Tạp chí Sông Hương - Số 142 (tháng 12)
Sách của sách - Bình luận về một phát minh
16:30 | 23/10/2009
ALEXANDER GENISTrên thị trường Mỹ đã xuất hiện những cuốn sách điện tử đầu tiên. “Softbook” - một đĩa điện tử có màn hình bọc da. Sức chứa - 100 000 trang, trọng lượng - 15 kg, giá cả - 300 đôla cộng 10 đôla kết nối mỗi tháng. “Paketbook” giá 500 đôla, nhưng đi kèm với nó phải có máy tính cá nhân. “Dedicate Reader” - một sổ tay điện tử. Nó giống như một cuốn sách thực sự, có một màn hình kép chứa các bản vẽ, bản đồ, sơ đồ, bảng biểu. Giá là 1500 đôla. Như kinh nghiệm cho thấy, không ai thích đọc văn bản theo màn hình, vì thế tại viện nghiên cứu “Media-lab” người ta đang tìm cách chế tạo thứ “mực điện tử” - những cái bao hết sức nhỏ có thể tùy theo cường độ và hướng của dòng điện sắp xếp lại với nhau để tạo thành văn bản. Theo cách đó, gần như loại sách bằng giấy thông thường có thể được in lại - thay một nội dung này bằng một nội dung khác. Tờ “New York Times” viết: “Ngay giờ đây đã thấy rõ sách điện tử là điều tất yếu. Nếu như không phải là sự thay thế sách in, thì cũng là sự luân phiên nó”. (Theo báo chí)
Sách của sách - Bình luận về một phát minh
Nhà nghiên cứu văn học người Nga Alexander Genis (1953) - Ảnh: flickr.com

Khi đưa ra những thông tin trên lấy từ báo chí Mỹ, tôi muốn thử bàn về một vài phương diện của phát minh được nói đến ở đây. Cố nhiên, có thể tự an ủi rằng các nhà khoa học đã tạo ra một thứ đồ chơi điện tử không có ý nghĩa nghiêm túc. Nhưng xin nhớ cho rằng người đời cũng từng có thái độ y như vậy lúc đầu đối với điện ảnh, sau đó với phát thanh, sau nữa với truyền hình. Thế kỷ XX đã cho thấy sự tiến bộ kỹ thuật hồn nhiên xâm nhập vào các lĩnh vực thầm kín nhất của cuộc sống con người, làm thay đổi cả cách sống lẫn cách suy nghĩ của chúng ta.

Sách điện tử - đó là khâu tiếp theo trong chuỗi các thành tựu kỹ thuật biến văn minh công nghiệp thành văn minh hậu công nghiệp. Sự xuất hiện sách điện tử hoàn tất quá trình vi tính hóa văn học. Cái này đến lượt mình không thể không ảnh hưởng đến văn hóa của chúng ta, biến nó thực sự thành nền văn hóa hậu Gutenberg.

Thực chất, sách điện tử là sách của sách. Với thời gian nó sẽ thay thế các hiệu sách và thư viện - bởi lẻ trong một cuốn sách dã chứa đựng tất cả những cái còn lại. Dự án có ý đồ hoang tưởng này gợi nhớ một truyện ngắn của Borges. Nhưng về mặt kỹ thuật nó hoàn toàn thực hiện được. Và điều đó nghĩa là đã đến lúc phải xét đoán những sự thay đổi sống còn do nó gây nên. Nói cụ thể hơn, có ba vấn đề khiến tôi quan tâm - pháp lý, xuất bản và văn học.

Vấn đề cấp thiết nhất gắn với sự sở hữu trí tuệ. Để sách điện tử thực sự có hiệu quả, nó cần phải không bị lệ thuộc vào các trở ngại “copyright” (bản quyền). Điều đó có nghĩa các quyền tác giả sẽ thường xuyên bị đe dọa. Tìm sự thỏa hiệp giữa quyền lợi của tác giả và của độc giả - đó là vấn đề không chỉ phức tạp, mà tôi sợ là nó còn không giải quyết được. Đây không chỉ nói về sự ăn cắp đơn giản, dù việc dịch văn bản sang dạng số đã làm cho việc ăn cắp thành một việc kinh doanh nhẹ nhàng và không tránh khỏi. Tôi cũng không có ý nói đến chuyện đạo văn thông thường- chứng minh việc đó khá đơn giản. Cái khó là ở việc xác lập, nếu như nói chung có thể làm được việc đó, cái khung pháp lý cho quyền tác giả của tư tưởng.

Trong khi đó ở thế giới hiện đại lĩnh vực áp dụng quyền tác giả thường xuyên được mở rộng. Thử nhìn xem mục giới thiệu trong các phim Holywood được soạn kỹ đến thế nào. Nó không chỉ đề tên các nhà biên kịch trực tiếp, mà còn tên những người đưa ra ý tưởng phim, những người nghĩ ra các nhân vật chính, và những người thể hiện chúng.

Quá trình này hoàn toàn hợp qui luật. Thời chúng ta, ý tưởng, tư tưởng, quan niệm trở thành thứ hàng hóa có lợi nhất. Nhưng tai họa ở chỗ là hết sức khó xác định quyền tác giả trong lĩnh vực rất phù du của tư tưởng. Lấy tiêu phí nào để xét đoán tính độc đáo của ý đồ, sự mới mẻ của ý tưởng? Đâu là ranh giới giữa sự vay mượn có và không có chủ ý? Mà thế nào là vay mượn? E.T.Eliot có lần nói rằng các nhà văn thường thường bậc trung thì vay mượn, còn các nhà văn vĩ đại thì ăn cắp. Tôi đồ rằng đây là ông nói về Shkespeare...

Nói gọn lại, ngay không có sách điện tử thì vấn đề  sở hữu trí tuệ đã nhức nhối rồi. Nay với sự xuất hiện một thiết bị làm đơn giản đi rất nhiều việc truy cập mọi thông tin và việc trao đổi nó, thì vấn đề này càng trở thành một cơn ác mộng pháp lý. Thêm nữa lại càng tối tăm, đến mức vấn đề sở hữu trí tuệ vượt ra khỏi giới hạn pháp luật, bị đẩy vào lĩnh vực triết học.

Vấn đề là ở chỗ, mặc dù tư tưởng có thể là hàng hóa, nhưng dẫu sao đây vẫn là thứ hàng hóa đặc biệt. Thứ tốt nhất trong số những thứ do tinh thần con người tạo nên, không thuộc về ai cả. Hay - cũng thế thôi - thuộc về tất cả. Không một quyền tác giả nào bảo vệ được những câu thơ hay - mọi người đều thuộc lòng chúng. Ý nghĩa của mọi tư tưởng càng lớn, cơ hội sở hữu riêng của nó càng ít. Và những tư tưởng quan trọng nhất của thời chúng ta dường như không có quyền tác giả - chúng hòa tan vào bầu khí quyển thời đại, trở thành tài sản chung của mọi người. Về pháp lý, có thể điều này là bất hợp pháp, tuy nhiên không một tòa án nào có thể ngăn chặn được sự bóc lột trắng trợn các nỗ lực trí tuệ của người khác, sự bóc lột có tên gọi là “quay vòng tư tưởng”.

Dù bản thân tôi cũng đau khổ vì những sự sao chép ăn cắp, nhưng tôi không thể không nói: phần thưởng cao nhất cho tác giả là ở chỗ sở hữu trí tuệ của hắn được tước đoạt, được xã hội hóa. Và tôi thấy là lẽ công bằng khi các phần thưởng cao cả: tình yêu, gia đình, sáng tạo, thiên nhiên, niềm vui trí tuệ - đều không phải mất tiền.

Một vấn đề khác gắn với việc bước lên vũ đài sách điện tử - vấn đề số lượng in (tirage). Đung hơn - sự thiếu đi vấn đề đó. Không phải các nhà xuất bản, không phải các hãng văn học, không phải các ban biên tập, không phải các hội chợ sách sẽ quyết định mỗi bản thảo cần bao nhiêu độc giả. Sách điện tử nối thẳng độc giả với tác giả, xóa bỏ mọi khâu trung gian giữa họ (Tình hình này có phần gợi nhớ thực tế xuất bản ở nước ta. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên: ở Liên Xô thời đại hậu Gutenberg bắt đầu sớm hơn mọi nơi khác).

Tôi không biết ai sẽ được lợi từ sự dân chủ hóa triệt để ngành xuất bản. Có thể chỉ dám nghĩ là ở đây sẽ xuất hiện không ít chuyện sửng sốt. Các nhà văn có số lượng in nhiều triệu bản như Stiven King và Grisam (Mỹ) hay Dotsenko và Topol (Nga) sở dĩ thành công là nhờ quán tính và chiến lược thị trường. Hàng sản xuất hàng loạt bao giờ cũng dễ bán - nó có mặt trên mỗi quầy hàng. Sách điện tử có thể thay đổi tình hình đó. Nó làm cho tất cả các ấn phẩm - từ tranh khắc nguyên thủy đến sách thần bí, đều đến được với độc giả như nhau. Giống như khắp nơi hiện nay, việc thay thế nhu cầu hàng loạt bằng nhu cầu đẽo gọt đã dẫn đến sự tan rã của nền văn hóa nguyên khối. Một trăm kênh thì tốt hơn ba kênh, bởi vì truyền hình nhiều kênh không buộc phải chiều lòng tất cả, thậm chí chiều lòng nhiều người. Quá trình này, tất nhiên, là thuận lợi, bởi vì nó giúp nghệ sĩ có nơi ẩn náu tránh sức ép của đám đông.

Xóa bỏ vấn đề số lượng in bằng cách hạ giá sản xuất, rút lại ngắn nhất khoảng cách giữa tác giả và độc giả, sách điện tử mở ra một trang mới trong lịch sử ngành xuất bản. Có khả năng, nó là trang cuối cùng.

Vấn đề lý thú nhất gắn với sự xuất hiện sách điện tử là vấn đề văn học. Màn hình máy tính không thay thế trang giấy, mà vờ làm nó. Đó là sói đội lốt cừu. Chữ viết điện tử khác cơ bản chữ viết thường, hoàn cảnh đó không thể không tác động đến thứ văn học mà các nhà văn thế kỷ XXI sẽ viết, đúng hơn, sẽ tạo ra.

Xét đến cùng sách điện tử sẽ khác sách giấy không phải bằng cách tái hiện các chữ cái , mà bằng nội dung, bằng chiến lược trần thuật, bằng cấu trúc nghệ thuật. Ngay hiện nay đã có những tác phẩm quan trọng mà chỉ có thể đọc được chúng thực sự qua bản điện tử, chứ không phải qua bản trên giấy. Cố nhiên ý tôi muốn nói đến một tác giả người ta có quyền gọi là nhà văn đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba - nhà tiểu thuyết Serbi Milorad Pavic. Trong một bài phỏng vấn dài đăng trên tờ tạp chí Mỹ “Bình luận văn học mới”, Pavic có nói một điều rất quan trọng đối với đề tài đang bàn đến ở đây. Ông cho rằng, hiện nay đang diễn ra cuộc khủng hoảng không phải của văn học, mà của tự thân việc đọc. Loại tiểu thuyết bình thường đã ngừng làm việc, bởi vì nó không để cho độc giả tự do, nó buộc họ phải đọc mình từ đầu đến cuối. Thay cho điều đó Pavic viết những cuốn sách mà đơn giản là KHÔNG THỂ đọc như thế được. Tác phẩm nổi tiếng của ông “Từ điển Khazars” về nguyên tắc là phi tuyến tính, giống như mọi cuốn từ điển. Một tiểu thuyết khác, “Phong cảnh vẽ bằng trà’, được tạo nên như ô chữ: phải đọc nó khi theo chiều dọc, khi theo chiều ngang. Cuốn “Mối tình cuối ở Constantinople” được xây dựng như trò bói bài taro: trước khi đọc nó phải xáo trộn và cứ mỗi lần phải xáo lại. Thực chất, tất cả những cái đó không phải là văn học viết, mà là biến thể của trò chơi điện tử được Pavic nâng lên mức nghệ thuật cao. Vả chăng, bây giờ điều quan trọng đối với chúng ta không phải là những phẩm chất nghệ thuật hiển nhiên của các tác phẩm của Pavic, mà là việc chỉ dựa trên các trang sách điện tử mới có thể đánh giá chúng được đầy đủ. Cái ông làm không đặt được lên giấy. Các tiểu thuyết của ông là những nốt trong một bản nhạc chỉ có thể nghe thấy được nhờ một công cụ điện tử.

Thí dụ của Pavic cho thấy sự xuất hiện sách điện tử không chỉ trùng với cuộc khủng hoảng của văn học truyền thống, mà còn chỉ ra các con đường có thể giải quyết cuộc khủng hoảng đó. Con đường chính ở đây là sự thay đổi các quan hệ giữa độc giả và nhà văn. Hiện nay văn học máy tính đang xem xét lại chúng một cách triệt để. Nó bứt khỏi mặt phẳng trang in để nhấn độc giả vào văn bản như vào bể bơi. Tại đây, đi theo chiều đo thứ ba do sách điện tử mở ra, chúng ta có thể ở vào vị trí đồng tác giả. Toàn bộ nền văn hóa hiện nay đã vận động theo hướng “tương tác”. Những tác giả thính nhạy nhất với tiếng gọi thời đại đã thấy sự cần thiết phải lôi kéo độc giả vào các trò chơi của mình. Thứ văn học như thế đem lại nghĩa đen cho câu nói nổi tiếng, mà hóa ra là có tính tiên tri, của Nabokov: “Kiệt tác của mọi nhà văn là độc giả của hắn”.

Có thể, chính là cần phải tìm trong thứ văn học máy tính, trò chơi, tương tác này cách đưa thế hệ tiếp sau của lứa tuổi đầu xanh tuổi trẻ hiện nay, lớp người lớn lên không phải bằng sách mà bằng thông tin điện tử, trở lại văn học. Chúng ta không thể hình dung một thứ văn học nằm ngoài văn hóa sách, nhưng chỉ cần nhớ lại là ngôn từ không chỉ cổ xưa hơn sách, mà còn hơn chính cả chữ viết. Thêm nữa trong các xã hội chưa có chữ viết, văn học dưới dạng folklore, ẩn trong các huyền thoại, các nghi lễ ma thuật, đã đóng vai trò lớn hơn trong nền văn minh chúng ta. Sách chỉ là một trong những hình thức tồn tại của văn học. Mà điều đó nghĩa là có thể có một cái khác đến thay thế nó. Chẳng hạn, sách điện tử.

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga
Tạp chí “Inostrannaya Literatura” số 10/1999


(142/12-2000)

Các bài mới
Quang gánh (17/06/2010)
Con hổ (16/06/2010)
Các bài đã đăng
Bà Hoài (23/10/2009)