Chợ Dầu - Kim Bảng, Hà Nam thuở đó không chỉ có cô hàng cà phê nghiêng nước nghiêng thành đã bước vào âm nhạc của Canh Thân, mà còn là nơi Huy Du và Quang Dũng gặp nhau sau cuộc Tây Tiến về. Đêm chợ Dầu nồng men khi Huyền Kiêu đọc câu thơ của Véc-len: "Uống một ly rượu nhỏ - cho lên hương cuộc đời". Chính lúc ấy, Quang Dũng cao hứng sau những nhịp thơ Tây Tiến đã hát "Ba Vì mờ cao". Bài hát trữ tình đầy chất lãng mạn đã lôi cuốn mọi người dù được Quang Dũng hát bằng trí nhớ, không bản nhạc và cũng không ai đệm đàn. Chính đêm đó, nhạc sĩ Huy Du đã ký âm và cùng Quang Dũng "chỉnh lý" lại "Ba Vì mờ cao". Vậy là nhờ có Huy Du - tác giả của "Sẽ về thủ đô", của "Ba Vì năm xưa" - bài hát "Ba Vì mờ cao" của Quang Dũng đã có văn bản và đã được phổ biến rộng rãi. Năm ngoái, dịp cuối đông, Huy Du có viết lại kỷ niệm đó trên Tạp chí "Âm nhạc và thời đại". Song có lẽ vì thời gian đã hơn nửa thế kỷ, nên Huy Du có thể còn nhớ giai điệu, nhưng ca từ thì có chỗ còn nhớ khác người khác và riêng ca từ lời hai thì hoàn toàn không nhớ được.
Vì yêu quý Quang Dũng mà Huy Du đã ghi lại kỷ niệm này, để nhớ một bài hát của một nhà thơ ngỡ đã bị quên lãng. Cũng vì yêu quý Quang Dũng mà một cựu binh khác là ông Quách hải Lượng đã có những bổ sung về ca từ theo trí nhớ của mình và còn ghi ra thêm 6 câu cuối bài mà theo ông là "rất đẹp, đẹp như tranh, rất vang, vang vọng đúng như chuông núi rừng". Đó là đoạn kết mang tính "hát thơ" nhiều hơn: "Tiếng chuông vang sớm chiều - Tiếng chuông ngân núi rừng - Âm u ! Âm u ! - Nhớ chăng người ơi ngày nào năm xưa - Khi trăng vừa lên". Hơn năm mươi năm trước, "Ba Vì mờ cao" đã sống vì vẻ đẹp của chính nó, giờ đây "Ba Vì mờ cao" càng sống vì vẻ đẹp của huyền thoại trong con tim những người yêu quý Quang Dũng. Mỗi người yêu quý Quang Dũng theo cách riêng của mình, bằng trí nhớ của mình. Cũng nhờ lên đỉnh Ba Vì và nhận cảm sự hùng vĩ của quả núi, lại được nghe giai điệu "Ba Vì mờ cao", anh Hiền Nhân (con rể cả của cố Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên) sau khi biết những câu chuyện nói trên đã không quản ngại thời gian, cố đi sưu tầm bằng được lời hai của "Ba Vì mờ cao". Anh đã tìm đến nghệ sĩ ưu tú Kim Ngọc - người đã hát "Ba Vì mờ cao" cho Quang Dũng nghe tại tư gia ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ trước khi nhà thơ tạ thế - và ghi âm giọng hát Kim Ngọc hát "Ba Vì mờ cao" theo trí nhớ của mình. Quả là "Hiền Nhân có công, ông Quang Dũng không phụ". Nhờ trí nhớ của nghệ sĩ ưu tú Kim Ngọc, ca từ lời hai "Ba Vì mờ cao" đã được khôi phục lại. Có thể nói "Ba Vì mờ cao" là một bức tranh bằng âm thanh mà Quang Dũng vẽ với màu chủ đạo là màu tím ít thấy trong hội họa Quang Dũng. Màu tím bắt đầu được phớt lên ở ca từ lời một: "Đồi thông lên màu tím". Màu tím ở ca từ lời một chỉ được gợi lên như thế rồi chìm đi trong một thi cảnh khác: "Đồi lau úa trong hơi mù ướt". Song có lẽ cái ám ảnh của màu tím trên đỉnh Ba Vì đã khiến Quang Dũng không thể coi như một màu sắc thoảng qua, ông đã "nhấn" ám ảnh của màu tím thành màu chủ đạo của bức tranh khi đột ngột quết lên rất ấn tượng ở đoạn kết của ca từ lời hai mọng chất thơ: "Khi chiều buông - trăng vừa lên - Vầng trán soi màu sao - Ngồi nghe bên suối lên đời hoa - Hồ mây lâng sóng dưới trăng tà - đêm về màu tím - Tím như màu mùa xưa”.
Dù nhớ có khác nhau chỗ này, chỗ kia thì cái chung nhất ở mọi người khi nhắc tới "Ba Vì mờ cao" là nhớ Quang Dũng - một tài hoa của "xứ Đoài mây trắng lắm". Có lẽ cứ để nỗi nhớ bập bùng trên từng cung bậc trong con tim của từng người và để thêm một lần xác nhận sự bất tử của Quang Dũng.
Không chỉ để lại những tác phẩm thơ - họa - nhạc, Quang Dũng còn để lại cho đời một tiếc thương vô hạn mà khiến cho cô con gái út Bùi Phương Thảo khi nhớ ông đã phải khóc nấc thành thơ:
Chợ Hàng Mã ngày rằm tháng bảy Quẩn quanh con tìm không thấy một quyển thơ Xe máy, tivi, nhà tầng... đủ cả Có ai làm thơ để đốt mã bao giờ ... Khẽ khàng thôi bước chân trên cỏ Thắp nén hương con khấn bố về Cửa trời đất xin một lần hãy ngỏ Bố nhận bài thơ con nhớ bố đêm qua...
N.T.K (184/06-04) |