Tạp chí Sông Hương - Số 142 (tháng 12)
Kịch bản của đời
10:17 | 18/06/2010
NGUYỄN VIỆT HÀĐạo diễn và cô bé hẹn nhau, một cái hẹn rất lãng mạn. “Anh qua trường đón em rồi chúng mình sẽ lên Hồ Tây chọn một quán thật yên tĩnh”. Đạo diễn đứng chờ không bâng khuâng không hồi hộp. Khi qua nhiều cuộc tình người ta bình thường điềm đạm.
Kịch bản của đời
Minh họa: Vũ Xuân Huy
Năm hai mươi mốt tuổi đạo diễn cũng đã đứng chờ. Trời đổ tuyết dầy lạ lẫm của mùa đông đầu tiên xa nhà. Lác đác người đi ngang qua thu lu trong những chiếc áo lông bước nặng nề như gấu. Mối tình đầu cùng trường trong sạch như tuyết. Bao nhiêu là cồn cào. Đạo diễn nép xe lẫn vào một cái chợ cóc nhếch nhác sát cổng trường Đại học. Cả một dãy hàng rau rong, lổn nhổn sọt với nhiều khuôn mặt đen đúa mang những cái nhìn vất vả. Loáng thoáng từ bao giờ, đạo diễn theo bố là một nhà biên kịch về thăm quê nội. Đã xong mùa gặt, mọi người thật vui nhưng tiếng cười và ánh mắt vẫn ướt một mầu bùn. Hơn bốn mươi năm rồi mầu mắt người nông dân hình như vẫn vậy. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Thơ ca nhiều lúc được dùng như xà phòng. Đạo diễn khẽ nhìn đồng hồ và không cần quay lại cũng biết mình đang bị nhìn. Cậu bé vẫn đứng ở chỗ cũ không cặp sách, đầu cắt cua và cặp kính râm hắt ngược qua trán. Cặp mắt của con sói con bị giật mồi, nó nóng rực nhiều hậm hực. Cổng trường đã ồn ào một đám nữ sinh tan học, cô bé nổi bật lên với dáng đi thật gợi. Đạo diễn hơi nghiêng đầu tránh cái vuốt má nhí nhảnh và đèo cô bé bằng chiếc Huxky phân khối lớn trong tiết trời thu dịu dàng. Hà Nội với những phố nhỏ, không có cây bàng lá đỏ nhưng vẫn có lác đác mái ngói thơm nâu. Cô bé ngồi sau khe khẽ hát.

- Em đọc hết kịch bản chưa.

- Em đọc rồi.

Bà giám đốc hãng phim đọc cái kịch bản đó vào lúc chín giờ sáng và đến khoảng gần trưa thì xong. Kịch bản viết tốt nhưng nhiều câu thoại phải sửa. Trưởng phòng biên kịch, cũng là nữ, đọc cái kịch bản đó vào buổi chiều và bỏ dở ở trang thứ hai mươi bảy. Một kịch bản tồi tệ với lối viết văn hoa nghiệp dư không điện ảnh. Còn đạo diễn đọc cái kịch bản đó vào đêm. Hà Nội có những khu tập thể và những khu tập thể có những đêm nghẹn ngào chờ mưa. Đạo diễn đứng trên ban công tầng ba vẩn vơ hút thuốc. Vợ đạo diễn đứng xếp hàng ở bể nước sát cầu thang tầng một với cái may bơm Kamar. Ủy ban nhân dân thành phố nói chương trình cấp nước Phần Lan còn cách bốn trăm mét. Đạo diễn quay vào bàn nhỏ, lật đúp mấy trang kịch bản, lấy bút nhấn gạch nhẹ một gạch mầu vàng.

32- Ngoại. Cầu Thăng Long- Chiều.

Một người, đàn ông cô dơn tựa mình vào lan can cầu. Máy quay cận mặt tả vẻ căng thẳng nhưng nhẫn nại. Gió mùa Đông Bắc từng đợt, từng đợt xô cây cầu nghiêng. Anh chờ và tin chắc là nàng sẽ đến. Mặt sông sẫm đỏ hoang dại bơ vơ vài chiếc lá rừng trôi từ trên thượng nguồn về. Mặt cầu mênh mông rộng xam xám trong chiều đông, những chiếc ô tô vun vút phóng qua và không hiểu sao rất hiếm xe máy. Và phía mút đầu cầu đã xuất hiện một bóng người nhỏ với mái tóc dài bay hoang mang trong gió. Vậy là nàng đã đến. Trái tim loạng choạng của anh như muốn gào lên. Như muốn vỡ ra. Nàng lại gần, thật gần. Khuôn mặt xinh xắn không son phấn, tim tím lạnh trong cái rét đầu mùa. Nàng nhợt nhạt môi khẽ hỏi.

- Sao lại hẹn gặp nhau ở trên cầu.

- Chịu, anh cũng không hiểu. Mà ông ấy tả như thế thì đến bố anh cũng không làm nổi.

Cô bé nhả ống mút nhựa trắng cho chìm vào cốc cam vắt, khanh khách cười.

- Người ta chửi phim truyền hình ghê lắm đấy.

Đạo diễn châm điếu thuốc, cố không nhả khói về phía cô bé. Mặt hồ có hoàng hôn của mùa thu. Và giá như có một đám sen bồng bềnh phớt nắng trôi quanh cái thuyền nhỏ có cặp tình nhân trẻ kia. Nếu để máy quay ở trên nóc nhà khách sạn Seraton, cảnh sẽ rất lạ. Và sẽ thật lạ là từ một vòng của trực thăng. Nghệ thuật có tiền chưa chắc sẽ hay nhưng chắc chắn sẽ lạ. Cô bé vớt ông mút nhựa trắng thổi cho khô rồi phi vào cổ áo đạo diễn.

- Xin lỗi, em đã đọc kỹ lại cảnh mười tám chưa.

- Rồi, cái cảnh em tự xé quần áo sau đấy lao mình xuống nước chứ gì.

Đạo diễn gật và nhà văn lắc. Kịch bản này là kịch bản phim truyền hình đầu tay của nhà văn đang thời thượng. Đạo diễn biết nhà văn từ hồi sinh viên bên Nga. Cả hai ít vốn chạy hàng lặt vặt cò con. Trường Goóc ky thiên về buôn quần bò con trường Vờ gíc là nồi áp suất. Nhà văn bây giờ đã hơn năm mươi nhưng vẫn còn thói quen mặc cả bộ Le vít.

“Kịch bản là một thứ ngôn ngữ phi văn học. Tôi biết điều đó rất khó cho anh nhưng tôi muốn anh thêm thật nhiều hành động vào”.

“Khó quái gì điều đó. Tôi sẽ cho tất cả các nhân vật nữ vừa nghĩ vừa tắm”.

Đạo diễn cũng đã viết truyện ngắn dự thi, được giải cao nhưng rất ít người đọc. Trên một tờ tạp chí có uy tín, nhà văn viết một bài tiểu luận mỉa mai các giải thưởng, ví dụ minh họa là truyện ngắn của đạo diễn.

“Đấy không phải là ngông nghênh hay công bằng công lý cái đếch gì. Mà là sự nhỏ nhoi của tầm thấp tâm hồn luôn mặc cảm một sự không vươn tới được cái giá trị lớn mà nó suốt đời khát khao hoặc thảm hơn, không nhận ra”.

Đạo diễn uống nốt chén rượu thuốc nhìn vẻ khinh khỉnh của nhà văn. Mọi chuyện thì cũng qua lâu rồi. Người ta sống là để quên hay để nhớ.

“Tôi phải gọi ông bằng chú nhưng tôi khinh ông”.


Đạo diễn nói lập cập lời xin lỗi khi đang cùng cậu bé đi ra khỏi quán Bar “Núi đêm”. Cái quán tụ tập lê la của nghệ sỹ và nhan nhản những tay chầu rìa. Cái vỗ vai thật hỗn nói trước điềm không lành. Cậu bé tròn hai mươi tuổi, học trên cô bé một khóa và tuyên bố rằng đây là lần đầu yêu. Đạo diễn đi theo cậu bé đến sát mép hồ. Chợt vấp loạng choạng suýt ngã, vỉa hè Hà Nội bị Sở giao thông công chính hành hạ quá nhiều. Cậu bé chuyển cái mô bai sang tay trái, lấy tay phải tóm túi ngực áo đạo diễn. Thói quen nhiều năm không dùng ví, đạo diễn thường để tiền mặt ở túi áo sơ mi. Hôm ấy lồng phồng sáu bảy tờ một trăm đô, tiền làm phim quảng cáo cho một hãng xe máy. Đạo diễn tuyệt vọng nhìn anh cảnh sát giao thông đứng cách một bồn hoa. Anh cảnh sát không quay lại, mải chăm chú nhìn ngã tư rình phạt những người phóng ẩu vượt đèn đỏ. Cậu bé gào lên.

“Tôi căm ghét ông và bố tôi. Tôi sẽ trả thù các người”.

Cậu bé là con giai duy nhất của nhà văn viết kịch bản. Nhà văn nhăn nhó phẩy tay.

“Chuyện vớ vẩn ông đừng có lo. Nó ở mãi với tôi, tôi không lạ. Chỉ gào thét thế thôi nhưng chẳng biết làm gì. Tháng tới tôi sẽ không trả tiền cước di động cho nó nữa. Chuyện trẻ con”.

Phim đạo diễn được giải là một phim thiếu nhi, tất nhiên là toàn trẻ con. Những khuôn mặt long lanh với những cái nhìn trong veo. bon trẻ vào vai hồn nhiên và lớn lên đều trở thành những người tử tế. Không một ai trong bọn trẻ đi theo vào các ngành nghệ thuật. Nhiều nhà phê bình điện ảnh khen đạo diễn biết chọn diễn viên.

“Tại sao chú lại chọn cháu”.

Đạo diễn trầm ngâm nhìn cô bé nhí nhảnh. Tại sao người ta lại không thể trung thực và tại sao người ta lại hay nói dối. Một cuốn tiểu thuyết vừa vô duyên vừa rẻ tiền trước bẩy nhăm có tiêu đề: “Xin đừng gọi anh bằng chú”. Đạo diễn mời cô bé đi qua hai đêm lên Hòa Bình với lý do rất thật là khảo sát chọn cảnh. Cô bé nhận lời khúc khích cười nhìn mái tóc muối tiêu của đạo diễn.

“Em còn bé lắm các anh ơi”.

Ca sỹ hát ca khúc Cô bé vô tư đã gần bảy chục tuổi. Bàn tay run run nhăn nheo thời gian đưa ngón út lên môi nũng nịu cắn minh họa. Kundera có nói là người ta vu cáo Goethe tám mươi hai tuổi còn yêu. Lão giả an chi và Khổng Tử thở dài. Trong hành trang kiến thức của thế hệ trẻ vắng mặt rất nhiều những triết gia có râu. Cái ba lô cô bé khoác theo có vỉ thuốc sáu viên Postinor mầu hồng nhạt. Lẫn lộn đè lên vỉ thuốc là sách vở là báo Hoa học trò và tạp chí Thời trang trẻ. Đoàn khảo sát phim chỉ có hai người, một đạo diễn thành danh và một cô bé sẽ là diễn viên vào vai một sơn nữ. Kịch bản có cốt truyện của Mỹ của Hồng Kông và tên đất tên người là Việt. Đầu phim có cô bé ngây thơ chân chất vùng cao quằn quại suốt một trăm tám mươi phút lừa lọc kịch tính hành động để cuối phim trở thành nữ doanh nghiệp đô thị lớn sắc sảo. Cô bé chết đi trong cơ chế thị trường và phục sinh trong tình yêu thánh thiện. Phim có phong cách huyền ảo vì kịch bản có rất nhiều giấc mơ. Những giấc mơ kéo dài chừng một phút trôi nổi bồng bềnh. Khoảng bảy năm lại đây cứ đều đặn mười một ngày đạo diễn mơ một giấc mơ Sex và có thể chia làm hai loại. Một loại là dại, một loại là khôn. Tất cả giấc mơ khôn đều phong phú, rất khác nhau. Có khi là đêm trắng ở Xanh Pê téc pua, có khi là một buôn xa tít hoang dã ở Tây Nguyên. Những trường đoạn kích động và hồi hộp nhất hoàn toàn chậm rãi rõ nét. Các cô gái trong mơ đều xinh đều dễ dàng cởi áo quần và mặc dù trầy trật hình như đạo diễn cũng làm được cái gì đó. Còn những giấc mơ dại, thật khốn khổ phải nhớ về nó. Chúng giống hệt nhau, luôn ở một căn phòng sang trọng có nhiều cửa sổ. Các cô gái vẫn xinh nằm trên một chiếc giường rộng phủ ga với một màu tím đáng ghét. Đạo diễn thấy mình loay hoay quanh chân giường không thể leo lên được. Cái đêm ở Hòa Bình đó, đạo diễn mơ thấy cô bé trong giấc mơ dại. Cô bé mắt lim dim mỉm cười khuyến khích. Đạo diễn đi loanh quanh trên những thanh gỗ nhà sàn, càng gần đến giường cô bé chân càng nặng như đổ chì. Và nặng nề nhất là như thấy ai nhìn. Không phải ánh mắt cậu bé. Một kiểu nhìn tò mò trắng dã vô nhân tính. Rồi có tiếng tru của chó sói trong xa thẳm rừng già vọng qua cửa sổ. Đạo diễn chợt tỉnh, mồ hôi đầm đìa và bụng dưới ấm ức tức. Cô bé khỏa thân năm cạnh mắt nhắm hờ nửa thức nửa ngủ. Có buổi chiều cô dơn, quán Bar “Núi đêm” đột ngột vắng khách, đạo diễn độc ẩm một ly Vốt ka giá rẻ âm thầm rút ví giở quyển lịch tay. Kể từ giấc mơ thứ mười bảy, đạo diễn theo dõi chặt chẽ nhưng không thể tìm ra quy luật của các giấc mơ khôn dại. Người ta vĩnh viễn không thể chủ động chọn được giấc mơ.

“Tôi muốn anh sửa một tý từ cảnh 11 đến 30. Tôi muốn tình yêu trong trắng hơn và thanh khiết hơn”.

“Sửa thế là nhiều đấy”.

Nhà văn gật gù, hai người nói chuyện đã hơn ba tiếng đồng hồ, đạo diễn giải thích những tế nhị trong việc duyệt phim phát sóng. Nhà văn đã lão luyện trong tính nhuận bút viết báo viết sách nhưng đây là lần đầu tiên bén duyên điện ảnh. Tiền nhà văn đã cầm hai phần ba và số còn lại không nhiều nhưng là một phần ba. Một bộ phim thành công là làm thế nào vừa đúng lại vừa hay. Nhà văn loay hoay nhồi thêm thuốc vào tẩu bập bập từng hơi ngắn, cái thói quen mới có gần đây sau khi được một giải nhơ nhỡ của Hội. Những bài tiểu luận cuồn cuộn mỉa mai đã phát sinh hiệu quả. Rất khó nói về đúng hoặc về hay. Để muốn nói một điều gì đúng cần phải có thời gian. Và đương nhiên nhà văn bất lực khi muốn nói đúng. Cảm nhận sự thực không phải là sự thực. Người ta kêu gào lương tâm nhà văn nhưng lại tiêu chuẩn hóa cái gọi là lương tâm đó. Nhà văn nhìn nhận mọi chuyện qua sự bồng bột ngu ngơ hoặc nhiệt tình hiểu biết vớ vẩn có vẻ sắc sảo. Đạo diễn lại uống nốt chén rượu thuốc. Cô bé quàng cả hai tay quanh người đạo diễn.

- Anh sợ.

- Anh không sợ, nhưng muốn thành công đôi khi cần phải thỏa hiệp. Cũng như em.

Cô bé tự rút một điếu thuốc, vụng dại châm rồi sành sỏi nhả khói. Cả lớp và hơn nửa sinh viên trong trường đều biết cô bé sắp đi đóng phim. Lẵng nhẵng dọc theo những phố cô bé ngang qua, la liệt nhiều cậu bé thần thờ. Cô bé tan học, đã bắt đầu quen đi một mình, mái tóc xõa bơ vơ cô đơn nghệ sỹ. Biết bao là ánh mắt nhìn, chỉ nhẹ nhàng tan khi cô ngây ngất ngủ.

- Bọn nó nói là thằng kia đấm anh à.

- Không.

- Nó bảo với em, nó sẽ chết cho tình yêu.

Cô bé tự bật cười, phim và tiểu thuyết Việt Nam có đông người thề thốt quá. Một cuộc sống tinh thần đủ mạnh thì thề và nguyền thường ít, không thể nâng cao trình độ dân trí bằng cách phong tiến sỹ đại trà.

- Em yêu anh, anh có biết không.

Đạo diễn lưỡng lự gật đầu.

“Tôi yêu cô ấy”.

Cậu bé căng thẳng nhíu mày, khàn khàn nói.

“Tôi không cần biết. Cuối cùng ông định dàn xếp vụ này như thế nào”.

Đạo diễn im lặng thật dài nhìn cậu bé. Đây là lần hẹn gặp cuối cùng giữa hai người đàn ông. Cậu bé tựa người vào lan can cầu khó chịu nhìn dòng nước. Sông Hồng không phải mùa lũ uể oải trôi. Xa về phía thượng nguồn chẳng nhìn thấy gì cả. Bến Bình Than ở đâu. Đạo diễn mời cậu bé một điếu thuốc. Mặt cầu Thăng Long ngun ngút rộng trong buổi tàn chiều đúng là có mầu xam xám.

“Thế cậu định đòi bao nhiêu”.

“Tùy ông”.

Bàn tay cậu bé run run năm ngón co quắp bóp chặt cái điện thoại di động. Đạo diễn vuốt lại mái tóc chìa tay cho cô bé.

- Chúng mình về quán Núi đêm ăn tối đi, anh sẽ giới thiệu em với một nhà văn.

Cô bé rút thỏi son thoa khẽ quanh môi.

- Thế anh không sợ thằng ấy à.

Đạo diễn lắc đầu tự đi ra trước rồi đề xe máy.

11 tháng 6 năm 2000
N.V.H
(142/12-00)



Các bài đã đăng
Quang gánh (17/06/2010)
Con hổ (16/06/2010)