Tạp chí Sông Hương - Số 184 (tháng 6)
Thôi em về đi
14:50 | 13/08/2009
TRẦN THỊ TRƯỜNG  Bim chào đời vào lúc kém 19 phút. Trăng hạ tuần phun nhẹ màu đục của sữa vào bầu trời. Hôm sau trời lất phất mưa. Bố nói với bà ngoại trước khi đi làm: "Nếu không thấy con về thì bà giúp con cùng nhà con nuôi cháu". Câu nói ám ảnh làm trí tưởng tượng của bà ngoại nhiều lần thắt lại. Sau này nhiều khi bà ngoại sợ cả cái bóng của mình.
Thôi em về đi
Nhà văn Trần Thị Trường - Ảnh: suckhoedoisong.vn

Hai tuần tuổi. Bim khóc mỗi khi đòi ăn. Ngực mẹ lép kẹp. Bà ngoại tất tả sang nhà hàng xóm. Mẹ thằng Bốp bảo: "Cháu biếu bác, khỏi vay". Bà ngoại kể với mẹ bằng nước mắt. "Người ta cho mình luôn vì người ta sợ mình trả bằng sữa viện trợ...". "Biết làm sao được, nghèo thì đi xin, đi vay. Người ta cho hay cho vay là tốt rồi, mình ghi ơn để khi nào có thì trả mẹ ạ". Rồi mẹ nựng Bim "Sông có khúc người có lúc phải không con. Cái khúc của mẹ là con đấy".

Hai mươi tháng Bim vẫn không đi được. Đầu nó không cân đối với chân tay. Da nó không hồng hào. Bà ngoại thường thở dài, mẹ thường khóc. Nhưng bố thì luôn cười với Bim. Hai bố con có vẻ hiểu nhau mặc dù đến 5 tuổi Bim mới biết nói đủ một câu đơn giản.

Một hôm nó nghe bố nói với mẹ: "Nếu... có điều gì xảy ra... nếu anh không còn đường về nhà thì em nói với bà. Nhờ bà giúp đỡ...". Mẹ bảo: "Em biết thứ đó đem bán rất có giá nhưng... với bà... đó là thần thánh trong nhà...". Mẹ bịt tay vào miệng bố: "Đừng bao giờ nói thế".

Nhưng bố vẫn về nhà. Bước đi nhẹ như đi trên mây. Hàng xóm có người gọi bố là "thằng thần kinh", có người bảo là "quân chập mạch". Nhưng ai cũng quý bố. Bim nhận thấy thế.
      

Lần ấy ba tháng bố vắng nhà. Người ta bảo với mẹ bố đi nghỉ mát. Ở đó bố không phải làm gì cả, bố được tha hồ nghĩ ngợi... Mẹ nói nhỏ với bà ngoại. Mẹ nhờ bà ngoại bán nhà lấy tiền nuôi Bim. Bà ngoại lảo đảo ngã ngồi xuống mép giường. Mẹ kêu thất thanh: "Khổ thân tôi. Vỡ xương chậu còn gì. Không được thì thôi. Khổ sở thế không biết". Bà và mẹ cùng khóc. Lúc ấy Bim vẫn còn tuổi bú bình. Nó nhìn bà ngoại, nhìn mẹ nó thấy phía bên trái ngực một cái gì đó chạy qua, nhói buốt. Nó không biết trong trái tim nó có một con yêu tinh vừa nhập vào. Nó quên đói, quên những giấc mơ có cái bình sữa. Cái bình sữa của thằng Bốp nhà hàng xóm. Nó sống bằng bột. Đĩa bột của nó có nước mắt của mẹ nấu xong hay để ở chiếu. Hôm ấy nó tự xúc lấy. Nó không biết tay nó có một bà tiên vừa ẩn vào cầm hộ cái thìa. Trên giường bà nằm thiêm thiếp. Khói than tổ ong vẫn đặc quánh trong nhà.
    

Khói lửa có mùi bùn cống ấy chẳng làm cô bé teo tóp mà ngược lại đã cho cơ thể cô một chất miễn dịch nào đấy không biết. Má không hồng lên như phấn nhưng chỉ sau một ngày dò dẫm biết đi là Bim biết chạy. Bim chạy nhảy trong mưa mà không bao giờ ngạt mũi. Sau ba tháng tập huấn về bố ngày càng ít nói hơn.

"Bố ơi. Bạn con bảo bố là người điên". "Bạn con nói thế à? Thế con có ghét người điên không? Có sợ người điên không?". Bim trèo lên lòng bố và sờ râu cằm: "Con không sợ. Thế bố làm gì hả bố?". Bố Bim cười rát hiền: "... Bố là... một thư ký... thời đại". "Thời đại là gì hả bố. Tại sao lại phải có thư ký hở bố?". Bố cười: "Khi nào biết đọc biết viết con sẽ biết. Thời đại chính là cuộc sống hàng ngày của bố con mình... Mà sao con biết đường đến đây?". Bố đã hỏi Bim ngay từ khi thoáng trông thấy Bim ở cổng cơ quan nhưng vì Bim vừa thở vừa hỏi bố có phải là người điên không nên đã không nghe thấy. Giờ bố hỏi lại. Bim không biết rằng đôi chân nó có một bà tiên ở trong dẫn đường. Nó cười cười: "Con sợ bố không về. Bà ngoại ngày nào cũng hỏi bố về chưa?".
    

Bố quàng cánh tay xương xẩu lên vai Bim. Một tay dắt chiếc xe đạp tàng một tay dắt Bim hai bố con lững thững đi. Chiều đầu đông sương dăng ướt mặt đường. Những chiếc xe màu sẫm từ bên trong cánh cổng tôn nghiêm đi lướt qua bố con Bim làm thành bức tranh trừu tượng. Bố Bim nhìn theo sau những biển số xe. Tuổi bốn mươi sáu cho phép anh không nhìn cũng biết bên trong những chiếc xe ấy. Bên trong cửa kính đã nhìn anh ái ngại. Đã cười anh nụ cười diễu cợt. Anh biết trong đó cả những cái lưỡi. Cái uốn éo khi gặp anh. Cái tỏ ra cảm thông với anh. Cái phê phán anh trong cuộc họp động viên lúc gặp riêng. "Mong đồng chí tiến tới... mang lại vinh quang cho... tập thể... chúng ta”. "Mang lại chứ đừng dự phần". Một cái đầu nghĩ thế. Cái lưỡi của cái đầu ấy nói trong cuộc nhậu: "Làm quan có dạng làm dáng có hình thằng ấy không có cả hai điều". một cái lưỡi khác phụ họa: "Cuộc đời cần có nó, phải nuôi nó. Phương tiện loại trừ của chúng ta đấy".

Nước trên cây ào xuống mặt, xuống đầu anh sau một cơn gió mạnh. Vuốt nước mưa trên tóc, anh mỉm cười nhìn lên bầu trời sũng nước. Anh bế xốc con Bim đặt lên ghi đông: "Lần sau con không nên đi tìm bố nhé. Đường đến với bố từ nhà còn xa con ạ. Nguy hiểm lắm".

Bim nhìn vào mắt bố. "Thư ký thời đại mà còn sợ nguy hiểm à?". Hôm qua, lúc ra chơi, cô giáo bảo với nó "nghề của bố vinh quang lắm". Nó cũng nhìn vào mắt cô. Đỏ hoe. Sao cô lại khóc? Hay cô yêu bố như mẹ? Mẹ hay khóc mỗi khi nhắc đến nghề của bố.

Con Bim cố hình dung cuộc sống. Nó thấy quá mông lung. Nó đã nghe bạn của bố nói về những bức tranh trừu tượng. Cuộc sống có lẽ là những bức tranh"trừu tượng" ấy.

Hồi còn học mẫu giáo lớn nó đã phải thay gấp đôi số vở của các bạn. Nó đã từng một mình đảo ngược trật tự các chữ cái, rồi đem những chữ sắp đặt lại đến hỏi cô giáo. Nghe xong cô giật mình. Mấy hôm sau cô mách mẹ: "Nó là con ma xó. Hỏi em nhiều từ vượt quá sự suy nghĩ của em". Bây giờ nó chỉ còn kém mười năm nữa thì thành một người có quyền ứng cử. Khi nó dùng từ "vinh quang" đúng chỗ trong câu, trong cuộc sống hàng ngày mẹ đã bảo "khi nào lớn con chọn nghề soạn từ điển mà làm con ạ". Nhưng bố bảo chớ nên biết về nghề quá sớm.

Những hạt mưa ướt vai ướt tóc bố nhưng không rơi vào Bim. Bim nhìn vòm cây. Thầm thì "Hãy mưa vào em. Cây ơi. Đừng làm bố ướt. Cây không nhìn thấy Bố đã gầy đến thế kia sao? Không thấy tóc bố lơ thơ lả tả sao? Mưa chẳng biết gì về những buồn vui của bố khi ngồi ở bên trong cánh cổng tôn nghiêm kia sao? Nếu cây thương bố thì đến hỏi bà ngoại và mẹ đi. Nhưng họ hay sợ lắm. Đến em mà họ cũng không cho biết đấy...Cây hỏi khéo vào nhá...".

Bố nhìn Bim. Bim nhìn vòm cây. Vòm cây nhìn xuống mặt đường ẩm ướt. Mặt đường nhìn bố. Ông bố bỗng cảm thấy một điều khó tả nhưng đầy hy vọng. Sẽ đến một ngày mọi sự sẽ tốt đẹp. Viên đá lát đường nói với anh ta như vậy. Những viên đá cất tiếng nói âm thầm từ phía bên dưới lớp nhựa đường. Lớp lớp chồng lên nhau. Ông nghĩ đến ngày Bim tròn tuổi.
    

Giờ thì Bim đã ngồi làm việc bên trong một cánh cửa tôn nghiêm hơn cánh cửa bố ngồi ngày xưa. Bao nhiêu nước đã chảy qua vòm cây, bao nhiêu sự xảy ra trong đời nhưng chẳng cái gì in vào trí nhớ bằng những gì mẹ và bà ngoại dặn dò thuở nhỏ. Bà không còn nữa. Bố cũng vậy. Mẹ thì không chịu nổi cảnh bố bị người ta ném đá hội đồng nên giờ sống hẳn trên núi với cậu em trai. Chỉ còn lại mình Bim ở thành phố này. Bao nhiêu nước đã chảy qua vòm cây. Trong những người hàng xóm giờ đây có bao nhiêu đã thành thân phận khác. Khác hẳn sau 20 năm đổi thay.

Anh Vinh chính là thằng Bốp có cái bình sữa ngày xưa giờ đang ở trong một cánh cửa khác nặng nề và bị khóa chặt. Bim rất bận nhưng không quên đến thăm anh hàng xóm ngày xưa và gửi thăm nuôi cho anh những bình sữa en-xua cho người lớn. Đứng trong cánh cửa, nói qua ô vuông nho nhỏ giọng của con trai người ném đá đầu tiên rất xúc động: "Cám ơn em. Sao em lại đoán được giấc mơ của anh. Lúc nào anh cũng mơ thấy bơ sữa cuộc đời. Sao em tốt thế? Em lấy chồng chưa? Anh...".

Bim đang yêu và có thể mãi mãi yêu chứ không lấy chồng. Bim thấy thương tất cả cánh đàn ông thời đại. Nhưng Bim không nói gì. Với một người không còn gì hơn là bốn bức tường câm thì không nên nói mình đang hạnh phúc. Bim nắm lấy tay anh như một lời an ủi. Nhưng Vinh rụt tay lại. Anh chàng quá cảm động. Anh sợ cái bàn tay đã cầm những chất chết người của mình làm bẩn tay cô hàng xóm có gương mặt thiên thần.

"Thôi em về đi."

T.T.T
(184/06-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kỳ lạ ông tôi (12/08/2009)