Ba mươi nhăm năm rồi, từ buổi Bác đi xa! Song chúng ta vẫn thấy chẳng lúc nào vắng Bác. Trong bài “Sen của loài người”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Từ khi Bác xa ta, tôi càng cảm thấy rõ ràng sự bất tử này. Bác có mất đâu! Bác vẫn còn đây!”.
Một nhà thơ Cu Ba, từ bên kia bán cầu khi đến thăm Ngôi nhà sàn của Bác, cũng đã viết: “Ở đây, không có cái chết, chỉ có sự sống dừng lại mà thôi! Và nếu bỗng nhiên có ai nói: Ô, Người tới kìa! Người đang bước lên cầu thang... thì không một chút nghi ngờ, chúng tôi sẽ quay ngay ra phía cửa, sung sướng đón chào Người!”.
Tháng 5 - 2003 vừa qua, họa sĩ David Thomas và nhà văn Lady Borton - hai trong số những người Mỹ làm việc lâu năm nhất ở Việt Nam - với cái nhìn độc đáo và lòng kính yêu sâu sắc đối với Bác Hồ của chúng ta, đã xuất bản cuốn sách đặc biệt: “Hồ Chí Minh - một chân dung”. Giới thiệu cuốn sách này với nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, Sáclơ Phen - một người Mỹ hoạt động cho Đồng minh chống phát xít - người đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc vào tháng 3 năm 1945, đã viết:
“Nếu chúng ta so sánh Hồ Chí Minh với các lãnh tụ nổi tiếng khác của thế kỷ 20, chúng ta không thể không có ấn tượng khi biết rằng trong một thời gian dài, Hồ Chí Minh đã đi tới nhiều nơi trên thế giới, và đã bắt đầu in dấu ấn của mình lên các biến cố quốc tế trước cả khi Mao Trạch Đông, Găngđi, Nêru, Rudơven, Sớc-sin hay Đờ Gôn được biết đến trên thế giới.Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường của ông bất chấp những khó khăn chồng chất, đã có thể đưa Hồ Chí Minh trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại, lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ thứ 20.
Một nhà báo Mỹ - Starôbin cũng viết: “Cụ Hồ Chí Minh được nhân dân rất quý mến. Tên cụ có nghĩa là “sáng suốt”. Cụ là một nhà chính trị xuất chúng, một nhà chiến lược Cách mạng, một người yêu nước nồng nàn. Cụ đã nêu gương chính nghĩa và đạo đức cho thế hệ thanh niên noi theo”.
Còn Rôbớc Uyliam, một nhà chính trị Mỹ, thì viết một cách thành thực: “Nếu nước Mỹ chúng tôi có một vị lãnh tụ đầy lòng nhân đạo và quyết tâm như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chắc chắn nước Mỹ sẽ đóng góp được rất nhiều vào sự nghiệp của nhân loại”.
Rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu triết học, các lãnh tụ, các nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh... đã nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những cuốn sách hàng nghìn trang, những bản nhạc, những tác phẩm điện ảnh v.v... Có người đã để một phần cuộc đời của mình, tiền bạc của mình, đi đến các nước đã in dấu chân của Bác để tìm hiểu và viết về Người. Song cũng có những người đã nói về Bác bằng những câu thật ngắn gọn, cô đọng, những câu nói kết tinh của một nhận thức sâu xa:
“Một con người toàn diện đã sống trên thế gian này. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh!” (Báo Chiến đấu Công-gô), “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo và cổ vũ tất cả các dân tộc bị áp bức khắp mọi nơi. Người thuộc về các bạn, nhưng cũng thuộc về chúng tôi!” (Bơ-ni Ethơn- Ô-xtrây-li-a). “Đối với một số người, cụ Hồ Chí Minh là một kẻ thù quen biết lâu năm nhưng đáng kính phục, là địch thủ được kính trọng nhất trong các cuộc chiến tranh thuộc địa Pháp” (Tuần báo Người quan sát mới của Pháp). “Cụ Hồ Chí Minh là một người lãnh đạo quần chúng, nên tư tưởng của Cụ luôn luôn xuất phát từ chỗ phục vụ quần chúng”(Na-gi A-Lusi). “Những ai được biết thế nào là một con người thực sự,vẻ đẹp của thế giới ở đâu, ở đâu có mùa Xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng điển hình của thời đại chúng ta” (Rơ-nê Đơ-pê-tờ-rô - nhà thơ Ha-i-i)
Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân khi sang thăm Việt Nam, và vào thăm khu nhà Bác ở, đã viết vào sổ lưu niệm 10 chữ:
“Một cuộc đời cách mạng Một tấm gương liêm khiết”
Nhiều nhà nghiên cứu lý luận và triết học trên thế giới đã nói đến và ca ngợi tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay trong Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và Danh nhân Văn hoá thế giới, cũng đã nêu rõ: “Tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. Người ta nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lý luận nhưng đồng thời cũng là một con người hành động.
Giáo sư Nhật Bản nổi tiếng Sin-gô Si-ba-ta, trong bài viết: “Hồ Chí Minh nhà tư tưởng” đã viết: “Đọc tất cả các tác phẩm của cụ Hồ Chí Minh, tôi thấy các tác phẩm ấy đã phát triển lý luận không theo một cách uyên bác xa xôi, mà viết bằng những lời lẽ đơn giản và những câu ngắn gọn. Những viên ngọc quý nhất được khảm trong các tác phẩm của Người...” (Tháng 5-1969). “Đồng chí Hồ Chí Minh là con người cần thiết xuất hiện đúng lúc, đúng yêu cầu của lịch sử, với những tư tưởng và ý kiến đúng. Chính vì vậy mà đồng chí đã làm ra lịch sử” (Gớt Hôn - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Mỹ, tháng 9-1969). “Dưới vẻ bề ngoài của một người cha điềm tĩnh và ẩn dật là cả một trong những tư tưởng chính trị sắc sảo nhất của thế kỷ này” (Mu-ra Buốc-bun-nơ, Paris tháng 3-1970).
Ngài Rô-mét Chan-Đra, chủ tịch Hội đồng Hoà bình thế giới thì viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hoà bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao” (21-5-1980 - Báo Nhân dân).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào tâm trí và lòng ngưỡng mộ của nhân loại bằng chính con người của mình, bằng lòng nhân ái và tư tưởng lớn vì một nền hoà bình của Người.
Trước mắt tôi là bài phát biểu của S.Phuốc-ni-ô, chủ tịch Hội Pháp Việt tại Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris. Bài viết của ông với nhan đề: “Hồ Chí Minh một con người Hoà bình”.
Ông viết: “...Tôi nghĩ tinh thần Hoà bình từ Chủ tịch Hồ Chí Minh toả ra bắt nguồn từ sự hoà hợp giữa hai điều có vẻ trái ngược, đó là lòng yêu nước nồng nàn và Chủ nghĩa Quốc tế. Con người chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân Pháp đó lại là một người yêu nước Pháp, nói thành thạo tiếng Pháp. Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam ấy, cũng đã từng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp mà Người đã góp phần sáng lập; là đảng viên của Đảng Cộng sản Liên Xô và đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lòng yêu nước triệt để không ngăn cản, mà còn thúc đẩy Người tham gia cuộc đấu tranh toàn cầu của những người tiến bộ. Tôi chưa từng nghe Người nói một lời hận thù...
Lần cuối cùng tôi gặp Người, vào khoảng chưa đầy một tuần trước lúc Người mất. Người tiếp tôi như thường lệ trong ngôi nhà nhỏ của phủ chủ tịch. Trong câu chuyện, người cán bộ Việt Nam cùng đi với tôi có nói đến dự kiến chuẩn bị kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 80 của Người. Hồ Chí Minh đã ngắt lời người đó bằng tiếng Việt, rồi quay lại nói tiếp với tôi bằng tiếng Pháp. Người nói: Họ cứ làm phiền tôi với những chuyện ấy, mà tôi thì không muốn tiêu tốn một xu nào cho việc đó. Có lẽ đó là những lời cuối cùng tôi nghe Người nói, và chắc chắn đó là những lời cuối cùng Người nói bằng tiếng Pháp...”
Đọc lại những dòng chữ này, bất giác tôi lại nhớ đến câu nói: “Người thuộc về các bạn, nhưng Người cũng thuộc về chúng tôi”.
BÙI CÔNG BÍNH (187/09-04)
--------------- * Theo tài liệu của Viện Hồ Chí Minh.
|