Tôi đã được đọc khá nhiều thơ của các nhà thơ quân đội, nhưng Phạm Sĩ Sáu viết cho đồng đội và cho chính mình theo tôi là một cung bậc khác, một giọng điệu khác hẳn, và cách lập ngôn cũng hoàn toàn khác: Quê hương thì nhiều Nhưng địa chỉ là một Hỡi những người con gái mang trong tim mình địa chỉ hòm thư (Hòm thư chúng tôi thành phố Hồ Chí Minh) Đất nước mình: hoà bình và súng nổ Ở mặt trận nào cũng cần có lòng tin (Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ)
Đến “Hành khúc Tráng sĩ” - một cách “nhại” Tống Biệt Hành của Thâm Tâm - hình thức không mới, hình như trước anh cũng đã có người làm, nhưng: Sông Dịch nào rộng bằng sông Mê Kông Sóng Mê Kông sao bằng sóng ở trong lòng (…) Tráng sĩ chừ học tiếng Khơ me Lắp bắp dăm câu: ô-rơ-cun, Thamêch (…) Tráng sĩ lội sông, tráng sĩ làm cầu Tráng sĩ gặt lúa đồng bằng, mót củi rừng sâu Tráng sĩ đi là đi tình nguyện…
Thì chỉ có Phạm Sĩ Sáu đến tháng 3.1981 mới viết được những câu thơ như thế, và cũng chính Phạm Sĩ Sáu đến tháng 12.1984 mới viết câu thơ: Đi giữ nước mà mang trong lòng - nhớ nước (Trước đền Angkor Wat)
Ngày xưa ông cha ta những lần đi làm sứ đã từng viết những bài thơ nhớ nước nhớ nhà đến nao lòng, hoặc như Tế Hanh: Anh xa nước nên yêu thêm nước (Bài thơ tình ở Hàng Châu - 1956) Cho thấy nỗi nhớ nước của những chàng trai Việt đi giữ nước ở chiến trường xa càng nhức nhối, da diết xiết bao!
Thói thường người ra trận chiến đấu, tối đâu là nhà, ngả đâu là giường! Cha mẹ của ai cũng thành cha mẹ của mình, anh chị em ruột thịt của ai cũng thành anh chị em ruột thịt của mình, quê hương của ai cũng là quê hương của mình… Nhưng những chàng trai nước Việt những năm 1979-1989 đi chiến đấu giữ nước mà ở trên quê hương của ai chứ không phải quê hương mình, cha mẹ anh chị em ruột thịt của ai chứ không phải của mình và kỷ luật thép không cho phép anh để mắt vương vấn tình trai với những cô gái bản xứ dẫu các cô nàng có vì niềm khâm phục và lòng biết ơn cứu tử sâu sắc mà chân thành dâng tặng trái tim cho anh… Và trong điều kiện đó, kỷ luật quân đội buộc anh phải đối xử với các bậc cao niên như đối với cha mẹ của mình, với những thanh niên phụ nữ thiếu nhi ở đấy như đối với những người anh chị em ruột thịt của mình, phải hết lòng chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ họ, không cho bọn tàn quân polpôt lẻn vào gây đau thương mất mát cho họ một lần nữa, nếu có mất mát thì chính các anh phải hứng chịu đầu tiên:
Ở trong dân cũng nhiều lần máu đổ Vã mồ hôi và thao thức những đêm dài (…) Nhà thiếu đàn ông, đồng xanh cỏ mọc Chặt cây, đánh tranh, dựng lớp, đắp đường
Tiêu chuẩn gạo mỗi ngày bớt một nửa - nhường cơm vào rừng sâu tìm giúp dân đàn trâu bò quên ngõ (…) Học đi những đường cày, học đánh xe trâu Gặp nhà sư phải biết cách cúi chào Lên nhà sàn không xoa đầu trẻ nít Cuộc sống mỗi ngày như sách lần trang Có ngày không kịp nói một câu tiếng Việt… (Kỷ niệm về dân)
Phạm Sĩ Sáu đã nói hộ cho bao đồng đội cùng một thời với anh đi đánh đuổi bọn giặc đến quấy nhiễu ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc, thừa thắng các anh truy quét chúng đến tận sào huyệt - nơi bọn diệt chủng Polpôt đang tận diệt đồng chủng của chính mình. Bao chàng trai nước Việt đã ngã xuống trên trận tuyến đó, họ hầu hết còn rất trẻ, nhiều người trong họ chưa từng được biết làn môi của một người con gái: Dẫu có đứa chưa từng ôm một người con gái Chưa từng yêu nên nói chuyện tình yêu: nói đại (…)
Bị phát hiện bèn mở miệng cười khà: - Tao không biết thì rồi tao sẽ biết. Và… mày hy sinh không còn thời gian để biết. (Điểm danh đồng đội)
Chúng ta từng gọi đội quân tình nguyện Việt Nam một thời trên nước bạn là những người lính tiên phong đi làm lại cuộc cách mạng bị phản bội, là đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, là đi giúp một dân tộc thoát khỏi bàn tay của bọn đao phủ diệt chủng, là đi bảo vệ nước ở nơi xa nước…. Tất cả những cách gọi cách nói ấy, cách nào cũng đúng cả, và nếu gộp tất cả những cách gọi cách nói ấy lại thì càng đúng hơn, và chỉ có thể làm như thế mới thấy hết được vinh dự và trách nhiệm nặng nề đặt lên vai những chàng trai Việt thuở ấy, mới cảm nhận được nỗi niềm đau đáu nhớ nước khôn nguôi, bởi chung quanh họ lúc nầy bầu trời mặt đất ngôn ngữ tập quán đều xa lạ:
Giữ nước từ xa, trời đất lạ (Ở đỉnh 400) Đất trời Cămpuchia hai mùa đều nghịch Khô đến cháy rừng và mưa đến thối cây Từ Nimít chúng tôi vào PhnômMêlai Nơi rừng độc voi quay đầu trở lại Rừng mênh mông mà mọi con đường đều giăng đầy mìn bẫy
Xoi mở đường - lính trinh sát bộ binh Rừng đón chúng tôi bằng cơn sốt triền miên Sốt rét quật trăm người không chừa một Đi lấy nước, ngồi đáy giếng sâu hứng chờ từng giọt Một giọt rơi ra đều gợi được một nét cười (…) Hạt nước mang lên với đồng đội chốt điểm cao Đều thấm máu bao bạn bè vận tải
Hy sinh, gian khổ, tận cùng gian khổ vẫn giữ được nụ cười trên môi, vẫn hăng hái tiến lên các cứ điểm mới:
Đồng đội tôi đã đi cùng cơn khát (Trước đền Angkor Wat) Giữa cái nắng như thiêu thèm một chùm me đất Me hái được rồi mà bạn có còn đâu (Chia tay đồng đội) Những Dũng những Hoàng những Trí những Sinh… Chắc các bạn chưa yên lòng nhắm mắt Biên giới quê hương vẫn thập thò bóng giặc Thắp trong lòng chúng tôi ngọn lửa những đồng đội đi xa (Chia tay đồng đội)
Thơ Phạm Sĩ Sáu thống thiết gọi tên những đồng đội đã ngã xuống và những đồng đội còn lại đi tiếp chặng đường, vừa mang theo trong tim ngọn lửa nhiệt tình hừng hực của người đã khuất. Chưa có phù điêu tạc dáng những chàng trai Đi giữ nước mà mang trong lòng - nhớ nước Bao thế hệ hành quân ra phía trước Có thế hệ nào giữ nước từ xa không? Câu hỏi làm tôi thổn thức nỗi lòng. (Trước đền Angkor Wat)
Trong nỗi niềm đó cái thường trực trong tim những người lính ra trận còn có bóng dáng những người thân yêu nhất: cha mẹ vợ con và người yêu – nên nỗi nhớ nước nhớ nhà càng da diết hơn: Ở núi nhớ sông Ở rừng nhớ biển Ở nơi đâu cũng thấy nhớ nhà Thằng Dần nhớ con đôi mắt trũng sâu Thằng Huy nhớ vợ đêm ôm chầm đồng đội (Chia tay đồng đội)
Nhớ nhung đầy ắp vậy nhưng khi xung trận tâm thế anh bộ đội Việt Nam nhự tựa lông hồng: Nói với nhau có câu chữ nào kiêng Khi xuất kích nhắc nhau làm di chúc Có bà chị, cô em nào nhớ khai cho nghiêm túc Để rủi mà… còn chăm sóc đến nơi Ôi! bọn chúng ta những thằng không cần văn tự cũng bán trời Nói là bán chứ muốn mua tất cả Sẵn sàng đem sinh mạng ra trả giá Để tổ quốc thân yêu mãi mãi hoà bình (Chia tay đồng đội)
Mục đích của người ra trận rõ ràng đến mức không thể nào rõ hơn. Và điều họ tếu táo với nhau đã trở thành sự thật, nhưng họ không chỉ để lại những người chị, người em gái mà còn để lại người yêu. Sao bạn không về nữa, Sơn ơi?! (…) Khi nhận tin bạn hy sinh lòng tôi như có lửa Sẽ nói như thế nào cho Loan hiểu hả Sơn? (Một bài thơ tặng bạn, Sơn ơi)
Thật không mới mẻ gì khi nhắc đến nỗi đau của những goá phụ ở một đất nước có bao nhiêu năm dựng nước thì có bấy nhiêu cuộc chiến tranh, nhưng ở cái mốc lịch sử 30.04.1975 nhiều người đã thở phào mà nghĩ rằng rồi đây sẽ không còn cảnh sinh ly tử biệt vì chiến tranh nữa (!). Nhưng chỉ vài năm sau đó những cô gái Việt Nam phải nén lòng hát bài ca “Em vẫn đợi: (theo ý thơ của K.Simônôp) và năm 1986 Phạm Sĩ Sáu viết:
Ai đã một lần làm vợ người đi giữ nước Mới hiểu cơn đau ngầm goá phụ trẻ đơn côi Những Loan, Vân, Điệp, Mỵ, Hạnh, Khôi… Xót xa ấy làm sao chúng tôi chia sẻ được Chỉ báo tin thôi con nước cũng tràn bờ.
Rồi Phạm Sĩ Sáu nhức nhối thốt kêu: Thành phố mình dư nhiều bài hát bâng quơ Mà thiếu một khúc ca vinh danh người quả phụ (Trường ca ra đi từ thành phố)
Chẳng cần bình luận gì thêm. Cảm ơn người thơ chiến sĩ Phạm Sĩ Sáu, anh đã nói hộ bao điều cần nói cho những đồng đội đã ngã xuống, cho những người trở về không lành lặn, và những người lành lặn bên ngoài nhưng tâm hồn đầy thương tích - như những vết thương không bao giờ lành trong trái tim của những người quả phụ; còn với riêng tôi Phạm Sĩ Sáu là một đồng đội đặc biệt. Trước hết là vì anh với tôi cùng một số văn nghệ sĩ khác đã viết về những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trên nước bạn, viết về Cămpuchia hồi sinh sau họa diệt chủng của Polpôt, và viết về tội ác của tập đoàn Polpôt. Có thể nói chúng tôi cùng đi ra mặt trận phía Tây Nam một lúc, nhưng lúc bấy giờ với tư cách người chiến sĩ cầm súng trực tiếp chiến đấu, Phạm Sĩ Sáu phải đi lên phía trước, phải đóng quân và chuyển quân qua nhiều cứ điểm, còn tôi chủ yếu bám sát Siêmriệp Ôtđômiênchay và những địa phương hai bên trục quốc lộ 6 và quốc lộ 5. Đó là những nơi mà Phạm Sĩ Sáu đã từng qua, những ngày chúng tôi không gặp nhau. Tôi không ở trong quân ngũ, nhưng ngày đó cũng mấy lần suýt mất mạng. Nếu điều không may ấy xảy ra thì giờ đây tôi không được viết những dòng nầy về Phạm Sĩ Sáu, cả Phạm Sĩ Sáu nếu không may mắn được sống sót thì giờ đây không biết ai sẽ viết “Khúc ca đồng đội”? Ai sẽ đọc với ai? Và ai khóc cùng ai? Cũng nên mở ngoặc một chút rằng từ sau ngày 26.9.1989 khi người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam cuối cùng rời khỏi Cămpuchia để trở về nước của mình thì Phạm Sĩ Sáu đã ba lần trở lại Cămpuchia với tư cách hướng dẫn viên du lịch, lần gần đây tháng 2.2009 anh đến dự hội nghị nhà văn ba nước Đông Dương và nhận giải thưởng văn học Sông MêKông. Phát biểu sau lúc nhận giải Phạm Sĩ Sáu đã khóc vì nhớ thương đồng đội của mình. Giáo sư triết học Khieu Kosal ngồi cạnh tôi trong hội trường cũng bật khóc. Khieu Kosal được thoát chết nhờ bộ đội Việt Nam kịp đến giải phóng, còn mẹ và em trai ông đã không đợi được đến thời điểm đó. Lúc nầy thì tôi có thể lý giải được vì sao tôi không cầm được nước mắt khi nhìn thấy Phạm Sĩ Sáu đọc khúc ca đồng đội bên bờ Sông MêKông. Ngày ấy chúng tôi nuốt nước mắt vào trong khi vuốt mắt cho đồng đội để giờ đây cùng vỡ oà trong niềm hạnh phúc họp mặt mà thiếu mất những đồng đội thân yêu!
Mỗi nhà văn có một quê hương để sống và viết, một mảnh đất tình người để khai thác suốt đời văn. Với Phạm Sĩ Sáu mảnh đất tình người ấy là biên giới Tây Nam, là Cămpuchia những ngày còn bóng giặc, là tình đồng đội thắm thiết như màu cờ Tổ quốc, như màu hoa khiến anh và đồng đội sững sờ khi chợt bắt gặp trước lúc vào trận: Trên đường ra cứ Âm-pin Cơn khát chực chờ gõ cửa Giữa nắng bốn bề trút lửa Một chùm hoa đỏ lung linh Đồng đội tôi mải mê nhìn Màu đỏ, đỏ như thôi thúc (…) Có một phút giây bình yên Trước giờ bước vào trận đánh Mỗi người cảm thấy bên cạnh Hoa đỏ nhìn mình trang nghiêm.
H.K.L (246/08-09)
-------------------- (1) Thơ Phạm Sĩ Sáu - Nhà xuất bản Trẻ 2008.
|