Tạp chí Sông Hương - Số 188 (tháng 10)
“Mặt chữ điền” - một cách nhìn hiện thực thơ mộng và tinh tế của nhà thơ Hàn Mặc Tử
10:40 | 22/09/2009
THẠCH QUỲBài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được tuyển chọn để giảng dạy ở trường phổ thông vài chục năm nay. Đó cũng là bài thơ xuất sắc được bạn đọc cả nước yêu mến. Tuy vậy, cho đến hôm nay, cái hình ảnh “Mặt chữ điền” đầy sức quyến rũ và ám ảnh ấy vẫn chưa được nhận chân, nhận diện một cách chính xác.
“Mặt chữ điền” - một cách nhìn hiện thực thơ mộng và tinh tế của nhà thơ Hàn Mặc Tử
(Ảnh: vannghevietnam.vn)

Có người bảo Mặt chữ điền là mặt người. Người đàn ông hay người phụ nữ mang gương mặt chữ điền lấp ló sau dậu trúc? Có người bảo “mặt chữ điền” là mặt tấm rèm đan bằng tre hoặc bằng nứa với những ô vuông cài nan ngang dọc, tượng hình cho con chữ ấy... Các nhà nghiên cứu, mỗi người nói mỗi phách. Các thầy giáo, cô giáo thì hàng ngày hàng giờ phải đối diện với câu hỏi của học trò, toát mồ hôi hột cũng chẳng biết nên cắt nghĩa cái mặt chữ điền ấy sao cho thoả đáng!

Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau. Đó là cách hành xử với Mặt chữ điền mấy chục năm nay.

Vừa rồi tôi vào Huế, các thầy giáo ở trường Quốc học, trường Hai Bà Trưng, trường Cao đẳng sư phạm gặp tôi, họ lại “mang chuyện trăm năm giở lại bàn”. Trước yêu cầu cấp thiết của các thầy, cô giáo tôi thấy cần mạnh dạn nói ý kiến của mình về câu thơ đó để cùng tham khảo.

Sao anh không về chơi Thôn Vĩ/ Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc/  Lá trúc che ngang mặt chữ điền....

Hãy để ý và dõi theo ánh mắt của nhà thơ. Ánh mắt ấy từ trên cao phía hàng cau, gặp nắng mới lên, thời gian đang là buổi sáng sớm. Ánh mắt từ từ hạ xuống nhìn qua dậu trúc, nhìn thấy mảnh vườn. Nhà thơ thấy gì ở mảnh vườn đó trong buổi sáng sớm ấy? Thứ nhất, thấy bằng cảm giác. Một cảm giác chung, choáng ngợp tâm hồn, nhà thơ phải thốt lên: “Mướt quá!”

Thứ hai, thấy bằng trực giác. Trực giác thông qua liên tưởng và so sánh: “Xanh như ngọc!”

Thứ ba, và đây là hình ảnh trung tâm của cái nhìn sáng tạo: Mảnh vườn vuông vức, luống đất chạy dọc, lá trúc che ngang nên nó hiện lên trong mắt nhà thơ hình ảnh chữ điền
. Lá trúc là thực, mảnh vườn là thực nhưng “lá trúc che ngang” tầm mắt đã biến cái nhìn của nhà thơ không còn 100% sự thực nữa. Lúc này, “Mặt chữ điền” hiện ra từ cái bóng của hai sự thực đơn lẻ, riêng biệt chồng lên nhau tạo ra một hình ảnh mới thực mà hư, hư mà thực. Nếu không có cái lá trúc che ngang tất nhiên mảnh vườn không thể hiện ra trong hình ảnh đó. Mới biết, câu thơ Hàn Mặc Tử chân xác một cách tinh vi. Nói câu thơ ấy thơ mộng và tinh tế là bởi vậy. Nói mắt nhà thơ có khác mắt thường cũng là bởi vậy. Mặt chữ điền không phải là mặt người, không phải là mặt rèm mà là mặt vườn, mặt ruộng trong cách nhìn hiện thực thơ mộng, tinh tế và tài hoa của một nhà thơ đáng kính.

T.Q
(188/10-04)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng