Tạp chí Sông Hương - Số 247 (tháng 9)
Văn Tôn - Hải Bằng, một chân dung toàn vẹn
09:22 | 16/10/2009
NGUYỄN KHẮC PHÊNâng hợp tuyển “Hải Bằng” (HTHB) sang trọng và trĩu nặng trên tay, thật nhiều cảm xúc tràn đến với tôi. Cuốn sách được gia đình nhà thơ Hải Bằng tặng cho tất cả những người đến dự ngày giỗ lần thứ 11 của nhà thơ được tổ chức tại một ngôi nhà mới xây ở cuối đường Thanh Hải - lại là tên nhà thơ quen thuộc của xứ Huế.
Văn Tôn - Hải Bằng, một chân dung toàn vẹn
Bìa cuốn Hợp tuyển Hải Bằng

Có lẽ hầu hết những bạn bè đã từng sống, từng chia ngọt sẻ bùi, từng viết về Hải Bằng cũng có cảm giác như tôi; bên cạnh sự thích thú được chiêm ngưỡng một công trình văn hoá đẹp và hoàn hảo là nỗi vui mừng trước việc Hải Trung đã hoàn thành xuất sắc ý tưởng đẹp đẽ ấp ủ đã mấy năm, thể hiện sự trân trọng với những tác phẩm và kỷ niệm vui buồn thấm đẫm nước mắt, mồ hôi của thân phụ - một nghệ sĩ đa tài và lắm nỗi truân chuyên. Khi đã lật mở những trang sách thì trong lòng lại có chút như ngỡ ngàng (“Chà! Không ngờ anh Hải Bằng từng khốn khổ như thế mà lại sáng tạo được nhiều tác phẩm như thế!...Cũng không ngờ anh có nhiều bạn bè như thế!...) và một chút như tiếc nuối nữa. Phải! Tôi và rất nhiều người nữa có “vai vế” hơn tôi rất nhiều, đáng lẽ đã có thể làm việc này việc kia, giúp anh đỡ bớt những nỗi nhọc nhằn, những ngộ nhận mà anh đã phải chịu đựng trong phần lớn cuộc đời lận đận của mình…

Nhưng thôi, giờ thì nhà thơ đã ở “cõi khác”, đã gột sạch “bụi trần”, chẳng cần “tau hí” mà cũng chẳng bận tâm níu vai bạn đọc thơ để được nghe một lời khen tặng cho đỡ cơn “khát”, đỡ đơn độc sau những giờ phút tự giam mình, tự “đốt” mình trong ngôi đền thiêng sáng tạo. Chính Hải Bằng từng viết: “Đứng giữa đời đơn độc” (“Không đề” - Thơ ngũ ngôn) và “Mùa đông em lấy lửa của tôi đi / Đến mùa hạ tôi đã thành đám cháy” (“Ngọn lửa” - Thơ hai câu). Phải! Anh đã “cháy” hết, không giữ lại gì cho riêng mình nên mới có HTHB sang trọng và nặng trĩu hôm nay.

Cảm giác “nặng trĩu” khi nâng HTHB trên tay không chỉ do cuốn sách trên sáu trăm trang đóng bìa cứng dày cộp. Thiếu gì sách dày hơn, bề thế hơn. HTHB trĩu nặng chính vì đã chất chứa thành quả cả một đời vắt kiệt sức mình cho sáng tạo cùng với nghĩa tình sâu đậm của bạn bè khắp trong Nam ngoài Bắc. Có thể nói, HTHB không chỉ là “cuốn sách đời người” mà một mặt nào đó, đây là cuốn sách của một thế hệ - những nghệ sĩ hồn nhiên đến với cách mạng và kháng chiến, tự nguyện hoá thân thành “chiến sĩ” đồng hành cùng với dân tộc cho đến ngày toàn thắng, được hưởng niềm vinh quang và nhiều phần thưởng nhưng ít nhiều đều gánh chịu nỗi cay đắng vì một thời ấu trĩ hoặc ngộ nhận…

Thì đó, chỉ riêng 27 bức ảnh in cuối tập sách, bên cạnh 7 bức chân dung của tác giả - từ cậu bé Vĩnh Tôn lúc mới 8 tuổi đến nhà thơ-chiến sĩ Hải Bằng trên đảo Cồn Cỏ anh hùng…, trong những tấm ảnh kỷ niệm của tác giả với bạn bè qua nhiều thời đoạn, chúng ta được gặp lại rất nhiều gương mặt tên tuổi, nhiều người nay cũng đã ở “cõi khác” như Văn cao, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Khắc Thứ, Phạm Đăng Trí, Bửu Chỉ; còn nữa là Hoàng Cầm, Mặc Hy, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Tiến, Trần Hữu Pháp, Tô Nhuận  Vỹ, Thạch Quỳ, Lâm Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Võ Quê, Vĩnh Nguyên…


Như tôi được biết, một số nhà phê bình hiện nay thường có “thao tác” đếm và thống kê trong một tác phẩm, một cuốn sách có bao nhiêu “từ” này “từ” kia, hay mấy lần ngắt câu, xuống dòng thế này thế khác… để đoán định ra “thi pháp” hoặc sở trường, tâm trạng của tác giả. Trong HTHB, Hải Trung không chỉ “thống kê’ mà đã tuyển chọn in đến 203 bài tứ tuyệt về mưa! Về số lượng, đây hẳn là một “kỷ lục” ít có  nhà thơ nào sánh được, còn về mặt nghệ thuật, TS. Hồ Thế Hà, trong bài “Chiếc cầu mưa trong thơ Hải Bằng” đã viết: “Mưa Huế (cùng với Mùa thu) là hai hình tượng có sức ám ảnh lớn và trở thành thi pháp hoài vãng của anh.” Tôi cũng “đếm” và “thống kê”, chỉ thuần về số lượng thôi, đã chứng tỏ sức trĩu nặng của HTHB là một chỉ tiêu chất lượng thật đáng nể trọng. Không kể trên ba trăm trang với hàng trăm bài thơ được tuyển chọn từ 14 tập thơ đã xuất bản, HTHB còn có 14 bức tranh màu, 16 tạo hình bằng rễ cây, 16 ký hoạ chân dung các nhân vật nổi tiếng, 8 bài văn xuôi, trong đó có hai bài viết về Hồ Vi, Dương Tường - hai nhà thơ - chiến sĩ cùng “nằm gai nếm mật” thời “Bình Trị Thiên khói lửa” với Hải Bằng và những trang hồi ký xúc động về cuộc đời mình...

Hải Bằng từng viết “Đứng giữa đời đơn độc” nhưng có lẽ đó chỉ là tình cảnh trong một thời đoạn khó khăn và tâm trạng người nghệ sĩ đang hướng đến sự thanh khiết và cái cao cả trong khi cuộc đời quanh mình lại quá nhiều điều lố lăng, giả trá; chứ mấy nhà thơ được nhiều bạn bè thương quý, đồng cảm và chia sẻ mọi nỗi vui buồn như anh? HTHB có những con số hùng hồn nói lên điều đó. Có đến 33 thi hữu làm thơ tặng anh, trong đó có những tên tuổi lớn của nền thơ Việt như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Hữu Loan, Phùng Quán, Nguyễn Khoa Điềm… và cả của một nhà thơ Nga, của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn. Cùng với 20 bài phê bình thơ, 17 bài viết của các nhà phê bình, nhà văn đã khắc hoạ một chân dung nghệ sĩ Hải Bằng toàn vẹn, từ giá trị của nghệ thuật ngôn từ đến sự tìm tòi trong cấu tứ và cách nhìn hiện thực, từ ngọn nguồn và chất liệu làm nên các tạo hình rễ cây đến tính cách riêng…


Tác phẩm "Từ hố bom bay lên" từ những rễ cây


Có thể nói đây cũng là sự thể hiện lẽ công bằng của cuộc đời, là luật “bù trừ” của tạo hoá. Ai tính được nỗi buồn tủi trong những năm tháng dài dằng dặc anh phải sống “đơn độc” - kể từ lúc bài thơ có tính nhân đạo rất cao “Người nữ cứu thương người Pháp” (lúc đó anh còn lấy bút danh “Văn Tôn”) bị đưa lên “bàn mổ” trong Hội nghị Chỉnh huấn năm 1952 nhằm “nâng cao lập trường giai cấp, xác định rõ bạn thù, tăng cường tính chiến đấu trong sáng tác” (theo hồi ký của nhà thơ Lương An) cho đến thời anh đăng tranh châm biếm phê phán thủ tục hành chính lề mề và cảnh chen lấn ở cửa hàng mậu dịch trên báo “Trăm hoa” năm 1956 (gần đây, hai tệ nạn này còn bị phê phán liên tục trên một số tờ báo lớn!), rồi những ngày “tham gia sản xuất, đánh cá” với bà con làng Cảnh Dương…

Là người lính trước khi trở thành nhà thơ, chàng trai hoàng tộc Vĩnh Tôn đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh khi mới 15 tuổi, nên anh đủ bản lĩnh vượt qua mọi sóng gió trên trường đời. “50 năm qua / Suốt đường độc đạo / Tôi hát với mình / Đầu ngón chân luyện đá / Thuở hành quân / Không có dấu quay lui…” (Trường ca “Độc hành”)  Hải Bằng “không quay lui” trước mọi thử thách, nên anh đã tới đích vinh quang. Anh đã bị “mất”, bị “trừ” đi nhiều thứ trong cuộc đời 68 năm của mình, “bù” lại, hôm nay anh có được “Hợp tuyển” xứng đáng với những đóng góp đa dạng của một nhà văn - nghệ sĩ - chiến sĩ trưởng thành từ Cách mạng Mùa Thu Tháng Tám, với sự tụ họp bạn bè nhiều thế hệ đông vui - tất cả đã họp thành bức chân dung “Văn Tôn-Hải Bằng” sinh động nhất và cũng toàn vẹn nhất từ trước đến nay.

N.K.P
(247/09-09)

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Di động (14/10/2009)