Bây giờ thì khác rồi. Theo quy định chung thì mỗi khi ra vô, cánh cửa rào bằng sắt dày năm ly kia phải được đóng lại và ổ khoá tự động sẽ thay thế con người, chốt chặt. Muốn mở cửa phải bấm chuông, mà cái chuông thì được đặt ở vị trí cao hơn tầm tay mấy đứa con nít hay nghịch phá trong xóm. Khi nghe tiếng chuông, người trong nhà sẽ mở cửa. Đó là cái mới nhất trong số những cái mới mà đám con ông tạo ra để chứng tỏ cho mọi người biết căn nhà của tụi nó là căn nhà hiện đại nhất xóm.
Ngày xưa, lúc chân ướt chân ráo lên thành, ông cùng người vợ hiền tấm mẳn và đứa con gái lên năm phải ở đậu trong chùa. Tay trắng, ông bắt đầu bằng chiếc xe lôi đạp. Ông còn nhớ có lần vào một đêm mưa, ông chở một người đi cấp cứu. Do chưa quen đường, nên thay chạy vào bệnh viện, ông lại chạy vòng vèo ra nghĩa trang. Khi người ta phát hiện, suýt nữa ông đã bị ăn đòn. Bắt đầu công việc ở thành đâu dễ dàng gì. Bà Nhâm vợ ông lại là người phụ nữ quá thật thà chất phác. Không bươn chải giúp chồng bằng việc buôn bán, bà phải đi giúp việc cho những người nhà khá giả. Chỉ mấy tháng sau, ông bà mướn được một chỗ ở. Căn nhà của một cặp vợ chồng không con. Họ cho ông bà mướn để có thêm tiền cá mắm. Tuy là nhà mướn, có trả tiền đàng hoàng mỗi tháng nhưng vợ chồng người chủ nhà cũng lên mặt ta đây, ức hiếp đủ điều. Vợ chồng ông cố mà nhịn. Nhịn để được yên thân mà sống. Một bữa, ông Nhâm vừa kéo xe vô nhà (cái xe lôi đạp cũng mướn luôn, chớ ông chưa có tiền mua lại) đã thấy con Lục Bình ngồi khóc tức tưởi. Ông tra hỏi, nó vừa mếu máo vừa nói: “Bác Tư (chủ nhà) nói con lấy tiền của bác, con hổng có lấy...” Ông Nhâm nhìn mặt con, thấy có mấy vệt bầm, ông hỏi: “Sao mặt con lại như vầy?”.Con bé vừa khóc, vừa đáp: ”Bác Tư véo con, con hổng có lấy!”. Ông Nhâm đau đớn nhìn con. Vừa lúc đó, người chủ nhà bước vô. Mặt y hơi tái lại khi thấy thái độ ông Nhâm. Ông gằn từng tiếng:
- Anh có thấy con nhỏ lấy tiền không? Ai véo mặt con tôi tới như vầy?
Tay chủ nhà còn ậm ờ chưa trả lời đã nhận một quả đấm như trời giáng vào giữa mặt. Máu từ mũi y chảy ra, y lảo đảo ngã ngửa vô vách nhà. Ông Nhâm vẫn gằn từng tiếng một:
- Vợ chồng tôi phải nhịn anh để sống tạm sống nhờ nuôi con. Anh đối xử với tụi tôi sao tôi cũng nhịn. Nhưng nếu anh còn đụng đến con tôi, anh liệu hồn.
Tay chủ nhà lần đầu thấy ông Nhâm nổi giận, y biết đã gặp tay chẳng vừa, chẳng thể ăn hiếp được. Từ đó về sau, gia đình ông Nhâm được sống yên lành. Hai năm sau, y kêu ông bán lại căn nhà rồi dắt vợ về Sài Gòn sinh sống. Bà Nhâm sanh thêm thằng Vạn Thọ và thằng Hồng Điệp lúc ông Nhâm đã mua được chiếc xe lôi gắn máy thay cho chiếc xe lôi đạp cũ kỹ ngày nào. Con Lục Bình được đi học và học rất giỏi. Nhưng khi bị mấy đứa bạn trong lớp chế nhạo cái tên quê mùa, nó lại giận hờn:
- Sao ba má đặt tên con kỳ vậy? Ở trong lớp, mấy đứa bạn con tên rất đẹp.Nào là Nguyệt, là Thu, Ngọc Lan, Hoàng Cúc... chớ ai đâu lại tên Lục Bình.
Ông Nhâm cười huề với con rồi giải thích:
- Tại con lớn lên ở thành nên không biết bông lục bình nó đẹp tới chừng nào. Mấy thứ Cúc, Huệ, Hồng gì đó, làm sao đẹp bằng nó.
- Thiệt hả ba? Chừng nào về quê, ba chỉ bông lục bình cho con coi nó đẹp tới đâu, nghe ba?
Vậy là Tết năm đó, ông Nhâm về lại quê hương sau gần sáu năm xa cách. Con Lục Bình cứ ngẩn người ra trước màu tím phơn phớt và vẻ đẹp mộc mạc mà vẫn không kém phần quyến rũ của loài hoa đồng nội nầy:
- Ba ơi! Vậy thì bẻ hết đi ba, để dành con đem về cho cô cắm trên bàn giáo viên.
- Nó lên khỏi nước chút xíu là héo liền. Có đâu mà tới đem về.
Con Lục Bình tiu nghỉu. Từ đó, nó không còn thắc mắc về cái tên Lục Bình quê mùa kia, mà nó còn lên giọng nữa là:
- Tụi mầy mà thấy bông Lục Bình tao dám chắc tụi mầy cũng mê luôn. Đừng tưởng bở.
Năm đó, con Lục Bình đang học lớp Năm. Nó đã sớm chứng tỏ mình là đứa con gái bản lĩnh.
Nhờ chiếc xe lôi gắn máy, nhờ tánh siêng năng cần mẫn của vợ chồng ông Nhâm nên ba đứa con cũng được ăn no mặc ấm và được đi học đàng hoàng. Con Lục Bình lớn hơn thằng Vạn Thọ sáu tuổi và lớn hơn thằng Hồng Điệp mười tuổi. Nó cũng giỏi việc nhà như việc học, nhưng lại là một tay độc đoán. Thường thì em trai ít khi sợ chị gái của mình, nhưng ở mấy chị em nó thì khác. Hai thằng Vạn Thọ và Hồng Điệp sợ Lục Bình hơn cả sợ ba má vì ba má ít khi đánh tụi nó mà Lục Binh thì lại thích dùng roi.
Bà Nhâm qua đời lúc con Lục Bình vừa lên lớp mười hai. Bà bị ung thư ruột nhưng vì quen chịu đựng, chuyện gì cũng cố chịu một mình nên khi phát hiện, bà chỉ còn sống được bốn tháng. Không còn mẹ, Lục Bình lại là người quán xuyến gia đình. Càng lớn, nó càng lộ rõ bản tính cứng cỏi và quyết đoán của mình. Nó mà muốn làm gì có trời mới cản được. Nó thương ông Nhâm, nhưng lại thích làm theo ý nó. Nó càng lớn, càng học cao, ông Nhâm càng nhượng bộ. Ông muốn nó làm cô giáo, nó lại học kinh tế. Ra trường với thứ hạng cao, nó vào làm việc cho một công ty lớn. Việc đầu tiên, nó bắt ông thôi chạy xe.
- Ba nghỉ chạy đi, con nuôi ba được mà!
Ông Nhâm thấy mình vẫn còn lao động được nên không muốn ở nhà. Tưởng con thương mình, sợ cực khổ, ông giải thích:
- Ba mới năm mấy tuổi, già cả gì đâu! Để ba chạy thêm vài năm nữa cũng được mà!
Không dè, con Lục Bình đã thẳng thừng:
- Con đi làm cũng có mặt mũi trong xã hội. Ba chạy xe lôi, rồi người ta coi con ra gì nữa!
Ông Nhâm như từ trời cao rơi xuống. Ông không dè đứa con ông đã nuôi bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt từ chiếc xe lôi cà khổ kia để nó được vào đại học, được bằng này bằng nọ với người ta, bây giờ chính nó lại rẻ rúng khinh khi cái nghề của ông. Rồi ông nhớ lại hồi còn ở quê, có ông người Hoa giàu nhất xã. Ông có mấy nhà máy xay lúa, ruộng đất hằng trăm công, nhà cao cửa rộng vậy mà khi bước vào nhà, người ta thấy trên bàn thờ ba ông có treo cây đòn gánh. Ông thường giải thích: “Ba ngộ lúc ở bên Tàu qua cũng nhờ cây đòn gánh này đi mua đầu chợ bán cuối chợ nuôi con. Sau này giàu có rồi, ông vẫn nhớ ơn cây đòn gánh đã một thời cực khổ với ông. Ngày sắp chết, ông trối lại phải thờ cây đòn gánh với ông, như hai người bạn”. Người ta thì như vậy đó, có nghĩa, có tình... đâu như con gái ông, đặng cá quên nơm, đặng chim quên ná.
Cuối cùng, không vượt qua được “quyền lực” của đứa con gái bản lĩnh, ông Nhâm kêu người bán chiếc xe lôi. Lục Bình nuôi ba chu đáo lắm, từ cái ăn, cái mặc... ông không thiếu gì hết mà dường như chỉ thiếu...chút tình. Sáng ra bà hàng phở đầu ngõ, bưng vào đồ ăn sáng. Đi làm về, Lục Bình ghé chợ mua thức ăn. Thằng Vạn Thọ, thằng Hồng Điệp đứa nào về trước, nấu cơm. Căn nhà lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Nhưng ông Nhâm thì như ở tù. Suốt ngày, ông không mấy khi được ra khỏi nhà. Sáng ăn uống rồi mở tivi, canh điện thoại cho nó. Ai gọi, ghi tên hoặc lời nhắn. Chờ mở cửa cho tụi nó vô nhà. Có lần, ông khoá ngoài cửa và lang thang ra quán café đầu hẻm nói chuyện cùng ông bạn già ngày xưa cũng chạy xe lôi. Con Lục Bình về ngang có vẻ không bằng lòng. Ông vào nhà. Nó nói một hơi:
- Bây giờ ba khác xưa rồi. Lang thang ra cái chỗ bát nháo đó làm gì! Nhà mình, mình ở. Ba cứ tiếp xúc với mấy người đó chỉ thêm phiền phức. Mà ba tuyệt đối không mời mấy người đó vô nhà mình nghe! Lỡ xảy ra mất mát, ba không gánh nổi đâu.
Vậy là từ bữa đó, ông Nhâm cũng không còn chỗ để xả hơi. Lục Bình mua cho ông mấy băng đĩa cải lương để ông nghe đỡ buồn. Thỉnh thoảng, tụi nó đưa ông đi ăn ở những nhà hàng sang trọng. Hai thằng con trai, đứa năm đầu, đứa năm cuối đại học. Tụi nó vẫn là những đứa con xứng đáng và ông vẫn là một “con chim già” được nuôi kỹ càng trong cái lồng son. Chỉ riêng bữa nay ông được đi đám giỗ nhà ông trưởng khu phố. Lục Bình đưa ông tận nơi và dặn ông chờ nó đón về. Ông ngồi hoài thấy ngại nên thả bộ chầm chậm về nhà. Giờ này chắc nó đang nghỉ trưa. Ông vói tay bấm chuông. Thằng Vạn Thọ ra mở cửa. Nó thấy mặt ông Nhâm có vẻ nhợt nhạt. Ông chầm chậm ngồi xuống băng đá đặt ngoài hàng ba. Thằng Vạn Thọ rót cho ông ly nước:
- Sao ba không chờ chị đi rước?
- Ba ngồi lâu quá thấy kỳ nên đi bộ. Bây giờ hơi mệt.
Lục Bình từ trong bước ra. Nhìn thấy ông Nhâm, nó có vẻ không bằng lòng:
- Đã nói cứ ở đó, con đi rước. Đi như vậy hàng xóm người ta quở trách tụi con. Nhà mình đâu phải không có xe.
Ông Nhâm nghe đau nhói trong lòng. Thì ra, nó chỉ sợ người ta cười, sợ người ta tưởng nhà không có xe chớ nó đâu nhìn thấy ba nó mệt muốn đứt hơi. Lục Bình thay đồ đi làm. Nó cũng hoài nghi về sức khoẻ ông Nhâm. Vừa dắt xe ra đến cổng, nó quay lại:
- Chiều nay con đưa ba đi bác sĩ, ba lên lầu nghỉ đi!
Sự thật thì ông Nhâm không có bệnh, chỉ vì thiếu vận động nên ông không thích nghi được môi trường bên ngoài. Bác sĩ khám và hỏi qua về hoàn cảnh sống của ông, nhìn cô con gái, rồi kết luận:
- Cô phải để bác có thì giờ vận động cơ thể, ở hoài trong nhà không tốt đâu. Tốt nhất là ông phải sinh hoạt trong một câu lạc bộ dưỡng sinh. Người già mà sống cô đơn dễ sinh bệnh lắm.
Lục Bình đưa ông Nhâm về và vẫn không đồng quan điểm với bác sĩ. Nó cho là ba nó không cô đơn. Nó vẫn lo ăn lo mặc và quan tâm tới ông mà. Tuy vậy, nó cũng nói:
- Hay là mỗi sáng ba đi tập thể dục cho cơ thể vận động. Nhưng đừng ra đường ra vào buổi trưa, cũng đừng la cà ngoài xóm, không tốt đâu.
Vậy là ông Nhâm được thư thả mỗi sáng. Ông dậy lúc năm giờ, nấu nước châm trà, uống vài ly rồi ông mở cửa ra đi lúc cả nhà còn ngủ. Ông thấy vui. Buổi sáng mờ sương làm ông nhớ lại cái thuở còn chạy xe lôi. Ông được hít thở không khí trong lành, được chuyện trò với ông bạn già ngày nào. Đi tập được gần một tháng, ông Nhâm có thêm một người bạn, đó là bà Năm bán xôi nhà trong hẻm đối diện. Bà Năm đã ngoài sáu mươi và vừa qua cơn tai biến mạch máu não. Bà đi đứng vẫn còn khó khăn và mỗi ngày, đứa con trai út vẫn cùng đi tập với bà. Nhìn cảnh hai mẹ con đi lại nói cười, ông Nhâm cũng vui lây. Qua người bạn, ông biết bà Năm nghèo lắm. Mấy đứa con lớn có gia đình đã ở riêng. Chỉ còn bà với thằng Út, nó đang học nghề điện ở một trung tâm. Buổi tối còn tranh thủ đi bán hàng ở một siêu thị mãi đến khuya mới về. Sáng nào nó cũng dậy sớm đưa mẹ đi tập. Ông Nhâm nghe thèm cái hạnh phúc của bà Năm. Mấy đứa con ông giờ này chắc còn ngủ. Tụi nó có những việc chỉ tụi nó mới biết. Ông nhớ lại lúc nhà vừa cất xong. Ông muốn đặt bàn thờ ở nhà dưới đúng như xưa giờ vẫn vậy. Bước vào nhà, phải nhìn thấy cái bàn thờ ông bà, căn nhà mới ấm cúng. Lục Bình phản ứng như ông vừa chạm phải điều kiêng kỵ nhất:
- Bàn thờ đặt trên lầu. Phòng này là phòng khách, ai lại bày chương ướng cái bàn thờ như ở quê, coi sao được?
Ông Nhâm đành phải nghe theo nó. Mấy tấm ảnh thờ đã cũ đã vàng ố, nhưng đó là cái gì còn sót lại của quá khứ nghèo nàn của ông. Mấy ngày sau, con Lục Bình đem từ đâu về ba tấm ảnh mới tinh. Ông bà nội nó với những bộ đồ Tây, áo dài thêu lạ hoắc. Còn bà Nhâm, ngồi chễm chệ trong salon cổ và tay đầy những vòng vàng. Ông Nhâm chưa mở miệng, Lục Bình đã “ra lịnh”:
- Ba đem mấy cái hình cũ xuống đi! Con đã đặt người ta làm “vi tính” mấy tấm này. Cái nhà đẹp, bàn thờ đẹp mà để mấy cái hình xấu hoắc đó, coi làm sao được. Mà ba cũng không được đốt nhang, khói bay đen trần nhà hết. Con mua ba cây nhang điện cắm vào thì tiện lợi hết chỗ nói.
Cái bàn thờ với những tấm hình xa lạ như chẳng phải người thân của mình làm ông Nhâm buồn rầu mấy bữa nhưng rồi phải ráng làm quen. Ông gói ba tấm hình cũ lại. Những lúc không có con Lục Bình ở nhà, ông lại mở ra coi.
Vừa đi làm về, chưa kịp thay đồ, Lục Bình đã chạy quáng quàng lên lầu:
- Ba đâu rồi? Con hỏi ba chuyện này coi?
Ông Nhâm đang lau bàn thờ, ngạc nhiên quay lại, chưa kịp hỏi, Lục Bình đã nói một hơi:
- Có phải ba quen thân với bà bán xôi ở hẻm bên kia phải không? Người ta đồn ầm lên cả xóm. Sao ba lại “sanh tật” vậy?
Ông Nhâm ngạc nhiên nhìn chăm chăm Lục Bình rồi từ tốn:
- Ai nói với con kỳ vậy? Ba đi tập thể dục, bà Năm cũng đi tập thể dục. Nói vài ba câu là chuyện bình thường, có gì phạm pháp đâu.
Lục Bình nhìn ông khó chịu:
- Mấy người “bá vơ” đó, ba cũng thân mật, hèn gì người ta không nói sao được!
- Con lấy tư cách gì nói người ta “bá vơ”? Người ta nghèo nhưng tư cách chưa chắc ai bằng. Đừng đánh giá con người qua hình thức bên ngoài nghe con.
Lục Bình tức nghẹn. Chỉ vì người đàn bà đó mà ba “lên lớp “ nó. Nó vùng vằng bỏ xuống nhà. Ông Nhâm cũng buồn. Đứa con gái ông thương yêu nhất và cũng lớn lên từ trong cái nghèo. Bây giờ, nó lại khinh khi những người đã từng nghèo như ba nó.
Lục Bình không phải là đứa dễ nghe ai. Nó tìm đến nhà bà Năm vào một tối. Căn nhà nhỏ, có rào và trông rất sạch đẹp, đã hạ bớt cái kiêu căng trong lòng đứa con gái lúc nào cũng thấy chẳng ai bằng mình. Bà Năm đang ngồi trong cái ghế dựa, hai chân ngâm nước thuốc. Thằng Út ngồi bẹp dưới gạch đang xoa bóp bắp chân cho mẹ. Mẹ con nói cười với nhau vui vẻ lắm. Lục Bình vẫn quan sát. Nó bỗng nhớ lại hình ảnh má nó trong một lần bị trặc chân. Lúc đó, nó cũng ngồi bẹp xuống nền đất, ôm lấy chân mà bóp thuốc rượu. Còn đây lại là một thanh niên. Nó nghe lòng dâng trào một tình cảm chưa thể đặt tên. Người mẹ và đứa con trai, cái nhà tuy nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp. Bức tranh gia đình đã khiến nó nhớ tới ba. Đã bao lâu rồi, nó không còn ngồi nói chuyện và cười vui với ba. Mỗi lời nói nó chỉ là “lịnh”. Nó bắt ba phải thế này, ba phải thế khác. Có bao giờ nó để ý coi ba thích cái gì đâu. Tiền bạc cả đời dành dụm của ba, nó chỉ thêm vào một ít và căn nhà đã trở thành của nó. Ba không được quyền góp ý. Nó bỗng nghe một nỗi ân hận dâng lên trong lòng. Người thanh niên bỗng đứng dậy, bước qua bàn bưng lấy tô cháo và cũng trong tư thế ngồi dưới đất, cậu đút từng muỗng cho mẹ. Lục Bình quay đi, nó đi như chạy qua hẻm dài, cố kim để nước mắt không rơi. Nó bấm chuông, thằng Hồng Điệp ra mở cửa. Nó bước vội lên lầu. Ông Nhâm đang cầm tấm ảnh cũ mèm của bà Nhâm đưa lên ngắm. Lục Bình khẽ khàng ngồi xuống bên ông:
- Ba ơi! Tha lỗi cho con nghe ba! Con vẫn là con Lục Bình của ba mà!
Ông Nhâm quay lại. Ông chợt nhớ như in cái ngày ông đấm chúi nhủi thằng chủ nhà, ông cũng thấy con Lục Bình nhìn ông như vậy.
Cần Thơ – Tháng 3/2004 T.NYA (185/07-04) |