RA ĐẢO Cuối tháng 4 vừa qua, tôi có chuyến đi Côn Đảo vô cùng ấn tượng. Từ cảng Vũng Tàu, mua vé khứ hồi giường nằm tàu thủy 300 ngàn đồng, xuống tàu 09 lúc 5 giờ chiều, tàu chạy đến sáng hôm mới đến Bến Đầm cách Thị trấn Côn Đảo 12 km. Từ Vũng Tàu ra Côn Đảo 97 hải lý (179 km) mà tàu đi suốt đêm, chậm thật. Đêm sóng to nên tàu lắc mạnh. Nhiều người say sóng nôn ra mật xanh mật vàng. Tôi lên boong tàu nhìn biển, nhìn trời. Biển đêm đen đặc. Xa xa những ngọn đèn của tàu đánh cá như con mắt tìm bạn, nhấp nháy. Tàu trưởng tàu 09, giọng Hà Tĩnh cho biết. Huyện Côn Đảo mới sắm 2 chiếc tàu trọng tải 1000 tấn này, hết hơn 25 tỷ đồng để làm cầu nối với đất liền. Cứ hai ngày tàu, có khi 3 ngày một chuyến ra vô. Mỗi tàu có 150 - 200 giường nằm (gường nệm 2 tầng đóng bằng gỗ, phòng điều hòa nhiệt độ), ngoài ra còn có một phòng ghế ngồi mềm. Mấy năm trước đi Tàu Bến Đầm 6, tàu nhỏ nên gió cấp 4 cấp 5 là không đi được. Các thủy thủ cho rằng, đi tàu thủy ra Côn Đảo thích hơn đi tàu bay trực thăng. Tàu bay trực thăng của Công ty Bay Dầu khí một tuần ra Côn Đảo 3 chuyến. Chỉ chưa đầy 200 cây số bay mà giá vé vé khứ hồi một triệu đồng, đắt gấp đôi giá bay nội địa. Những năm không có tàu bay trực thăng ra đảo, tất cả vận chuyển với đất liền đều dùng tàu thủy loại nhỏ, nên khi sóng lớn, hay mùa biển động là không đi được. Có lúc 4 tháng trời đảo cách ly với đất liền. Báo chí ra tới nơi phải cả tháng. Dân Côn Đảo rất khát khao đất liền. Họ kể rằng, mấy năm trước, hồi Cầu Tàu 914 còn đang sử dụng, mỗi lần tàu ra đảo, một nửa dân số của đảo ra đón, khi tàu vào, lại một nửa dân số ra tiễn! Thật xúc động!
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi ra Côn Đảo. Có rất nhiều chuyện mới mẻ. Lâu nay tôi cứ nghĩ Côn Lôn là một hòn đảo. Ra đến đây tôi mới biết Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ, trong đó Côn Đảo là đảo lớn nhất có hình dạng như một con Gấu lớn quay lưng về phía đất liền, có chiều dài 15 km, chiều ngang chỗ rộng nhất 9 km, chỗ hẹp nhất 1 km. Diện tích Côn Đảo 51,520 Km2, chiếm hai phần ba tổng diện tích cả quần đảo. Đảo Hòn Bà (tức Côn Lôn nhỏ) tiếp giáp với Côn Đảo về phía Tây Nam, giữa 2 đảo có một khe biển rộng 20 mét, rất sâu, kín gió, gọi là Họng Đầm. Một cảng biển vừa được xây dựng ở đây được gọi là Cảng Bến Đầm, nơi con tàu đưa chúng tôi cập bến. Sở dĩ gọi Hòn Bà là do truyền thuyết kể rằng năm 1784, Nguyễn Ánh trong khi chạy trốn Tây Sơn đã giam người vợ trẻ của mình là thứ phi Hoàng Phi Yến (tên thật là Lê Thị Răm) trong một hang đá trên hòn đảo này vì bà này chống lại việc cầu viện ngoại bang của chồng. Nguyễn Ánh nghe tin quân Tây Sơn đuổi tiếp, vội vàng rời đảo. Khi thuyền rời bến, hoàng tử Hội An, tục gọi là Hoàng tử Cải, con bà Phi Yến, lúc đó mới 5 tuổi, không thấy mẹ bên cạnh, nghe mọi người nói cho biết mẹ đang bị giam thì cậu bé khóc rống lên, muốn sống chết cùng với mẹ. Nguyễn Anh tức giận ra lệnh ném con mình xuống biển! Nên người làng Cỏ Ống thời bấy giờ đặt câu ca: Gió đưa cây CẢI về trời. Rau RĂM ở lại chịu lời đắng cay (Răm là tên Mẹ, Cải tên con). Bây giờ ở Cỏ Ống có miếu Cậu thờ Hoàng tử Cải và đền thờ Bà Phi Yến gọi là An Sơn Miếu. Ngày 18 tháng 10 âm lịch giỗ Bà, là một trong 4 cái giỗ lớn nhất ở Côn Đảo: giỗ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, giỗ đ/c Lê Hồng Phong, giỗ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và giỗ bà Hoàng Phi Yến.
Ngoài Côn Đảo, Hòn Bà, quần đảo còn có những đảo: Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Bông Lan, Hòn Vung, Hòn Trọc, Hòn Trứng, Hòn Tài Lớn, Hòn Tài nhỏ, Hòn Trác Lớn, Hòn Trác nhỏ, Hòn Tre lớn, Hòn Tre nhỏ. Xa nhất là Hòn Anh, Hòn Em cách đảo Côn Lôn gần 50 cây số. Trước năm 1975, ngoài hệ thống nhà tù ở Côn Đảo, Pháp và Mỹ còn biệt giam một số tù nhân chính trị ở như đồng chí Phạm Văn Đồng bị giam ở đảo Hòn Cau 1930- 1931; đồng chí Lê Duẩn bị đày ải làm khổ sai ở đảo Hòn Tre... Hiện nay dân huyện Côn Đảo tập trung chủ yếu ở đảo Côn Lôn, còn ở Hòn Tre lớn có một Trại chăm sóc rùa biển (con Vích) do Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới tài trợ. Ở đây có hàng ngàn con vích khổng lồ. Ở hòn Bảy Cạnh, cách Côn Lôn 7 km về phía Đông Nam có ngọn hải đăng Pháp xây dựng từ năm 1883, hiện nay ngọn hải đăng này vẫn đang hoạt động với tầm bán kính 72 km hướng dẫn tàu thuyền đi lại gần vùng biển Côn Đảo.
Côn Đảo có vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu-Á. Nên các nhà buôn phương Tây biết Côn Đảo từ rất sớm. Năm 1294, một đoàn thuyền thám hiểm Ý gồm 14 chiếc trên đường từ Trung Hoa về nước đã bị bão nhấn chìm 8 chiếc, số còn lại dạt vào Côn Đảo. Từ thế kỷ XV-XVI, nhiều đoàn du hành của Châu Âu đã đến Côn Đảo. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, nhiều lần các công ty Đông - Ấn của Anh, Pháp cho người tới Côn Đảo điều tra, dò xét. Năm 1702, đời Chúa Nguyễn Phúc Chu, Công ty Đông -Ấn của Anh ngang nhiên đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài, cột cờ. Ngày 3-2-1705, trước sự tấn công của nhà Nguyễn, đoàn quân Anh phải rời bỏ Côn Đảo. 10 giờ sáng ngày 28-11-1861, Bonard (thủy sư đô đốc Pháp) hạ lệnh cho tàu Nogazaray xâm chiếm Côn Đảo. Tháng 3 - 1862 tàu Echo (Pháp) chở 50 tù nhân đầu tiên ra đảo, mở đầu cho 113 năm Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian” của thế kỷ!.
Côn Đảo là Đảo Tù. Côn Đảo nổi tiếng với hệ thống nhà tù gồm 127 phòng giam, 42 xà lim, 504 phòng biệt lập như Chuồng Bò, Chuồng Cọp thời Pháp, Chuồng Cọp thời Mỹ...và 18 Sở tù quản lý để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai, tạo nên những di tích rùng rợn oan hồn như Cầu Ma Thiên Lãnh, Cầu tàu 914 (có 914 người chết khi xây dựng cầu tàu này), Nghĩa trang Hàng Dương,.v.v..Điều rất mỉa mai, là các nhà lao, chuồng cọp... ấy, thời Mỹ- Ngụy lại được mang những cái tên rất hoa mỹ: Trại Phú Hải, Phú Sơn, Nhân Vị,Bác Ai, Phú Thọ, Phú Tường...Vâng, đó là bản chất của sự khốn nạn! 113 năm ở Đảo Tù Côn Đảo có 20.000 tù nhân bị giết, trong đó chỉ có 1907 người có mộ, trong số mộ chỉ có 702 ngôi mộ có tên! Nghĩa là ở Côn Đảo tử tù chết chồng lên nhau, bất cứ một tấc đất nào cũng có hài cốt người tù. Ở Côn Đảo, tù nhân không chỉ là người yêu nước Việt Nam nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân... Và các lãnh tụ Cộng sản như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh.v.v.. Mà danh sách tù lưu ở Bảo tàng Di tích Côn Đảo còn có tới 3 nhà sư: Đó là Đại Đức Thích Thành Tuệ, Thượng tọa Thích Trí Thiện, Hòa Thượng Nguyễn Văn Đồng (nhà sư không chịu khai Pháp danh) bị nghi là theo Cộng Sản, bị bắt đày ra Côn Đảo năm 1970- 1971. Các nhà sư này cũng gửi lại nắm xương trên đất Côn Lôn! Tù khổ sai còn có một người Hoàng Tộc yêu nước, tên là Nguyễn Phước Bửu Đình. Ông viết báo, viết văn. Năm 1926, Bửu Đình vận động bãi công, diễn thuyết kêu gọi sinh viên Huế chống Pháp. Ông bị bắt và đày ra Côn Đảo. Ở Côn Đảo ông đã viết tiểu thuyết “Mảnh trăng thu” gửi về đất liền. Năm 1930 ông vượt ngục lần thứ nhất không thành. Tháng 10/1931 ông vượt ngục lần thư hai, xuất phát từ đảo Hòn Tre lớn. Trước khi ra khỏi Đảo, ông gửi lại bài thơ bỡn cợt chúa đảo Bowvier (gọi là Bu-vê): Mấy lời nhắn nhủ chú Bu-vê/Đó ở đây đi thẳng một bề... Vài tháng sau, Bảo Đại gửi “Thánh chỉ” ra Côn Đảo ân xá cho Bửu Đình. Rất tiếc là ông đã mất tích giữa biển khơi!
Trong danh sách tù Côn Đảo năm 1881 còn có 72 người Trung Hoa, 22 người Khmer. Năm 1948 có 63 từ án tử hình và 69 tù binh người Nhật Bản bị lưu đày. Hai Người Nhật Bản đã chết ở đây. Từ năm 1947- 1950, nhiều người yêu nước Lào, Thái Lan, Cămpuchia, Quảng Châu Loan (Tô giới Pháp) cũng bị đày ra và bỏ thây ở Côn Đảo. Thì ra Côn Đảo là nhà tù quốc tế!
Mỗi di tích lịch sử ở Côn Đảo ẩn chứa nhiều câu chuyện xương máu linh thiêng, bi thương và cảm động, nhiều sự tích anh hùng có thể kể lại bằng thiên tiểu thuyết đồ sộ. Như chuyện một người bạn tù trao áo cho bạn tù của mình là đồng chí Lê Duẩn trước khi ra trường bắn, để đồng đội mình chống lại cái rét cắt xương trong chuồng cọp! Câu chuyện đó đã được nhà điêu khắc Lưu Thanh Danh dựng thành bức tượng “Trao áo” tại nghĩa trang Hàng Dương. Rồi chuyện anh hùng liệt sĩ Võ Thị SÁu, người con gái Đất Đỏ nay đã trở thành Bà Sáu linh thiêng. Chuyện ở Bến Đầm, những người tù xuất thân từ thợ mỏ Hòn Gai- Cẩm Phả đã thiết kế hai căn hầm bí mật theo kiểu hầm lò ngay dưới nền trại giam ở Bến Đầm. Họ khóet đất bằng môi múc cơm, đựng đất trong ống quần, vạt áo mà chuyển ra ngoài, rút gỗ từ sạp nằm để chèn, chống, suốt đêm này qua đêm khác, và cuối cùng họ có được hai căn hầm bí mật, đủ dài, đủ rộng để đóng ra 5 con thuyền vượt biển. Vào lúc 11 giờ trưa ngày 12 tháng 12 năm 1952, 5 chiếc thuyền khung gỗ, ốp những tấm mây đan quét sơn được hạ thủy tại Bến Đầm. Thật là một kỳ tích. Chuyến vượt biển ấy bị lộ, tàu Pháp đuổi theo ra khơi bắt lại 117 người, còn 81 nguười khác đã không trở về. Cho đến bây giờ không ai biết họ đã khái thác và vận chuyển gỗ, mây, sơn... về hầm bí mật để đóng thuyền như thế nào! Năm 1996, cụ Nguyễn Văn Họa, người tổ trưởng tổ đào hầm để đóng thuyền dạo ấy cùng Đoàn tù chính trị Côn Đảo tỉnh Quảng Ninh đã trở lại xác định dấu vết căn hầm và dựng tấm bia tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc “Vượt Côn Đảo” không thành ấy. Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trong những năm bị tù, làm khổ sai thợ máy ở Sở Lưới Côn Đảo đã gửi qua “hộp thư” là gốc cây, khe đá từng lọ mắm tép nho nhỏ, từng lon cá vụn kho mặn cho các đồng chí mình bị tù.v.v...Ôi, Côn Đảo, một trường học cách mạng, trường học về tình đồng chí!
CHUYỆN HỒN THIÊNG CHỊ SÁU
Hình ảnh người con gái anh hùng Đất Đỏ Võ Thị Sáu ai ai cũng biết. Chị Sáu sinh năm 1933 tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Long Đất. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Tết Canh Dần (1950), Võ Thị Sáu tình nguyện tìm diệt bọn ác ôn chuyên vào chợ Đất Đỏ quê chị để cướp bóc. Diệt được bọn ác ôn này, nhưng Sáu lại bị bọn ác ôn khác đuổi theo, bắt được. Tháng 4- 1950, Võ thị Sáu bị giam ở khám Chí Hòa. Bọn Pháp mở phiên tòa xử chị “án tử hình” khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên chúng đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết. Bốn giờ sáng ngày 21-1-1952, tàu chở Võ Thị Sáu cùng với 40 tù chính trị và 3 tử tù nữa vượt biển ra Côn Đảo. Ngày 23-1-1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt, cất cao tiếng hát “Tiến quân ca”: Đoàn quân Việt nam đi. Sao vàng phất phới... Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!
(Minh họa: Đặng Mậu Tựu)
Bảy tên đao phủ đứng cách chị vài mét, đồng loạt nổ súng, nhưng chị không chết. Vì bọn đao phủ bị hoảng loạn, run rẩy trước ánh mắt nhìn của chị Sáu.Tên đội lê dương tức giận rút súng ngắn tiến lại, dí tận mang tai chị bóp cò. Đó là 7 giờ sáng ngày 23-1-1952, Võ Thị Sáu tròn mười bảy tuổi!
Đã 52 năm kể từ ngày Võ Thị Sáu hy sinh, tên chị đã thành tên nhiều đường phố, trường học ở rất nhiều thành phố, thị xã trong cả nước. Chị đã bất tử đi vào thơ ca, âm nhạc, điêu khắc. Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven đường / Cài lên mái tóc rối tung / Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê... (PQ). Năm 1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thị trấn Đất Đỏ, đã dựng tượng Võ Thị Sáu cao 6 mét. Ở Côn Đảo, mộ chị SÁu ở Khu B được xây lại đàng hoàng hơn. Huyện Côn Đảo cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong một khuôn viên rộng, kề bên núi và biển.
Tôi đã về Đất Đỏ, ra Côn Đảo, đến nghĩa trang Hàng Dương, Nhà tưởng niệm thắp hương vái chị Sáu. Ở những nơi này, tôi nghe được nhiều câu chuyện huyền thoại về chị Sáu mà trước đây chưa từng được nghe. Những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn, nhưng ẩn chứa một sự ngưỡng mộ, tôn thờ theo truyền thống Á Đông đối với những người anh hùng vì dân vì nước!
Ở tượng đài Võ Thị Sáu ở Đất Đỏ, lư hương khi nào cũng có những nén hương mới thắp, khói nghi ngút suốt ngày. Ở Côn Đảo, mộ chị Sáu ngày nào cũng có người đến thắp nhang. Bà con ở chợ Côn Đảo kể rằng, trước khi đi “ăn hàng” ở đất liền phải ra vái xin chị Sáu phù hộ. Anh Bảy Oanh, một cựu tù Côn Đảo hiện là Trưởng Ban quản lý Di tích Côn Đảo kể, ở Đảo bây giờ, nam nữ thanh niên trước khi làm đám cưới thường ra Hàng Dương viếng mộ chị Sáu. Họ thắp hương, cúng gương lược, rồi lầm rầm khấn vái mong chị phù hộ cho. Hiện vẫn con vài chục gia đình công chức, gác ngục thời ấy ở lại Côn Đảo, trong nhà họ đều có bàn thờ Chị Sáu. Chị Sáu đối với họ như thần hộ mệnh! Bà con gọi chị Sáu là Cô Sáu hoặc Bà Sáu. Khi thề bồi thì người ta nói: “Thề có Cô Sáu chứng giám”. Khi mắng nhau, thì bảo: “Cô Sáu vặn cổ mày đi”! Ngày 23-1 hàng năm là ngày giỗ chị Sáu. Đây là ngày giỗ rất lớn ở Côn Đảo mà Nhà nước và nhân dân đều cùng tổ chức. Ngày giỗ, nhiều người nấu cúng ở nhà. Nhiều người mang lễ vật, hoa quả, hương đèn ra Nhà tưởng niệm. Nhiều người ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp..., dù phải vượt biển, vẫn ra Côn Đảo giỗ chị Sáu.
Trong nhà tưởng niệm, bàn thờ chị Sáu nghi ngút khói hương. Tôi thấy, ấn tượng nhất là tủ lễ vật bà con cúng giỗ chị từ nhiều năm qua. Cái tủ kính cao to treo hàng mấy chục bộ quần áo dài thiếu nữ. Áo quần đủ màu trắng, xanh, tím hoa cà. Những bộ quần áo thiếu nữ ấy để Cô Sáu mặc nơi chín suối. Một người dân bảo với tôi “Vì bà Sáu mất khi còn trinh nữ, lại bị kẻ ác giết oan, nên rất linh thiêng, ai ăn ở hiền lành thì chị phù hộ, ai ác độc thì chị vặn cổ!”. Trong tủ còn có cái hộp đựng đồ trang sức đầy ắp, nào dây chuyền, bông tai, nhẫn vàng... Người ta cúng để Cô Sáu làm trang sức. Tôi hỏi cô hướng dẫn di tích Thanh Vân: “Dây chuyền, hoa tai này là vàng thật hay giả?”. Thanh Vân trừng mắt: “Thật chứ làm sao giả được. Giả là Cô Sáu vật chết ngay à!”.
Những huyền thoại Võ Thị Sáu linh thiêng không phải bây giờ mới có, mà đã có ngay từ khi cô nằm xuống trên đất Hàng Dương 52 năm trước. Thanh Vân kể, ngày trước, trước mộ chị Sáu có một cây dương già bị khô phần ngọn. Chỉ còn gốc cây và một nhánh dương tươi tốt vươn thẳng về phía Bắc. Người ta bảo đó là Hồn chị Sáu hướng về miền Bắc, về Bác Hồ. Người dân Côn Đảo đã từng nhìn thấy chị Sáu bước ra từ cây Dương mỗi tối. Chị mặc áo dài trắng, lướt qua từng đường phố, hiện lên trước cửa từng nhà. Sau khi giám sát mọi việc thiện ác trên đảo, Cô Sáu lại trở về biến hình vào cây Dương khi trời chưa sáng. Đó cũng là mọi người thức dậy, đến nghĩa trang Hàng Dương, thắp hương, cắm hoa trước mộ chị trước khi đi làm việc.
Ngay tấm bia mộ chị Sáu cũng có nhiều huyền thoại. Sau hôm chị Sáu bị giặc Pháp giết, kíp tù làm thợ hồ ở Khám 2, Banh I đã đúc bia bằng xi măng, dựng trước mộ. Chúa Đảo Jarty tức tối dẫn lính lên nghĩa trang đập vỡ tấm bia, cào bằng mộ. Nhưng sau một đêm, ngôi mộ lại được đắp cao hơn trước. Và một tấm bia mộ y chang lại được dựng lên. Chúa Đảo sùi bọt mép, lại sai lính lên đập bia, phá mộ. Nhưng bọn Cai tù không sao hiểu nổi, mỗi lần chúng đập phá bia mộ, ngay hôm sau ngôi mộ và tấm bia lại hiện lên như trước. Dân Đảo đồn rằng cô Sáu linh thiêng, không ai có thể phá được mộ cô. Câu chuyện làm cho bọn gác ngục, bọn tù gian sợ sệt, chùn tay. Thực ra mộ và bia mộ đó đều do anh em tù thợ hồ làm trong đêm. Vào dịp Tết Nhâm Thân năm 1952 họ còn khắc một tấm bia bằng đá hoa cương đặt lên mộ chị Sáu. Bọn Chúa Đảo đập bia không bể, phải ra lệnh cho lính khiêng quẳng xuống biển. Thời Mỹ -Ngụy, bọn cai tù cũng nhiều lần đập bia, phá mộ chị Sáu, nhưng hôm sau mộ bia lại hiện lên. Có lần trên mộ chị Sáu có một tấm bia mộ làm bằng đá cẩm thạch đặt làm từ chợ Lớn chở ra Đảo! Mới hay, không có sự tàn ác nào có thể xóa được hình ảnh Võ Thị Sáu trong lòng tù nhân và người dân đảo!
Người tù Côn Đảo kể rằng, sau khi hành quyết Võ Thị Sáu, người lính lê dương già bỏ ăn suốt hai ngày. Ông ngồi suốt đêm ở gốc bàng đầu Cầu Tàu. Thẫn thờ, hốc hác. Ông tâm sự với người tù làm bồi: “Đôi mắt cô gái đã ám ảnh tôi, và có thể sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Tôi phải bỏ nghề, tôi không thể bắn được nữa!” Cô Liễu, vợ tên giám thị Ruby, người đã ngất xỉu khi chứng kiến cuộc hành hình Chị Sáu, kể xẩm tối hôm 30 Tết, cô lén chồng đem hương hoa lên viếng mộ Cô Sáu, bỗng thấy một người con gái mặc áo dài trắng từ ngôi mộ đi ra. Liễu sụp lạy rối rít. Trên đường về nhà, đi tới đâu Liễu cũng thấy bóng cô gái trước mặt. Thế là Tết ấy, vợ chồng Ruby, Liễu lập bàn thờ Cô Sáu ở nơi trang trọng nhất, sớm tối hương khói, hoa quả. Từ đó nhiều gia đình gác ngục người Việt lập bàn thờ Cô Sáu. Họ tin rằng, một nguời con gái chết trẻ và chết thiêng như thế sẽ hóa Thần.
Vợ chồng viên cò Vol Peter ngày Tết ấy cũng dắt nhau lên mộ chị Sáu trồng khóm hoa Dừa, là loại hoa mà chị đã ve vuốt ở sân Sở Cò trước khi ra pháp trường. Đến hôm nay những khóm hoa Dừa đó vẫn nở bên mộ chị Sáu. Có lần người dân đảo xôn xao về cái chết của tên tù gian Nguyễn Văn Tân. Xác hắn bị treo trên cây bằng băng trong vườn nhà Giám thị trưởng Passi. Người ta cho rằng, hắn bị giết chết vì vụ thất thoát 200 ngàn đồng (tiền Đông Dương) của Hợp tác xã Tiêu thụ mà hắn làm kế toán. Nhưng dân đảo thì khẳng định rằng, tên Tân chết là do Cô Sáu “bắt” vì hắn là tên hung hăng nhất trong đám đập bia phá mộ Cô Sáu! Cũng thời gian ấy Chúa đảo Jarty bị rơi sao, mất chức vì vụ 200 tù nhân đóng thuyền vượt ngục ở Bến Đầm. Người ta bảo chị Sáu đã “bắt” tên Chúa đảo phải mất sao, mất chức vì hắn quá tàn ác. Bạch Văn Bốn, tên chúa Đảo đầu tiên thời Mỹ- Ngụy khét tiếng chống cộng, cưỡng ép tù nhân ly khai cộng sản, cấm viếng mộ Võ Thị Sáu. 4 năm Bốn làm tỉnh trưởng Côn Đảo đã có 500 tù nhân bị giết. Hắn biết chuyện Cô Sáu linh thiêng, nhưng hắn cho là luận điệu tuyên truyền của Việt Cộng. Một khuya, Bốn mở cửa Dinh ra sân, hắn thấy một người con gái bước ra Cầu Tàu. Hắn rút súng cầm tay. Chợt cô gái quay phắt lại, bước tới và nhìn thẳng vào mắt hắn. Sợ qúa, Bốn bủn rủn chân tay, để rơi khẩu súng, hớt hải chạy vào nhà, đóng của lại, lầm rầm cầu nguyện. Từ đó Bốn rất sợ cô Sáu. Chuyện giám thị Đỗ Văn Phục tàn ác, vợ hắn đang có thai, tự dưng sốt rất cao, vật vả, mắt trợn ngược, miệng sùi bọt mép. Phục về nhà hoảng quá, chạy lên nhà thương gọi thầy thuốc. Khi về tới nhà thì vợ biến đi đâu mất. Như có linh cảm, Phục chạy lên Hàng Dương thì thấy vợ nằm bất tỉnh bên mộ Chị Sáu. Hắn bỗng nhớ tời lời môt người tù mà hắn tra tấn hành hạ: “Lẽ đời có nhân quả. Ông gieo gì rồi sẽ gặt nấy. Tôi nói có cô Sáu chứng giám”. Phục sụp lạy trước mộ Chị Sáu, hứa ăn năn hối cải. Hồi lâu vợ Phục tỉnh lại. Hôm sau vợ chồng Phục mang lễ vật lên cúng mộ!
Có thằng tên là Nghị mới bị đày ra Đảo làm trật tự an ninh, chưa biết oai linh Cô Sáu lại đập phá bia mộ chị Sáu. Hắn đập nát bia, đập luôn lư hương và hai bình cắm hoa. Tất nhiên hôm sau tấm bia mộ mới lại được dựng lên. Còn tên Nghị thì ít hôm sau người ta thấy hắn gầy tóp lại, vật vờ dọc đường phố gần nhà thương. Hắn sốt li bì, không ăn uống gì được. Nhà thương Côn Đảo không chữa được, làm giấy chuyển hắn vào Chợ Quán. Ba ngày sau hắn chết. Tỉnh trưởng mới Côn Đảo Tăng Tư lập bàn thờ Cô Sáu tại tư dinh, và không dám tàn nhẫn với tù nhân. Tăng Tư đã một lần dùng oai linh Cô Sáu để xử kiện. Hai tên giám thị nghi ngờ nhau ăn trộm, làm đơn kêu kiện. Tăng Tư ra lệnh, hai đứa nhảy lên xe lên mộ Cô Sáu mà thề. Đứa nào gian cô Sáu biết ngay. Thế là có đứa sụp xuống nhận tội! Chính tên Tăng Tư này đã về Chợ Lớn đặt một tấm bia mộ Võ Thị Sáu bằng cẩm thạch chở ra Đảo, làm lễ đặt bia rất long trọng. Tấm bia mộ bằng đá cẩm thạch đó tồn tại được 9 năm, lại bị thằng tù quân phạm tên là Sước nghênh ngang vác búa đập phá. Sáng hôm sau, thấy vắng Sước, người ta đi tìm thì thấy hắn đã nằm chết trên một tảng đá to phía bờ biển!
Chuyện Cô Sáu linh thiêng bà con Côn Đảo kể cả ngày không hết. Nghe chuyện tôi cứ miên man nghĩ về sự tồn tại vĩnh cửu của con người. Người như Võ Thị Sáu, dù chết khi 17 tuổi, nhưng là người sống mãi trong lòng người dân. Đó là một CON NGƯỜI VĨNH CỬU!
Vâng, tôi tin trong tương lai gần thôi, Côn Đảo sẽ trở thành Đảo Ngoc, du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Côn Đảo- Huế, 4-2004 N.M (188/10-04)
|