Tạp chí Sông Hương - Số 130 (tháng 12)
Đọc "Cơ hội của chúa" của Nguyễn Việt Hà
15:27 | 26/10/2009
HOÀNG NGỌC HIẾN…Trong thời kỳ đổi mới xuất hiện nhiều tác phẩm cảm hứng phê phán rất mạnh. Có những quan điểm và giọng điệu phê phán rất khác nhau: xót xa và lo thương, căm uất và hằn học, tỉnh táo và điềm đạm... Cảm hứng phê phán mang tinh thần hài hước khoan hòa sẽ tạo một vị trí đặc biệt cho Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi Việt Nam đương đại…
Đọc
(Ảnh: Internet)

I. Những khái quát “xanh rờn”... Trong tác phẩm có những khái quát “xanh rờn” tất nhiên là không nên cả tin - không nên cả tin bất cứ điều gì những tiểu thuyết gia viết ra - nhưng trên thực tế có giúp người đọc hình dung và suy nghĩ về những thực trạng của xã hội, những vấn đề và những gì thực sự đang diễn ra trong xã hội ta thời kỳ đổi mới (dĩ nhiên không thể đòi hỏi tác giả bao quát mọi thực trạng, đề cập đến mọi vấn đề, phải nhận rằng những mảng đời sống, những thực trạng xã hội, những loại người, mẫu người được trình bày trong tác phẩm tác giả khá am hiểu, có sự cảm nhận tinh tế, có cả sự vô tư của một tác gia tiểu thuyết (vô tư theo cách hiểu rất bác học và cũng rất bình dân của người Hà Nội hiện nay khi dùng cái từ khẩu ngữ này). Những khái quát:

- Về hàng ngũ các giám đốc đầu những năm 90: “... Ba vạn chín nghìn tổng, chánh, phó giám đốc trong và ngoài quốc doanh đều mù và điếc theo mọi nghĩa...” (tr 362) * (đọc nhận định này chắc là những vị giám đốc mù và điếc sẽ nổi đóa lên và những giám đốc có năng lực sẽ mỉm cười)

- Về cánh buôn lậu: “Quan buôn lậu có thế hơn dân buôn lậu. Những phi vụ xuyên dọc chiều dài đất nước có thể là của dân, nhưng muốn xuyên ngang các quốc gia chỉ có thể là của quan (tr 62) (những ông quan buôn lậu sẽ phùng má trợn mắt, những ông quan không dây vào những vụ việc này sẽ cười mỉm)

- Về người Việt ở Đông Âu (đủ các loại: vỡ nợ trong nước xuất khẩu lao động, học sinh du học, quan chức đi buôn...): “Thỉnh thoảng sách báo từ Việt Nam đưa sang có những bài phóng sự du khảo của người Việt ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, đọc nghe hài hước. Cũng chẳng hẳn đã trác táng đến như vậy, cũng chẳng hẳn cướp giật đến như vậy nhưng làm gì có đan xen văn hóa, giao lưu văn minh. Cái hay của nước ngoài học được thì ít, cái dở của ngoại bang thì mót được nhiều...” (tr 285) (những người học hành tử tế sẽ trách tác giả không có sự thông cảm với tình trạng chung dân trí và mức sống thấp).

- Về “cái thời buổi nhố nhố nhăng nhăng..., ông không ra ông, thằng không ra thằng” này (xem tr 294) (những người nhố nhăng sẽ thích chí, nghĩ rằng tác giả ám chỉ những kẻ khác, trừ mình ra) Khái quát này được minh họa bởi những tiểu sử quái đản của những nhân vật của thời đại: một ông “tổng giám đốc liên hiệp Sữa- Điện tử- Thiết bị xây dựng chưa học hết cấp một... được báo hình báo tiếng... khen là... biết tám ngoại ngữ và trong giao tiếp không bao giờ dùng tiếng Việt (tr. 362), một Nguyễn Thị Thảo mà quá trình “trở thành nghệ sĩ Cam Ly là một chuyện dài, một trường thiên tiểu thuyết mà chương nào cũng đẫm đầy những tình tiết lừa đảo” (tr. 259), một Nguyễn Văn Mười Hai, “một thằng vô học móc cống dám len vào điều hành kinh tế ở tầm vĩ mô” (tr. 362)...

- Bức tranh khái quát thành phố Hải Phòng những năm đầu đổi mới:... dân tình ham hố kiếm tiền... với ba vạn chín nghìn cách làm giàu, thời đại hoàng kim cho các “ếch”... nhà nhà bung ra, người người bung ra..., ở quán càfê chỉ bàn về “cầu” và “quả”... cuộc sống sôi sục mùi đồng... và những thảm cảnh kèm theo kinh tế thị trường: một thằng nhóc mười sáu tuổi bắn chết trọn vẹn một gia đình hàng xóm chỉ để lấy hai trăm nghìn..., tiếng hét trước khi trẫm mình xuống sông Cấm của một gã người Kiến An buôn dưa lê (... gã bắt gặp cô vợ chưa cưới trốn vụ gặt ra thành phố hành nghề)... (xem tr. 203). Cũng có thể xem đây là bức tranh chung của sự nhộn nhạo, sự nhiễu nhương của các thành phố, đô thị những năm đầu kinh tế thị trường.

Về những khái quát “xanh rờn” nói trên hiện nay có hai cách đánh giá: dám nhìn thẳng vào sự thật hoặc xuyên tạc và bôi đen. Ý kiến của tôi: chớ cả tin nhưng rất đáng suy nghĩ. Vả chăng những khái quát này được phát biểu từ những nhân vật khác nhau, không thể đem quy là những quan điểm của chính tác giả (rất tiếc là điều này đã trở thành một thói quen của một bộ phận độc giả ở ta)

II. Những mẫu người “lập thân” “lập nghiệp” lý thú. Trên đại thể, những nhân vật tích cực trong tiểu thuyết trước đây là những mẫu người phục vụ: phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng... Những nhân vật chính trong Cơ hội của Chúa không có gì là chống đối, phá phách nhưng gọi họ là những mẫu người “phục vụ” thì không “chính danh”, tốt hơn hết gọi họ là những mẫu người lập thân, lập nghiệp. Bạn đọc, nhất là những bạn đọc trẻ dễ dàng nhận ra ở họ những người đương thời với mình. Hoạt động lập thân, lập nghiệp của họ giống nhau ở chỗ: gắn với mục đích trực tiếp là làm giàu. Khác nhau - và rất cơ bản - là cách làm giàu và quan niệm về sự giàu có. Rồi tâm tính khác nhau, trí tuệ khác nhau... Mỗi người một vẻ. Và người nào - kể cả người đốn mạt nhất - cũng lý thú, nếu như bạn đọc có hứng thú tìm hiểu, những mẫu mã người vô cùng đa dạng của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ này (Balzac đã làm tuyệt vời công việc này đối với xã hội Pháp đương thời của ông). Những Nguyễn Công Hoan, những Tô Hoài... thừa sức làm công việc này nhưng hai ông đã sáng tác trong một hoàn cảnh văn hóa- chính trị khác hiện nay, tôi hy vọng Nguyễn Việt Hà sẽ viết tiếp nhiều tập tiểu thuyết nữa, mở rộng chủng loại, phát hiện thêm nhiều mẫu mã người..., một người lính phải thủ một chiếc gậy thống chế trong túi rết của mình, không biết Nguyễn Việt Hà có găm một bộ Comédie humaine trong máy vi tính của mình không?... Trong Cơ hội của Chúa có thể kể ra những nhân vật chính sau đây: Hoàng, Nhã, Tâm, Bình, Lâm, Sáng...

Tâm và Bình là hai mẫu người kinh doanh rất khác nhau. Ở con người và hành vi của Tâm có những nét “anh hùng”: có “đam mê” của người làm “đại sự” (tr 448), “không chịu đựng được sự bất công”, không chịu “quỵ lụy hèn kém” trước người nước ngoài, không chịu nghèo hèn khi mình “mạnh và nhanh không kém gì những kẻ khác đang giàu có”, không chịu “cảnh cào bằng với những kẻ ngu hơn tôi trong tư duy, lười hơn tôi trong lao động”. Tâm có tinh thần tự lập, tự lực mạnh mẽ: “Ăn đậu ở nhờ để da tươi thắm thịt là chuyện nhục nhã. Tôi thấy lố bịch khi những kẻ tha hương vì miếng ăn hóng hớt được tý váng bọt dư thừa của nước ngoài khi về tới nhà xưng xưng một kiểu chơi cha” (Xem tr. 291- 292). Tâm thích làm chủ, khinh sự làm thuê, có tinh thần quyết đoán, mạo hiểm (xem tr. 49, có đầu óc tổ chức, tập hợp được “một dàn trợ lý tuyệt vời, rất nhiệt tình, rất nhiệt tình và rất trí thức” (tr. 448), có tham vọng làm những mặt hàng chất lượng cao, cạnh tranh được với hàng hóa của nước ngoài...

Tâm muốn “làm ăn chân chính bằng đúng trí thông minh và bản lĩnh của riêng mình” (tr. 290) Thành công của Bình là do dựa vào thế lực của bố và những người khác có thế lực, do biết mắc ngoặc với những người cầm quyền, không có sự đóng góp của tài năng và trí thức.

Tâm có quan niệm nôm na về đạo đức: “hiếu với bố mẹ, tốt với anh em và giữ chữ tín với bạn bè. Còn trách nhiệm với xã hội thì hãy đợi cho có tiền đã...” (tr 305) và Tâm ứng xử đúng như quan niệm của mình. Bình là một con người “vô luân” (hay là “phi luân”?) Cuối cùng thì Bình lộ ra là “một kẻ khốn nạn có gien”. Hai bố con cùng chung một “bồ nhí” thoải mái. Cùng một lúc Bình tán tỉnh vợ chưa cưới của bạn mình và ve vãn em gái cũng chính người bạn này.

Tâm là một nhân vật có lý tưởng. Lý tưởng của anh là “làm giàu đàng hoàng chính đáng tuân thủ pháp luật” (tr. 446), trở thành triệu phú đô la và “sẵn sàng kê biên tài của mình lên đài, lên báo” (tr. 447). Anh ước mơ một thương trường lành mạnh trong đời sống kinh tế của đất nước: “Thương trường chân chính không có chỗ cho lừa đảo và ăn cắp. Tất nhiên là đầy rẫy kỹ xảo. Phương châm chủ yếu là đôi bên cùng có lợi. Một sự hợp tác mang tính chất trí thức và trung thực. Thương gia ở các nước tiên tiến được coi như một bộ phận tinh hoa của xã hội” (tr. 85). Tôi đánh giá cao nỗ lực của tác giả qua nhân vật Tâm xây dựng một điển hình hẳn hoi của những nhà doanh nghiệp trẻ, tương lai của đất nước chúng ta phụ thuộc vào chỗ tầng lớp này có xứng đáng và có được thừa nhận là tinh hoa của xã hội không.

Nhưng những người như Tâm “rất khó giàu”. Tâm “mạnh mẽ quyết đoán nhưng chưa đủ độc ác”. Cá tính của Tâm quá mạnh, khó tìm quá mạnh, khó tìm được đối tác hoặc người bảo trợ. Tâm “vẫn nhiều đã cảm vẫn còn vương vấn với vài giá trị mà Bình coi là lỗi thời” (tr. 450). Sau khi so sánh Tâm và Bình, Nhã - mà thiện cảm nghiêng hẳn về phía Tâm - đưa ra một kết luận bất ngờ: “Bình chắc chắn là mẫu người sẽ vào thế kỷ hai mươi mốt”. “Đây là lời nói mát mỉa đối với Trần Bình hay là đối với xã hội Việt Nam thế kỷ XXI?

Lâm và Sáng là hai con đường lập thân của trí thức rất khác nhau. Ở đây có sự khác nhau của thời kỳ bắt đầu tiến thân (đối với Lâm là vào khoảng những năm cuối 70, đầu 80, đối với Sáng thì muộn hơn), sự khác nhau về hoàn cảnh gia đình, về tính cách...

Con đường lập thân của Lâm là con đường của một kẻ “nghèo khổ từ ấu thơ, lập cập bước vào đời đã chịu nhiều gian nan khắc nghiệt” và “đã tìm thấy lối thoát trong việc học hành, phương tiện thích hợp để “thăng hoa” ra khỏi sự bần hàn” (tr. 436). Thủ đoạn tiến thân của Lâm là sự lừa dối. Bản thân Lâm là hiện thân của: sự giả dối thượng thặng”, đóng kịch giỏi, biết tạo ra cái nhìn thẳng thắn “qua cặp kính trắng”, biết “giận dữ, chính trực đúng lúc, đúng chỗ”... Bước tiến thân quan trọng đầu tiên là chuyến đi học Hà Lan. Để có passport, Lâm hứa sẽ là con rể của một gia đình trọc phú... và hệ quả tất yếu là phải đá Nhã, người tình đã có mang ba tháng với Lâm. Bằng sự lừa gạt, dần dà Lâm có tất cả, trừ hạnh phúc. “Leo lên lưng cọp không tụt xuống được nữa. Đời tôi là một chuỗi sai lầm” (tr. 418), đây là lời tổng kết của Lâm về con đường lập thân của mình. Thực ra Lâm “luôn luôn đúng trong tất cả hành động của mình”. Nhưng không thể tới đỉnh cao của thành công vì Lâm “ đã vi phạm một luật căn bản của tự nhiên”: “người tính không bằng trời tính”, suy tính nhưng phải thoáng, đó là sự khiêm nhường dành chỗ cho “sự trời tính”, không phải người chủ gia đình, người quản lý, lãnh đạo nào cũng hiểu được điều này (xem tr. 437).

Tiền đề “lập thân”, “lập nghiệp” của Sáng cũng như chí hướng của Sáng rất khác, so với Lâm. “Sáng là con một trong một gia đình được coi là thế gia. Bố Sáng nhiều năm là Bộ trưởng một bộ quan trọng, một vị Thượng thư có nhiều bằng sau đại học nhất so với các Đại thần khác. Sáng nhận sự nâng niu từ bé và không phụ lại sự đầu tư ấy. Được hưởng một giáo dục ưu việt. Sáng hấp thụ chức chắn các tinh hoa. Sáng điềm đạm và không phải dạng người mê làm giàu. Sáng không giấu giếm tôi về khát vọng sẽ tham chính” (tr. 439). Sáng chẳng những là một chuyên gia kinh tế lão luyện mà: “hiểu biết của anh về văn chương nghệ thuật cũng rất lỗi lạc”. Sáng là người có tài và có chí. Câu hỏi về tiền đồ của Sáng chứa chan hy vọng và tin tưởng: “Liệu anh có phải lực lượng kế thừa chịu trách nhiệm cho đoạn đường đi sắp tới của chúng ta” (tr. 441).

Sáng là một viên ngọc không có tì vết. Đến cuối tác phẩm, mới thấy trên viên ngọc sáng nay một vết nhỏ, rất nhỏ. Sáng ngỏ lời cầu hôn với Nhã, chưa có câu trả lời nhưng lời cầu hôn được đón nhận trân trọng, quý mến. Nhã quyết định dẹp cơ sở kinh doanh ở Sài Gòn và ra hẳn ở Hà Nội, nơi Sáng đang công tác, cũng là một bước chuẩn bị cho hôn nhân. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, Nhã bị công an giữ lại (có một sự vu khống). Trong mấy ngày bị tạm giữ, Nhã có nhắn tin cho Sáng, chờ đợi Sáng sẽ bay vào, nhưng... tuyệt vô âm tín, Nhã gọi điện thoại cho Sáng nhiều lần nhưng không ai nhấc máy. Ra Hà Nội, xuống sân bay Nội Bài, nghe một người thân tín của Sáng nói lại, Nhã hiểu ngay sự tình và sự im lặng của Sáng: người mà Nhã thật lòng tin và quý trọng đương ứng cử vào hội đồng nhân dân thành phố, do đó không muốn bị liên lụy... Thần tượng sụp đổ... Sáng cũng có mặt ở sân bay và trước mắt Nhã, “người đàn ông chân chính” ngày nào chỉ còn là một thám tử hạng bét: “đeo kính đen”, “nhìn quanh một vòng trước khi lại phía chúng tôi” (tr. 464).

Con đường tham chính của Nhã đi tới đâu chưa rõ nhưng cuộc hôn nhân chắc chắn là tan vỡ: Nhã nhác thấy Sáng quay mặt bỏ đi. Vết rất nhỏ trên viên ngọc Sáng có tên triết học là tha hóa, có nghĩa là không còn là mình nữa, đánh mất bản thân mình. Do ham hố tham chính, Sáng không còn là mình nữa, không còn là người yêu Nhã, người ngỏ lời cầu hôn với Nhã. Trước đây, dưới con mắt của Nhã, Lâm nhếch nhác, èo ọt bao nhiêu thì Sáng đàng hoàng, mạnh mẽ bấy nhiêu. Từ giờ phút này, Nhã cho Sáng vào cùng một rọ với Lâm: “Lần đầu tôi đã bị bán rẻ cho cái lợi, còn lần này, tôi không muốn là nạn nhân của cái danh” (tr.464). Chủ đề sự tha hóa của con người (bộc lộ rõ nhất trong quan hệ tình yêu) được tác giả quan niệm hết sức nghiêm túc, và cũng chính vì vậy, nó được triển khai không có sự khoa trương hoa mỹ, do đó bị át đi bởi những chủ đề khác (về tôn giáo, về “lập thân”, “lập nghiệp”...) được tác giả triển khai với một cảm hứng cũng hết sức chân thành nhưng do cứ muốn nói cho “đã” nên đôi khi hơi ồn ào.

Hoàng và Nhã là “đôi bạn” của Nguyễn Việt Hà. Thêm một “đôi bạn” lý thú cho văn xuôi thời kỳ đổi mới. Giai thoại ngổ ngáo được kể ở ngay phần đầu chương I để lại những ấn tượng không đẹp về đôi bạn. Nhã có mang và người tình bỏ đi. Hoàng sẵn sàng làm chồng hờ của Nhã (đăng ký kết hôn với Nhã) để đứa con sau này của Nhã có giấy khai sinh hẳn hoi. Và Nhã đã đưa Hoàng cùng với tờ đăng ký kết hôn đến để mặc cả với bố, một quan chức rất sợ tai tiếng:

Thưa ba, với uy tín của ba không thể nào có đứa con gái trắc nết. Khoảng bốn tháng nữa con sinh cháu. Sẽ chẳng có đám cưới nào nhưng có giấy tờ kết hôn hợp lệ. Ba yên tâm lưu nó vào hồ sơ. Đổi lại ba đưa con cái Cub ba đang đi và năm cây vàng. Đây là hợp đồng đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa con và ba. (tr. 48- 49)

Đọc đến giai thoại này, độc giả dễ có cảm tưởng hai anh chị này cùng là “phường mèo mả gà đồng”. Không phải như vậy. Hai nhân vật này được tác giả quan niệm và xây dựng như những người có những yêu cầu rất cao trong đời sống đạo đức. Đạo đức là ở trong tâm của họ và hành vi của họ dễ gây “sốc” vì họ bất chấp các ước lệ xã hội.

Hoàng, trong sự cảm nhận của Tâm: “Đến tận giờ người tuyệt vời, thông minh và nhân hậu duy nhất mà tôi được gặp vẫn là Hoàng” (tr, 294) Và trong sự cảm nhận của Nhã: “Tôi chưa bao giờ thấy Hoàng dối trá. Cậu ta có thể tán lếu tán láo nhăng nhố nhưng tuyệt đối không dối trá” (tr, 458). Hoàng còn là một trí tuệ xuất chúng. Tác giả đã tạo ra một cảnh (tr. 410, tr. 412) trong đó Hoàng tiếp xúc và nói chuyện về tôn giáo, triết học với ba trí thức lỗi lạc: Sáng, được đào tạo chính quy ở Pháp và giỏi tiếng Nhật, mê thơ Hai ku, “một mẫu người văn hóa kết hợp tinh hoa Đông Tây”, một phó tiến sĩ tài chính thông thạo Phật giáo đại thừa, biện chứng pháp của Hegel và mê Kinh Dịch, một phó tiến sĩ sinh học đã hành thiền ba năm vừa thực nghiệm ngồi thiền vừa tham khảo những tài liệu tiếng Nhật. Có hai cái khó trong việc dựng cảnh này. Phải miêu tả như thế nào qua cách nói, cách suy nghĩ của những nhân vật này, qua những vấn đề học thuật họ nêu lên, qua những ý kiến và luận điểm của họ độc giả thừa nhận đây là những trí thức lỗi lạc, và về phương diện này tác giả đã thành công. Khó khăn thứ hai - khó hơn rất nhiều - là miêu tả Hoàng như thế nào để độc giả thấy rằng nhân vật này về mặt trí tuệ còn cao hơn ba người trí thức lỗi lạc kia. Buổi nói chuyện về những vấn đề tôn giáo, triết học được miêu tả từ điểm nhìn của Hoàng. Anh nhìn và nghe ba vị thức giả kia nói với một sự khâm phục chân thành (chứ không “bĩu môi”, không đối đáp để tỏ ra mình không phải “tay vừa”, về mặt này, Hoàng khác với những trí thức cứ nhằm những người có học hàm học vị cao mà dè bỉu, mạt sát để chứng tỏ rằng mình còn giỏi hơn họ). Nhưng đồng thời anh cũng cảm thấy ở sự say sưa của họ, sự nghiêm túc của họ, ở cách tư duy của họ cái gì đó không ổn, từ đó thoáng một giọng chế giễu hết sức tinh tế trong lời trần thuật từ điểm nhìn của anh. “Cũng giống như những bữa ăn có chế độ đạm cao sau khi điểm qua về thời sự chính trị mọi người chuyển từ tranh luận nghệ thuật sang đề tài tôn giáo” (tr. 410).

Hóa ra các vị thức gia cao đàm khoát luận về những vấn đề tôn giáo, triết học cao siêu là do đạm dư, tửu hậu..., có nghĩa là còn nhảm nhí hơn do trà dư, tửu hậu rất nhiều. Độc giả không khỏi mỉm cười đọc những dòng sau đây miêu tả anh phó tiến sĩ sinh học có hai năm rưỡi Đông Du tham gia đề tài thiền “bằng những kinh nghiệm của chính bản thân”: “Sau ba năm hành Thiền... Phó tiến sĩ Sinh học đã được mở tất cả các luân xa và gần đây phía trên dạ dầy ở phía dưới cơ hoành có cảm giác đang thấy nở một bông sen” (tr, 412). Ngay đối với Sáng là người mà Hoàng xem ra nể trọng hơn cả anh cũng cảm thấy có điều đáng giễu: “Anh Sáng, bằng những thông tin chuẩn, giới thiệu sơ lược lịch sử Thiền Tông. Anh đưa ra những lập luận tối ưu của người phương Tây nhằm khám phá nhanh nhất những bí mật Thiền. Tôi uống rượu và giữ ý tọng vào mồm mình miếng cá to vừa phải”. Thú vị nhất, tinh diệu nhất là sự hóm hỉnh của Hoàng nhìn cảnh một người vợ ân cần với chồng mình, một phó tiến sĩ tài chính tham gia cuộc đàm luận bằng một cú nhảy “ngoạn mục từ kinh điển Phật giáo đại thừa sang Kinh Dịch”: ... Anh hùng hồn: “Hơn năm nay, tôi đắm chìm trong dịch. Từ đó tôi có một cách nhìn mới về sự lưu thông tiền tệ. Dịch quả là vĩ đại”. Chị vợ ngồi cạnh tế nhị tiếp cho nhà Dịch học một miếng cá quả. Cá quả thuộc âm rất lợi cho hùng biện... (tr. 411).

Tôi cho rằng đây là một trong những câu nói hóm hay nhất, ý vị nhất trong văn học Việt Nam đương đại. Văn học Việt Nam sau cách mạng (1945), không hiểu sao vắng hẳn đi sự hóm hỉnh, sự bông đùa (trong khi đó ngoài cuộc đời, các nhà văn, dĩ nhiên là ngoài những cuộc hội nghị, nói đùa, nói dỡn cũng sắc sảo, đậm đà lắm). Lác đác có những câu nói hóm thường chỉ là biểu hiện của trí thông minh sắc sảo, rất hiếm những câu thể hiện sự tinh diệu của tinh thần (cái mà người Pháp gọi là spirituel). Tiểu thuyết Cơ hội của Chúa thừa thãi những câu hóm hỉnh, đùa giễu, về phương diện này có thể xem tác phẩm của Nguyễn Việt Hà là một cái mốc. Thực ra cũng có những câu nhàm, có những câu cầu kỳ nhưng cũng chẳng hay ho lắm, có những câu thú vị là biểu hiện của trí thông minh sắc sảo... và có những câu - tôi đánh giá rất cao - đạt tới sự tinh diệu của tinh thần, có thể nói là tác giả gần gần bằng được Vũ Trọng Phụng. Trong thời kỳ đổi mới xuất hiện nhiều tác phẩm cảm hứng phê phán rất mạnh. Có những quan điểm và giọng điệu phê phán rất khác nhau: xót xa và lo thương, căm uất và hằn học, tỉnh táo và điềm đạm... Cảm hứng phê phán mang tinh thần hài hước khoan hòa sẽ tạo một vị trí đặc biệt cho Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi Việt Nam đương đại.

Cách ứng xử điềm tĩnh, nhã nhặn với một thoáng chế giễu hết sức tinh tế đặt Hoàng ở một vị trí cao hơn những trí thức lỗi lạc kia về mặt trí tuệ. Những ý nghĩ cuối cùng của Hoàng trong cảnh này khẳng định ưu thế của anh: “... Riêng tôi thấy bữa rượu cũng vui. Những người đàn bà thì đảm đang còn những người đàn ông thì thông minh. Tất cả những người đàn ông thông minh đều yêu học thuật. Tôi cũng đạt được rất nhiều những người thông minh dậy dỗ và đa phần trong đó tôi thấy họ chỉ thông minh thôi... Tri thức, thành phẩm cao hơn kiến thức ở họ chỉ là sự phô trương. Họ đầy đặn bằng cấp, có lòng tốt và nhiệt tâm theo kiểu của họ. Tri thức của họ rất sắc sảo nhưng tri thức chỉ là tri thức... Tôn giáo là thông dự chứ không phải để bàn thuyết” (tr. 414). Hoàng là một trí thức chân chính, ít ra cũng lương thiện (về mặt tri thức) hơn những người có học hàm, học vị, có chức vụ và công trình “có tiếng là giỏi Dịch mà không phân biệt nổi hai quẻ Càn khôn” hoặc “đã từng đọc vô số khảo cứu về Kinh Thánh nhưng Cựu ước, Tân ước chính bản chưa liếc lấy một dòng”.

Đọc Cơ hội của Chúa chắc là có những độc giả cảm thấy không thoải mái khi thấy Hoàng, một con người tài ba, có trí tuệ siêu việt, nhân hậu và trong sáng tuyệt vời thế mà đường đời lại lận đận, vất vưởng đến như vậy, công danh, sự nghiệp, làm giàu, hạnh phúc riêng... tất cả đều là con số không, hiện tại chỉ là một con sâu rượu, ngày càng nát rượu. Một sự thật đáng buồn là xã hội ta ngày càng đông những “thiên tài đầu bù rũ rượi” “oán trách nhân loại không chịu hiểu mình”, những “artiste phế phẩm” “luôn miệng chửi đời mà không dám lao động”. Trước hết phải thấy rằng Hoàng không thuộc về những loại người này. Anh loay hoay tìm việc, đã “đủ cảm thấy vị đắng của miếng cơm ăn nhờ”. Đúng là ở cơ quan anh là kẻ vô tích sự (như nhiều kẻ khác), nhưng anh dịch sách, anh chơi nhạc ở các bar, viết truyện... những công việc này chẳng phải là lao động hay cứ nhất thiết phải như Mộng Hoa, bà tổ trưởng của anh, suốt “tám giờ vàng ngọc” cầm ống phôn ba hoa thì mới là lao động. Hoàng không chửi đời, không chửi đổng, không hề có một nửa lời oán trách, trừ phi tự trách mình trong những lời sám hối. “Tôi bạc nhược, không neo đính vào bất cứ chỗ nào” (tr. 410), cuối cùng thì nhận định của Hoàng về bản thân mình là đúng hơn cả. Một người “cùng hội cùng thuyền” với Hoàng là Thắng, một Edison mới nhú lên nhưng cũng bắt đầu nát rượu vì hoài bão sáng chế, phát minh trở thành bong bóng xà phòng quá sớm. Cảm nhận của Tâm về Thắng giúp chúng ta hiểu rõ hơn con người và cuộc đời của Hoàng: “Những kẻ có chút tài không thích đổ lỗi cho người khác. Âm thầm tự chịu. Mà chịu âm thầm thì tốt nhất là uống chút rượu” (tr, 360).

Có tài, bị “sốc”, âm thầm tự chịu, rượu, phải chăng đấy là lôgic của số phận những người như Hoàng, Thắng... (có thể gộp vào đây Du bạn của Hoàng, một người có tài, một thi sĩ, “dị ứng với tất cả những gì không trong sạch” và dĩ nhiên là bạc mệnh). Trong truyện có hai cách lý giải về số phận của Hoàng. Cách lý giải của Tâm: “Tất cả mọi người đều kêu ca Hoàng là đồ vô tích sự. Tôi hiểu điều đó, phải đến thế kỷ hai mốt thì những mẫu người như Hoàng sẽ được nhân loại cần còn thì ở cái thời buổi nhố nhố nhăng nhăng này, ông không ra ông, thằng không ra thằng thì một người như anh giai tôi phải lận đận là chuyện dĩ nhiên” (tr, 294, H. N. H, tô đậm). Hiểu như Tâm thì số phận của Hoàng bị gắn với xã hội nhố nhăng này của những thập kỷ cuối thế kỷ XX này và cách nhìn đối với thế kỷ XXI thì quá không tưởng. Cách lý giải của Nhã: “Thủy và Hoàng yêu nhau bằng sự trong sáng duy nhất của hai người và theo đúng quy luật, chẳng hiểu của tự nhiên hay xã hội, của thần hay của quỷ, những gì trong sáng quá thường hay khó tồn tại. Sự hiện diện của Hoàng trên cõi đời này đối với tôi là một điều kỳ diệu. Nếu thật đúng ra cậu ta phải chất yểu” (tr, 458).

Như vậy, số phận của Hoàng gắn với những quy luật rất khái quát bao trùm cả tự nhiên và xã hội, có khi quan hệ cả với quỷ thần... Mà sang thế kỷ XXI, làm sao những quy luật này lại mất đi được, có nghĩa là vẫn còn những số phận như Hoàng, Thắng, Du... Tôi thiên về cách lý giải của Nhã, đành rằng cách lý giải của Tâm gần với chủ nghĩa duy vật lịch sử hơn. Hoàng có những phẩm chất đạo đức và trí tuệ tuyệt vời. Không thể nói đây là nhân vật tiêu cực. Tích cực chăng? Điều khó chấp nhận nhất ở Hoàng là rượu liên miên và suốt ngày. Uống rượu đối với anh không còn là một thú vui nữa. Dường như trong tâm hồn anh có lỗ thủng, đổ bao nhiêu rượu cũng không đầy. Theo cách nói của người Nga nghiện rượu đối với anh là điều bất hạnh hơn là tội lỗi. Hoàng khi say vẫn tỉnh, không càn xiên, gây gổ...., anh không lường gạt, không buôn lậu, không tham nhũng để có tiền uống rượu (riêng tôi với người nghiện rượu không tham nhũng tôi có cảm tình hơn với người tham nhũng không nghiện rượu). Không “tích cực”, không “tiêu cực” vậy thì Hoàng thuộc loại nhân vật nào?

Khổng tử, Mạnh Tử rất ghét loại người vẫn được gọi là “phường hương nguyện”. Trong sách Mạnh Tử bộ mặt “hương nguyện” được miêu tả qua thái độ của họ đối với “cuồng giả” (là “kẻ sĩ có chí tấn thủ trên đường đạo lý, dẫu làm chẳng được, cũng gắng sức mà làm”), và “quyến giả” (là “kẻ sĩ giữ gìn khí tiết: chuyện chẳng hạp nghĩa chẳng làm” (1)...

Vạn Chương, môn đệ của Mạnh Tử hỏi: “...Tôi xin hỏi thầy: Người như thế nào mới gọi là hương nguyện?”

Mạnh Tử đáp rằng: “... Ây là những kẻ hay chê cười... Đối với cuồng sĩ họ trách rằng: “Mấy ông ấy có chí cao nguyện lớn để làm gì?... “ Đối với quyến sĩ, họ trách rằng: “Mấy ông ấy làm gì mà ăn ở khác đời? Làm gì mà lãnh đạm với đời? Đã sanh ra và sống ở đời này, thì cứ làm việc đời này đi. Miễn được khen là tốt rồi”. Họ nịnh đời bằng cách che dấu điều tốt đẹp của người và khoe khoang việc xứng đáng của mình. Phường như thế là hương nguyện vậy”

Vạn Chương lại hỏi: “Cả làng đều khen họ là người thật thà đứng đắn, đi đâu họ cũng làm như người thật thà đứng đắn. Tại sao đức Khổng Tử nói rằng họ làm bại hoại nền đạo đức?”

Mạnh Tử giải rằng: “Muốn chê họ, thì chẳng có chỗ gì chê, muốn trách họ, thì chẳng có chỗ gì trách. Họ đồng hóa theo thói tục thông thường, họ dung hiệp với cõi đời ô trược. Lòng dạ họ dường như trung, tín, hành vi họ dường như liêm, khiết. Dân chúng lấy làm ưa thích họ, mà họ cũng tự nhận mình là trung, tín, lêm, khiết. Thế mà họ không thể cùng đi với mình vào Đạo vua Nghiêu, vua Thuấn. Bởi thế, đức Khổng nói rằng họ làm bại hoại nền đạo đức vậy” (2).

Hoàng thuộc loại nhân vật “phản hương nguyện”. Để độc giả nhìn nhận Hoàng là một nhân vật tích cực có khi tác giả phải đặt cho nhân vật của mình những yêu cầu cao hơn về tính tư tưởng. Tuy vậy, ở nhân vật Hoàng có cái tối thiểu của con người hẳn hoi: nhân hậu, trung thực, chân thành, lương thiện, không đểu giả, quay quắt... Người đọc chưa nhận ra ở nhân vật tích cực cái tối thiểu này thì nó khó mà có sự sống, sức thuyết phục lâu bền trong ký ức của người đọc. Thời đại nào cũng vậy, trong cuộc đời cũng như trong văn học, nhân vật tích cực, nhân vật tiên tiến trước hết phải là con người hẳn hoi.

Quan hệ tình cảm giữa đôi bạn Hoàng và Nhã không phải là tình yêu, còn cao hơn tình yêu, đó là tình bạn, tình bạn chân thành, vô tư, không phải tình yêu ngụy trang. Tình bạn này có khi còn cao hơn “tình yêu thuần khiết” (amour platonique) của Platon vì đây là quan hệ tình cảm giữa những con người bằng xương bằng thịt với những ham mê hết sức trần tục (tôi muốn nói đến thú ma men và tình yêu đắm đuối với Thủy của Hoàng, đến ham thích làm giàu, thói quen hút thuốc và cả rượu nữa của Nhã, trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà không có chủ đề sex). Nhã và Hoàng là đôi bạn đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam (không biết trong văn học thế giới có đôi bạn nào như vậy không?). Những phẩm giá nào của Nhã và Hoàng gắn bó họ trong tình bạn có một không hai này?

Xác lập cơ sở cho đạo đức, Kant cuối cùng đề ra một mệnh lệnh tuyệt đối (imperatif catégorique) cho lương tâm con người: “... con người không thể bị sử dụng chỉ như là phương tiện, nó phải được đối xử đồng thời như là cứu cánh cho bản thân nó, không bao giờ, không một ai (kể cả Thượng đế nữa) được sử dụng nó chỉ như là phương tiện...” (3). Mệnh lệnh tuyệt đối này cũng bao hàm một quan niệm về nhân cách (personne humaine). Có những quan niệm khác nhau về nhân cách. Ở đây, ý thức về nhân cách có nghĩa là ý thức đầy đặn về bản thân mình, trong khi mình bị (hoặc được) sử dụng như là phương tiện mình đồng thời ý thức ở mình cứu cánh cho bản thân mình. Nó là sự diễn đạt triết học của ý thức “lầy mình làm chủ” (chữ của Tản Đà). Kant không bác bỏ quan niệm sử dụng con người như là phương tiện, ông yêu cầu đồng thời phải có sự nhìn nhận cứu cánh ở bản thân nó (và cho bản thân nó), ông chỉ phản bác việc sử dụng con người chỉ như là phương tiện. Anh muốn sử dụng tôi như là phương tiện ư, O.K, nhưng đừng có quên cứu cánh của tôi cho bản thân tôi, nói một cách nôm na, nhu cầu nhân cách trong mệnh lệnh tuyệt đối của Kant là như vậy. Đây là một nhu cầu hết sức cốt yếu của con người, có thể đó là biểu hiện của “linh thể” ở con người mà tác giả có nhắc đến đôi ba lần trong tác phẩm. Nó là phẩm giá bảo đảm cho mình sự kính trọng của người khác. Khi anh được xem xét chỉ như là phương tiện: được việc cho chức năng này, đắc lực cho chức năng kia... khi đó, anh có thể được trọng dụng, nhưng được quý trọng thì chưa chắc. Nó cũng là một nhu cầu hết sức phổ biến. Con người bình thường bao giờ cũng cảm thấy bị xúc phạm khi bị đối xử chỉ như là phương tiện. Nhã là người đặc biệt nhạy cảm khi nhân cách bị xúc phạm, tức là khi bị đối xử chỉ như là phương tiện. Nhã đầy thiện cảm với Sáng nhưng đến khi chợt nhận ra Sáng đặt cái danh của anh ta cao hơn mình thì Nhã phản ứng ngay tức khắc, phản ứng một cách kín đáo nhưng xem ra hết sức quyết liệt: nhác thấy bóng Sáng cũng có mặt ở sân bay Nhã quay mặt và bỏ đi (xem tr. 464). Về phía Hoàng, công việc anh ta làm hứng thú, bền bỉ hơn cả là viết truyện. Có thể hiểu được điều này: sáng tác văn học là công việc duy nhất anh làm mà vẫn giữ được, thực hiện được cứu cánh cho bản thân mình. Còn những công việc khác của Hoàng... chúng ta sẽ bàn ở phần dưới.

Đạo đức của cá nhân bao gồm hai loại quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức: quan hệ đạo đức của cá nhân với cộng đồng (và những người khác có liên hệ với mình) và quan hệ đạo đức của cá nhân với bản thân mình. Loại quan hệ sau thể hiện ở những đức tính (trong tiếng Việt bắt đầu bằng chữ tự): tự lập, tự lực, tự tin, tự trọng, tự ái... (Nguyễn Việt Hà thêm vào danh sách này một đức tính nữa được tác giả gọi là tự chịu với ý nghĩa là tự trách mình, không đổ lỗi cho người khác, xem tr. 360). Ý thức về nhân cách chính là cơ sở triết học của loại đức tính này. Hồ Chủ tịch đặc biệt coi trọng lòng tự trọng, lòng tự tín, lòng tự ái của con người: “Ai cũng có lòng tự trọng, tự tín, không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng” (4). Đầu thế kỷ này, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu bàn về nhân cách của con người “lấy mình làm chủ” có đề xuất ba đức tính mà ông gọi là “ba đức riêng”: tự ái, tự trọng, tự tôn (5). Trong sinh hoạt đạo đức, tư tưởng cũng như trong công tác giáo dục những đức tính này thường không được chú ý. Đây là một lỗ hổng đáng buồn trong đời sống đạo đức của chúng ta. Phải chăng vì vậy xung quanh chúng ta có những con người có những ưu điểm đáng qúy nhưng nhân cách không đẹp. Trong ngôn ngữ hằng ngày “tự ái” bao giờ cũng được dùng với nghĩa xấu. Hầu như không ai nhớ đến nghĩa “chân chính” của từ này, như là ý thức về phẩm giá cá nhân, như là một tình cảm cao quý khiến ta cố gắng, tìm mọi cách để xứng đáng với sự quý trọng của người khác. Trong thế kỷ này, ở nước ta, theo tôi biết có hai danh nhân văn hóa hiểu lòng tự ái như một chiều cốt yếu của nhân cách đạo đức, như một phẩm giá cao thượng gắn liền với lòng tự trọng: đó là Hồ Chí Minh và Nguyễn Khắc Hiếu.

Hồ Chủ tịch viết: “... Không làm điều gì có hại đến danh dự của mình thế là chân chính và tự ái, mà ai cũng phải tự ái” (6). Tự ái, Nguyễn Khắc Hiếu viết là: “chút lòng tự yêu mình, tự tiếc mình... giữ cài tài ấy, cái đức ấy... làm nên công đức ấy, sự nghiệp ấy” (7). Có lẽ lòng tự ái là thanh, khí hòa điệu nhất giữa đôi bạn Nhã và Hoàng. Nhã ham làm giàu nhưng vẫn có cái gì đó Nhã coi trọng hơn tiền bạc: Nhã thà mất phần nửa số vốn còn hơn “ra tòa với tội danh buôn lậu” (xem. 462). Hoàng khi khốn đốn nhất trong tình yêu vẫn giữ lòng tự trọng của người đàn ông. Hoàng vất vưởng trong công việc cơ quan một phần do bạc nhược, một phần do, nói như Tản Đà, với “chút lòng tự yêu mình, tự tiếc mình” anh muốn giữ “cái tài ấy, cái đức ấy”... “làm nên công đức ấy, sự nghiệp ấy”... Trước mắt, Hoàng chẳng tìm đâu thấy “công đức ấy”, “sự nghiệp ấy”... Dưới trướng bà tổ trưởng Mộng Hoa ba hoa nhăng nhít, bên trên viện trưởng cũ và viện trưởng mới đều không ra gì, làm sao Hoàng có thể yên tâm, tận tâm được? Đây là một câu hỏi lớn được đặt ra trong Cơ hội của Chúa.

Có sự mới mẻ trong sinh hoạt của Hoàng, Nhã, Tâm, Bình... và bạn bè của họ. Họ ngồi tán gẫu ở những khách sạn sang trọng, họ gặp nhau ở sân quần vợt, họ giải trí ở những cửa hàng Karaôkê, lui tới những bar, hộp đêm... Về phương diện này Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh... “nhà quê” hơn Nguyễn Việt Hà nhiều. Cơ hội của Chúa nhan nhản những mác rượu Tây: Johny Walker, Remy Martel, Gordon, Martini...., trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp sang nhất là rượu Vân. Có sự mới mẻ trong đời sống tư tưởng và não trạng của họ. Họ hầu như không quan tâm đến những vấn đề chính trị và hệ tư tưởng, những vấn đề thời sự quốc tế và trong nước. Họ suy nghĩ về những vấn đề tôn giáo, tranh luận về triết Đông, triết Tây, đưa ra những quan niệm, những tư tưởng về đạo lý kinh doanh, về triết lý quyền lực, triết lí đọc sách, triết lí đồng tiền..., những vấn đề hầu như không được bàn đến trong những bài giảng triết học ở nhà trường và những sách giáo khoa về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

III. Chủ đề văn hóa tôn giáo trong Cơ hội của Chúa. Chủ đề văn hóa tôn giáo là một chủ đề quan trọng trong Cơ hội của Chúa. Trong tác phẩm này không có sự độc tôn của một tôn giáo nào. Những tôn giáo lớn được xem xét từ những giá trị bền vững chúng đóng góp cho kho tàng văn hóa nhân loại. Qua một nhân vật phụ, một bà chủ quán nói: “giọng Bắc có pha chút Sài Gòn nghe dễ chịu” tác giả đã tạo ra được một hình ảnh tuyệt vời của cảm thức tôn giáo người Việt: Bà chủ người Nam Định khoe với Hoàng là dân đạo gốc. Tháng trước vừa lên đồng hết gần một triệu. “Chị là chị cứ thành tâm. Bên cha cũng kính, bên mẹ cũng thờ” (xem tr. 265). Cảm thức tôn giáo của tác giả có tính chất uyên bác nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên của tín ngưỡng bà chủ quán người Nam Định. Hoàng là một tín hữu Thiên Chúa giáo, anh khảo cứu Tân Ước, say sưa đọc Suzuki và kinh Bát Nhã, qua những trang viết tay còn sót lại của Hoàng (ch. VI, mục 1, tr. 185...) có thể thấy anh hiểu sâu sắc Trang tử, ta thấy anh quỳ xuống làm dấu dưới chân tượng Đức Mẹ và lầm rầm cầu kinh và cũng thấy anh thành tâm khấn khứa trước bàn thờ Phật, cũng có khi thấy anh ngồi thiền...

Trong Cơ hội của Chúa linh mục Đức khuyên Hoàng đọc giáo lý Thiền tông một cách thoải mái cũng giống như bà chủ quán đạo gốc người Nam Định khoe việc lên đồng một cách hồn nhiên. Mục 1 chương VIII (tr. 375...) trong đó thuật lại việc Trần Khánh Dư đưa Trần Quốc Tảng đến yết kiến Tuệ Trung thượng sĩ là một mục hết sức quan trọng, phải được xem là một bộ phận hữu cơ của cuốn tiểu thuyết. Qua mục này cảm thức tôn giáo của tác giả được đưa trở về nguồn, trở về với cảm quan tôn giáo của những trượng phu kiệt hiệt thời Trần, từ đó được nâng lên, được thăng hoa trở thành một mẫu phạm tôn giáo khoáng đạt và hiện đại: Tuệ Trung tu thiền, vẫn ăn thịt, uống rượu, vẫn một tấm lòng ưu ái tới vận nước và dân tình (xem tr. 384). Có thể xem mẫu phạm tôn giáo này là một trong những đóng góp quý giá của Thiền đạo Việt Nam cho văn hóa Việt, một đóng góp độc đáo cho văn hóa nhân loại. Có lần tôi hỏi họa sĩ Lê Bá Đảng: “Bác thấy trong các giáo ở Việt Nam, giáo nào quan trọng nhất?”. Họa sĩ trả lời: “Việt giáo là quan trọng nhất”. Qua nhân vật Tuệ Trung thượng sĩ Nguyễn Việt Hà đã làm sáng tỏ tinh thần Việt giáo trong Thiền đạo thời Trần. Trở về với cội nguồn dân tộc để tìm một mẫu phạm cho cảm thức tôn giáo, điều này không giống với định kiến của không ít độc giả đối với Nguyễn Việt Hà thường bị quở trách là “snob”, là sùng ngoại, sính dùng chữ Tây, quá nhiều so sánh,ẩn dụ quy chiếu Tây. Nhiều vấn đề của đức tin và giáo lý Thiên chúa giáo được đề cập trong Cơ hội của Chúa. “Chúng ta có nên hằn học, có nên nghiệt ngã ở cuộc đời này khi chúng ta cảm thấy bất hạnh? Hay chúng ta nên yêu thương và tha thứ?... đó là một thông điệp cốt tử của Tân Ước” (xem tr. 279). Những giá trị nhân bản bền vững được hàm chứa trong thông điệp này là đóng góp to lớn cho văn hóa nhân loại. Những tư tưởng của Thiên chúa giáo về sự bất hạnh và đức tin, về sự bất hạnh và sự chấp nhận đau khổ, về sự bất hạnh và yêu thương, tha thứ... được tác giả cảm nhận khá tinh tế và sâu sắc làm sáng tỏ thông điệp cốt tử nói trên. Rất tiếc là đến đoạn bàn luận về Thiện và Ac (xem tr. 99, tr. 101), về nguồn gốc của cái ác, tác giả đã bỏ qua một tư tưởng cốt yếu của Thiên chúa giáo. Tác giả nhấn mạnh cơ sở tâm lý của cái ác: “Cái ác đầu tiên manh nha từ sự so bì cao thấp, ghen tỵ...” (tr. 100).

Theo sự tích về tội tổ tông trong Kinh Thánh, việc ác đầu tiên của loài người là việc ăn quả cấm của Eva và Ađam, những con người đầu tiên. Nguồn gốc của việc ác này? Do sự so bì, ghen tỵ? (lúc này trong vườn Địa đàng đã có ai đâu?). Không thể là do ý Chúa (lẽ nào Chúa răn họ không ăn quả cấm lại run rủi họ làm việc này). Do sự dụ dỗ của quỷ Satan? Thế nhưng Ađam có bị quỷ dụ dỗ đâu? Vả lại, nếu như toàn bộ tội lỗi là ở quỷ thì cớ sao Chúa Trời công minh lại trừng phạt Ađam và Eva. Nguyên ủy là ở bên trong bản thân Ađam và Eva. Hai con người đầu tiên này được hoàn toàn tự do trong vườn Địa đàng, tuyệt đối không có một sự kiểm soát, một sự ngăn ngừa nào cả, nếu như Chúa có răn họ không được ăn quả cấm thì cuối cùng ăn quả cấm hay không ăn quả cấm hoàn toàn do sự quyết định, sự lựa chọn tự do của chính họ. Như vậy, trong cuộc sống ở Địa đàng, Ađam và Eva được Chúa Trời trao cho sự tự do và bằng sự tự do này con người, một tạo phẩm của Thượng đế, ngang bằng với Thượng đế. Đây là một tư tưởng lớn của Thiên chúa giáo. Bởi vì trong tinh thần công chính của Thiên chúa giáo quyền tự do gắn với ý thức trách nhiệm. Ađam và Eva được hoàn toàn tự do ở vườn Địa đàng do đó chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc ăn quả cấm, không thể đổ lỗi cho quỷ Satan được (sự tích về tội tổ tông bao hàm một quan niệm về thân phận con người vừa lớn lao, vừa bi thảm: với quyền tự do con người ngang bằng với Thượng đế và lần đầu tiên nó sử dụng quyền tự do này lại là để lựa chọn điều ác: ăn quả cấm). Nguyên ủy của việc Ađam và Eva làm điều ác đầu tiên của nhân loại là ở bản thân họ: họ đã lạm dụng quyền tự do. (mà Thượng đế trao cho họ). Nguồn gốc của cái ác là ở sự lạm dụng tự do (bản thân sự cám dỗ của xác thịt, sự suy bì tị nạnh chưa hẳn đã dẫn đến làm điều ác, phải có sự lạm dụng tự do thì mới sinh ra cái ác)... Lẽ ra những tư tưởng lớn này được bao hàm trong tinh thần (génie) của Thiên chúa giáo có thể giúp tác giả hiểu sâu hơn những vấn đề lý thú được nêu lên xung quanh thông điệp cốt tử của Tân Ước.

Có sự mới mẻ trong cách kể (tự sự) của tác giả Cơ hội của Chúa. Đọc một câu có khi độc giả mấy lần phải đoán điểm nhìn (điểm trần thuật) của ai thì mới hiểu câu. Chẳng hạn, trong câu: “Khuôn mặt gồ ghề của ông Bõ già, nhận ra Hoàng, cái cửa khô dầu ken két lộ ra một khoảng” (tr. 274), ở phần câu “khuôn mặt gồ ghề của ông Bõ già” là điểm nhìn của Hoàng, “nhận ra Hoàng” là điểm nhìn của Bõ già, và tiếp theo “cái cửa khô dầu ken két lộ một khoảng” lại chuyển sang điểm nhìn của Hoàng. Với cách kể của Nguyễn Việt Hà lời trần thuật của người kể truyện, lời độc thoại nội tâm, lời nói trực tiếp được viết liền tù tì, người đọc phải tự phân định đâu là lời nói trực tiếp, đâu là lời trần thuật và vân vân... Trong văn của Nguyễn Huy Thiệp, lời nói trực tiếp được đặt trong “...” (vòng kép), trước dấu mở vòng kép là: (hai chấm) và trước: là mẩu câu đưa đẩy: Tôi bảo, Nó bảo..., tóm lại rất lỉnh kỉnh. Nguyễn Việt Hà bỏ tuốt. Nhìn chung cách kể của Nguyễn Việt Hà nhanh gọn, gọn hơn, văn minh hơn cách kể của Nguyễn Huy Thiệp.

Tiểu thuyết Cơ hội của Chúa kết thúc bằng mấy trang tiểu luận (tr. 464, tr. 466) mở ra những vấn đề rất lớn của nền văn minh hiện đại của nhân loại. Các tư tưởng và luận điểm mà tác giả trịnh trọng trình với công chúng độc giả đều đúng cả. Duy có điều những chỗ nhấn nghe ra không trúng. Chẳng hạn, trong luận điểm: “Camus cho rằng sự dốt nát dẫn đến độc ác. Vậy giải thích thế nào về những người có học hình như đã làm điều ác” (tr. 465), chỗ nhấn được đặt vào câu thứ hai nói về thực trạng “những người có học... làm điều ác”. Trình bày luận điểm nói trên với cách nhấn như vậy hoàn toàn có thể chấp nhận được ở những nước phương Tây phát triển, ở những xã hội này mặt bằng trí thức khá cao và sự tha hóa của những người có học có những biểu hiện trầm trọng, ngay đầu thế kỷ này, nhà triết học Pháp Julien Benda (1867- 1956) đã phải lớn tiếng tố cáo “Sự phản bội của những người trí thức” (La trahison des clercs) và tiếng nói của ông đã gây chấn động lớn trong xã hội phương Tây. Hoàn cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay rất khác: mặt bằng trí thức thấp, rất thấp, ngay trong tầng lớp trí thức có những sự dốt nát (hiểu theo nghĩa đen) đáng sợ, ở mọi cấp, vi mô cũng như vĩ mô, khắp mọi nơi: nhà trường, bệnh viện, xí nghiệp, ngân hàng, những cơ quan kế hoạch... sự dốt nát hàng ngày hàng giờ gây ra những tổn thất xót xa và đáng căm giận..., trong một hoàn cảnh như vậy, chỗ nhấn lẽ ra phải được đặt vào tư tưởng vĩ đại của Camus: sự dốt nát dẫn đến độc ác..., đành rằng ở ta hiện nay nói đến tình trạng những người có học làm điều ác không phải là thừa, và về sự tha hóa của những người trí thức không phải không có những điều đáng nói. Đồng thời tác giả tố cáo sự bạo tàn của nền văn minh kỹ trị và lên án quan niệm: con người là sinh vật cao cấp đã biết sử dụng máy móc. Đây là những chủ đề quen thuộc trong học thuật phương Tây hiện nay. Trong hoàn cảnh nước ta, sự phê phán kỹ trị luận không phải là thừa, tuy nhiên tình trạng bức xúc hiện nay là sự nghèo nàn về công nghệ và trình độ quá lạc hậu về kỹ thuật trong mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực hành chính quản trị. Tác giả quá lo lắng và chỉ lo lắng về nguy cơ kỹ trị luận và như vậy chỗ nhấn đặt không trúng. Cũng vậy, tiếp nhận sự phê phán quan niệm: con người là sinh vật cao cấp biết sử dụng máy móc không thể không thấy rằng hiện nay ở nước ta 85% người lao động không được đào tạo, có nghĩa là không có năng lực hẳn hoi sử dụng máy móc (ở các nước phương Tây phát triển không có tình hình này).

Mạnh tử có nói rằng: “Cá là món ta thích ăn, cẳng gấu cũng là món mà ta thích ăn nữa. Nếu chẳng được luôn hai món ấy một lượt, ta cứ bỏ món cá và lựa lấy món cẳng gấu vậy. Sống thì ta vẫn ham, nghĩa thì ta cũng mộ. Nếu chẳng được luôn hai việc ấy một lượt, ta đành bỏ mạng sống mà giữ lấy tiết nghĩa thôi” (8). Minh triết của Mạnh Tử không phải ở việc đề cao lòng mộ nghĩa (bất cứ nho sĩ bẻm mép nào cũng có thể tán dương đức nghĩa và tán rất hay). Mà ở cách đặt chỗ nhấn hết sức tinh tế. Ví như Mạnh tử tỏ lòng mộ nghĩa mà làm như là không ham sống thì người nghe sẽ cảm thấy là “phô” (faux). Trước khi tỏ chí “xả sinh chủ nghĩa” ông dường như nói to cho mọi người hay: Mạnh tử tôi đây cũng ham sống như mọi người. Tác giả Cơ hội của Chúa đọc và biết nhiều lý thuyết. Hiểu lý thuyết là việc của trí thông minh và công việc này không dễ. Vận dụng lý thuyết khó hơn rất nhiều, tự mình phải tạo ra những chỗ nhấn đích đáng và thỏa đáng, công việc này đòi hỏi sức sáng tạo tinh diệu có khi thuộc lĩnh vực của “linh thể”, không biết tôi hiểu từ này có đúng với ý của tác giả không.

H.N.H
(130/12-1999)


-----------------------------------------------------------------------------------
(1). Xem Mạnh tử, tập hạ, X. x. b. Thuận Hóa, 1996, tr. 281
(2). Sách đã dẫn, tr. 283, tr. 285
(3).
Dịch từ bản tiếng Pháp, xem Kant, Critique de la raison pratique, Presses Universitaires de France, 1960, tr. 141.
(4). Hồ Chí Minh. Vấn đề cán bộ N. x. b Sự thật 1975, tr. 44
(5). Xem bài Ba đức riêng trong Nguyễn Khắc Hiếu Tản Đà tản văn in lần thứ hai, Hương Sơn, 1942.
(6). X. Y. Z. Thuốc đắng dã tật. Nxb Sự thật, 1959, tr.4
(7)
Xem bài Ba đức riêng đã dẫn.
(8) Mạnh tử,
tập hạ, tr. 163

 

Các bài mới
Hai bàn tay anh (01/11/2009)
Các bài đã đăng