Nhiều lần Cu Trắt từng gặp đại tướng Tôn Thất Thuyết và Tả quân Trần Xuân Soạn và dù chỉ là anh lính trơn, nhưng có những mưu kế của Cu Trắt các danh tướng xem là cao kiến. Người làng còn nói rằng ông từng được ăn chung mâm, ngủ cùng giường với đức vua Hàm Nghi, chắc đó chỉ là chuyện bịa đặt cốt nhằm tăng thêm oai danh của ông mà thôi.
Phong trào Cần Vương đang lên thì bị nội gián làm phản, vua Hàm Nghi bị bắt và đày biệt xứ. Mấy cụm quân từng theo nhà vua chiến đấu oai hùng một thời tan rã dần, có đám ra hàng, có người mai danh ẩn tích. Nguyên Đề đốc hộ thành Hà Nội, Đệ tam giáp võ tiến sỹ Lê Trực không chịu quy hàng, vẫn lẩn quất đâu đó với tâm trạng "Tấm lòng trung của tôi đối với vua buộc tôi phải khi ẩn khi hiện, song dù ẩn hay hiện, cũng không khi nào tôi chịu đầu hàng người Pháp và vua Đồng Khánh!".
Cu Trắt phải về làng làm ăn, vì cha già mẹ yếu nhưng niềm cô trung vẫn đỏ như son. Ông đặt vè ca ngợi vua Hàm Nghi, ca ngợi nghĩa khí Cần Vương và chế nhạo bọn thực dân, tay sai. Ngày nay trong dân gian vẫn còn sót lại đôi câu:
Bớ Phú- lang- sa Bớ phường bán nước Làm hại vua ta! Thề cùng nhật nguyệt Dao phay ta mài Hòn đạn ta đúc Còn đất còn trời Ta chưa nhắm mắt!...
Bọn lý dịch địa phương rất tức tối, bèn trình quan trên về làng vây bắt. Khi đám sai nha kéo đến thì Cu Trắt đang ngồi đan rổ trước cổng, liền bỏ chạy vô nhà vì không còn cách nào hơn. Bọn chúng hò hét đuổi theo, sộc vào mọi nơi trong căn nhà lợp lá cọ nho nhỏ nhưng chẳng thấy đâu. Tin đồn anh Cu Trắt có phép tàng hình khiến chúng rất hoang mang. Nom thấy một con ễnh ương đang ôm lấy cột nhà, bọn chúng chộp lấy, chắc đây chính là tên tội đồ đang bị truy nã. Cố nhiên chuyện Cu Trắt biến thành con ễnh ương chỉ là chuyện tiếu lâm. Vậy Cu Trắt trốn đâu tài thế? Thì ra Cu Trắt đã thông minh nhảy vào cuộn tròn trong một cái thúng, bảo người nhà đậy lại rồi nín thở nằm im trong đó...
Ông tôi có những bảy người con, đặt tên toàn Hương, Lý, Cửu, Hội, Chánh... cốt để chửi cho sướng miệng. "Bớ thằng Chánh, mày ăn cứt hay sao mà ngu thế!", hoặc "Này thằng Lý, tao vô phúc đẻ ra mày bán trời không văn tự!"... Bọn chức sắc trong vùng hễ đi qua nhà ông liền lo lủi cho nhanh, bởi chậm chân là thế nào cũng được nghe chửi. Có anh vốn là đồng chí trước đây trong đội nghĩa binh, sau về làm trương tuần, hay hạch dân đen, bị ông lôi ra đồng đánh cho một trận, dạy cho bài học làm người, từ đó thôi luôn...
Chuyện nội tôi thì nhiều, nhưng câu chuyện sau đây mới thực là hay. Đó là cuộc tình giữa ông và bà vợ xinh đẹp mà lẳng tính. Do tài ba lỗi lạc, Cu Trắt vớ được cô vợ trẻ người làng bên, da trắng, tóc dài, hai hàm răng đều tăm tắp, đen như hạt huyền. Nàng tên Xuân, rất mê đàn ca hát xướng. Về làm vợ Cu Trắt nhưng nàng Xuân vẫn còn mắt đưa ngang khiến trai làng lắm anh phải lòng nhưng sợ Cu Trắt một phép, còn nàng Xuân cũng tưởng không cách chi thoát khỏi tài nghệ của bậc anh hùng. Thế nhưng cái kim trong túi vẫn cứ lòi ra. Một hôm, có một gánh hát từ tỉnh về làng diễn tích Lưu Bình- Dương Lễ. Trò diễn ba đêm thì nàng Xuân có mặt cả ba. Gã trai thủ vai Lưu Bình đã hớp mất hồn nàng khiến nàng cháy cả ruột gan, đến khi bọn họ nhổ rạp, cuốn màn, đóng hòm xiểng ra đi thì nàng tưởng muốn nhảy xuống giếng! Không rõ giữa hai người đã có quan hệ tới mức nào nhưng cứ vào đó thì thấy nặng tình lắm.
Gánh hát lưu diễn khắp vùng, họ dừng lại chỗ nào nàng Xuân đều biết cả. Thế là nàng quyết chí dứt tình với chồng để theo bằng được anh nọ. Tôi nghe chuyện này nhiều lần, mỗi người kể đều thêm bớt ít nhiều nhưng cốt lõi của nó thì không thay đổi. Tôi chọn ra đây những nét chính để thuật lại, và chắc chắn nếu hương hồn ông tôi có hiện về cũng không cho là vẽ rắn thêm chân.
Chuyện rằng, sáng hôm ấy, Cu Trắt theo việc đi đâu đó, khi đi nói với vợ là sớm nhất cũng phải tròn bóng mới về được. Chồng ra khỏi nhà, tức thì nàng Xuân bắt tay ngay vào thu vén cho chuyến đào tẩu. Nhà có một cái bao mây, loại bao to, hình hài giống cái va- ly bây giờ, đan bằng mây song rất đẹp và chắc chắn, có móc chốt và tay xách, có thể xách hoặc vác trên vai. Do có ý đồ trước nên nàng cho gọn vào bao mọi thứ rất nhanh, gồm áo quần loại tốt, đồ nữ trang và toàn bộ số tiền chồng vừa bán đàn trâu chuẩn bị làm nhà. Khối tiền đồng ấy nặng lắm, cả một bì to gồm nhiều cuộn xâu bằng dây lòi tói. Lèn chặt mọi thứ vào bao xong, nàng móc chốt khoá lại. Đúng lúc đó thì có đứa cháu từ ngoài sân gọi vào, nói rằng chú có dặn lại là thím nấu cơm trưa chú về ăn, thế nào chú cũng về, trưa mấy cùng về. Nàng Xuân đứng dậy vào bếp nhóm lửa, lấy gạo đem vo với ý nghĩa đây là chút tình gửi lại. Đợi cơm sôi cạn, nàng khép cửa rồi xách gói ra đi.
Thuở ấy làng tôi chỉ có hai lối thông ra được với hàng tổng, đó là con đường thuỷ qua bến đò Tràng và con đường rừng vượt qua Hung Khái đầy những câu chuyện rùng rợn về cọp bắt người và những toán cướp ngày dữ tợn. Chưa ai dám qua Hung Khái một mình, đi đôi đi ba có khi còn nguy. Nàng Xuân suy tính hết nước. Không thể đường đường tay xách nách mang xuống đò Tràng mà đi trước mặt bàn dân thiên hạ, bèn liều lĩnh mình vượt qua Hung Khái.
Tiếng gọi con tim đã giúp nàng vượt mọi gian nan, cái bao trên vai nặng nề nàng cũng coi thường, cứ vác mà đi, cả đi cả chạy qua những con đường gồ ghề sỏi đá, nắng tháng năm thiêu đốt mồ hôi chảy ra như tắm nhưng nào có biết. Vừa chạy nàng vừa đưa mắt ngó chừng tứ phía, cuối cùng Hung Khái đã hiện ra với tiếng chim nháo nhác hai bên, có lẽ chúng rất ngạc nhiên khi có người đàn bà lẻ loi cả gan bước vào xứ sở của thần sầu. Đường càng đi càng nhỏ dần, hoang vu, rậm rì, có chỗ phải rẽ rau sậy mà bước khiến da thịt tứa máu, bộ áo quần lụa trên người rách tung từng mảng. Có lúc nàng đã phải thốt lên thành lời than thân và gọi người tình một cách tuyệt vọng. Mệt quá, nàng gục xuống bên vệ cỏ, hai mắt không mở ra được nữa, nàng thiếp đi. Lúc sau tỉnh dậy, nàng lại bước tiếp. Bỗng từ mấy vách đá ven đường xuất hiện ba tên cướp mặt trùm khăn, tay cầm dao. Bọn chúng vây lấy nàng, quát lớn:
- Con mụ kia. Đứng yên không tao chém!
Nàng Xuân chưa kịp định thần thì chúng nó đã nhảy vào vít cổ xuống, rồi đứa bịt mồm, đứa giằng lấy cái bao khiến nàng lăn đùng ra đất. Bằng phản xạ tự nhiên, nàng cắn mạnh vào tay tên đang bịt mồm mình khiến hắn phải kêu ối lên rồi buông ra.
- Cướp! Cư...ớp! Làng nước ơi! Cứu tôi! Cứ...ứu!... Nàng Xuân la lên.
Bọn cướp bóp lấy cổ nàng, cười sằng sặc:
- Câm đi! Ai vô đây mà cứu! Không biết đây là giang sơn của chúng ông hay sao? Hơ hơ!... Con mụ này thịt thơm lắm!
Thằng đang giữ cái bao mây định mở, tức thì bị thằng đầu đảng quát:
- Tao giết mi liền! Hắn chỉ vào rừng. Vác vào hang. Biến!
Cả bọn sềnh sệch lôi nàng Xuân đi lúc này đã bị nhận giẻ đầy miệng, tóc tai sổ tung, mặt cắt không còn hột máu. Kéo nàng vào đằng sau tảng đá xa nhất, chúng giằn ngửa nàng ra, đứa giữ tay, đứa nắm tóc, lũ sói mặt người hả hê cười. Ba con quỷ chúi mũi vào định bắt đầu làm tình làm tội một người đàn bà khốn nạn, chúng không thể ngờ một sự kiện chưa từng xảy ra đã xảy ra đối với chúng. Đó là tự dưng cái bao mây cựa quậy, rồi bật ngay nắp, rồi từ trong đó một người đàn ông nhảy ra, tay múa dao, miệng hét vang:
- Bớ quân kẻ cướp! Tao chém đầu hết lũ chúng mày! Tao - Người đàn ông bé nhỏ chỉ tay vào ngực mình - Tề Thiên Đại Thánh Cu Trắt đây!
- Dạ... dạ... thưa anh... chúng em lỡ dại... mong anh tha cho!
- Tha này! Tha này! Cu Trắt túm cổ tên đầu đảng xách lên, xọc mũi dao nhọn hoắt vào yếu hầu, mắt gườm gườm. Tao giết mày như giết con chó, nghe chưa! Cởi khăn trùm ra coi. Còn hai thằng kia - Cu Trắt đưa mắt sang hai bên - Ngồi yên, lơ ngơ là mất đầu!
Tên đầu đảng trật khăn, phơi ra khuôn mặt nhem nhuốc, râu ria lởm chởm, cặp mắt đục ngầu.
- Tưởng ai - Cu Trắt lắc đầu - Té ra lại vẫn mấy thằng dân xóm trại năm đời quen nghề ăn cướp, đêm đào ngạch, khoét tường nhà thiên hạ.
Cu Trắt lại bắt hai tên kia trật khăn ra để nhận diện, làm thế cốt để chúng không còn dám báo thù. Cả ba tên lê lết dưới chân Cu Trắt, run như giẽ.
- Từ rày lo làm ăn, đói thì gặm cỏ mà sống, không được giết người cướp của nữa, nghe chưa! - Cu Trắt quát vào mặt chúng - Lần sau nếu còn gặp lại tụi bay, là tao chặt đầu ném cho hổ đói Hung Khái. Thôi, cút!
Toán cướp được thể bỏ chạy không dám ngoái lại. Cu Trắt ném mấy con dao của chúng vô bụi rồi vực vợ lên. Mắt nhằm nghiền, không nói một lời, nàng Xuân lả oặt trong tay người chồng bị nàng phụ tình. Có lẽ do quá sợ hãi, lại quá kinh ngạc trước sự xuất hiện đầy bất ngờ của chồng đã khiến nàng lịm đi. Xấu hổ, ân hận, đau đớn, biết ơn... đó là tất cả mớ lòng bong rối rắm trong tâm trí nàng lúc này.
Đợi lúc nàng mở mắt ra, Cu Trắt mới nói nhẹ nhàng:
- Tôi biết thế nào mình cũng sẽ gặp nguy khốn, nên đã tìm cách đi theo để giải cứu. Bây giờ thì tuỳ mình: Nếu muốn tiếp tục đi nữa, thì tôi sẽ đưa mình đến nơi cần đến, hoặc giã muốn quay về, thì ta cùng về. Tôi không ép.
Nàng Xuân gục vào vai chồng khóc to, nức nở như trẻ bị đòn oan, lúc lâu mới đưa tay chỉ về phía làng, mếu máo nói "Em xin lạy mình, cho em về cùng!"
Tâm phục khẩu phục, nàng te tái theo chồng về nhà, lúc này mới bình tâm nghĩ xem chồng nàng đã bằng cách nào lọt vào cái bao mây mà nàng không thể biết. Đây là chương có nhiều dị bản nhất trong những chuyện kể về nội tôi. Giai thoại kể rằng lúc nàng Xuân xách gói ra đi thì có một con ong bò vẽ bay theo, đó chính là Cu Trắt đã hoá thân vào. Con ong không rời nàng nửa bước, chờ lúc nàng mệt quá, thiếp đi bên đường, liền chui ngay vào bao hô khẽ một câu thần chú khiến mọi thứ trong đó biến mất (có người kể mọi thứ biến thành con dao), rồi trở lại là anh Cu Trắt cuộn tròn trong đó. Sự thật thì thế nào? Sự thật là từ lâu Cu Trắt đã biết rõ lòng dạ của vợ, biết có ngày nàng sẽ tìm theo anh kép hát, nên chàng giương lên một cái bẫy. Việc chàng nói đi đâu xa hôm đó, lại hẹn trưa trật mới về, rồi lúc nàng sắp lên đường thì có đứa cháu tới bảo nấu cơm cho chú là những sắp đặt của một anh cao mưu. Lúc đó Cu Trắt đi đâu? Chẳng đi đâu hết, mà trèo lên nằm ép bụng trên kèo mà theo dõi mọi chuyện, chờ lúc vợ vào bếp, bèn lẻn ngay xuống, mở khoá, cất hết áo xống, tiền nong vào tủ rồi gồng người chui vào bao, rồi bằng tài nghệ của mình, cũng có thể nhờ đứa cháu nấp đâu đó, bấm khoá lại như cũ!
Vợ chồng Cu Trắt lại thương nhau như xưa. Dân làng ai cũng ngợi khen Cu Trắt giàu lòng nhân ái, bởi một ả lộn chồng, cuỗm hết gia tài chạy trốn theo trai như thế mà chưa cho một nhát dao là may, lại còn đón về và không hề tiếng bấc tiếng chì. Cũng có ý kiến cho rằng vì nàng Xuân quá đẹp, Cu Trắt một bề chiều vợ, mặc nó lông loàn. Nghe thế, anh Cu Trắt chỉ cười ruồi, chợt nhớ một câu học mót được từ ngày Đề đốc Lê Trực thời tụ nghĩa Cần Vương, bèn nhẹ nhàng đáp:
- Làm người nên khoáng đạt, đem tấm lòng nhân ra mà xử thế là không mất gì, đem oán cừu ra mà xử thế là được một mất mười. Bậc đại trượng phu không vung gươm khi kẻ thù quỳ gối!
Thời gian trôi đi, Cu Trắt ăn ở với vợ vẫn như bát nước đầy, nhưng nàng Xuân thì vẫn không quên mối tình sét đánh với anh chàng nọ. Người nàng héo hon, gầy mòn, sắc diện tàn phai dần. Cu Trắt hiểu tất cả. Một hôm chàng nói với nàng:
- Tôi biết sự thể rồi sẽ đến nước này. Chúng ta vui vẻ chia tay thôi. Mình đi đi. Mong mình tìm được hạnh phúc!
Nàng Xuân khóc:
- Mình rộng lượng lắm, nhưng số trời không cho em chung sống với mình, mong mình thấu hiểu. Còn người kia với em chắc tiền kiếp có duyên nợ với nhau nên nay gỡ không ra. Vậy xin mình hãy chém em đi, hoặc cho em ra khỏi chốn này!
Cu Trắt chia nửa gia tài cho nàng, đưa nàng qua bên kia bến đò Tràng, lại gọi một chiếc xe ngựa cho nàng bước lên rồi mới quay lui. Nàng Xuân vốn mau nước mắt lại ôm gói khóc, xe khuất dần sau ngàn dâu xanh, bụi cuốn mù trời! Về sau nàng làm gì, ăn ở với ai làng tôi không ai biết.
Một thời gian sau ông tôi cưới người khác, đó là một thôn nữ hiền thục, đảm đang, và đó là người mẹ của đàn con bảy đứa trong đó có bố tôi. Bà mất năm Ất Dậu 1945, mộ táng cạnh mộ ông trên đồi sau làng.
H.T.S (184/06-04) |