Tạp chí Sông Hương - Số 187 (tháng 9)
Vài suy nghĩ về các giá trị văn hóa truyền thống của ngôi làng cổ Phước Tích ở Thừa Thiên Huế
09:16 | 15/09/2009
NGUYỄN VĂN MẠNHLàng Phước Tích được thành lập vào khoảng thế kỷ XV, gần với quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam của nhà nước phong kiến Đại Việt. Trong gia phả của họ Hoàng - dòng họ khai canh ở Phước Tích có đoạn chép: "Đến đời Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất và hai (1470 - 1471), ngài thủy tổ họ Hoàng lúc bấy giờ là Hoàng Minh Hùng, tục gọi là Nồi, nguyên người làng Cẩm Quyết, tỉnh Nghệ An, đã thân chinh đánh đuổi quân Chiêm Thành, sau chiến thắng trở về ngài đi xem xét đến nguồn Ô Lâu, bao chiến địa phận từ Khe Trăn, Khe Trái đến xứ Cồn Dương, sau khi xem bói, đoán biết được chỗ đất tươi tốt, ngài liền chiêu tập nhân dân thành lập làng" (1).
Vài suy nghĩ về các giá trị văn hóa truyền thống của ngôi làng cổ Phước Tích ở Thừa Thiên Huế
Cổng làng Phước Tích - Ảnh: phuoctich.vn

Làng Phước Tích lúc đầu có tên gọi là Phúc Giang như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, làng Phúc Giang bên bờ sông Ô Lâu thuộc tỉnh Hương Trà (2). Đến thời Tây Sơn, Phúc Giang được đổi thành Hoàng Giang, để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng (Hoàng là tên dòng họ khai canh, Giang là vùng gần với sông nước). Đến đời Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích, như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.

Với ước mong đó, các thế hệ dân cư của làng đã tiếp nối truyền thống ông cha lao động sáng tạo xây dựng cho mình một làng quê tươi đẹp với những nét văn hóa cổ kính, như cảnh quan kiến trúc của làng mang đậm triết lý phương Đông, như văn hóa làng nghề, dòng họ, xóm, phe và đặc biệt là hệ thống đình, chùa, đền, miếu, nhà rường cổ.

1. Văn hóa cảnh quan kiến trúc của làng:

Trước hết phải nói đến ngôi làng Phước Tích được dựng trên một địa hình mang đậm nét triết lý phong thủy phương Đông. Phước Tích hay còn gọi là xứ Cồn Dương, là một cồn đất rộng khoảng 21 ha được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu xanh mát.

Từ thượng nguồn, dòng sông Ô Lâu chảy quanh co uốn khúc rồi hợp lưu với dòng Thác Ma mang nước đổ về phá Tam Giang. Chính sự hợp lưu của hai dòng sông trước khi hòa nguồn nước về phá Tam Giang nên dòng chảy không mạnh mẽ, hung dữ mà hiền hòa và lắng đọng phù sa bồi tụ nên Cồn Dương. Bởi vậy, ba mặt Đông - Nam - Tây của làng đều được bao bọc bởi dòng Ô Lâu. Cái đẹp của địa thế làng Phước Tích còn thể hiện ở chỗ, mặt trước của làng hướng về phía Nam, dòng sông Ô Lâu hiền hòa chảy bao từ phía Đông vòng ngang phía Nam chảy sang phía Tây.

Ở chỗ vùng uốn lượn phía Nam, Cồn Dương phình rộng ra và càng về cuối làng ở phía Tây, nơi tiếp giáp với làng chạm khắc mộc Mỹ Xuyên, địa hình của Phước Tích co hẹp lại. Nhìn từ trước làng đến cuối làng Phước Tích trông như cái nan quạt xòe ra. Vì vậy, làng Phước Tích được xây dựng trên một phương vị hướng về chính Nam, lấy sông Ô Lâu làm yếu tố minh đường. Theo thuật phong thủy, khí là cha, mẹ là nước, khí là bản thể của nước, nước là cái khí hữu hình nơi có nước chứng tỏ nơi ấy có khí, dòng nước sâu, nguồn dài xa là khí vượng. Vì vậy, làng được xây dựng trên cồn đất cao, bằng phẳng, có dòng sông chảy qua trước mặt là làng có vượng khí. Nhưng dòng nước nông, nguồn gần thì phúc lộc ngắn, dòng nước chảy quanh co, uốn khúc, chảy ngang qua và quay vòng trở lại, bao bọc lấy làng, chảy du dương, êm đềm, bồi lắng mặt bờ thì phúc lộc cho làng càng lớn. Từ thượng nguồn đến phá Tam Giang, dòng Ô Lâu dài khoảng trên dưới 30km nhưng uốn lượn mềm mại nhiều đoạn, một trong những đoạn đẹp nhất của nó là gần 7km bao bọc vùng Cồn Dương thuộc địa phận làng Phước Tích. Ở đây dòng chảy rất êm đềm, mặt nước xanh phẳng như tấm gương phản chiếu những lũy tre xanh, những hàng cây chè tàu bao quanh nhà cửa... những cây đa, cây thị, cây me có hàng trăm tuổi cùng các công trình đình, miếu, nhà cửa của làng. Hơn nữa địa hình làng Phước Tích rất phù hợp phát triển nghề gốm : trên một gò đất cao, thoáng mát, ba mặt của làng đều tiếp giáp với sông nước, rất thuận lợi cho việc đưa tàu lên rừng xuống biển để khai thác đất, củi đốt, lưu thông buôn bán...

2. Văn hóa làng nghề truyền thống:

Làng Phước Tích còn có tên gọi là "Kẻ Đôộc". Xuất phát từ tên gọi một loại sản phẩm nghề gốm của dân làng. Từ xa xưa, gốm Phước Tích nổi tiếng cả một vùng rộng lớn. Các sản phẩm của nó như lu, hông, đôộc, hũ, ang, chum, vại... được người dân ở nhiều vùng ưa thích. Gốm Phước Tích được mang đi chào bán khắp các chợ trong vùng từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, như chợ Truồi, chợ Nọ, chợ Mai ở Thừa Thiên Huế, chợ Tréo - Quảng Bình, chợ Cam Lộ - Quảng Trị, chợ Chùa - Quảng Ngãi... Tuy chưa được tráng men nhưng chất lượng gốm Phước Tích khá tốt. Do độ nung cao và chất đất tốt nên sản phẩm gốm dày, có thể sử dụng vào nhiều việc, như làm dụng cụ đun nấu, đựng các chất lỏng hoặc làm đồ dùng trong nhà. Sản phẩm gốm Phước Tích không chỉ cung cấp đồ tiêu dùng cho nhân dân trong vùng mà còn được vua quan nhà Nguyễn ưa chuộng. Người dân nơi đây còn truyền tụng sự việc, vào thời Nguyễn, hàng năm làng phải cống nạp cho triều đình hàng trăm om đất để dùng thổi cơm om phục vụ cho vua quan.

Do nghề gốm phát triển nên cuộc sống người dân Phước Tích ngày càng khá giả. Họ tậu gỗ dựng nhà ở khang trang hơn, lập đền miếu, nhà thờ họ uy nghiêm hơn. Vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX các ngôi nhà rường, đền, miếu đình chùa ở Phước Tích được xây dựng nhiều hơn. Bởi vậy hiện nay làng Phước Tích còn hàng chục ngôi nhà cổ trên dưới trăm tuổi.

3. Văn hóa dòng họ, xóm, phe:

Đây được xem là một truyền thống văn hóa quý báu của làng quê Việt Nam, nhưng ở Phước Tích truyền thống văn hóa đó càng được thể hiện đậm nét. Do nhu cầu của nghề gốm, họ phải liên kết với nhau để khai thác nguyên liệu đất, củi đốt, dựng lò, đốt lò, buôn bán sản phẩm, nên quan hệ dòng họ, xóm phe rất được chú trọng. Trong làng có 17 dòng họ; trong đó có 12 dòng họ (thập nhị bổn phái) khai canh và khai khẩn. Các dòng họ khai canh, khai khẩn được làng tưởng nhớ công đức lập đình làng (đình Trung) để phụng thờ. Trong làng, dòng họ Hoàng được coi là Thành Hoàng của làng  - ngài thủy tổ mang nghề gốm truyền dạy cho dân làng. Ngoài ra, tất cả các dòng họ và các chi nhánh trong làng đều lập nhà thờ họ riêng với kiến trúc phổ biến là loại nhà cổ. Hiện nay, trong 17 nhà thờ họ của làng có 10 nhà thờ được xếp vào nhà rường có 3 gian 2 chái (có 4 nhà thờ thuộc các họ chính và 6 nhà thờ thuộc các chi nhánh). Mỗi nhà thờ họ đều lưu giữ gia phả, hương án, mộc chủ của dòng họ mình, cùng với các bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng. Hàng năm, cứ đến ngày kị giỗ của Ngài Thủy tổ dòng họ, con cháu tập trung tại nhà thờ họ để cúng tế, tưởng nhớ đến công đức của Ngài. Có lẽ do yếu tố nghề nghiệp họ phải cùng nhau làm đất, chuốt gốm, dựng lò, nung lò, và mang sản phẩm gốm đi buôn bán các nơi, nên ngôi nhà, bàn thờ dòng họ, đình làng, đền miếu như là nơi thờ phụng tổ tiên, dòng tộc, quê cha đất tổ càng được cháu con giữ gìn nếp cũ. Điều này cắt nghĩa tại sao cho đến nay làng gốm Phước Tích vẫn giữ được nhiều ngôi nhà cổ kính, nhà thờ họ, đền miếu, đình chùa hơn các làng nông ngư nghiệp khác trong vùng.

Làng còn được tổ chức theo các ngõ xóm: xóm Thượng Hòa (xóm ngoài), xóm Trung Hòa (xóm giữa), xóm Hạ Hòa (xóm cuối). Trong đó, xóm giữa cồn đất nổi cao thuận lợi cho việc dựng các lò gốm, nên dân cư của xóm này có đời sống khá giả hơn các xóm khác; vì thế, dân làng thường truyền tụng câu ca:

Xóm giữa nhiều bạc, nhiều chì
Nhiều o con gái, nhiều dì hẳn hoi.


Đứng đầu mỗi xóm có trưởng xóm; ông được dân bầu lên để lo việc quản lý, điều hành công việc của xóm, như tu sửa đường sá, bến nước, lo tang ma, cưới xin...

Ngoài ra ở Phước Tích còn có các tổ chức tự quản, như xâu, phe. Xâu là tổ chức nghề nghiệp của những người cùng chung một lò gốm (thường 5 đến 7 nhà tập hợp nhau lại làm một xâu). Còn phe là một tổ chức tự quản của những người cùng địa vực cư trú (nó gần giống với tổ chức giáp theo địa vực). Ở Phước Tích có 2 phe: phe đông và phe tây. Đứng đầu mỗi phe có trưởng phe; ông có nhiệm vụ tập hợp những người trong phe để lo gách vác việc chung của làng.

4. Văn hóa vật thể đình, chùa, đền miếu, nhà rường cổ:


(Một ngôi nhà rường cổ 3 gian, 2 chái - Ảnh: phuoctich.vn)


Rất hiếm có làng nào ở miền Trung chiến tranh bom đạn cày xới cả một thời gian dài nhưng lại giữ được nét cổ kính về các công trình kiến trúc nhà cửa, đền miếu, cây cối như ngôi làng Phước Tích. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính có lý khi nói rằng: "Người ta cứ quen nghĩ những gì cổ kính, xa xưa phải nằm ở đất Bắc. Đến Phước Tích tôi thật sự sửng sốt. Nó là một cái làng cổ của người Việt có từ thế kỷ XV".(3)

Làng Phước Tích cho đến nay vẫn còn lưu giữ một di sản văn hóa vật thể cổ kính rất đồ sộ. Trong tổng số 117 nóc nhà của làng hiện vẫn còn 27 ngôi nhà cổ, đa số là nhà rường 3 gian 2 chái: 12 ngôi nhà thuộc loại có giá trị đặc biệt, 11 ngôi nhà có giá trị loại hai và 5 ngôi nhà đã hư hỏng nhiều. Điều lý thú là các ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích nằm liền nhau, chỉ cách nhau bằng những khu vuờn rộng với những hàng chè tàu xanh thẳng. Các ngôi nhà đều có tuổi thọ trên dưới 100 năm, thậm chí có vài ba ngôi nhà đã tồn tại trên dưới 200 năm.

Ngoài ra, ở đây còn có 10 ngôi nhà thờ cổ được dựng theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái và có hàng chục các đình, miếu, đền, chùa như đình làng Trung, chùa Phước Bửu Tự, miếu Cây Thị, miếu Đôi cũ, miếu Đôi mới, miếu Quảng Tế (thờ yoni và linga của người Chàm), miếu thờ bà Liễu Hạnh, miếu Âm Hồn, miếu con Cọp, miếu bà Giang (thờ người Chàm), đền Văn Thánh, Cồn Trèng và hàng chục phế tích, lò gốm khác nhau.

Điều đặc biệt là những công trình kiến trúc cổ kính ở ngôi làng Phước Tích không bị bao bọc bởi những tường gạch hun hút như ở miền Bắc, mà được hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên thơ mộng: dòng sông hiền hòa như dải lụa đào uốn lượn quanh làng, cây cối xanh tươi với những hàng chè tàu, những rặng tre, những cây cổ thụ có tuổi đời gắn với tuổi của làng.

Có thể còn nêu lên nhiều giá trị văn hóa khác của ngôi làng nhỏ Phước Tích, như cổng làng, giếng làng, bến nước làng... nhưng chỉ những điều chúng tôi đề cập ở trên cũng đủ để chứng minh rằng, Phước Tích là một ngôi làng cổ, điển hình của người Việt ở miền Trung. Trong tinh thần hướng về cội nguồn, hướng về văn hóa làng xã - nơi nuôi dưỡng văn hóa dân tộc - việc tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của ngôi làng cổ Phước Tích để từng bước tiến hành phục dựng các giá trị văn hóa đó là một việc làm vô cùng cấp thiết.

N.V.M
(187/09-04)


----------------------
1. Gia phả họ Hoàng lưu tại nhà bác Hoàng Bang ở Phước Tích.
2. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. KHXH, H.1964, tr. 79.
3. Dẫn theo Hoàng Thái Lộc, làng cổ Phước Tích là một phát hiện lớn - Báo Thừa Thiên Huế, ngày 17/5/2003.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chuyến đi (15/09/2009)