Nhà thờ uy nghi, vàng rực nhìn ra cánh đồng xanh mướt. Nghe nhiều người kể lại, lúc tôi một hai tuổi, ấy là năm 1933-1934, nhà tôi là nhà giàu. Bà nội tôi là chủ chợ, cha tôi là chủ lò thợ bạc, bây giờ gọi là tiệm kim hoàn, nhà có xe hơi, cha tôi không chỉ nổi tiếng vì giàu, mà còn nổi tiếng là cầu thủ bóng đá. Khi tôi lên bảy tám tuổi, giàu đâu chẳng thấy, cái chiếc xe hơi của cha tôi chỉ còn là cái xác vứt ra một góc sân, dưới cây trứng cá. Thỉnh thoảng tôi leo lên, cầm tay lái, bẻ qua bẻ lại, nổ máy bằng miệng, đám trẻ của tôi, đứa nào cũng sướng, cũng vui. Vinh quang của cha tôi, một cầu thủ, tôi chưa được thấy, chỉ nhớ một buổi chiều, trời chạng vạng, người ta khiêng cha tôi về, cha tôi bị gãy chân. Từ đó cha tôi không đá banh dù chấn thương đã lành, và cũng không ra sân coi nữa. Như có một lời thề! Tôi biết, tôi tin cha tôi là cầu thủ bóng đá là nhờ đôi giày để dưới gầm giường. Có lần tôi tò mò, đọc một quyển sổ của cha tôi. Quyển sổ toàn ghi tên người làm thợ bạc có hàng trăm tên của các nơi. Sau này lớn lên tôi hỏi, mới biết thợ bạc có một công đoàn. Thợ bạc luôn gắn bó và đùm bọc lẫn nhau. Nếu như tôi đi đâu đó, gặp lúc “thất cơ lỡ vận” thì cứ tìm đến lò thợ bạc, xưng tên, xưng họ, là con của thợ bạc thì được sự giúp đỡ ngay. Cái tình đồng nghiệp của người thợ bạc rất keo sơn. Còn nói về chiếc xe hơi, mãi đến năm tôi hơn bốn mươi tuổi, sau ngày 30/4/1975, từ Hà Nội trở về, trong nhiều câu chuyện của bao năm xa cách, cha tôi kể:
- Năm đó có tiền sắm xe chạy chơi, nhưng cha đâu có biết gì máy móc, nay hư cái này, mai hư cái nọ, đi đâu cũng “ban”, chán, cha kêu bán. Con biết ai mua không? Cái thằng tài xế của cha nó mua- Kể xong cha tôi cười.
Người tài xế vẫn còn sống, mỗi sáng cha tôi và ông ta thường ngồi với nhau trong quán café, ông ta vẫn nghèo như xưa. Năm tôi lên tám, chín tuổi, cha tôi đi vắng. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) một số đồng nghiệp của cha tôi bị bắt, bị đày ra Côn Đảo, hội tề trong làng nghi cha tôi có dính dáng, nhưng là người trong dòng họ, họ khuyên cha tôi nên tạm lánh mặt. Cha tôi xuống tàu lên Nam Vang, làm công cho tiệm vàng “Trái tim đỏ”. Hai năm cha tôi đi vắng, hễ tới mùa tôm thì má tôi kho hai thúng giạ tôm kho tàu, đội xuống tàu lên Nam Vang thăm cha tôi. Khi má tôi xuống tàu, tôi mới thấm thế nào là nỗi buồn khi tàu “súp lê một, súp lê hai, súp lê ba”,
Té ra, đất Campuchia nhiều cá nhưng ít tôm càng hơn dòng Tiền và Hậu của An Giang xứ tôi. Má tôi là phụ nữ, gia đình không biết xoay sở, cả nhà tôi sống bằng đồng tiền làm công của cha tôi từ Nam Vang gởi về. Tôi nhớ, nữ trang mà má tôi đeo: bông tai, dây chuyền hoặc vàng vòng, má tôi không đeo được lâu. Má tôi đeo món nào thì người ta hỏi mua món đó. Má tôi nói “cứ ra tiệm mà mua” nhưng họ không chịu, họ cứ mua của má tôi. Họ nghĩ, cái gì của má tôi mới đúng là thứ thiệt và đẹp...
Rất may cho tôi, từ sơ học lên tiểu học, tôi đậu hạng cao, được học bổng. Nhờ đó mà được học tiếp, nếu không thì phải đứng lại ở lớp ba trường làng mà thôi. Nhờ học khá, nên năm nào, ngày hè nhà trường cũng cho đi nghỉ mát ở Mũi Nai, Hà Tiên. Bắt đầu “đi một bước đàng học một sàng khôn”.
Năm 1945, tuổi 13, quân Nhật lấy nhà trường là chỗ đóng quân, tôi bỏ học, về nhà. Từ chợ quận (Chợ Mới) về làng (Mỹ Luông), tôi đi trên chiếc xe ngựa trên con đường rải đá dọc theo bờ sông Tiền, chuyến đi hay chuyến về đều đi qua làng Mộc, làng nuôi tằm dệt vải thật sung túc. Chuyến trở về cuối cùng chấm dứt cuộc đời học trò, làng xóm hai bên đường thật xơ xác. Hình như ai cũng thất nghiệp, không ai thiết đến chuyện làm ăn, cuộc sống bất an trước thời cuộc (Nhật đảo chánh Pháp, máy bay Đồng Minh rà theo sông truy lùng tàu chiến của quân Nhật). Ấy là năm mà người làng nói là năm kinh tế khủng hoảng. Đèn không có dầu thắp, phải thắp bằng mỡ heo, hoặc đốt mù u...
Năm 1945 ấy cũng là năm đại họa của gia đình tôi. Bà nội tôi mất, má tôi mất, thằng em út mới hai tuổi. Cha tôi lên Sài Gòn để mổ mắt. Cảnh nhà thật nheo nhóc. Khi cha tôi ở Sài Gòn trở về, trong nhà có gì có thể bán được, cha tôi đều bán, làm tiền chợ đắp đổi qua ngày. Tôi biết cha tôi đến những người cùng nghề thợ bạc, mượn tiền chợ hàng ngày.
Tôi nghĩ mình phải làm gì tiếp gia đình. Năm ấy thứ gì cũng khan hiếm. Nhiều nhà xoay qua nghề làm thuốc lá. Thay vì nhận thuốc của người khác đi bán, tôi cũng chế thuốc, tự vấn, tự ôm thùng thuốc đi bán. Tôi chế thuốc thơm như thế nào? Lấy thuốc rê tẩm nước cam thảo với nước đường, vừa thơm vừa khét, nhưng không thấy ai chê. Cái bàn vấn thuốc tôi làm bằng cây, vấn một lần ba điếu. Mỗi ngày tôi bán ít nhất hai trăm điếu. Làm nghề bán thuốc lá lời ghê, một lời bốn lời năm. Tôi ham.
Rồi một người bạn của cha tôi, tôi gọi là bác Sáu ghé thăm cha tôi, thấy tôi ngồi vấn thuốc, bác bảo tôi nên theo bác về Tân Châu cùng với bác mở một hãng thuốc lớn hơn. Nghe xuôi tai, thế là tôi xuống tàu đi Tân Châu. Đúng là bác có một hãng thuốc lá, hãng của bác có bốn đứa nhỏ là thợ vấn, thêm tôi nữa là năm. Tôi chờ bác nói chuyện hùn hạp nhưng bác không nói gì, té ra tôi chỉ là một đứa làm công, vấn điếu nào ăn điếu đó.
Tôi buồn. Gặp một người thợ bạc vốn là bạn của cha tôi, chú ấy nói: “Chú muốn chú với cháu cùng mở một hãng thuốc, nhưng phải có vốn. Cháu lên Nam Vang đòi nợ giùm chú, về lấy cái đó làm vốn, được không?”. Nghe đến xứ người, xa xôi quá, tôi chưa đủ sức phiêu lưu, nếu đòi nợ cho cha tôi thì bất cứ thế nào, tôi cũng đi. “Thưa chú, để cháu về cháu hỏi lại cha cháu” – Vài hôm sau, tôi xuống tàu trở về.
Lúc này, cha tôi đã mua một cái nhà của một lò thợ bạc lâu năm. Cha tôi lấy cái đất của nền nhà, đem về đãi vàng. Đất trong lu, móc ra để vào cái chảo lớn hơn một ôm tay, hai quai chảo có hai sợi dây treo ngang lửng lơ, đổ nước vào, cứ vậy mà đào, cuối cùng hốt một bụm cát dưới đáy chảo đem đi nấu, vàng sẽ đọng lại dưới cái dót. Đúng là đãi cát tìm vàng. Tôi khi thì đãi khi thì thụt lò, thấy bụi vàng tôi ham. Tôi không nói với cha tôi chuyện đi Nam Vang, đòi nợ, bỏ luôn nghề bán thuốc lá.
Rồi một hôm, người bạn của cha tôi đang là chủ lò thợ bạc ở chợ Sa Đéc ghé thăm, là một người to lớn, hào sảng nói lớn, cười to, vừa nói chuyện quốc sự, vừa nói chuyện mua bán vàng. Tôi gọi là bác Chín. Nhìn tôi bác nói: “Nè, tao nghe thằng cha mầy nói mầy học thuộc bốn phép toán phải không?” – “Dạ” – “Thôi mầy đi theo bác, tính tiền vàng cho bác”.
Vậy là tôi đi theo bác, xuống Sa Đéc vừa tính tiền vàng, vừa để ý học nghề phân kim của bác. Ông chủ tiệm vàng nầy là ông Bùi Đố, bạn của cha tôi. Năm 1946, trên đường hành quân tôi gặp lại bác – Bác đã bỏ tiệm vàng, là huyện ủy viên huyện Châu Thành tỉnh Sa Đéc. Sau đó mấy tháng tôi nghe bác hy sinh, người anh Sáu và người em út của bác đều là chủ lò thợ bạc đều hy sinh thời đánh Pháp. Người thợ bạc không chỉ góp của mà góp cả tính mạng mình cho sự nghiệp cứu nước.
Ở nhà, sau khi đãi hết đống cát ấy, một người có vốn rủ cha tôi mở lại lò thợ bạc. Người có vốn, người có nghề, lò thợ bạc mở ra ngay ngã ba chợ Mỹ Luông.
Tôi lại quay về. Lò thợ bạc có mười người thợ. Anh tôi cũng làm thợ cho lò.
Tôi vừa làm nghề xi đồ vừa học làm thợ. Với cái đà ấy, tưởng lớn lên tôi sẽ nối nghiệp cha, làm thợ bạc, mở tiệm kim hoàn. Nhưng cuộc đời lại khác. Ấy là năm đầu kháng chiến chống Pháp. Trong không khí sục sôi của dân làng, ai cũng nao nức với lời kêu gọi của Tổ Quốc, bỏ lại tất cả, tôi đi Vệ quốc đoàn, từ đó đi suốt hai cuộc kháng chiến cho đến nay.
Sáu mươi năm qua, nhớ lại cái thời đi kiếm ăn ở tuổi mười ba là một trong cái vốn quý cho cuộc đời viết văn của tôi.
Nhớ những ngày đi đãi cát tìm vàng. Năm mươi năm cầm bút,cũng là năm mươi năm đãi cát tìm vàng trong văn chương.
15/8/2004 N.Q.S (187/09-04)
|