Tạp chí Sông Hương - Số 247 (tháng 9)
Tạp chí Sông Hương và cuộc hội ngộ trên đất Hà Thành
09:09 | 16/10/2009
PHẠM NGUYÊN TƯỜNGHai cái máy lạnh hai cục trong căn phòng 40m2 của nhà hàng Hoa Chuối cộng với cả trận mưa chiều đột ngột tầm tã không làm dịu được sức nóng từ tấm thịnh tình của gần 50 cộng tác viên thân thuộc của tạp chí Sông Hương tại thủ đô Hà Nội.
Tạp chí Sông Hương và cuộc hội ngộ trên đất Hà Thành
Tạp chí Sông Hương gặp mặt cộng tác viên - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Nhà văn Hạ Nguyên (Hồ Đăng Thanh Ngọc), Phó Tổng Biên tập phụ trách tạp chí áo mướt mồ hôi, vẻ mặt khi giãn ra khi căng lại. Giãn ra bởi mừng vui quá đỗi khi thấy nhà văn Nguyễn Quang Lập mến yêu tập tễnh bước vào, cuối cùng anh cũng đã đến được như đã hứa. Nhìn dáng anh chống gậy bước vào nhà hàng, bất chợt nhớ đến câu nói rưng rưng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ngày gặp lại anh mà chính anh đã ghi lại thật xúc động trong tập tản văn Ký ức vụn: “Ua chầu Lập Lập…” Lại căng thẳng vì còn bao nhiêu người khả kính nữa, không biết trời mưa thế này, lại đang cuối tuần, có đến được không… Cũng phải thôi, hơn một năm phụ trách Sông Hương, chỉ có liên hệ qua điện thoại, qua e-mail…, bây giờ anh mới có dịp gặp gỡ một cách đầy đủ và chính thức những bậc trưởng thượng đa đề xứ Bắc Hà đã và đang ủng hộ tạp chí hết lòng.

Cuối cùng, mọi người cũng đã tới gần như đông đủ. Về nghiên cứu - lý luận - phê bình có các giáo sư Phong Lê, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thúy, Lại Nguyên Ân, Đào Duy Hiệp, Trần Thiện Khanh ... Nhà phê bình Nguyễn Văn Hạnh vừa từ trong Nam ra Bắc cũng nhận lời mời đến dự. Về phía các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ có Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Huy Thiệp, Trung Trung Đỉnh, Hoàng Minh Tường, Lê Huy Quang, Hoàng Cát, Minh Chuyên, Trần Phương Trà, Trần Nhương, Trần Quang Đạo, Bảo Sinh, Phan Huyền Thư, v.v… Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bận việc không đến được nhưng ngày trước đó đã kịp gửi đến ba chai rượu sâm đậm đà hương vị. Đây quả là một cuộc hội ngộ mà như trang web trannhuong.com ngay sáng hôm sau nhận định: “Cuộc hội tụ mà có lẽ nhiều báo chí mơ ước cũng khó lòng có được”.

Nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên nhận lời mời của Hồ Đăng Thanh Ngọc làm MC cho buổi gặp mặt. Trong vai trò “MC tình nguyện” nhiều lúc anh phải nói to, nhắc đi nhắc lại từng lời khai mạc vì tiếng cười đùa trò chuyện huyên náo vui vẻ của khắp các bàn tiệc. Quả thật, đã lâu lắm rồi mới có được một buổi họp mặt thân tình và vui như thế này. Cuộc gặp với tạp chí Sông Hương cũng là một dịp tao ngộ hiếm hoi của những người cầm bút vốn quanh năm suốt tháng chỉ có “cày” trên trang viết, biết nhau, đọc nhau, nhớ nhau qua trang viết. Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, nguyên Tổng Biên tập, đã dành những lời trân trọng nhất để tỏ bày lòng tri ân: “Quý vị đang ngồi đây chính là những người đã làm cho Sông Hương nổi tiếng, làm cho Sông Hương có thương hiệu, mang đậm truyền thống văn hóa Huế”. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc tiếp lời, mong mỏi các giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ thủ đô tiếp tục cộng tác nhiều hơn nữa với tạp chí, làm cho Sông Hương ngày một hay hơn, làm sao phát huy được truyền thống đồng thời tìm kiếm, cổ xúy và khẳng định những giá trị mới. Có thể cảm nhận được thái độ nghiêm túc và sứ mệnh lớn lao mà nhà văn trẻ Hồ Đăng Thanh Ngọc đang gánh vác, khi anh trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp của các bậc thầy, các bậc đàn anh.

Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo không ồn ào, nhưng đủ gây được lòng  tin ở những cộng tác viên và bạn đọc của tạp chí văn nghệ xứ thần kinh. Như lời nhà thơ Lê Huy Quang mộc mạc, chân tình sau đó: “Tôi bố người Nghệ An mẹ Hà Tĩnh rất gần với Huế nên tôi cũng yêu mến Tạp chí Sông Hương. Xin được chúc các anh chị sức khỏe và làm tốt cuộc chuyển giao thế hệ”. Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh bày tỏ thật lòng: “Anh Trần Độ rất quý Tạp chí Sông Hương, và tôi cũng vậy”. Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử phát biểu với tư cách người con của Huế, Sông Hương đã từng và vẫn đang có những trang lý luận phê bình chất lượng rất tốt, độc đáo, dũng cảm đi vào chỗ gai góc mà không phải tờ tạp chí văn nghệ nào cũng có được và ông tin Sông Hương sẽ tiếp tục giữ được tinh thần như vậy. Ông nói gần đây tạp chí tiếp tục quan tâm giới thiệu nhiều cây bút mới, cây bút trẻ là rất đáng hoan nghênh.

Giáo sư Phong Lê tin tưởng: “Sông Hương đã có một khởi đầu rất tốt đẹp và tôi mong Sông Hương có những bước đi mới tốt đẹp không kém”. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “Tạp chí Sông Hương là một trong những tạp chí có vai trò rất xuất sắc, đặc biệt trong thời đầu đổi mới, những bài báo nêu vấn đề về văn học, đời sống xã hội mang tính chất cấp thiết nhất của nhiều người, trong đó có cả tôi nữa. Trong khi các tờ báo nơi khác từ chối đăng thì Sông Hương đã đăng và đã gây được tiếng vang rất là tốt cho tiến trình của tư tưởng và văn hoá thời đó. Cho đến bây giờ, nghĩ lại tôi vẫn biết ơn, đồng thời đánh giá rất cao đóng góp của Tạp chí Sông Hương...”

Nhà văn Minh Chuyên với nhiều trang bút ký và kịch bản nổi tiếng đánh động những vấn đề hậu chiến nhức buốt cũng bày tỏ tình cảm của mình: “Tôi là đứa con của Sông Hồng nhưng rất ngưỡng mộ Sông Hương. Chúc Sông Hương ngày càng khởi sắc”. Nhà thơ Hoàng Cát: “Tạp chí Sông Hương đã làm được điều mình cần phải làm. Với tư cách là người cộng tác viên, một người bạn rất yêu thương, tôi lặng lẽ đọc Tạp chí Sông Hương như lặng lẽ tâm sự với một người bạn...”. Nhà báo Lương Bích Ngọc nồng nàn: “Tôi đã yêu mến Sông Hương từ những ngày còn là sinh viên, ngày xưa tôi đã khát khao được đăng bài ở Sông Hương, bây giờ tôi cũng vẫn khao khát được đăng bài ở Sông Hương”.

MC Phạm Xuân Nguyên ngay sau đó cũng tranh thủ phát biểu riêng với Sông Hương: “ Tạp chí Sông Hương đã qua tuổi 25, đã tồn tại hơn 1/4 thế kỷ, trong thời gian ấy Sông Hương đã trở nên một văn hiệu, trở thành tên tuổi của văn chương không chỉ của vùng đất Cố đô Huế mà còn của cả nước, nó cũng góp phần là một địa chỉ văn hoá cho những người Việt Nam ở nước ngoài. Đấy là một di sản, một gia tài của Sông Hương trong hơn 25 năm qua. Làm được thế, trước hết là nhờ sự nỗ lực, công lao của tập thể những người làm Sông Hương, từ Tổng biên tập đầu tiên là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho đến Phó Tổng biên tập Phụ trách thứ bảy này, nhà thơ, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc... đã có một dòng chảy tiếp nối. Nhiệm vụ, trọng trách, sứ mệnh của Sông Hương hiện tại là duy trì và phát triển được truyền thống đó trong hoàn cảnh mới, trong thời vận mới của Thừa Thiên Huế, của đất nước... Đứng về phía chúng tôi là những người viết, những người cộng tác, chúng tôi cố gắng giúp cho Sông Hương có được những bài vở và chúng tôi cảm thấy vui. Khi có bài trên Sông Hương, chúng tôi cũng được rất rộng rãi người đọc biết đến vì họ đọc Sông Hương...”

Có thể nói, Sông Hương dù trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn giữ được bản sắc, bản lĩnh của mình, chính vì thế đã  nhận được niềm tin yêu kỳ vọng của biết bao thế hệ cộng tác viên thân thiết và đáng kính như vậy. Một vấn đề đáng suy ngẫm mà nhà văn Nguyễn Quang Lập nêu ra: “Sông Hương đã “thay quan đổi chức” nhiều lần nhưng đội ngũ cộng tác viên vẫn không có nhiều thay đổi. Điều này thật đáng trân trọng vì Sông Hương có một lực lượng cộng tác viên chung thủy, nhưng cũng thật đáng lo…” Anh có một đề nghị táo bạo là “thay mới cộng tác viên”. Sông Hương hiểu tình ý của nhà văn đã từng có những trang truyện ngắn hay góp phần làm nên bản sắc Sông Hương thời kỳ đầu, đó cũng chính là trách nhiệm mà tạp chí phải thực hiện: tìm kiếm những gương mặt mới.

Thì đây, một trong những gương mặt thơ mới mà Sông Hương có công phát hiện qua cuộc thi thơ, đó chính là nhà thơ nữ Phan Huyền Thư. Chị từng được giải thưởng với bài Huế cực hay trong đó có hai câu ám ảnh:

Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽ
Lại sợ chạm vào nơi nhạy cảm của cơ thể Việt Nam…

Nhìn quanh, nhận ra một số gương mặt trẻ ở Hà Thành cũng đã có mặt. Đó là nhà nghiên cứu trẻ Trần Thiện Khanh, là các cây bút trẻ như Nguyễn Văn Ninh, Vũ Thị Huyền Trang... Còn rất nhiều cây bút vẫn viết cho Sông Hương nhưng vì bận công tác không đến được như nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Lương Ngọc An, Phong Điệp...

Sông Hương vẫn đang được các văn nghệ sỹ Hà Thành hết sức ưu ái. Cũng vì thế, Sông Hương biết mình còn nhiều việc phải làm…

P.N.T

(247/09-09)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Di động (14/10/2009)