Hội hoạ nói bằng màu sắc và âm vang của những khoảng trống, kiến trúc nói bằng đường nét hình khối, thơ nói bằng lời.
"'Khởi thuỷ là lời". Mỗi nhà thơ đều có một giọng điệu riêng, ngân nga rung động theo từng cung bậc cảm xúc, do trực giác nhậy bén và vốn sống dày kinh nghiệm, trải nghiệm để đi đến linh nghiệm. Thơ là một cuộc sống kiếm tìm gian nan và tráng lệ, vật vã và cay đắng nhưng cũng huy hoàng và hạnh phúc. Nước Pháp phải có 100 năm cho thơ đi từ hiện thực lãng mạn đến siêu thực. Việt Nam đi sau nhưng sải những bước chân dài và nhanh tưởng chừng quá sức của mình để đi đến siêu thực, cho nên món ăn này chưa có thể làm vừa lòng ngay khẩu vị của người đọc và công chúng.
Đừng nói người đọc ngày nay quay lưng lại với thơ. Thời hiện đại với nhịp sống công nghiệp có quá nhiều thứ để giải trí đốt cháy thời gian bằng sân khấu, điện ảnh, các phương tiện truyền thông, du lịch, âm nhạc sôi động, mạng Internet, trò chơi điện tử... đã làm cho thơ giảm đi rất nhiều giá trị độc tôn trong lòng độc giả, đó là một sự thách thức lớn lao cho thơ nhưng đồng thời cũng là một cơ hội, một điều kiện bắt thơ phải khác đi, phải hay lên, phải vận động không ngừng.
"Tháp nghiêng" và "Đám mây lơ lửng" của Hoàng Vũ Thuật cũng không đi chệch ra ngoài quỹ đạo của thơ hiện đại với guồng quay bất tận không ngừng của nó.
Nhiều khi để cảm nhận và giải mã thơ, ngoài trực giác, người đọc phải dùng thấu kính lấy ra từ miền siêu tiềm thức, để soi rọi những chiết xuất lung linh của ngôn từ mà tác giả biểu đạt, và người đọc đồng sáng tạo với nhà thơ là một. Từ "Tháp nghiêng" đến "Đám mây lơ lửng" và một chùm bài viết gần đây mà chúng tôi mới nhận được, tác giả đã chứng minh sự chung thuỷ đồng nhất trong phong cách của mình, một tần số phát sóng riêng trong một kênh chung đang vặn mình răng rắc cho sự lạ hoá của nghệ thuật bước ra khỏi cái ao tù nhàm chán. Tháp nghiêng của nước Ý đã khẳng định những khám phá khoa học của Ga-li-lê là đúng. Nó nhìn xuống vương quốc ánh sáng này với rực rỡ hào quang của thế kỷ Phục hưng. "Tháp nghiêng" của Hoàng Vũ Thuật nhìn xuống con người cuộc sống, tình yêu và tổ quốc với những thân phận mang định mệnh nặng nề mà không mang định kiến khắt khe.
Con người cần một sự bao dung và thông cảm. Thơ anh là một dòng chảy mang một nguồn năng lượng vô hình của âm thanh và ngữ điệu, sự va đập của hình ảnh và ngôn từ qua tư duy nhiều tầng ý nghĩa đã tạo nên một trường cảm xúc mênh mông đa dạng. Theo OSHO một nhà hiền triết Ấn Độ thì thường người Châu Á suy nghĩ bằng bụng, người Châu Âu suy nghĩ bằng sự lạnh lùng của lý trí: Cái đầu; nhiều khi ông còn khuyên người ta phải suy nghĩ cả bằng đôi chân để nâng sự run rẩy của cảm xúc tới miền siêu thực nhất. Bằng những điều tốt đẹp đầy tính nhân văn đầy chất sáng tạo nghệ sĩ trút bỏ sự khô cứng trong chiếc áo cố hữu của nghệ thuật.
Thơ là một nghề nguy hiểm và đầy rẫy chông gai.
Các nhà thơ nói chung và Hoàng Vũ Thuật nói riêng thường sống với những hình ảnh của quá khứ và nuối tiếc một khung trời thơ mộng đã qua, coi kỷ niệm của tình yêu là "di sản", "hương của một loài hoa, sợi tóc vô tình rơi, ánh sáng hệt nét mắt buồn" với một câu hỏi không lời giải "làm sao níu được bước chân thời gian" để xua đi "nỗi đau ngày xưa" trong "biển ảo". Ở đấy "còn một đôi sao ẩm ướt" chính là ánh mắt người yêu "đốt cháy đời anh" đốt cháy Hoàng Vũ Thuật. Quan niệm của các nhà phê bình Trung Hoa, thơ càng buồn càng hay, về cuộc đời là sinh, bệnh, lão, tử, sum họp, biệt ly. Thật vô lý, và cũng có lý khi tác giả "đôi lúc thèm một nỗi buồn mà không có", "thèm chiêm bao" để lãng quên thực tế vì đời người là "tăm tích ngu ngơ". Nhà thơ "bàng hoàng trước ngôi tháp cổ nghiêng" một "ngôi tháp sống với thế giới của riêng mình, rêu xanh, tường vỡ" là chứng nhân của biển dâu biến đổi. Nó thèm khát cuộc sống, nó cô đơn lạnh lẽo, nó muốn “vươn về phía con người" đang tồn tại, sinh sôi nẩy nở trên bề mặt trái đất nghiêng 2305, nó chứng kiến "những cơn chuyển dạ đớn đau để đi tới hoàn chỉnh" nó là "cột mốc thời gian". Tháp là người? Hay người hoá thân thành tháp?! "Chiều nay em quay nghiêng làm chi" để những “quá khứ nghìn xưa không tuổi lại bay về". Nhà thơ là một ngôi tháp “đã quên mình, thu mình từ lâu” giống “con ốc sên trong rừng hoang mệt mỏi” vì chán "kiếp trầm luân xô đẩy" đến "cạn kiệt cơn mê, cạn kiệt những giấc mơ cạn kiệt" mà chính những "bề bộn tiện nghi" của văn minh thực dụng đã giết chết nó.
Nhiều khi tác giả muốn dứt bỏ những dung tục thường ngày "tự ném mình qua cửa sổ, như quả chanh khô" bất lực, hoặc cũng muốn như ngọn tháp kỳ vĩ kia "thách thức mọi chế ngự" trút bỏ một ám ảnh khôn nguôi của mối quan hệ giữa kiếp người và thế giới siêu nhiên "bảy chiều không gian huyền tưởng", những tác động nghiệt ngã của thời gian làm “lá rơi chồng lên lá rơi”, những số kiếp chồng lên nhau điệp khúc luân hồi". Những hình ảnh mơ hồ hư thực mở rộng trường liên tưởng với nhiều tầng ý nghĩa đã mang một thông điệp đầy ấn tượng đến tư duy người đọc. Suy nghĩ trước hiện thực cuộc sống, tác giả thường run rẩy trong cuộc chia ly giống như: "Khi lá giã từ cành”, vết thương nằm lại đó để dòng nhựa đau thương "ứa ra, âm thầm rơi từng giọt" xót xa. Nhà thơ đành phải tự an ủi tim mình trước quy luật khắt khe "Sống- nghĩa là xa cách" phải biết "chối từ nát tan" để hy vọng bừng lên như một "phép lạ" khi mùa xuân trở về.
Có một điều không thể lý giải được là tại sao các nhà thơ thường cô đơn đến vậy? "Không bến nước, không sân đình, mình tôi đợi với bóng mình thành hai", luôn luôn chờ đợi, suốt đời chờ đợi, đợi đến khi "mây chen tóc trắng" mà không biết đợi ai! như có cái gì hâm hấp, ngơ ngẩn bâng khuâng, điên điên dại dại đến lạ lùng, nhưng cái điên dại này thật đáng yêu đáng trọng. Ngày xưa nhà thơ Trần Dần chỉ thích đếm những gì không quá một, ngày nay Hoàng Vũ Thuật cũng chẳng đếm quá hai. Con số hai ảo này chỉ để diễn đạt và so sánh hai đối cực: Anh và em, biển và đêm "một như đã, một chưa từng" một gần một xa, một đa mang một phũ phàng, một sinh thành một huỷ diệt "một đi mà ở một về mà không". Những câu thơ khiến người ta ớn lạnh đến tê tái khi nghĩ đến luân hồi sinh tử. Kiếp người! Có khác gì kiếp ngựa?! "Móng gõ bật thời gian, hằn lưng từng vết chém" nhưng nó chuyển tải cả mùa màng, rơm rạ và cuộc sống với tiếng "hý gầm sông Mã" mà say đời lảo đảo. Ôi! Con ngựa thời gian. Nó độ lượng nó bao dung "tháo tung màng che mắt, nhìn thấu phận cỏ may", nó tỉnh, nó điên, nó "thả trôi một kiếp người" trong không gian xanh ngắt của ánh "trăng bồ liễu giống như "cỗ quan tài thuỷ táng", nó đã trải qua "bao năm vùi thân nơi mặt sàn" để đến bây giờ "tóc san hô rờn rợn trắng" mang theo "cái mùi người" mãi mãi không phai. Những câu thơ siêu thực đầy ấn tượng trên có thể coi là một kỳ tích của nghệ thuật biểu đạt mênh mông mà cô đặc do tác giả đã dụng công tìm kiếm. Kiếp người, kiếp ngựa, kiếp hoa đều là hoá thân của kiếp nhân sinh, dù kiếp có mang màu sắc cô độc "toả mùi hương chết chóc".
Buồn đau là có thật, tại sao người ta không có quyền buồn đau? giống như "Hoa không được quyền khoác cho mình chiếc áo than" vì sau chiến tranh, sau những trận mưa bom do những "cái đầu bạo cuồng rải xuống" hoa lại tái sinh. Chết không có nghĩa là hết, chết là bắt đầu một cuộc sống khác, cuộc sống "mộng du dò từng bước một" như "những bóng ma tự vuốt lấy mặt mình", hoa có quyền đen, người có quyền chết và "trên thi thể mù sương bí ẩn" nó lại hoàn nguyên "trinh bạch kiếp phù du", rồi nước mắt của nó biến thành "những hạt sao xanh gieo trên cánh đồng bóng tối" nó cứ "lặng lẽ sáng triền miên" để trở thành bất tử, để đi vào "tan hợp hợp tan, vô chung vô thuỷ", với thiên chức "mỗi người một quân cờ vô định", một số phận, để lại hy vọng lại đớn đau, lại "bão cát xô lệch" lại chứng kiến những kẻ đào huyệt tự chôn mình dưới chân Kim Tự Tháp nằm nghe "bầy chó sói nơi đồng hoang hú rỗng đêm thâu". Quyền lực, công danh, giàu sang phú quý đều là hư ảo mà sao con người lại đầy đọa nhau đến khốn khổ "xích sắt mòn cổ chân nô lệ da đen" mà còn mở những cuộc viễn chinh xâm lược "về nam lên bắc" "vó ngựa Vạn Lý Trường Thành lốc cốc tiếng ống xương va vỡ khô khan" ghê sợ như vĩ thanh của quân cờ đen trắng va vào nhau "có, có, không, không". Đây là một bản án hùng hồn và đanh thép tố cáo các thế hệ đế quốc bành trướng áp đặt lên các dân tộc lên mọi kiếp người.
Hoàng Vũ Thuật đi nhiều, quảng giao rộng với nhiều tầng lớp nên thơ anh đa dạng đa chiều, đề tài phong phú và biến động. Anh thường xao xuyến trước "nụ cười để ngỏ" rồi "bối rối" rồi "cháy sáng" rồi "phiêu lưu trong đêm nghĩa trang" thắp lửa "cháy bùng bao nấm mộ" và "không dấu nổi giọt nước mắt buồn bã" xót xa cho những người đã yên nghỉ bỏ lại thân xác máu xương để bảo vệ tổ quốc rồi phiêu diêu về miên viễn. Nhà thơ run rẩy trước "nụ hôn mây nước mùa thu" ấy vậy mà khi đối diện với cuộc sống đời thường anh cũng thản nhiên nghe những "lời đồn đại, tung bụi mù lên bề mặt địa cầu" coi nó là "con dao hai lưỡi" mang tính đặc trưng cho thiện ác mà người ta không thể tránh được vì "quay bên này ắt chạm mặt bên kia" nó làm nhà thơ "rối rắm đa tình” trở nên đa diện, lúc "hèn nhát" lúc “ngu ngơ" lúc "thâm trầm khôn ngoan" lúc "cuồng mê dữ dội". Nhà thơ phải sống chung một cách hoà thuận với nó vì "nếu thế gian không ai đồn đại nữa, tôi chỉ là khoảng tối giữa em thôi", tác giả đã hiểu rằng tiêu cực và tích cực là hai kẻ đồng hành song song tồn tại.
Bản chất của con người, của nghệ thuật là hướng thiện để đi đến đích cuối cùng là cái đẹp. Cái đẹp của quá khứ lịch sử, của hiện tại và của tương lai, tác giả thường uống nó "bằng đôi môi khát khô", những cái đẹp lộng lẫy "như sắc cầu vồng" của "mùa xưa" những "mùa cổ điển" trong hội hoạ và bâng khuâng thả cảm xúc của mình "lang thang tìm nếp áo tứ thân" "tìm lại con người mình ngày xưa" nơi tiền kiếp. Những ám ảnh của cái đẹp trong di sản tiền nhân để lại đã là hành trang của thi sĩ, nó là nguồn cảm hứng để nhà thơ đi vào cuộc đời và cảm nhận được cả "Những điều trời đất nói” nó làm ta an nhiên "theo cơn lốc tung mình vào gió bụi" mở rộng tấm lòng thương xót cho "bao mùa hoa đi qua, bao làn hương đã chết". Nói vậy nhưng nó có bao giờ chết? "ngày xưa, dòng mực tím, còn loang trên lòng tay" nó cũng trường tồn và nó là mãi mãi. Cái đẹp bao giờ cũng mang một năng lượng siêu nhiên và bí ẩn, nó cung cấp sinh khí cho sáng tạo, nó cứu vớt hoàn cảnh mọi tâm hồn, chỉ có cái đẹp mới biết nâng niu trân trọng cuộc sống, trân trọng tài năng. Và chỉ có cái đẹp mới biết nâng niu và trân trọng cái đẹp.
Hoàng Vũ Thuật cũng hay hoài niệm về những cái đã qua, những con người đã qua, kỷ niệm đầy ký ức thường sống dậy trong những "đêm như rượu ủ", những đêm "lá rơi trên tóc" "áo người như lửa bay" cùng với khói sóng hồ Tây nồng nàn hoa huệ, hình ảnh một ông già quắc thước vừa u buồn vừa trầm mặc “thanh bạch và tái tê, trắng lòng tay ngày về" trên cái chòi ngắm sóng của cố thi sĩ Phùng Quán hiện lên trong "khói hương như lệ chảy" đã làm cho hồ Tây giàu thêm một huyền thoại, để gió chiều ngâm nga hát mãi những bài thơ máu thịt của thi nhân. Bóng dáng một nhà thơ khác nữa "vẫn thường ngày qua phố" trong những "mùa thu lá vàng chói, ngơ ngác mắt nai" có những câu thơ không vần "chứa trong túi vải" quay và lăn những triết luận trên "năm ô cửa số phận" thổn thức cùng "heo may Việt Bắc" với "trái tim trần gian" hối tiếc đã trót để "tuổi thơ rơi cánh diều", cánh diều chở những "hoài nghi khắc khoải" để "vuột mặt hạt mưa nhợt nhạt", "lạ lùng và ẩn trắc" bằng "những câu thơ định mệnh" bay giữa "những hoàng hôn. Trắng" bay thật xa, bay đến cội nguồn và huyền ảo để khắc lên không gian "thăm thẳm vành môi cong" như một vầng trăng hạ huyền soi vào "bến trần gian" "một dấu hỏi và một dấu chấm than"
Đôi lúc nhà thơ cảm thấy mình chỉ "là cỏ dưới gót chân tiền sử" không thể tìm ra "dấu tích lối mòn" của tuổi thơ non dại muốn “tìm về những cuộc chia tay" tìm về nguyên tiêu với những "trái cấm" "tròn như rằm trăng" như "hạt bụi lạc ngoài trái đất" tìm "hạnh phúc chôn nơi thiên hà chết" để vật lôn với chính mình "lọc sạch trái tim bầm đen với những lỗi lầm bầm đen" đang "chìm trong vầng sáng", những âm vang rạn nứt như "tiếng sóng vỗ trong ngực mình" khiến người thơ lúc nào cũng sợ "sự nguyên trinh của thể chất" mình vốn mỏng manh như trái đất, mỏng manh như hạnh phúc "mỗi khi đã vỡ ra trần gian này sao mà hàn gắn được". Trái tim yếu đuối và đa cảm ấy đang cần "đám sương dịu xoa trên ngựa" bởi nó còn "mắc nợ bao nhiêu lời phỉ nhổ" trong một "trò chơi vô tăm tích" đã làm nó chỉ còn lại "thân xác rỗng không như chiếc bình tháo đáy" nhưng vẫn mơ màng một "ngôi sao nơi cúc áo bậc tung", lãng mạn làm sao? Và cũng siêu thực làm sao? Nhà thơ vốn ghét những lối mòn và "không theo quy củ” nào cả, lúc buồn thường quây quần với tri âm "trong quán rượu trời đêm" ngồi bên nhau "đờ đẫn nhìn chót cùng ánh sáng, ly cốc đổ ngổn ngang và giọt đắng". Họ chính là những kẻ "tâm thần dại dột" dễ "cuồng nộ" dễ "hờn ghen" nhưng cũng dễ yêu thương "thắm thiết ghì nhau ngạt thở” cho dù đấy là “người thân" hoặc "người xa" kể cả "với kẻ lang thang phiêu bạt cửa nhà", họ là những con người rất người, khát khao sống, yêu đồng loại đến hết mình, thương đến hết mình mà phương tiện bày tỏ tình cảm đó chính là "những câu thơ quằn quại": "Rót ánh sáng vào tháng ngày hấp hối, máu sao rơi giọt lịm lưng thềm". Mưa gió đời người, đời người mưa gió "giọt mưa vẫn như bào thai của mẹ. Tiếng gió rơi như linh hồn của cha" khi hai đấng sinh thành đã đi xa mãi mãi không trở lại, đứa con ngơ ngẩn giữa bơ vơ "lạc cành chiếc lá biết về đâu" đến nỗi "lang bạt nơi cư trú" để "bản thể" nằm im "trong câu thơ huyệt lạnh"; rồi song hành cùng nỗi sầu nhân thế.
Có đứa trẻ nào chào đời mà không khóc? Khi đã dấn thân vào cõi người, vào công cuộc làm người gánh nặng trên vai cái Thiên - Chức - Người, trời cũng trao cho con người một quyền năng: Quyền năng tìm ra cái đẹp để làm cho cuộc sống vốn dĩ đã tươi đẹp lại càng tươi đẹp hơn. Một đời người được bao nhiêu năm? Một năm có 365 ngày, mà kỳ lạ, ngày nào nhà thơ cũng quên, ngày nào cũng nhớ, ngày nào cũng muộn, ngày nào cũng nhầm, ngày nào cũng sợ đến nỗi "lật đật như con lật đật, khuy áo cài chéo lên nhau". Cả cuộc đời là một chuỗi không biết bao nhiêu lần "365 ngày lơ ngơ"? Giống như một kẻ tâm thần với cuộc hành trình trôi nổi trong vị đắng nhân sinh, hoà với "vị cay, vị ngọt" như một thứ "bùa mê" lấy tình yêu làm đấng Cứu Thế để phóng chiếu lên cái đẹp vĩnh hằng tiếp thêm sức mạnh và dũng khí để nhà thơ vượt qua "bức tường" rào cản cuối cùng.
Chao ôi! Một đời thơ là một đời đam mê khó nhọc, một đời trằn trọc kiếm tìm, nó là mồ hôi, là nước mắt, là tim óc gieo xuống thiên mệnh luỵ đời của thi nhân.
Sau "Đám mây lơ lửng" đến "Tháp nghiêng" và những bài gần đây, Hoàng Vũ Thuật vẫn tiếp nối không ngừng nghỉ một mạch thơ siêu thực: Thực hơn cả hiện thực, và một trong những đứa con mang nặng đẻ đau trong sự nghiệp thơ của tác giả tác phẩm "Đám mây lơ lửng" đã xứng đáng nhận được phần thưởng lớn: Giải A giải Lưu Trọng Lư, giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm 1 lần của Quảng Bình, nó trở thành tác nhân của một hội thảo có 9 tham luận được trình bày liên tục không giải lao, nó khuấy đảo dư luận văn học và góp phần khẳng định: Thơ không thể thiếu được trong cuộc sống hôm nay.
Thơ của Hoàng Vũ Thuật giàu chất trí tuệ, nhiều tầng liên tưởng, sâu sắc và hấp dẫn, biên độ giao động bất ngờ câu chữ chọn lọc, những cung bậc cảm xúc thay đổi, tư duy biến hóa đột ngột có sức bùng nổ mang một thông điệp đầy chất thẩm mỹ và nhân văn đến cho công chúng. Tác giả đã vượt qua sự sáo mòn nhàm chán rẽ vào một lối đi riêng để hình thành một phong cách mang phong vị riêng biệt, giàu năng lực biểu đạt, giàu tính nghệ thuật, gây ấn tượng rất mạnh đến tâm trạng đến hiểu biết, đến suy nghĩ, đến rung động từ trong sâu thẳm của người đọc. Đó là một thành công đã được khẳng định.
Sở dĩ Hoàng Vũ Thuật có một mùa bội thu thơ như thế cái chính là do sự lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc không biết mệt mỏi, cùng với lòng yêu người yêu đời tha thiết, yêu cái đẹp, yêu cuộc sống đến cạn kiệt sức lực, khô héo hình hài bởi một nỗi đam mê mãnh liệt của một tâm hồn mãnh liệt. Tác giả đã gạt bỏ ám ảnh của "Đám mây lơ lửng", bẻ bỏ chiếc "chân thứ 3" để bước hai chân lên tòa "Tháp nghiêng lộng lẫy của nghệ thuật thi ca". Ở đây anh đã tìm thấy chính mình.
Đ.N.V.T (190/12-04)
|