Tạp chí Sông Hương - Số 187 (tháng 9)
Vĩnh Linh bám trụ kiên cường
16:41 | 10/09/2009
NGUYỄN QUANG HÀ                       Ghi chépNói đến Vĩnh Linh, không ai không nhớ hai câu thơ đầy hãnh diện của Bác Hồ tặng cho mảnh đất này:                “Đánh cho giặc Mỹ tan tành                Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”
Vĩnh Linh bám trụ kiên cường
Địa đạo Vĩnh Linh - Ảnh: vapa.org.vn

Đất Vĩnh Linh được nhân dân cả nước phong tặng cho bốn chữ đầy tự hào: “Vĩnh Linh đất thép”.

Lần đầu tiên nghe chữ “đất thép”, tôi hoài nghi, ngờ ngợ, tự hỏi: “Có phải thép thật không? Hay là sự tô hồng, thổi phồng lên thôi?”. Song khi đến Vĩnh Linh, thấy ngay Vĩnh Linh đúng là một mảnh “đất thép”.

Trong nhà truyền thống đặt ngay cạnh cửa hầm địa đạo Vĩnh Mốc, có một bảng trang trọng, đặt đúng vị trí để khách tham quan có thể nhìn thấy ngay. Nội dung của tấm bảng này như sau:

“Tội ác Mỹ ngụy trên Vĩnh Linh 1965 - 1975
- Bom đạn dội xuống: 668.876 tấn
- Số lần rải chất độc hoá học: 231 vụ
- Số lần ném bom napan: 231 vụ
- Số trận đánh phá bằng máy bay: 1353 trận
- Số lần thôn xóm bị diệt: 531 lần
- 5.117 người chết
- 4.200 người bị thương
- 15.656 ngôi nhà bị cháy sập
- 10.762 con trâu bò bị chết”

Diện tích đất Vĩnh Linh là 820 cây số vuông. Tôi làm con tính nhẩm, nếu 668.876 tấn bom đạn dội trên đất ấy, thì mỗi cây số vuông phải hứng chịu 815 tấn bom. Vị chi mỗi mét vuông phải chịu đựng tới gần một tấn bom đạn. Sức công phá của bom đạn như vậy không hiểu có gì sống nổi. Vậy mà dân Vĩnh Linh vẫn sống và vẫn chiến thắng.

Hai chữ “bám trụ” theo như tôi hiểu, bám là bám chặt mảnh đất quê hương mình sống, và trụ là đứng vững và chiến thắng ngay trên mảnh đất quê hương của mình.

Vậy thì làm thế nào mà Vĩnh Linh bám trụ được? Nói tới sức công phá của bom đạn trên đất Vĩnh Linh, trên môi mọi người đều bật lên câu hỏi ấy.

Nhìn những tấm ảnh chụp thời chiến tranh, Vĩnh Linh hoang vu như một sa mạc, và ngổn ngang đất đá của một chiến trường ác liệt. Chẳng thế mà dân Vĩnh Linh chỉ có 7 vạn người, mà đã có tới 5.117 người chết, 4.200 người bị thương. Vị chi cứ 7 người dân Vĩnh Linh thì 1 người bị thương vong.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở Nga có địa phương, cứ 30 người thì một người thương vong đã được coi là tàn khốc. Sự thương vong của Vĩnh Linh, chắc thế giới không thể tưởng tượng nổi, vậy mà Vĩnh Linh vẫn sống và chiến thắng, càng là một điều lạ ở đời.

Vĩnh Linh đã chọn cho mình một cách sống đúng phương sách nhất là cho trẻ con và ông già bà cả đi sơ tán mãi ngoài Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình,... để những người khoẻ mạnh ở nhà vừa sản xuất vừa tham gia chiến đấu.

Để sống được, tất nhiên là không thể sống được trên mặt đất, mà tất cả phải chui xuống đất để ở. Bom đạn suốt ngày như thế, đủ các loại, pháo biển, pháo mặt đất, từ trên máy bay trút xuống, không thể ở trên mặt đất thì đào giao thông hào từ làng này sang làng kia, từ xóm này qua xóm nọ. Tổng số hệ thống giao thông hào trên diện tích 820 cây số vuông là 2000 cây số.

Giao thông hào mới là đường đi, còn ở thì phải có hầm đào sâu dưới mặt đất. Tính ra, toàn khu vực Vĩnh Linh có 114 làng hầm với độ dài 40 cây số.Gọi tên làng hầm là chính xác, vì ăn, ở, ngủ và cả sinh đẻ cũng dưới làng hầm. Dưới làng hầm có đủ giếng nước, bếp núc, trạm xá, hội trường cho sinh hoạt của người dân. Kể cả xem chiếu bóng cũng xem ngay trong hội trường làng hầm. Hàng trăm ngôi nhà gỗ được dỡ xuống để kê chống vòm hầm. Câu ca dao ngày ấy là một nhân chứng cho Vĩnh Linh trước lịch sử:

“Nhà tan cửa nát cũng ừ
Đánh xong giặc Mỹ cực chừ sướng sau”

Làng hầm còn có một tên gọi khác: Địa đạo. Quy trình đào địa đạo là cả một kỳ công. Bắt đầu là một hình vẽ ước lượng trên giấy. Sau đó trên mặt đất cứ khoảng cách 50 mét đào một hố sâu giống như đào giếng. Cứ 5 người một hố đào. Đào đến một độ sâu nhất định, từ đó họ định hình hướng đào, kiên nhẫn từng nhát cuốc để tiến về phía nhau. Nói thì dễ như vậy, nhưng làm thật khó. Khi đã đào được độ dài cần thiết, đã đến lúc phải gặp múi đào đằng kia, không thấy nhau mới thật là nan giải. Họ dùng cuốc xẻng đập thình thịch vào mặt tường, dùng âm thanh tiếng động để tìm nhau trong lòng đất. Cái khao khát gặp nhau trong lòng đất đầy màu sắc hoang sơ da diết đến não lòng.Và khi nhát cuốc đã thông hầm, họ mừng như từ hành tinh khác trở về. Tất cả vỡ oà, như không có niềm vui nào hơn thế.

Cũng phải nói thêm rằng sự “khai phá lòng đất” ấy toàn cuốc, xẻng, dụng cụ đơn sơ. Lòng hầm thường đào theo hình chữ chi (z) nhằm tạo ra những chỗ gấp khúc chắc chắn hơn. Tại các cửa ra vào đường hầm chạy ngoằn ngoèo rất có lợi cho việc chắn các loại bom, đạn và mảnh của nó chạy theo đường thẳng vào địa đạo.

Đào làng hầm không phải đào trong tư thế, hoàn cảnh bình thường, mà đào trong tầm bom đạn. Khó khăn gian khổ chồng chất như vậy, song với lòng quyết tâm, sự cần cù sáng tạo phi thường, quân dân Vĩnh Linh và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn trải qua 3 năm (1966 - 1968) đã làm nên một công trình đồ sộ, một thành quả lao động vĩ đại: Đào trên 3.759.270.000 mét khối đá để làm nên một hệ thống địa đạo diệu kỳ trong lòng đất Vĩnh Linh. Đó là biểu tượng của tấm lòng quyết chiến, của lẽ sinh tồn, một sống một chết với đế quốc Mỹ, khi chúng ngang nhiên tuyên tuyên bố rằng: “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài tới vĩ tuyến 17”.

Một kỳ tích trong địa đạo là 60 đứa trẻ đã được sinh ra trong làng hầm. Có thể gọi đó là tiếng hát của Vĩnh Linh trong bão đạn mưa bom.

Điển hình làng hầm Vĩnh Linh là làng đia đạo Vĩnh Mốc. Nguyên gốc làng hầm này gồm 3 địa đạo chính: địa đạo của đồn biên phòng 140, địa đạo của dân quân Vĩnh Mốc, và địa đạo của dân quân Sơn Hạ. Do yêu cầu của phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 3 địa đạo này được nối thông với nhau thành một hệ thống liên hoàn khép kín. Toàn bộ tường hầm chia làm 3 tầng (tầng 1 cách mặt đất 10 mét, tầng 2 cách mặt đất 15 mét, tầng 3 cách mặt đất 23 mét). Các tầng nối thông với nhau với tổng chiều dài 1701 mét, có 13 cửa ra vào, và 3 trạm cảnh giới ngày đêm.


Cửa xuống địa đạo Vĩnh Mốc - Ảnh: Internet


“Địa đạo Vĩnh Mốc như một toà lâu đài cổ nằm im trong lòng đất, ủ kín bao điều kỳ lạ của những con người đã làm ra nó và thời đại mà nó đã được sinh sản ra”. Đó là lời đề từ dẫn du khách vào thăm làng hầm Vĩnh Mốc.

Dân Vĩnh Mốc đã sống gần 2000 ngày đêm dưới làng hầm. Họ không chỉ chủ động tránh bom đạn, mà Vĩnh Mốc và cả Vĩnh Linh đã bám trụ rất ngoan cường trên mảnh đất quê hương mình, chiến đấu giữ địa bàn trên quê hương mình cũng là giữ mảnh đất địa đầu của Tổ Quốc về phía Nam trong những ngày chống Mỹ cứu nước.

Vĩnh Linh không chỉ ngẩng đầu chiến đấu, mà liên tục từng ngày chi viện cho miền Nam, rồi vận chuyển, tập kết lương thực, vũ khí, tổ chức hàng trăm chuyến thuyền cảm tử vận tải cho đảo Cồn Cỏ, nơi được Nhà nước 2 lần tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang, công lao ấy có sự đóng góp rất xứng đáng của Vĩnh Linh.

Bây giờ Vĩnh Linh đã xanh, những xóm làng đã trở lại trù phú, và Vĩnh Linh đã trở thành một địa chỉ du lịch thích thú của Quảng Trị.

Ngày ngày du khách trong nước và nước ngoài tấp nập tới mảnh đất thép này để thăm lại dòng sông Hiền Lương, một thời đã là dòng sông lửa, dòng sông tuyến, thăm lại cửa Tùng Luật, thăm bãi biển Cửa Tùng và đặc biệt họ không bao giờ quên đến thăm địa đạo Vĩnh Mốc, một làng hầm tiêu biểu trên đất Vĩnh Linh này.

Chỉ cần nhìn du khách lần lượt chui vào địa đạo Vĩnh Mốc đủ thấy hai chữ Vĩnh Linh đã trở thành tâm thức của nhân loại như thế nào.

Vĩnh Linh đã sống trong làng hầm, đã trở thành một pháo đài thép, là một sự tích diệu kỳ mãi mãi trên dải đất miền Trung này.

N.Q.H
(187/09-04)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng