Tạp chí Sông Hương - Số 185 (tháng 7)
Một ngày xưa yêu cho đến bây giờ
09:55 | 26/08/2009
HOÀNG KIM DUNG      (Đọc trường ca Lửa mùa hong áo của Lê Thị Mây)Nhà thơ Lê Thị Mây đã có nhiều tập thơ được xuất bản như: Những mùa trăng mong chờ, Dịu dàng, Tặng riêng một người, Giấc mơ thiếu phụ, Du ca cây lựu tình, Khúc hát buổi tối, v.v... Chị còn viết văn xuôi với các tập  truyện: Trăng trên cát, Bìa cây gió thắm, Huyết ngọc, Phố còn hoa cưới v.v...Nhưng say mê tâm huyết nhất với chị vẫn là thơ. Gần đây tập trường ca Lửa mùa hong áo của nhà thơ Lê Thị Mây đã được nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. (quý IV. 2003)
Một ngày xưa yêu cho đến bây giờ
Nhà thơ Lê Thị Mây - Ảnh: vnca.cand.com.vn

Tính đến thời điểm hiện nay, có lẽ chị là nhà thơ nữ duy nhất viết trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng. Phải chăng vì nhà thơ là người đồng hành, chị đã có một thời thanh xuân gắn bó thương nhớ con đường máu lửa của Trường Sơn hùng vĩ, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ gian khổ và vinh quang của dân tộc. Phải chăng từ một ký ức xa xưa dội về, một hoài niệm không bao giờ có thể quên được đã thôi thúc trái tim thi sĩ, nó như món nợ tinh thần với đồng đội - Đó là những nữ thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ, họ đã lên đường làm nhiệm vụ và hy sinh vì Tổ quốc. Các chị đã hoà vào sông núi quê hương. Cảm hứng chủ đạo về những người phụ nữ Việt Nam bình dị yêu thương nhân hậu mà dũng cảm anh hùng đã được nhà thơ tâm niệm, ấp ủ, đã sáng lên ngọn lửa sáng tạo từ trong thẳm sâu của tâm hồn thi sĩ. Từ những ý tưởng đó Lê Thị Mây đã viết nên trường ca Lửa mùa hong áo với mười bảy chương, 143 trang sách. Trong Lửa mùa hong áo nhà thơ đã có một nội lực thi ca dồi dào và tài hoa. Cảm hứng chủ đạo định hướng cho lý tưởng thẩm mỹ, lý tưởng yêu quê hương đất nước da diết. Như một cuốn phim trôi dòng về quá khứ với các sự kiện bi thương và hào hùng.
Những năm tháng đất nước còn trong chiến tranh chống Mỹ, bao lớp người đã  lên đường đi chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.

Trường ca Lửa mùa hong áo đã xây dựng hình tượng chân dung những nữ thanh niên xung phong các Binh đoàn Trường Sơn. Những người con gái đã dũng cảm giữ con đường huyết mạch của Tổ Quốc. Các chị đã vượt lên bom đạn, chấp nhận hy sinh mất mát, ở họ luôn sáng một niềm tin về ngày mai  chiến thắng, trong hoà bình của dân tộc. Để họ được yêu, được làm mẹ, làm bà, một hạnh phúc bình dị mà khát khao cháy bỏng của những người phụ nữ.

Bằng thi pháp sử thi, trữ tình, những sự kiện lịch sử bi tráng đã được nhà thơ miêu tả. Từ hình tượng những cô gái thanh niên xung phong với những con người cụ thể đã có sức chinh phục người đọc đó là chị Tám nơi ngã ba Đồng Lộc, chị Tuyển vác đạn, chị Ngà bên sông Son rồi Tổng tư lệnh Nguyễn Thị Định, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình... Có thể nói những người bà, người mẹ, người chị, những người phụ nữ đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Tác giả cũng đưa người đọc đến những miền đất với những địa điểm cụ thể như Bến Lũng Thầy, Khe Mụ Gia, Khe Tang, Khe Ve, Cua Cổng Trời, Nguồn Son, Ngầm La Trọng... những nơi mà bom đạn khốc liệt của Trường Sơn lịch sử năm nào.

Bằng thi pháp ấn tượng với các sự kiện của chiều dài về thời gian lịch sử về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Trong cảm hứng sâu lắng, trong trí tưởng tượng phong phú vừa hiện thực mà lý tưởng. Lửa mùa hong áo  đã đưa đến cho người đọc những cảm nhận ở tầm cao tư tưởng, chiều sâu văn hoá của tâm hồn dân tộc.

Chương dạo đầu như một tâm niệm dội về quá khứ hào hùng ”xin các chị cho em nén giữ trong lòng”  như chìa khoá mở ra ngôi nhà rất đỗi thiêng liêng đó là:
            Tiểu đội mười hai người
            Mười hai quê bịn rịn      
            Ao xẻ tà búi tóc vén hồn sông.


Những nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn tuổi đời còn rất trẻ. Đó là em Xoa, em Quế, em Nụ, em Nết, em Ngò...Có em còn “chưa có eo lưng”. Tuổi mười bảy các em tạm biệt quê hương để nhận nhiệm vụ bảo vệ đường Trường Sơn. Họ đã từng: “ngủ tựa lưng cán xẻng, ngủ tựa lưng ba lô”. Những cô gái thanh niên xung phong ấy luôn coi ”Sinh mệnh con đường hoà máu thịt vào em”  các chị đã vượt qua những cơn sốt rét da xanh vào mặt đá, vượt qua những chiều đói mệt. Dù gian khổ bom đạn, cái chết luôn đe doạ, nhưng cái đẹp của cuộc chiến đấu vẫn được tác giả khắc hoạ:
            Em áo lính cùng anh áo lính
            Hồn sông quê nhuốm lá ngụy trang cành

Có thể nói trong cuộc chiến khốc liệt đó, những cô gái thanh niên xung phong ấy đã vượt qua tất cả bằng sức mạnh tiềm ẩn của trái tim phụ nữ. Như huyền thoại của khúc bi tráng, đã được nhà thơ thể hiện trong những biến cố đau thương của cuộc chiến. Các chị đã lấy thân mình để dập lửa bom napan để cứu các đoàn xe trên đường Trường Sơn chở các chiến sĩ vào mặt trận rồi chở gạo chở thư. Những hình tượng nhân vật đã được thể hiện bằng biểu tượng ngôn ngữ thơ ca, như ánh sáng lấp lánh đã động tới tâm hồn người đọc. Có nhiều khi từ sự đau đớn khốc liệt ấy có thể khiến con người có thể lặng đi rồi khóc oà lên, khóc nấc lên, gục vào lòng mẹ, vào người yêu xa cách giữa nỗi đau khôn cùng.
           
            Ôi lửa Napan lửa hoá học
            Đã ba trăm ngày
            Tóc các em chưa mọc
            Chỉ đầu mười ngón tay chạm vết thương
            Nén lòng vào tấm khăn bịt đầu khóc

Chất nữ tính chan chứa trong Lửa mùa hong áo những câu thơ chân thành đã rung cảm người đọc. Nếu không phải là nữ, thật khó có thể viết được những câu thơ giàu nữ tính, có những cảm nhận tinh tế, nhà thơ đã khắc hoạ cái đẹp từ trong hiện thực, một hiện thực bi thương, hào hùng. Các chủ đề này đã được thể hiện có sức thuyết phục. Thí dụ các chương Giấc mơ, Chị ơi, Thư.. .Đặc biệt chương Tóc.
             ...Rồi tóc
            Rồi tóc
            Sau trận bom
            Trên cây cụt ngọn như treo bão
            Lai quần trong cỏ nhặt nấc lên
...

Trên tuyến lửa Trường Sơn ấy, cái chết luôn thường trực các chị. Nhưng cả khi chỉ còn nấm mộ thì lũ rừng cũng cuốn trôi. Nhà thơ đã tả chi tiết để khái quát về nỗi đau. Nếu không phải người trong cuộc  sao có thể viết những câu thơ xúc động đến thế:
            Chị ơi cơn lũ tháng ba
            Chân hương trôi dạt đã ba bốn ngày


Từ nỗi đau tâm linh được chuyển tải về nỗi đau cụ thể:
            Bát cơm gác đũa nghẹn từng ngọn rau

Trường ca Lửa mùa hong áo đã đề cập đến những biến động của lịch sử đất nước trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tính thời đại đã được bộc lộ rõ trong nội dung tác phẩm. Trái tim thi sĩ rung động sâu xa đã đưa người đọc về những bến bờ của cội nguồn tình cảm. Những khát vọng về tình yêu, về hạnh phúc của tuổi trẻ. Nó đẹp, thơ mộng nhưng sao giản dị và thương mến lạ lùng giữa cuộc chiến tranh ác liệt.
            Gió lùa hốc núi vang vọng khúc Trường Sơn
            Chị đã mang theo thời gian
                        tóc xanh vẫn xanh như thuở trước
            Chị đã mang theo cả mối tình
                        cả giấc mơ giấu đằng sau mắt ướt
            Cỏ  bơ phờ nơi hốc đá ngóng trông.

Tác giả của Trường ca Lửa mùa hong áo, không cố ý cao đạo triết lý giảng giải, mà chỉ thông qua những biểu tượng ngôn ngữ, những hình tượng nhân vật giản dị, chân thành. Nhưng đã mang nét đẹp tâm hồn, và hành động. Điều này đã có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người qua nghệ thuật thơ ca. Nhà thơ đã mở ra những biến động trong dòng tiềm thức của các sự kiện. Trong đau thương mất mát của chiến tranh, con người đau buồn nhưng không bi lụỵ, lớn lao hơn cả vẫn là lý tưởng mà họ đã lựa chọn đó là độc lập, là hoà bình của đất nước. Âm hưởng bi tráng vang vọng khúc trường ca:
            Điệp khúc những con đường sư đoàn nối sư đoàn
            Tóc con gái neo qua bến bờ tình yêu
                                    vắt qua đèo Ngang đèo Mụ Giạ


Từ hiện thực chiến trận về những người nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn tuyến lửa. Nhà thơ đã thực hiện được ý tưởng nâng lên lòng yêu nước bằng chiều sâu văn hoá, bằng truyền thống lịch sử của dân tộc.
               ...Lòng không sờn qua cái chết
            Nào em út
            Dịu dàng ơi
                        chị cả
            Bà ngoại cho quả thị
                        hoá chị Tấm lời than


Từ tiềm thức dội về miền ký ức bi hùng chừng như nhà thơ không cố ý đi chọn hình thức thể loại trường ca Lửa mùa hong áo, mà từ nội dung hiện thực, từ sự dồn nén cảm xúc sáng tạo trực giác chỉ đạo trong ngôn ngữ truờng ca khi tự sự, khi trữ tình, khi hào hùng, khi đối thoại, khi miêu tả hoành tráng, khi khai phá tâm lý, sự kiện. Những biểu tượng của ngôn ngữ, của hình tượng trong trường ca đã có sức tác động đến người đọc từ cảm xúc thẩm mỹ đến ý nghĩa giáo dục mà tác phẩm cần chuyển tải.

Phương thức miêu tả có tính khái quát cao ngay trong bố cục của trương ca với các chương trong tập sách.

Cảm hứng bi tráng của Lửa mùa hong áo cứ vang vọng. Sự liên hệ của âm hương cảm xúc bền chặt rung động người đọc ấy là sự thành công của tác giả. Nhiều khi có những câu, có cảm giác chị viết bằng trái tim mình, có nhiều câu hay:
            ...  Sao chưa tới con đường mà máu em đã đổ
            ... Tiểu đội mười hai người mười hai tháng trăng treo rằm quả thị
             Chị ơi hãy về mùa hong áo lửa uy nghi

Tôi cứ nghĩ rằng cũng khó có câu thơ hay hơn khi viết về tình yêu thời Trường Sơn như:
            Một ngày xưa yêu cho đến bây giờ
             ... Phía Trường Sơn chân nối chân bước gấp
             ... Sông quê ơi xanh quá đỗi dịu dàng
            Tưởng có thể búi lên mượt mà xanh hồn tóc.

Tuy trong trường ca Lửa mùa hong áo vẫn có đôi câu thơ rơi vào ”dài dòng”, nếu như tác giả có thể chắt lọc kỹ hơn... Nhưng điều này cũng không ảnh hưởng đến độ chuyển tải của trường ca Lửa mùa hong áo - một tập sách quý, có giá trị không chỉ cho người cùng thời mà còn cho thế hệ trẻ. Về vọng khúc Trường Sơn một thời mà nhà thơ Lê Thị Mây đã từng tâm niệm Một ngày xưa yêu dấu cho đến bây giờ.

Hà Nội 5/4/2004
H.K.D
(185/07-04)

Các bài mới
Miếu làng Đông (27/08/2009)
Các bài đã đăng
Sonny không buồn (26/08/2009)
Ánh mắt (21/08/2009)
Cái quạt kè (19/08/2009)