Sông Son hình thành từ những dãy núi Trường Sơn, uốn lượn qua mấy xã Sơn Trạch, Hưng Trạch... Khoảng chừng 50 cây số rồi hợp lưu với sông Gianh đổ về biển Đông. Mùa hạ, nước sông Son xanh ngắt, thăm thẳm màu của rừng thiêng núi vắng. Mùa nước lũ, dòng sông đỏ ngầu cuồn cuộn xiết. Cũng bởi có dòng nước màu máu ấy mà người xưa có câu chuyện rằng: Thuở khai thiên lập địa, sông Son hiền hòa như dòng suối xanh trong, quanh năm tươi mát bồi đắp phù sa cho những mảnh ruộng lúa, ngô, khoai, sắn. Người dân hai bên bờ sống thanh bình, no đủ nhờ vào sự cai quản của một lãnh chúa đầy sức mạnh, quyền uy. Gia đình lãnh chúa giàu sang và có cô con gái nết na, sinh đẹp nhất vùng. Đến tuổi trăng tròn, nàng đem lòng yêu một thanh niên khôi ngô tuấn tú nhưng nghèo khó lắm. Vậy nên cuộc tình duyên không được chấp thuận. Để minh chứng cho lòng thủy chung không thể chia lìa, một đêm trăng sáng, đôi trai gái dẫn nhau đến bến sông này ôm nhau nhảy xuống sông tự vẫn. Dòng nước bỗng sục sôi, cuồn cuộn đỏ... và tên sông Son có từ ngày ấy!
Mải mê nghe câu chuyện kể, thuyền chúng tôi cập bến Nhà Chờ trước hang động Phong Nha lúc nào không hay. Mưa bắt đầu nặng hạt. Bầu trời âm u càng làm thêm vẻ huyền bí, hùng vĩ của núi đá vôi cao ngất trước mặt. Hầu như ai cũng bắt đầu lo cho cuộc leo núi đầy thử thách với gần 600 bậc đá ở động Hang Khô, nhưng có lẽ sự háo hức và ý thức khám phá đã cho họ thêm sức mạnh nên chỉ có nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà báo Bích Đào ở lại hậu cứ. Chị Hoàng Thị Thọ - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế người gầy như que tăm nhưng giọng nói thì đầy vẻ rắn rỏi: “Nếu so với đường Trường Sơn năm xưa đi đánh Mỹ thì đây đã có hề gì”. Câu nói vui như một cú hích những bước chân về phía trước ngược dòng người tấp nập, hối hả đang xuống núi sau khi đã tham quan.
Hơn nửa giờ đồng hồ so đôi bàn chân, mắt hoa lên với những hơi thở dốc, mồ hôi vã ra như tắm... Đoàn nhà báo chúng tôi cũng đã đứng trước cửa động Tiên Sơn. Khói hương nghi ngút thơm nồng. Một cảm giác trườn qua vách não rằng, đây là chốn linh thiêng của Trời - Đất? Những vị thần linh, những bàn tay huyền bí hình như rất gần, gần lắm với sự sống con người. Nếu không được anh Lê Chiêu Nguyên thuyết trình về sự hình thành của hang động Phong Nha bằng những nghiên cứu của các nhà khoa học, có lẽ chúng tôi đã bay bổng cùng tâm trạng của truyền thuyết về suối vàng, thác bạc, về những hình thù kỳ bí mỗi lúc một nhiều hơn, đẹp hơn suốt chặng đường tham quan 400m động Hang Khô. Ở suối bạc Kim Tuyền, vô vàn hạt silicát đổ xuống mặt phiến đá phẳng lỳ trông như dòng thác bạc. Qua ánh điện thắp sáng, thác bạc lấp lánh mời gọi sự hiếu kỳ, điều mơ tưởng và cả chút lòng tham nơi con người trần thế! Có lẽ vì thế mà cách đó không xa, cây thiên mệnh uy nguy giữa vô vàn các hình thù quái dị của đá. Thiên mệnh - mệnh trời chỉ về số phận của mỗi con người chăng? Và như để bày tỏ sự linh nghiệm của thuyết giáo thiên mệnh, động Thủy Tiên hiện ra như trong chuyện cổ tích. Phía trước mặt, vòm động cao ngất với những đường nét hoa văn rồng bay phượng múa lạ lùng. Không gian động rộng rãi, được bày trí vô vàn các đồng dùng sinh hoạt và nghi lễ triều đình tùy đầu óc tưởng tượng phong phú của mỗi người. Lùi lại trước cửa động chừng 20m, hang Trinh Nữ u tịch ẩn sâu dưới lớp đá rêu phong. Người ta kể rằng, vua thủy tề có cô công chúa xinh đẹp đã bị một con mãng xà bắt đem về giam ở hang Trinh Nữ này. Sau đó mãnh xà đã cắm một thanh đoản kiếm trước cửa hang và thề rằng, nếu ai rút được thanh đoản kiếm đó lên, nó sẽ trả lại nàng công chúa. Gần 400 triệu năm nay, có lẽ không biết bao nhiêu chàng trai đã vào đây để thử sức mình mong tìm lại được mỹ nhân nhưng tất cả đều vô vọng. Thanh đoản kiếm vẫn còn đó với vẻ đầy thách thức, huyền bí của lời nguyền...
Cứ với lối kể chuyện ấy, mỗi lần đi qua vài chục bước chân, những câu chuyện cổ tích lại mở ra mà bố cục của nó được sắp xếp một cách có trật tự bằng những hình thù tung hứng của đá đã được thời gian đẽo gọt rất tinh xảo, mỹ miều. Mê mải ngắm nhìn những kỳ quan thiên nhiên tạc giữa lòng hang sâu núi thẳm, ở đây đá không còn là đá mà như những vật thể có linh hồn? Bởi rằng, nghệ thuật điêu khắc sẽ không tồn tại nếu người nghệ sỹ không có tài năng “thổi” vào đó một tâm hồn ẩn chứa sau những đường nét tạo hình. Thì đây trong lòng hang động Phong Nha, vô số tác phẩm “điêu khắc” mà tác giả của nó chưa hề ai biết mặt, biết tên đã “thổi hồn mình” vào từng nhũ đá vô tri, vô giác thành những tượng đài mang sức mạnh truyền thuyết trong kho tàng truyện cổ nhân loại? Phong Nha đẹp và hay là thế nên hèn chi du khách thập phương quanh năm đổ về đây như hội. Anh Đại - phó giám đốc Trung tâm DLSTVH Phong Nha - Kẻ Bàng lúc buổi sáng làm việc với chúng tôi nói rằng: “Bình quân mỗi ngày có 2000 người đến đây tham quan, mùa cao điểm con số ấy lên tới 5000-6000 người. Vì vậy, với một đội ngũ phục vụ như hiện nay, có lúc chúng tôi cũng bất lực.” Khi chúng tôi quay lại bến Nhà Chờ, nhìn dòng người tấp nập lên xuống ken vai nhau nhường lối bên những bậc đá, hẳn điều anh Đại nói sáng nay vẫn còn khiêm tốn? Bến Nhà Chờ đông đúc, nhộn nhịp như hội! Từng đoàn thuyền chở đầy người nối nhau vào Hang Nước, mái chèo khua lách cách nghe đến vui tai...
Đoàn chúng tôi cũng lên thuyền để tiếp tục cuộc hành trình vào Hang Nước. Lần này thì không còn ai phải ở lại hậu cứ nữa, bởi tham quan hang động này du khách chủ yếu ngồi trên thuyền nhìn ngắm không phải leo trèo mệt nhọc như phía động bên kia. Thuyền lắc lư trườn qua cửa hang. Phía trước ánh sáng mờ ảo, phản chiếu lên vách động vẻ lung linh, chập chờn của sóng nước. Mọi người trên thuyền hầu như nín thở, đón nhận sự bất ngờ! Còn tôi, bất giác nhớ đến soạn giả Dương Văn An đã viết trong Ô Châu Cận Lục cách đây gần 500 năm về hang động kỳ bí này: “Động có cửa vào, cửa hẹp vừa một chiếc thuyền, bên trong dần dần mở rộng; Người dạo xem phải đi thuyền. Trước hết phải thanh tâm trì giới, mới được nước lặng sóng êm, gió tan mù tản. Rồi thắp đuốc men theo dòng chảy mà vào. Thoạt nghe gió thổi như đàn, âm vang trong động như muôn tiếng sáo...”
Tục truyền trong động có cái hộp vàng chìm sâu đáy nước, một người thuật sỹ muốn vào lấy đi. Vừa tới cửa động, dân địa phương bảo rằng sóng gió chẳng thuận, không thể vào được, người kia tự phụ cho là có thuật thần tiên, quẫy chèo mà tiến. Lát sau nghe có tiếng tù và, tiếng trống gióng lên ầm ầm, cả bọn nhìn nhau thất sắc, quay thuyền trở về. Việc linh dị đại loại như thế nên thơ cổ có câu:
“ Động môn vô tỏa thược, Tục khách bất tằng lai
(Cửa động không then khóa Khách tục thể vào qua)”
Chuyện xưa ly kỳ là thế nhưng cách đây hơn 30 năm, ở đoạn cuối của con đường bằng thuyền này tại hang Kỳ Bí, Binh trạm 14 thuộc Đoàn 559 bộ đội ta đã sử dụng làm nơi cứu chữa thương bệnh binh thời chiến tranh giặc Mỹ bắn phá ác liệt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Hoặc xa hơn về thời gian, khu hang động Phong Nha - Kẻ Bàng còn là nơi đã từng tồn tại và hiện diện cả một hệ thống di tích lịch sử văn hóa có giá trị cho nhiều thời đại như các di tích khảo cổ học thời tiền sử, di tích văn hóa Chàm và Việt cổ (phát hiện có nét chữ người Chăm tại hang Kỳ Bí cuối thế kỷ XIX) di tích căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi...
Ngày nay, vẫn cửa động hẹp vừa một chiếc thuyền, bên trong dần dần mở rộng; vẫn là vẻ đẹp của cái thời cách đây gần 5 thế kỷ mà Dương Văn An đã từng nhắc đến, nhưng thuyền bè chở du khách đã vào đây nhộn nhịp như trên bến sông quê chứ không còn sợ sóng gió của phép thần tiên. Động Hang Nước Phong Nha chào mời khách thập phương bởi vẻ đẹp mê hồn của nó. “Đi chừng trăm dặm, có khoảng trống như miệng cá, mở ra cảnh đất trời sáng sủa, mặt trời, mặt trăng soi tỏ, cỏ êm mây lặng không còn chút trần tục. Chim hót đón người, hoa chào mời khách. Thật là riêng một cõi trời đất. Có tảng đá lớn bằng phẳng, có bàn cờ, con cờ. Bốn bên vách đá như đẽo gọt, xem những phiến có lấm chấm nhỏ, chỗ dán đồng tiền, chỗ như sợi tóc, chỗ như dáng người, chỗ như ngọc đọng. Nước biếc hơn mắt nhà sư, núi xanh tươi như đầu Phật. Chim dạo in dấu chân trên cát; cá giỡn sóng, nước chẳng gợn tăm. Dẫu là cảnh trí nguồn Đào cũng không thể tô điểm gì thêm.” (Ô Châu Cận Lục). Có lẽ vẻ đẹp của Hang Nước này đã được người xưa nói tới tận cùng và những phát hiện về sau chỉ là sự bồi đắp, quảng bá đến muôn người. Những động Tiên, động Cung Đình, buồng Thánh Đường, chốn Bồng Lai, bến Tiên Sa... nằm trên suốt lộ trình tham quan bằng thuyền khoảng 600m là sự mô phỏng của người trần đặt tên cho nó. Những cái tên gợi đến vẻ đẹp tột đỉnh của nghệ thuật kiến trúc mà con người đã từng nhìn thấy.
Tuy nhiên, để nói về Phong Nha - Kẻ Bàng một cách đầy đủ và có tính khoa học thì đó là vùng có lịch sử địa chất phức tạp và lâu dài từ Cam Bi đến ngày nay. “Trải qua các kỳ vĩ kiến tạo quan trọng và các pha chuyển động đứt gãy, phối tảng và uốn nếp đã tạo ra các dãy núi trùng điệp do chuyển động nâng cao và các bồn trầm tích do chuyển động sụt lún; đóng vai trò như nguyên nhân của mọi nguyên nhân để tạo ra tính đa dạng về địa chất, địa hình - địa mạo, mạng lưới thủy văn và tính đa dạng, kỳ thú về hang động du lịch đối với các thành hệ đá vôi...” và chính nhờ vào sự chuyển dịch của lòng đất, hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng được đánh giá là một trong những cảnh quan hang động đẹp nhất trên thế giới với 7 cái nhất: “Hang có sông ngầm đẹp nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có bãi cát, bãi đá ngầm đẹp nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có Hang Khô rộng và đẹp nhất, có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, là Hang Nước dài nhất.” Đó là những cái “nhất” của kỳ quan thế giới, nhưng người dân Quảng Bình từ cổ chí kim thì xem động Phong Nha - Kẻ Bàng như là “gian buồng” của mình. Dãy đất Quảng Bình như ngôi nhà hình cánh cung hướng về biển đông, tiền sảnh là bãi cát kéo dài che chắn sóng biển, hậu sảnh là dãy núi Trường Sơn ngăn gió bão. Và Phong Nha là gian buồng kín đáo cất giấu những báu vật bao đời.
Đoàn chúng tôi ra khỏi hang động khi trời đã tạnh cơn mưa. Anh nắng chan hòa trải dài lên khắp triền núi, bãi bồi hai bên bờ sông Son. Thuyền xuôi dòng. Thấp thoáng sau những lùm cây xanh mát, từng ngôi nhà như bóng dáng các tráng sĩ im lìm đứng canh vùng núi thiêng của lãnh chúa thuở nào? Sông Son giờ đây dòng nước đã hiền hòa, xanh ngắt màu xanh của sự sống sinh sôi... Anh Nguyên ngồi bên lại nói với chúng tôi: “Từ ngày Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành điểm tham quan của khách thập phương, cuộc sống người dân quanh vùng khấm khá hẳn lên. Nhiều ngành nghề dịch vụ du lịch như: chụp ảnh, ăn uống, bán hàng lưu niệm... được mở rộng và phát triển. Người ta không còn vào rừng chặt gỗ phá hoại môi trường như trước đó, việc mà họ xem như một nghề kiếm sống từ bao đời nay.” Quả thật, dân ở đây đang còn thưa thớt nhưng du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng phát triển đã tạo công ăn việc làm chính đáng cho hàng ngàn người, hàng trăm hộ gia đình. 231 chiếc thuyền chuyên chở khách ở bến sông Son, hơn 200 thợ chụp ảnh phục vụ khách du lịch trong hang động, hàng chục nhà hàng ăn uống ở Trung tâm.v..v.. đã tạo nên nguồn thu nhập không nhỏ góp phần xây dựng miền quê này ngày mỗi giàu đẹp hơn. Tuy nhiên, để cho Phong Nha - Kẻ Bàng thực sự trở thành “viên ngọc” quý của Quảng Bình, việc bảo vệ môi trường sinh thái và bảo quản các danh thắng có lẽ phải được đặt lên hàng đầu? Song song, ngành thủ công mỹ nghệ sản xuất các mặt hàng lưu niệm, cơ sở hạ tầng, nơi lưu trú... cần có một qui hoạch phát triển đồng bộ mới đáp ứng nhu cầu của du khách đang tìm đến Phong Nha - Kẻ Bàng ngày một đông hơn!
Tạm biệt Phong Nha! Chia tay miền đất với những con người có tấm lòng mộc mạc, tình yêu thủy chung; chia tay những hang động với nhiều truyền thuyết thấm đẫm hồn người. Những ly rượu trong vắt, sóng sánh chạm nhau lốc cốc ở nhà hàng anh Niên đưa tiễn chúng tôi đi. Nhìn về thượng nguồn sông Son, Phong Nha - Kẻ Bàng cao ngất, lô nhô dãy núi đá vôi như những giọt đá linh hồn rơi rơi từ phía chân trời.
Huế, tháng 8 năm 2004 NTT (187/09-04)
|