Tạp chí Sông Hương - Số 184 (tháng 6)
Những hoạt động về thơ trên đất Pháp
15:07 | 24/08/2009
PHẠM THỊ ANH NGABài này nhằm giới thiệu một vài nét về diện mạo thi ca Pháp và một số hoạt động liên quan đến thơ trong xã hội Pháp những năm gần đây.
Những hoạt động về thơ trên đất Pháp
Nhà hát Molière - Ảnh: panoramio.com



CUỘC SỐNG THI CA Ở PHÁP

Cũng như khắp nơi trên thế giới, ở Pháp các nhà thơ vẫn hay than vãn về vị trí không mấy được ưu đãi của mình trong xã hội, thậm chí cả trong giới hoạt động văn chương. Danh xưng “nhà văn” hay “nhà thơ” chẳng có gì là sáng giá, chỉ những “tiểu thuyết gia”, những “nhà văn tiểu luận” mới được trọng vọng. Vai trò của các nhà thơ xem ra rất nhẹ ký trong các trào lưu tư tưởng của thời đại họ đang sống, và cũng chỉ được quan tâm rất ít trong công tác phê bình trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như truyền hình, truyền thanh, báo viết. Các đài truyền thanh có số lượng thính giả đông nhất hoàn toàn quên bẵng họ, và trên tất cả các kênh truyền hình, họ đều không có mặt trong các chương mục về văn hoá. Ngay cả chương trình truyền hình về văn học nghệ thuật của Bernard Pivot (1) cũng chưa hề có một chủ đề nào dành riêng cho thơ.

Sự quan tâm đối với thi ca của các tờ báo bán chạy nhất cũng không khá hơn. Những trang văn học không quan tâm “khám phá” một nhà thơ mới, mà thoả mãn với một vài tên tuổi tất nhiên rất nổi bật, nhưng thi ca Pháp hiện đại đâu chỉ giới hạn ở Aimé Césaire, Yves Bonnefoy hay Philippe Jaccottet, những nhà thơ đã nổi danh từ nửa thế kỷ nay.

Nếu bức tranh toàn cảnh đó phản ánh được tình trạng nói chung của đời sống thi ca Pháp hiện đại, thì nó lại quá giản lược nếu xét đến mối quan hệ lạ thường giữa độc giả và quần chúng Pháp đối với các nhà thơ của mình.


* XUẤT BẢN THƠ

Ngoài nhà xuất bản Flammarion và tủ sách “Thơ ca” đã được độc giả vui vẻ đón nhận, các nhà xuất bản Gallimard, Le Seuil, Grasset từ 15 hay 20 năm nay đã khước từ việc xuất bản các tuyển tập của những nhà thơ trẻ. May thay mới đây đã có tủ sách gần như nổi tiếng “Thơ ca / Gallimard” với số lượng ấn bản cao. Với số lượng ấn bản thấp hơn (300 hay 1000 bản), từ hơn 50 năm nay Rougerie chuyên tâm vào việc khám phá các nhà thơ thuộc mọi lứa tuổi và mọi nguồn gốc, có trong bộ sưu tập của mình bóng dáng của một vài bậc đàn anh trong thi ca. P.O.L. cũng cứu vãn danh dự các nhà xuất bản bằng cách săn tìm các nhà thơ của hôm nay và ngày mai, và cùng đồng hành với họ trong giới hạn của những phương tiện có được (Cadiot, Pennequin, Prigent, Tarkos...). Mới đây nhất, với số lượng từ bốn đến sáu đầu sách hàng năm, “Jean-Michel Place / Thơ ca”, nơi mà “một nhà văn giới thiệu một nhà thơ và giúp khám phá về sáng tác của nhà thơ ấy, với một hợp tuyển có minh hoạ”, đã mang đến nhiều niềm hy vọng đáng kể: những đầu sách sau cùng tính đến năm 2003 là “Octavio Paz” của Serge Pey, “Matthieu Messagier” của Renaud Ego.

Bên cạnh đó, số lượng những người hoạt động trong in ấn thi ca hay trong xuất bản tạp chí có thể kể đến năm trăm người, nếu tính luôn Cộng đồng người sử dụng tiếng Pháp ở Bỉ, là cộng đồng có mối liên hệ rất chặt chẽ với Pháp, và sau đó là những người Thụy Sĩ sử dụng tiếng Pháp và thành phố Québec. Dù là hoạt động chuyên nghiệp hay nghiệp dư, họ đều có công lớn trong lĩnh vực thi ca của thời đại.


* NHÀ THƠ TRONG CUỘC SỐNG

Ngày nay ở Pháp nhà thơ không còn náu mình trong nơi ẩn dật nữa mà đã đi vào cuộc sống. Là nhà hành hương lưu động mang đến cho đời những lời hay ý đẹp, nhà thơ được đón tiếp, nghe ngóng, nhất là khi sự hiện diện của anh ta được mong chờ và chuẩn bị chu đáo từ trước. Dù anh bước vào lớp học, thư viện, nhà sách, quán giải khát, lâu đài, nơi họp chợ, dưới lều xiếc, trong tu viện hay khu vườn, điều đó cũng chẳng hệ trọng gì. Anh luôn được xem như người nhà. Hơn thế nữa, nhà thơ còn được mời đến một nơi nào đó trong một thời gian, trong trường hợp đó anh ta được gọi là đang trong thời kỳ “cư trú thi ca”, để tham gia các hoạt động của vùng đất nơi anh được mời đến, ở Quimper, Marseille, Saint-Brieuc, Bordeaux, Charleville, Montolieu, ở núi Alpes hay xứ Bắc, bên bờ sông Rhin hay sông Garonne, ở thành phố, miền biển hay nông thôn...


* NHỮNG “XỨ SỞ CỦA THƠ”

Ở Paris và các tỉnh, bên cạnh các thư viện vẫn tổ chức những chương trình hoành tráng với những phương tiện eo hẹp của mình, các nhà sách cũng lên kế hoạch tổ chức những buổi gặp mặt về thơ. Các giới lãnh đạo, với yêu cầu cao, rất hết lòng với các nghệ sĩ và các nhà thơ, đã khiến cho người ta khâm phục vì chất lượng của các buổi gặp mặt. Từ hơn 10 năm nay, những cuộc triển lãm của các nhà xuất bản nhỏ đã được thực hiện ở Bourges, ở Crest, ở đó Jean Marcourel đã có những sáng kiến tổ chức độc đáo, thí dụ chọn một chủ đề cho từng năm: dịch thuật, đào tạo cán bộ thư viện, làm hợp tuyển..., hay trong nhiều tuần lễ, mở một tiệm sách lớn cấp thời để bán sách về thơ và sách của riêng các nghệ sĩ. Ngoài ra, còn có một loạt các sự kiện khác ở nhiều nơi trong thành phố.

Vào mùa xuân, lại có “Mùa Xuân của các Nhà Thơ” (2) (hiện do Jean-Pierre Siméon chỉ đạo), và những “xứ sở của thơ” đã lan rộng ra và tồn tại như thế trong một thời gian. Và trong khi ngày bắt đầu dài ra một cách đáng kể, thì các nhà thơ cũng lan toả ra ở nhiều nơi chốn.

Ở Paris, “Ngôi Nhà Thi ca” vẫn nấp bóng dưới một tên gọi khác là “Nhà Hát Molière”. Chương trình của nó thật đầy tham vọng: một phòng lớn cho thơ / kịch, và dưới tầng hầm là phòng Lautréamont dành cho những cuộc gặp mặt thân mật hơn. Nhà hát Kịch-Thơ của Bruxelles, người anh cả của “Ngôi Nhà Thi ca”, từ hơn 25 năm nay có rất nhiều hoạt động. Các nhà thơ Bỉ và Pháp đi lại ở đó cứ như diễu hành, các buổi diễn kịch này tiếp theo các buổi diễn kịch khác và tờ “Nguyệt san văn học và thi ca” đã ra mắt đến số 305.

Cuối cùng có thể nêu ra một “xứ sở của thơ” ở Paris, xứ sở của thơ này huy động tất cả các “xứ sở của thơ” khác và trong thời gian bốn ngày tiến hành rất nhiều hoạt động sôi nổi, những cuộc gặp mặt, biểu tình, trao đổi về văn học và giao tiếp. Ngay trong lòng Paris, ở quảng trường Saint-Sulpice, vào tuần thứ ba của tháng 6, diễn ra “Chợ Thơ” do Jean-Michel Place nghĩ ra cách đây 20 năm, “để chia sẻ với nhau một thời khắc đơn thuần hạnh phúc”.

Trước khi kết thúc, cần kể thêm Ban Chỉ đạo về sách và đọc sách của Bộ Văn Hoá, đã hỗ trợ cho tất cả các hoạt động nói trên và giúp đỡ phần lớn các nhà xuất bản thơ. Ở các địa phương, những CRL (Trung tâm địa phương về Văn chương), những Drac (Ban Chỉ đạo địa phương về các vấn đề văn hoá) góp phần hữu hiệu cho cuộc sống thi ca ở Pháp.

Nhưng các nhà thơ và những người yêu thơ vẫn mong được nhiều hơn thế. Và so với cách mà người dân Québec đối xử với các nhà thơ của họ, thì các nhà thơ Pháp có thể tỏ ra ganh tỵ và nhất là thán phục, bởi ở Pháp, ngoại trừ trường hợp có khủng hoảng đất nước nghiêm trọng, còn thì người ta vẫn chờ đến khi một nhà thơ khuất bóng mới tôn vinh nhà thơ ấy như một vị anh hùng. Nhưng cũng nhờ đó mà kỷ niệm hai trăm năm ngày mất của Victor Hugo đã là dịp để rất nhiều độc giả tìm đọc hay đọc lại tác phẩm của ông.

P.T.A.N
(dựa trên tư liệu nước ngoài)
(184/06-04)

------------------
(1) Trong 16 năm liền, chương mục truyền hình “Apostrophes” về văn học của Bernard Pivot là một chuyên mục rất ăn khách ở Pháp.
(2) Chúng tôi sẽ đề cập đến “Mùa Xuân của các Nhà Thơ” ở một bài viết khác.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Xem trộm (18/08/2009)