Cũng trong bức thư trên, Nguyễn Minh Châu viết:
“Nhà văn nước nào cũng vậy, ngoài tiếng nói trong tác phẩm, phải có tiếng nói xã hội, tiếng nói trước công bằng và bất công, trước chiến tranh và hòa bình”.
... “Theo tôi, làm một thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách, kể cả việc anh núp sau lập luận rằng văn học là cái gì sâu xa để đời (...) Ở cái chỗ này tôi thấy có cái gì đang thử thách, lại thử thách từng người rất tinh vi, ai ra sao nó lại lộ ra thế...”
... “Tôi nghĩ rằng có khi mình phải quên mình đi cho sự nghiệp, dân chủ (mình đây là tính văn học), và có ai như thế, tôi kính trọng vô cùng” (*).
Trước khi qua đời không lâu, trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Văn Nghệ ngày 3.12.1988, từ trên giường bệnh, nhà văn Nguyễn Minh Châu lại nhấn mạnh một lần nữa rằng nhà văn phải dùng “tiếng nói xã hội” của mình để bày tỏ thái độ trước bất công, trước cái ác, trước nỗi oan khiên của con người. Ông nói:
“ Tôi nghĩ rằng thời nào và ở đâu cũng vậy, các nhà văn chỉ có một việc chính và duy nhất là viết cho hay. Ngoài ra, bằng uy tín của mình, anh phải tham gia tiếng nói vào những vấn đề của con người trước những bất công, trước cái ác anh không có quyền dửng dưng, thây kệ khi con người bị đày đọa và chà đạp (...) Cái lỗi lớn nhất của mỗi chúng ta là đã khiếp hãi trước cái ác. Và lâu dần, dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không có nó - cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất...”
BÙI MINH QUỐC sưu tầm (184/06-04)
------------------- * Có thể có người sẽ vin vào câu này mà bảo rằng Nguyễn Minh Châu không coi trọng tính văn học. Nhưng đọc văn ông, ai cũng thấy ông coi trọng tính văn học đến thế nào. Tôi nghĩ, Nguyễn Minh Châu viết như vậy chẳng qua cũng là để nhấn mạnh tầm hệ trọng và tính bức thiết của sự nghiệp dân chủ hóa đất nước và trách nhiệm xã hội của nhà văn (BMQ) |