Tạp chí Sông Hương - Số 184 (tháng 6)
Đi tìm nguồn gốc một bài thơ thời niên thiếu của bác Hồ
09:55 | 19/08/2009
SƠN TÙNGLTS: Trong quá trình sưu tầm, tuyển chọn bài cho tập thơ Dạ thưa Xứ Huế - một công trình thơ Huế thế kỷ XX, chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết các nhà thơ lớn đương thời khắp cả nước đều tới Huế và đều có cảm tác thơ. Điều này, khiến chúng tôi liên tưởng đến Bác Hồ. Bác không những là Anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hoá thế giới mà còn là một nhà thơ lớn. Các nhà thơ lớn thường bộc lộ năng khiếu của mình rất sớm, thậm chí từ khi còn thơ ấu. Vậy, từ thời niên thiếu (Thời niên thiếu của Bác Hồ phần lớn là ở Huế) Bác Hồ có làm thơ không?Những thắc mắc của chúng tôi được nhà văn Sơn Tùng - Một chuyên gia về Bác Hồ - khẳng định là có và ông đã kể lại việc đó bằng “ngôn ngữ sự kiện” với những nhân chứng, vật chứng lịch sử đầy sức thuyết phục.
Đi tìm nguồn gốc một bài thơ thời niên thiếu của bác Hồ
Bác Hồ thời niên thiếu - Ảnh: nguyendubook.com

Khi tôi tìm vào nhà ông Hồ Tá Bang (người sáng lập trường Dục Thanh), người ta kể lại Nguyễn Tất Thành ngày xưa còn trai trẻ mà đã để lại trong trí nhớ mọi người đương thời những ấn tượng tốt đẹp. Chứ không phải lên đến lãnh tụ người ta mới quí. Người ta quí Bác Hồ đi cứu nước, cứu dân là bước sau này, còn trước hết, khi Bác còn là một cậu học trò đã có nhân cách học trò, là cậu bé khi làm thơ đã có cái gì manh nha biểu hiện ở con người ấy, đứa bé đã biểu hiện những đức tính đẹp, đức tính đẹp đó, cũng biểu hiện những truyền thống nho gia trong gia đình, trong quê hương, trong thầy học.v.v... đã tác thành từ buổi ban đầu của những con người thời còn trẻ như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Khiêm, nhất là Nguyễn Tất Thành.

Tôi “đi tìm” Bác Hồ là tìm ở những khía cạnh này, không phải “tìm” Bác Hồ trên con đường MacLênin, cái đó là sau, đó là bước quan trọng, nhưng là thứ hai. Cái cốt cách con người sau trở thành diện mạo tiêu biểu cho nền văn hoá dân tộc là chính cái ấy, là ở những khía cạnh này, trong gia đình, trong bạn bè của cha, của người thầy... tất cả giai đoạn ở Huế này rất quan trọng. Và chính  điều ấy lại biểu hiện một khía cạnh nữa là sau khi ông Sắc trở về quê, chăm sóc mẹ vợ, thì có “trát” của Đô sát viện (như Ban tổ chức bây giờ, các quan được cử đi đâu là do Đô sát viện cử) mời Nguyễn Sinh Sắc vào làm quan ở Bộ Lễ. Vì mẹ vợ không có con trai, nuôi con rể ăn học, nay ở một mình, nên ông xin ở lại chăm sóc mẹ vợ. Phần nữa là cụ Sắc đưa các con đi khắp nơi các vùng quê có dấu ấn sâu đậm vừa xảy ra cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, những nơi thực dân Pháp tàn sát trong các cuộc khởi nghĩa Cần Vương, Văn Thân, Đông Du...Thế là Bác Hồ hồi nhỏ được cụ Sắc đưa đi khắp vùng Nghệ Tĩnh, ra đến tận Quỳnh Đôi, cái gốc của họ Hồ.

Ông Khiêm kể chuyện này như sau:

Cha bác ở xóm Du Đông mấy tháng, gần dinh cụ Thượng, sau gọi là cụ Quận (tức Quận công Hoàng Cao Khải, ấp Thái Hà”. Và tôi có đến gặp cụ Lê Thước, hỏi thì cụ Thước kể:

- Hôm đến dinh Hoàng Cao Khải để ăn mừng khánh thành cái dinh thự của cụ Quận công, có mời các quan sở tại đầu tỉnh cho đến các quan huyện. Trên cái sân lớn, ngoài có tường hoa, đám trẻ con cứ nhìn qua khe tường thấy các quan trong sân toàn uống rượu tây, thì cái đám học trò, cái đám trẻ đó (như cụ Khiêm kể – trẻ nhưng toàn học chữ nho, nào là Phạm Gia Cần, Lê Thước, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Khiêm), thấy các quan trong đó đọc thơ, bình thơ để mừng quan Quận công mới xây dựng xong dinh thự. Đặc biệt có một cái bể cạn rất lớn trong đó có núi non bộ cao, cây si tính đến trăm tuổi, có ba ông lão nho nhỏ. Các quan đọc thơ trong sân, đám học trò đứng ngoài nói to một câu “Các quan làm thơ dở quá!”.

Nghe thế, Hoàng Trọng Phu ra quát lũ trẻ, thì một số bỏ chạy (cụ Khiêm, cụ Thước, cụ Cần đều kể như thế), chú Thành chạy nhưng chậm thôi. Lúc đó Hoàng Cao Khải mới ra, nói:

- Thôi, đừng nạt các cháu, nhà mình đang có chuyện vui lớn, các cháu đến mà đuổi thì dân làng người ta cười. Các cháu nói gì thì nói, nhà mình có tiệc mà nạt các cháu, không được. Rồi ông nói tiếp – Cháu nào khi nãy chê thơ thì bây giờ vào làm bài thơ, ông thưởng.

(Ông Hoàng Trọng Phu ông trẻ thì ông nạt, còn ông Khải già thì ông mời các cháu vào) Đám trẻ vài chục đứa mới quay lại. Ông Khải nói tiếp:

- Đứa nào khi nãy chê thơ các quan, bây giờ vào đọc bài thơ, dù có dở ông cũng thưởng, vào đây.

Các quan thấy đám trẻ thì cũng chạy ra, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy ba ông phỗng ở trên núi non bộ, nói:

- Thưa cụ, cháu đọc bài thơ ứng khẩu này, nếu có sai thì cụ đừng phạt cháu.

Ông Khải nói: - Cháu cứ đọc đi, ông không phạt đâu.

Kìa ba ông lão bé con con”

(Mọi người cười, “ba ông lão” lại “bé con con”, thế mới ngộ nghĩnh.

Biết có tình gì với nước non”

(các quan cũng chưa thấy gì cả, thì hai câu sau nghe xong không ai nói với ai, tất cả đều im lặng).

“Trương mắt làm chi ngồi mãi đó
Hỏi xem non nước mất hay còn?”

Hoàng Trọng Phu nói: - Thằng này hỗn, con ai đấy?

Hoàng Cao Khải mới hỏi: - Thế cháu con ai?

Nguyễn Tất Thành không trả lời, Lê Thước mới nói:

- Bẩm cụ lớn, đây là con cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bên Nghệ An sang đây.

Hoàng Cao Khải năm đó đỗ cử nhân, mà là đỗ vớt, còn Nguyễn Sinh Sắc đỗ đại khoa cùng với Ngô Đức Kế. Cụ Khải mới nói: -“Hổ phụ sinh hổ tử”, rồi cụ chống gậy đi vào. Còn Hoàng Trọng Phu thì nói: Cái tay này nó lớn lên nó sẽ làm loạn (chuyện này cụ Khiêm kể cho tôi nghe năm 1950, sau ngày giải phóng miền Bắc, năm 1957 tôi đi gặp các cụ Lê Thước, cụ Phạm Gia Cần để đối chiếu).

Khi có bài thơ trong tay rồi, tôi thấy trong bài đó có cái gì hơi hướng tứ thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Khi đó tôi đang công tác ở Đại học Nhân dân, đem trao đổi, các thầy tôi nói cái này như thơ Nguyễn Khuyến. Thời bấy giờ người nghiên cứu thơ Nguyễn Khuyến nhiều, để đi nói chuyện là nhà thơ Xuân Diệu. Tôi đến hỏi thì Xuân Diệu nói cụ Nguyễn Khuyến có một bài thơ “Ba ông phỗng” nhưng hoàn toàn khác. Cụ Nguyễn Khuyến đỗ tam nguyên nhưng cụ bất hợp tác với Pháp. Cụ chỉ nhận làm quan án sát Sơn Tây mấy năm rồi về. Nhưng sợ mang tiếng không hợp tác với Pháp nên cụ phải nhận làm gia sư cho gia đình Hoàng Cao Khải ở ấp Thái Hà. Cụ Hoàng Cao Khải cũng muốn mời được ông Tam nguyên về dạy học cho mình thì cũng sang. Cụ Nguyễn Khuyến ở trong nhà này một thời gian thì cũng yên tâm, sau có về cái đất Bình Lục (Hà Nam) của mình cũng đỡ bị chúng theo dõi. Bấy giờ cụ Hoàng Cao Khải muốn có bài thơ tức cảnh hoặc tự sự của cụ Nguyễn Khuyến để làm kỷ niệm và cũng là cái sang được cụ Tam Nguyên tặng thơ.

“Ông đứng làm chi đó hỡi ông
Trơ trơ như đá vững như đồng
Đêm ngày gìn giữ cho ai vậy
Non nước đầy vơi có biết không”

Cũng bốn câu, cũng ba ông phỗng vì cái núi non bộ ngoài này với trong kia là một mẫu hình làm ra. Sau khi sưu tầm hai bài thơ đó, thì thấy đúng thơ là người, mà con người thời đại ấy có khác. Đây ta nói về những nhân cách. Cụ Tam Nguyên có cái nỗi đau buồn của cụ là khi mất nước, nhưng thế hệ của mình là bất lực, “trơ trơ như đá vững như đồng”, nhìn cái thế lực thực dân lúc đó như cái trụ đá rất cao lớn, toàn đá tảng... sự tồn tại, sự bền vững xây trước dinh Hoàng Cao Khải. Còn Nguyễn Tất Thành thì đặt:

Kìa ba ông lão bé con con
Biết có tình gì với nước non
Trương mắt làm chi ngồi mãi đó
Hỏi xem non nước mất hay còn”

Nó khác, nói có khẩu khí, có tư tưởng “nhập thế” của một nhà cách mạng lớn: “Trương mắt làm chi ngồi mãi đó! Hỏi xem non nước mất hay còn?!

S.T
(184/06-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Xem trộm (18/08/2009)
Thôi em về đi (13/08/2009)