Những năm đó, với tư cách người làm báo viết văn trong quân đội, theo chân nhiều đơn vị bộ đội xuống tận cơ sở hoặc cập nhật những thông tin từ các phóng viên bay về tòa soạn, Trần Dần đã tích lũy được cho mình một vốn sống và mối tình cảm kháng chiến đối với những người đồng đội. Mùa xuân năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu ông là một trong số các nhà văn trực tiếp tham gia chiến dịch. Ba tập sách, hơn ba trăm trang được khởi viết từ tháng 2-1954 tại Điện Biên và viết xong tháng 7-1954 tại Việt Bắc, quyển I được in ngay trong năm 1954 và hai quyển sau được in vào năm 1955 đều do Nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành. Người người lớp lớp là tác phẩm đầu tiên tạo dựng lại một cách đầy đủ, kịp thời nhất về cuộc chiến tranh nhân dân và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Lúc này là vào cuối năm 1953. Cuộc kháng chiến của chúng ta bước vào mùa chiến dịch. Trung đoàn 23 thuộc một đại đoàn có nhiệm vụ phòng thủ khu tự do, thấy các đại đoàn khác đều đã lên đường và khắp nơi dội về tin báo chiến thắng, đang nóng lòng thì được lệnh xuất phát. Họ hăm hở lên đường vào một đêm cuối tuần trăng, nhằm hướng Tây. Lúc bấy giờ họ không hay biết rằng đơn vị mình đang tham gia một chiến dịch rất quan trọng mà rồi đây sẽ đi vào lịch sử như một huyền thoại: Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mở đầu tác phẩm, Trần Dần đưa người đọc vào không khí của một cuộc hành quân thần tốc “đoàn quân hàng vạn người đêm đi ngày nghỉ, khí thế đùng đùng. Họ mong từng phút từng giờ tới nơi súng nổ ”. Trên con đường ra trận đó, những người nông dân mặc áo lính đã vượt qua biết bao khó khăn gian khổ. Đó là sự vất vả tột cùng vì sự thiếu thốn các phương tiện cần thiết cho việc vận chuyển khí tài trên những con đường mới mở với những con sông rộng, với những đèo cao dốc thẳm. Đó là cảnh những người lính chỉ với hai bàn tay mà phải chuyển qua những đoạn đường dốc rất dài hàng chục cỗ pháo mà pháo vừa chuyển vào trận địa thì lại phải chuyển ra. Đó là cảnh ăn ngủ màn trời chiếu đất vào mùa mưa rét giữa mưa bom bão đạn... Từng chương, từng phần, tác giả đã cho chúng ta đến với biết bao khó khăn mà người chiến sĩ phải trải qua, phải chịu đựng. Rồi khi chiến dịch nổ ra, với tư cách là đại đội chủ công của trung đoàn, các chiến sĩ đã phải đương đầu với những sự hy sinh gian khổ khác. Tuy nhiên, trước tất cả những gian khổ hy sinh đó, tinh thần của những người lính ra trận vẫn toát lên sự lạc quan tin tưởng. Cho trung đoàn thực hiện ba nhiệm vụ chính: hành quân lên Tây Bắc, kéo pháo vào trận địa tham gia đánh vào đồi Him Lam, đào hầm hào và bắt giải tù binh, Trần Dần đã dựng lại trước mắt chúng ta bức tranh toàn cảnh về những người lính chiến và sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân cùng chủ nghĩa anh hùng cách mạng tập thể của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên.
Là một người lính, Trần Dần đã xây dựng nên chân dung người lính của một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc, đó là thời kỳ mà với một vũ khí tinh thần mạnh mẽ là gần như tất cả những người lính ra trận đều mang nặng trên vai mình mối thù nhà nợ nước với bọn địa chủ, thực dân và họ hiểu rằng chỉ có cách mạng mới có thể giúp họ trả mối thù truyền kiếp và đưa lại cho mỗi người cuộc sống ấm no. Đó là lý do để những người lính của Trần Dần luôn nỗ lực. Tham gia vào cuộc hành quân ra mặt trận và những chiến đấu có đủ các loại binh chủng: bộ binh, pháo binh, hậu cần, văn công, với nhiều thế hệ, nhiều cấp bậc từ nhiều miền quê khác nhau. Ở đây ta gặp những tính cách khác nhau: là Quác nóng nảy như Trương Phi nhưng là người biết ân hận với việc mình làm sai; là No chỉ lo làm việc, làm hùng hục bất kể hiểm nguy; là Sửu chín chắn, điềm tĩnh và rất thương yêu đồng đội; là cô ca sĩ Hà sẵn sàng phục vụ bộ đội bất cứ lúc nào và đã hy sinh trong một hoàn cảnh rất tội nghiệp; là y tá Mưa, cô lái đò sông Đà đằm thắm dịu dàng nhưng trong công việc lại dũng cảm gan góc; là Vàng đã phải trả giá vì sự đớn hèn và phản bội. Cũng ở đây ta gặp chính ủy Trần Thắc. Qua câu chuyện về bản thân và gia đình, qua thái độ của ông với chiến sỹ và những suy nghĩ của ông đối với quân đội, đất nước, Trần Dần muốn xây dựng nên một hình ảnh đẹp về người cán bộ quân đội thương vợ yêu con nhưng biết gác nén nỗi đau của mình vì sợ ảnh hưởng đến tư tưởng chiến sĩ. Chính ủy Trần là một tính cách vừa mạnh mẽ vừa gần gũi, vừa lãng mạn vừa chân thực. Tác phong sinh hoạt và tình cảm chân thành của ông là một chỗ dựa tinh thần cho chiến sỹ. Cùng với Sửu, No, Sâm..., chính ủy Trần là một biểu tượng đẹp về người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam. Hình ảnh đại tướng - dầu xuất hiện rất ít nhưng qua ngòi bút mộc mạc của Trần Dần cũng đã hiện lên trong tình cảm của chiến sỹ là một vị thủ lĩnh tinh thần của quân đội.
Vẻ đẹp của người chiến sỹ còn được Trần Dần thể hiện thông qua mối quan hệ nhân dân. Tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp đã đặt nhân dân ta trong cảnh đói nghèo và lạc hậu. Người lính đã chỉ cho người con gái Thái biết được rằng nguyên nhân khiến cho cuộc đời mẹ con cô khổ không phải do cô biết múa xòe và cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai mẹ con đứa bé mù nghèo khổ và bất hạnh với người lính trên đường ra trận đã có tác động sâu sắc đến tâm tư và tình cảm của họ. Rồi những đoàn người gồng gánh tản cư với bao âu lo hằn sâu trên vết mặt. Trần Dần đã mở rộng không gian tác phẩm xuống những miền quê xa xôi. Ở nơi đó, trước đây, gia đình các chiến sỹ trong đại đội 23 đã sống rất cực khổ. Đặt bên một không gian tấp nập rộn ràng của con đường ra trận vào mùa chiến dịch, ngay trong những chương đầu đó là dự báo về những cơn bão lửa sẽ bùng nổ.
Chân dung người lính Điện Biên còn được Trần Dần thể hiện ở tình đồng đội mộc mạc, thâm sâu qua mối tình cảm giữa các thành viên trong tổ chủ công là No, Sửu, Sâm, Truyện, giữa Ngụp và Xanh, giữa Ngọc và No. Sau khi Truyện hy sinh, nỗi nhớ thương đồng chí cứ trỗi lên trong tấm lòng những người đồng đội như một lời nhắc nhở. Sau trận công đồn Him Lam, buổi chiều No đi qua dãy hầm của đơn vị bộc phá ở “chiều qua còn rầm rập bóng người, bây giờ vắng ngắt. Ở một gian hầm có tiếng sụt sịt... Pha ngồi một mình trước đống ba lô anh em còn để đầy hầm. Di tích còn đây mà người không còn nữa”. Trong trận chiến đấu ác liệt, phần thắng thuộc về những người chiến sỹ dũng cảm, song họ đã không thể kìm lòng được trước sự ra đi của đồng đội. Vào thời điểm bấy giờ, những người lính quan niệm rằng tình cảm riêng tư sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu. Cũng như trước đây, khi pháo đứt dây, đổ dốc và chèn nát đùi pháo thủ Thủ, Thủ đã không dám kêu vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần của đồng đội. Trần Dần không né tránh những tổn thất do chiến tranh. Những sự hy sinh ở những tư thế khác nhau của người lính: chết đứng như Truyện lúc công đồn, như Luân lúc kéo pháo, như Lâm lấy thân mình chèn pháo và gan góc chịu đựng cái chết đến dần dần khi bị pháo chèn nát đùi như Thủ... có lẽ không chỉ cho thấy tính chất ác liệt của cuộc chiến đấu mà về một phương diện nào đó là những sự thể hiện khác nhau về tinh thần người chiến sỹ.
Trong đời sống chiến đấu người chiến sỹ biết tìm ra sợi dây quàng vào vai để kéo pháo hiệu quả mà không bị mất sức, đã biết lấy cỏ tranh làm mũ để che miểng pháo tránh thương vong và khi không may rơi vào tay giặc đã tìm cách lừa lại chúng để trốn thoát. Những con người ấy trong chiến đấu chỉ có chiến thắng và tất nhiên họ sẵn sàng hy sinh cho kết quả cuối cùng của trận đánh. Cũng cần phải nói thêm rằng những năm tháng kháng chiến gian lao, phần riêng tư trong đời sống tình cảm của chiến sỹ thường ít được người viết đào sâu. Bao giờ thì phần tình cảm chung, tình cảm đồng chí đồng đội cũng được coi là cao nhất và chi phối mọi hành động. Cuộc chia tay của hai người đồng chí trong bài thơ Không nói của Nguyễn Đình Thi dẫu rất bùi ngùi nhưng vẫn “nào đồng chí bắt tay”... Còn Sửu, đã hai năm xa nhà, đi qua ngõ nhưng không dám ghé vào vì sợ tình cảm riêng tư sẽ níu bước chân anh lại. Trong tâm tư những người lính trong Người người lớp lớp có phảng phất nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương. Mà cái phần tình cảm đó như một thứ phụ gia cho tinh thần dũng cảm hy sinh trong chiến đấu. Đây là đặc điểm của một quan niệm có tính lịch sử.
Ra đời trên đường vào chiến dịch và viết tiếp khi chiến dịch đã toàn thắng, cuộc chiến đấu gian khổ, anh dũng trong Người người lớp lớp năm mươi năm qua vẫn như còn phả ra những hơi thở nóng hổi. Tinh thần hăng hái nhiệt tình trong công việc nhưng trong quan niệm và suy nghĩ lại có phần giản đơn ở người lính đã thể hiện rất rõ đặc điểm dấu ấn của lịch sử. Những cảnh sinh hoạt bộ đội, cảnh kéo pháo rồi lại kéo pháo ra thực sự là những bức tranh sống động cho thấy nếu tác giả không là người mục kích thì sẽ không thể nào viết được những trang văn chân thực đến thế. Cảnh hành quân của đại đoàn lên Tây Bắc được đặc tả với bút pháp lãng mạn, gợi cho chúng ta nghĩ đến đoàn quân Tây Tiến năm xưa. “Lục thoăn thoắt bước chân, miệng kể chuyện, đầu thường là ngẩng lên trong gió thổi bần bật... Đoàn quân hăm hở đi trong gió lộng mùa đông. Trong tâm hồn chiến sỹ cũng nổi gió ầm ầm y như gió nổi khắp bầu trời bát ngát”.
Một thời Người người lớp lớp ít được nhắc đến. Đó không chỉ là một thiệt thòi cho tác phẩm vì trên thực tế, tác phẩm này có một vị trí nhất định trong văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp và là trong số những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho văn học viết về chiến tranh. Không thể đòi hỏi ở đây một sự trọn vẹn nếu xét về góc độ thể loại vì chất phóng sự đậm, vì nhân vật chưa đi sâu, chưa mang tính đơn lẻ cá biệt về tính cách, số phận. Viết về cuộc chiến đấu ở tầm quy mô của một chiến dịch mà mở đầu bằng những cuộc hành quân đầy khí thế, kết thúc là sự toàn thắng với cuộc sống mới đang hồi sinh và những người lính lại chuẩn bị bước vào một cuộc chiến đấu mới, “cuộc sống tràn lên như biển, như sóng” với những “người người lớp lớp nối theo nhau”... sau này ta còn gặp lại trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu. Hai nhà văn quân đội viết về hai cuộc chiến đấu trong hai chiến dịch ở hai thời điểm khác nhau, song họ lại có chung một điểm tương đồng trong cấu trúc truyện và trong tình cảm đối với người chiến sỹ và Tổ quốc. Lau lớp bụi thời gian một thời từng phủ lên cuốn sách, chúng ta ghi nhận sự đóng góp của tác giả Người người lớp lớp. Dù sao đây cũng là cuốn tiểu thuyết sớm nhất đem đến cho độc giả một bức tranh sinh động về một chiến dịch được coi là ”huyền thoại”, “một điểm hẹn lịch sử”, một “cột mốc bằng vàng” trong đó cuộc chiến tranh nhân dân và chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu của những anh bộ đội Cụ Hồ được tác giả thể hiện một cách sinh động và cụ thể: chiến dịch Điện Biên.
T.P.L (190/12-04)
|