Tạp chí Sông Hương - Số 247 (tháng 9)
Những dòng sông tôi đã qua
08:37 | 09/10/2009
PHAN THỊ THU QUỲ Trên bờ Hương Giang êm đềm, có ngôi nhà nhỏ tôi được sinh ra ở đó. Hằng ngày tung tăng cắp sách đến trường Đồng Khánh, tôi cũng nhảy nhót trên bờ Hương Giang. Lớn lên tôi hoạt động nội thành thường đến hò hẹn bên cây phượng vỹ trước cửa Thượng Tứ, nơi đó là địa điểm giao nhận những “gói nhỏ”, để nhận công việc và để nhớ mật hiệu. Cho nên trên bờ Hương Giang tôi đã ngắm dòng sông thơ mộng với tôi gắn bó biết bao từ tuổi ấu thơ cho đến bước  vào đời.
Những dòng sông tôi đã qua
(Ảnh: Internet)

Thế nhưng vì vâng lời cha mà tôi phải xa Hương Giang để đi học trường kháng chiến. Trên đường vượt rừng Trường Sơn đi học tôi gặp một nhánh sông Nhật Lệ cuối nguồn. Qua 10 ngày trèo đèo lội suối đôi chân tôi đã sưng tấy sốt cao không lê nổi đành phải nằm trong chiếc đò con đi trên sông ấy, đò trôi đi êm ả được hai tiếng đồng hồ. Ôi! Tôi không may mắn tý nào đã bị canô rượt đuổi. Nhờ bác chèo đò thông thạo tôi trèo được lên bờ, nấp trong bụi cây mây kín, gai mây đâm vào mặt mày tay chân mình mẩy, máu chảy khá nhiều và cũng vì quá sợ nên tôi đã ngất xỉu trên bờ sông Nhật Lệ Quảng Bình. Chao ôi! Bờ sông ấy rậm rịt ngoài một đồng chí cán bộ trong đoàn áp tải tôi, thì không có một bóng người, chỉ có tiếng kêu của thú rừng lạ hoắc. Trên đường mòn của sông Nhật Lệ cuối nguồn ấy, tôi mon men trong rừng rậm lê gót gần suốt đêm để đến một cái chòi có hai ông bà già “cách mạng” chèo đò đưa tôi ngang qua sông đến vùng tự do Quảng Bình tôi đang mơ ước. Vì vậy sông Nhật Lệ đã gắn bó vào tim tôi một kỷ niệm sâu sắc. Nhật Lệ đã dẫn dắt tôi đến sông Lam tin yêu và hy vọng. Dòng sông Lam ở Nghệ An có bờ sông che chở trường Huỳnh Thúc Kháng, nơi đó là bệ phóng đưa tôi bước tới trường Dược sỹ để có nghề nghiệp của tương lai. Trường Dược sỹ tôi sống một thời gian ngắn bên cạnh sông Lãng Giang của làng Hội Cù, Thanh Hóa, rồi trường dời lên Việt Bắc, Tuyên Quang đóng ở trong An Toàn khu có sông Lô đầu nguồn bên cạnh. An Toàn khu là một khu rừng rộng lớn bao bọc che chở một thời cho đầu não cách mạng Trung Ương kháng chiến chống Pháp. Trường Dược sỹ được tọa lạc trong khu rừng đó. Sau đó tôi xa sông Lô để về tiếp quản thủ đô Hà Nội sống và làm việc trong ngành Y tế bên cạnh sông Hồng.

Từ ngày hào bình một nửa đất nước, sông Hồng, Hà Nội và miền Bắc đã gắn bó với tôi đến 25 năm. Lúc đó tôi vẫn một mình xa Huế và sông Hương cho đến ngày thống nhất đất nước mới được trở về miền Nam công tác, để nhìn thấy Hương Giang. Tôi đi tìm nhà xưa và đi tìm cây phượng vỹ nhưng không còn “Như cây đa bến cũ mà con đò khác đưa”. Ra đi tôi là bé gái mới lớn đi học. Sau 25 năm trở về miền Nam tôi đã có nghề nghiệp và đã từng trải trong ngành Y tế. Thời gian này tôi được đoàn tụ gia đình sống và làm việc trong đơn vị của tôi gần Cảng trên sông Sài Gòn và Nhà Rồng c
ủa Bác.

Với trách nhiệm quản lý xí nghiệp dược phẩm Trung Ương sản xuất và xuất nhập khẩu thuốc trong những năm đầu mới bước vào cơ chế thị trường. Tôi có dịp qua nhiều nước để quan hệ công tác, tham quan và học tập, mà tìm cho đơn vị mình một bước phát triển mới. Tôi được qua Cuba thuộc châu Mỹ La Tinh nhiều lần, tôi đã gặp những dòng sông rất trong trẻo êm đềm và thơ mộng. Hai bên bờ sông Cuba nhiều đoạn giống sông Hương làm tôi nao lòng và nhiều cảm tình với con sông ấy. Những lần công tác tại Paris bạn muốn giới thiệu sông Seine, nên tôi được ngồi thuyền lướt trên sông Seine rất mát mẻ thoải mái được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Paris nhộn nhịp vui vẻ. Song tôi lại tiếc sông Seine không có bờ vì nhà cao tầng đã chiếm hết bờ sông nên không còn vẻ thơ mộng của một dòng sông trong trẻo.

Có một mùa đông tôi đi học sản xuất thuốc tốt (GMP) ở Thụy Điển Bắc Âu, tôi được sống ở bốn tỉnh lớn là Stockhom, Uppsala, Malmo, Goterborg nhưng ra bờ sông ngắm thì đã đóng băng trắng xóa, không còn được thấy dòng sông chảy, dù hai bên bờ rất đẹp. Mùa hè 1995 tôi qua London Anh công tác gặp dịp nước Anh tổ chức kỷ niệm 50 năm chiến thắng Phát xít Đức. Bạn đưa đoàn xí nghiệp chúng tôi ra quảng trường khổng lồ dự lễ và đón Nữ hoàng Anh. Thật là một dịp may hiếm có. Rồi bạn dẫn đoàn thăm London, chúng tôi dừng lại trên bờ sông Thames nơi có cây cầu cắt đôi trên sông. Dòng sông Thames rộng, nước cũng trôi lững lờ trong trẻo nhưng màu xám, hai bên bờ tuy có nhà cao nhưng bờ sông có bao bọc bởi một con đường và một vườn hoa bãi cỏ rất hấp dẫn với du khách. Một chuyến đi xa rất thú vị được thấy Nữ hoàng Anh trong tiếng mưng vui náo nhiệt nơi quảng trường đông nghịt, được xem viên kim cương to nhất thế giới trong cung điện Nữ hoàng Anh xưa, được ngắm nhìn sông Thames đẹp kiêu hãnh. Khi trở về Pháp lại được ngồi trên cái phà khổng lồ sáu tầng trong đêm, nó lướt nhẹ trên eo biển Anh Pháp.

Rất đáng tiếc, tôi có qua Hoa Kỳ ba tuần lễ và Montreal - Canada một tuần, chỉ đi bàn bạc hợp tác và tham quan một số nơi kể cả Lasvegat của Hoa Kỳ và quảng trường Olympic của Canada, mà sao tôi không được gặp những dòng sông để lưu vào ký ức.

Tôi có dịp qua Mockba và Petecbua vào những năm 90 bên ấy đang buồn. Tôi đứng trên bờ sông Neava Petecbua gió lạnh, sông rộng bờ sông quá đẹp. Con sông Mockba hai bên bờ rất tráng lệ, cả hai con sông của Nga quả thật hùng vĩ như ngày nào đã có những bài hát ca ngợi. Thế nhưng tôi trở về chỉ có một ấn tượng hai con sông cũng đang buồn, vì vắng vẻ. Có dịp tôi đi công tác qua BaLan gặp một dòng sông, đó là dòng sông Vistuyn nó đẹp như trong bài hát của một thời chúng tôi là sinh viên ở Hà Nội thường hát “Dòng sông Vistuyn êm đềm gợn sóng” Ngồi trên bờ sông nhớ lại tuổi trẻ của mình thời thơ mộng mà nhìn dòng sông đẹp trong trẻo lững lờ trôi hai bên bờ phẳng lặng nên thơ. Vistuyn là một dòng sông rất ấn tượng.

Còn Hoàng Hà rộng mênh mông không nhìn thấy bờ rất cân xứng với sự rộng lớn của lục địa Trung Quốc. Một đêm và một ngày chúng tôi ở trên tàu thủy rộng đi từ Giang Tây qua Nam Kinh là thủ đô thời trước của Trung Quốc. Hoàng Hà nước vàng đục sóng lớn vỗ mạn tàu y như đi trên biển và cũng có bầy cá chạy theo tàu, cũng có chim hải âu nhảy nhót vui đùa trên mặt nước. Lên bờ Hoàng Hà là thành phố Nam Kinh nhỏ hơn Bắc Kinh, thanh bình và cổ kính nhưng cũng rất hấp dẫn vì thành phố được nằm trên bờ Hoàng Hà đồ sộ.

Có lần tôi đến Bắc Kinh công tác được Đại Sứ Quán ta cho đi thăm Di hòa viên, trên đường toàn cây lớn phủ hai bên và một dòng sông dẫn đến bến có con thuyền bằng đá khổng lồ của bà Thái hậu mẹ vua Càn Long đậu. Chúng tôi ngắm con thuyền và suy nghĩ làm sao hồi xưa ấy mà họ đưa được những tảng đá lớn  như vậy để làm thuyền đi trên sông? Thời ấy bàn tay người Trung Quốc đã làm kỷ tác đó thật là giỏi.

Tôi may mắn được học sản xuất thuốc ở Thượng Hải một năm, nhà máy tôi học cạnh bờ sông Hoàng phố. Sông trong xanh, nhiều tàu thuyền tấp nập. Hai bên bờ phố xá sầm uất, buôn bán rộn ràng. Tôi qua Quảng Châu có dừng lại trên bờ sông Châu Giang cũng sầm uất tấp nập thương mại.

Mỗi dòng sông tôi đã qua là một đoạn đời, một bước ngoặt quan trọng, một dấu ấn không quên và một kỷ niệm sâu sắc. Nhìn lại những dòng sông lướt qua đã xuyên hết cuộc đời mình. Nhưng chỉ có sông Hương êm đềm nơi tôi được sinh ra và nuôi khôn lớn. Sông Nhật Lệ dẫn tôi vượt Trường Sơn trở lại trường học. Bên cạnh sông Lam tôi đã miệt mài đèn sách để đến sông Lô đào tạo tôi trở thành dược sỹ. Sông Hồng, Hà Nội và miền Bắc dẫn dắt tôi trở nên người cán bộ trưởng thành của ngành Y tế. Sông Sài Gòn giúp tôi đoàn tụ và cống hiến cuối đời. Rồi tôi trở về với Huế cội nguồn có Hương Giang êm đềm và thơ mộng. Tôi hãnh diện về Huế quê hương tôi có một dòng sông mà không nơi nào có được.

P.T.T.Q

(247/09-09)




 

Các bài mới
Di động (14/10/2009)
Các bài đã đăng
Gã đười ươi (02/10/2009)