Tạp chí Sông Hương - Số 187 (tháng 9)
Hiện tượng “Harry Potter” và văn học thiếu nhi Việt Nam hôm nay
17:03 | 18/09/2009
LÊ THỊ HOÀI NAMHiện nay, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của nền Văn học thiếu nhi thế giới, Văn học trẻ em Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với sự góp mặt của nhiều cây bút đầy triển vọng và những tác phẩm được trẻ em đón đợi và tìm đọc.
Hiện tượng “Harry Potter” và văn học thiếu nhi Việt Nam hôm nay
(Ảnh: rbytes.net)

Thông thường, khi bàn đến văn học trẻ em, chúng ta không chỉ quan tâm đến tài năng của người nghệ sĩ, những định hướng về mĩ cảm, tư tưởng, tâm lí của người lớn đối với trẻ em mà như một quy luật cung cầu của thị trường, việc đánh giá đúng những biến động và chiều hướng phát triển của xã hội, sự thay đổi về tâm lí, nhận thức và nhu cầu của trẻ em cũng là một tiền đề quyết định sự thành công của bất kì tác phẩm văn học nào dành cho trẻ em trong cơ chế thị trường hiện nay. Vì vậy, việc nắm bắt những xu thế đang nổi trội trong nền văn học trẻ em thế giới nói chung và học hỏi từ những hiện tượng sách văn học trẻ em trên thế giới phải chăng cũng là một phương thức mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của Văn học thiếu nhi Việt Nam. Cần phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh toàn cầu, các rào cản về văn hoá, ngôn ngữ, tâm lí trong các loại hình nghệ thuật giữa các nước đang dần được xoá bỏ, sự giao lưu tiếp xúc, hiểu biết lẫn nhau ngày càng tăng và cùng gặp nhau ở mục tiêu hướng tới những giá trị chân, thiện, mĩ của cuộc sống. Văn học trẻ em không phải là một ngoại lệ.

Trong mấy năm gần dây, một “cơn sốt” mới đã bùng phát không chỉ ở thị trường sách Việt Nam mà còn của cả thế giới: tiểu thuyết Harry Potter của J.K.Rowling. Đây là một bộ truyện lôi cuốn độc giả (cả trẻ em và người lớn) và thành công về mặt thương mại lớn chưa từng thấy trong lịch sử văn học thiếu nhi thế giới. Đặc biệt là trong thời đại nghe nhìn và những trò chơi điện tử, văn hoá đọc đang dần bị trẻ em quên lãng thì Harry Potter đã kéo trẻ em quay trở lại với văn hoá học.

Harry Potter là một bộ tiểu thuyết 7 tập của nữ văn sĩ J.K.Rowling, một người thất nghiệp sống bằng trợ cấp ở nước Anh. Bốn tập đầu tiên đã được xuất bản là: “Harry Potter và viên đá thần kì”, Harry Potter và căn phòng bí mật, “Harry Potter và tù nhân Askaban” và “Harry Potter và mệnh lệnh Phượng hoàng”. Bộ tiểu thuyết kể về một cậu bé mồ côi con của một cặp vợ chồng nhà phù thuỷ. Cậu bị cha mẹ ghẻ bạc đãi và tình cờ phát hiện ra cậu cũng là một phù thuỷ có những khả năng phi thường. Tại trường phép thuật Hogwat, Harry Potter đã được dạy phép thuật, kết thân cùng một số bạn tại trường, cùng chiến đấu chống lại tên phù thuỷ Lord Voldemort xấu xa, kẻ đã giết hại cha mẹ của Harry Potter và đã chiến thắng. Các tập sách đã thành công vang dội và liên tục trong một thời gian dài đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy nhất của hãng Amazon.com, của Thời báo New York và giành hàng loạt giải thưởng văn học uy tín của Anh và thế giới. Bộ tiểu thuyết đã được dịch gần 30 thứ tiếng trên thế giới và bán được hàng trăm triệu bản. Các bộ phim dựa trên tiểu thuyết do hãng Time Warner sản xuất đã hoàn toàn chinh phục từ ánh mắt đến trái tim của hàng triệu trẻ em và người lớn trên thế giới. Những độc giả nhỏ tuổi thực sự sống cùng nhân vật, chăm chú theo dõi số phận của từng nhân vật, nôn nóng chờ đợi những tập tiếp theo của bộ tiểu thuyết. Ở Việt Nam, các tập tiểu thuyết đầu tiên đã được Lí Lan dịch sang tiếng Việt rất thành công và đang chiếm lĩnh thị trường văn học trẻ em trong nước. Các em nhỏ mong ngóng từng ngày, từng giờ ngày phát hành truyện và phim Harry Potter, để rồi ngồi lặng yên hàng giờ liền đọc đi, đọc lại năm bảy lần mà không biết chán. Vậy đâu là nguyên nhân thành công của bộ tiểu thuyết trẻ em này?

Còn nhớ cách đây gần 10 năm, Văn học trẻ em Việt Nam đã chứng kiến sự thành công vượt bậc của bộ tranh truyện Nhật Bản Đôrêmon của F.Fujiko. Cơn sốt Đôrêmon, với hình ảnh chú mèo máy ngộ nghĩnh thông minh và nhân vật Nobita sống động hóm hỉnh; với cốt truyện hấp dẫn, những chi tiết tâm lí thú vị và đặc biệt là sức tưởng tượng phong phú, cuốn truyện đã đưa các em vào một thế giới thấm đẫm chất thơ đầy mơ mộng. Rất nhiều bài báo và các cuộc hội thảo đã tập trung phân tích, mổ xẻ bí quyết thành công của bộ truyện tranh này nhằm tìm ra một hướng đi cho văn học trẻ em Việt Nam, lôi cuốn độc giả về cả mặt chất lượng lẫn thương mại, ngõ hầu tạo ra một cơn sốt tương tự đối với các tác phẩm văn học trẻ em của Việt Nam.

Trở lại với “Harry Potter”, về nội dung, đây là một câu chuyện được viết theo đề tài truyền thống thể hiện cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác với chiến thắng cuối cùng thuộc về cái thiện. Bối cảnh câu chuyện là trường dạy phù thuỷ Hogwarts mang dáng dấp cổ kính của châu Âu. Ở đó, cậu bé Harry Potter mảnh dẻ, thư sinh trong đôi kính cận và mái tóc ngổ ngáo, tinh nghịch đã cùng những bạn học của mình thực hành các câu thần chú và các trò ma thuật, kích thích tột độ trí tưởng tượng và sự phấn khích tò mò của người đọc nhưng không đến mức kinh dị. Ở đó, những con ma thân thiện và không thân thiện lắm cùng những con yêu tinh độc ác lang thang trong những phòng học; những chiếc gương thần, những quả cầu pha lê, chiêm tinh học và sự đầu thai, tất thảy đều hiện diện trong những cuộc phiêu lưu của các nhân vật. Đề tài không mới, nhưng truyện được đề cao bởi một cốt truyện đầy bí ẩn, kích thích cao độ trí tưởng tượng; lối hành văn giản dị, tự nhiên nhung không kém phần sinh động, vui tươi của lứa tuổi thiếu nhi. Chính những yếu tố này đã đóng vai trò quyết định làm cho Harry Potter trở thành cuốn truyện thiếu nhi best-seller thế giới. Ngoài ra, đọc Harry Potter chúng ta không chỉ thấy một thế giới toàn những chuyện hoang đường mà thông qua những yếu tố huyền ảo, những vấn đề của cuộc sống, của xã hội cũng được đề cập. Nó trả lời được  nhiều câu hỏi vì sao của trẻ và thông qua đó còn là lời giáo dục nhẹ nhàng đối với các em. Tuy nhiên, không nằm ngoài quy luật, những quyển sách được đón đọc không phải bao giờ cũng nhận được những lời khen ngợi. Nhà phê bình văn học Mĩ Harold Bloom đã xem Harry Potter là “sự túng quẫn, ồn ào, hỗn độn”, là “thứ không có giá trị”. Kết quả là ông đã nhận được 400 lá thư phản đối và chỉ có 1 thư ủng hộ ý kiến của ông. Nhưng theo Phạm Xuân Nguyên, “cái hấp dẫn của Harry Potter là ở chỗ sống ở thời đại tin học của nhân loại hiện nay nhưng tác giả đã đưa con người trở lại thế giới của phù thuỷ. Con người hiện đại tưởng như có thể chế ngự được mọi điều huyền bí, thực ra càng phát triển về trí tuệ, con người càng lo âu về lẽ huyền bí trong sự sinh tồn của mình. Đồng thời, cuộc sống con người nếu chỉ trần trụi mất hết mọi điều bí ẩn thiêng liêng thì lại là điều chán ngắt khủng khiếp, Văn học phải che chở con người trong nỗi huyền bí ấy”. Lại cũng có ý kiến cho rằng, việc gần đây Văn học phương Tây xuất hiện xu hướng “thần bí” đã phản ánh phần nào những bất ổn của xã hội và cảm giác mất an toàn của cá nhân trong xã hội; đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang phải đương đầu với nạn khủng bố sau sự kiến 11/9 ở Mĩ. Con người sống trong xã hội hậu hiện đại đang cảm thấy cái xấu và cái tốt đan xen lẫn lộn, cái tốt nhiều khi bất lực trước cái xấu và con người càng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Điều này, có lẽ cả người lớn và trẻ em đều tìm được câu trả lời trong bộ tiểu thuyết này và vững tin hơn vào chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về cái thiện. Đây cũng chính là yếu tố thời sự trong văn học trẻ em, phản ánh những trăn trở của xã hội và góp phần định hướng và giáo dục trẻ.

Bên cạnh những yếu tố góp phần vào thành công vang dội của tập truyện, Harry Potter cũng bộc lộ những hạn chế của nó. Trong truyện, trẻ em đôi khi không tuân thủ những quy tắc của học đường, biết nói dối và còn chơi khăm cả thầy giáo. Đối với Harry Potter, phép thuật thật dễ học và vui nhộn như bay bằng chổi và dùng đũa thần, điều đó dễ dẫn tới sự hoang tưởng, ma thuật. Ở một số đoạn, cái ác cũng được tác giả mô tả rất tử tế, thông minh tài giỏi hơn cái thiện, điều này dễ tạo nên một nhân sinh quan và một thế giới quan sai lệch của trẻ.

Hiện nay, lí giải vì sao các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi của ta chưa được trẻ em đón nhận và chưa hoà nhập được vào cơ chế thị trường, nhiều nhà phê bình đã nhận xét, người viết còn thiên về cái thật, về cái trông thấy được, cái phải giải thích được bằng lí lẽ. Về hình thức, thường chú trọng một vài thủ pháp miêu tả và bình thường là mô phỏng cách viết cho người lớn. Tuy nhiên, trong các cuộc vận động sáng tác viết cho thiếu nhi gần đây, một số cây bút trẻ đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị được cả trẻ em và người lớn đón nhận nồng nhiệt. Trong số đó phải kể đến hiện tượng Nguyễn Ngọc Thuần với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (giải A của báo Tuổi trẻ và NXB Trẻ 2001 - 2002), Một thiên nằm mộng (Giải A của NXB Kim Đồng, 6-2003). Thử so sánh những tác phẩm này với Harry Potter, những tác phẩm ở cách rất xa nhau về mặt địa lí, phong cách viết cũng hoàn toàn khác nhau nhưng người đọc lại nhận ra một nét tương đồng ở lối viết mộng mị, lãng mạn; ở đó, người viết đã chứng tỏ được sự kì diệu của tưởng tượng, khả năng chính phục của tưởng tượng, vì vậy “nó đã chạm tới được cái bí ẩn mộng mơ của cõi trời đất, cõi con người”. Đấy có lẽ là điều mà những người cầm bút viết cho thiếu nhi cần phải suy ngẫm nếu muốn kéo dài cuộc đối thoại với trẻ thơ  và cho ra đời “cơn sốt”, những “hiện tượng” tương tự như Harry Potter. Có như vậy, Văn học thiếu nhi Việt Nam mới được trẻ em đón nhận và hi vọng có chỗ đứng trong cơ chế thị trường.

L.T.H.N
(187/09-04)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chuyến đi (15/09/2009)