Tạp chí Sông Hương - Số 130 (tháng 12)
Trung thu
08:43 | 28/10/2009
HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.
Trung thu
(Ảnh: Internet)

Đã bao giờ bạn mất một chỗ dựa, đã toàn công sức tạo nên một cái gì và rồi để mất đi? Cái mà có nó, bạn có thể đánh đố với cuộc sống. Với những cố gắng của mình. Điều đó sẽ làm tê dại tâm can bạn. Chỉ khi bạn đủ bản lĩnh. nó sẽ qua đi để lại những khoảng trống. Từng chặng, từng khoảng trống. Rất nhiều.

Dịp đó, tiết trời chưa thu. Loáng cái là chiều. Một buổi chiều hiếm hoi lắm, vì hết công việc.

- Chiều nay yên tĩnh quá phải không chị?

Tôi ngồi trong phòng ăn, máy lạnh, nhìn ra ngoài. Chị mở cửa, đi vài bước, là thấy những đám cây như rong đuôi chó thò qua song cửa, hung vàng, cháy xém. Chỉ vài bước là đường phố và nắng nóng dữ dội.

Tôi thấy cộn lên những tình cảm êm và thấm thía, bụng dưới chợt cồn cào. Mùa thi ở trường đại học, một đứa giường trên kêu: “ Tao bị táo bón rồi! Ba ngày đi ngoài một lần” Đứa khác đế: “ Tao học không ăn được. Năm ngày đi ngoài một lần”. Nhà tắm ký túc xá nữ mất nước, đứng lố nhố hết cả lượt. Mới vào hoa cả mắt, tưởng nhà tắm hơi Thổ Nhĩ Kỳ. Nhanh thật, mới ngày nào vừa ra trường, chưa biết tương lai phía trước là gì, áo dài còn tươi mới... Chị cùng cơ quan tôi mỉm cười để trả lời, uống một hơi hai cốc nước lạnh rồi đi, nhún nhún, bước dài khoan thai. Tôi ở lại đợi chị bạn người Bỉ đến bàn về công việc dự án. Người tôi vẫn cứ căng lên vì chờ đợi giữa những phút nghỉ ngơi hiếm có. Tôi quay ngang quay ngửa.

Ngày anh đi học nước ngoài, tôi không có mặt.

Hồi làm điều tra, anh phải dùng dự án của tôi để bảo vệ cao học, chuẩn bị đi nước ngoài... Anh đã giải thích tướt bơ về tại sao lại có thể coi là điều tra đầu kỳ, khi dự án đã tiến hành được một năm rồi. Nào là những hoạt động mới chỉ sơ sài, như cân trẻ, mới được xây trạm, chưa có trang thiết bị gì... Dịp đi điều tra ấy, anh đứng cạnh tôi, phớt lờ, bâng quơ hỏi một câu lơ đễnh: Em còn nhớ hay em đã quên?

Sao quên được. Năm chúng tôi ra trường là đất nước bắt đầu mở cửa. Những dịp có việc bất ngờ phải đến chỗ bạn tôi, tôi thấy sếp nó cởi trần (kể ra trời cũng nóng), với mình nó trong văn phòng. Rồi tôi cũng bắt tay chơi thân với Tây. Tôi cùng Warren ngồi trên kè đá xây lấn ra biển. Ông người Uc, trên 50 tuổi, con gái xấp xỉ hoặc kém tôi chừng một năm. Ông nói về Olivia, một cô gái trong đoàn. Đó là một đoàn du lịch mà tôi làm hướng dẫn. Ông gợi chuyện tôi: “ Uyên không thấy lạ sao? Olivia đi du lịch quanh thế giới một mình, khi mới hơn 20 tuổi. Cô ấy có sức mạnh tinh thần hiếm thấy đấy”. Dừng một lát, Warren nói chậm rãi “ Chồng của cô ấy chắc gấp đôi tuổi cô ấy, và đã có lần cô ấy đã nói với tôi rằng cô ấy thiếu sự chăm sóc của mẹ, cô ấy cần một người vừa là chồng vừa là cha”. Tôi đứng dậy, tôi muốn chụp một bức ảnh trong đêm mà sau lưng tôi khu giải trí Hạ Long đèn hoa nhấp nhánh. Warren đã giải thích, kiên nhẫn và ân cần. “OK. cho Uyên thôi. Nhưng nếu lên ảnh mà đen đặc thì sau ảnh nhớ ghi: ngày... tháng... Warren đã bảo thế”. Tôi đã cảm động vì bao sự chăm sóc như thế, với một sự thiếu thốn ở tôi mà họ nhanh chóng nhận ra ngay. Tôi đã muốn bắt đầu từ một thế giới không có anh. Nhưng không thể được.

Sau anh, tôi cũng yêu một người. Yêu thực sự. Yêu điên đảo. “Ôm em đi, ôm chặt nữa vào!”. Đàn ông là những người hiểu biết, họ nhận thấy hết và họ cần một lời giải thích. “Không ai thương em cả”. Tôi thì thầm. Nhưng đấy là tôi tưởng tượng ra thôi. Tổn thương trong tim tôi, không ai nghe thấy những lời ấy cả.

2. Thời gian này, tôi luôn ân hận vì không vượt được qua bản thân mình. Không kề với thất vọng gần hơn được nữa. Một sự kiện xảy ra, xốc tôi dậy, là cậu tôi bị bệnh gan rồi mất.

Vì sáng nào tôi cũng phải đi làm, tôi vẫn nhủ ngày nào không quá bận, tôi sẽ đến trông cậu cả đêm cho mợ. Tôi là bác sĩ. Chưa đến được thì cậu mất đột ngột. Sáng hôm đó, cậu thều thào: Cho tôi, cho tôi về nhà. Ngôi nhà ấy tôi đã đến nhiều lần, những dịp họp đồng hương. Nó rộng thênh thang, bốn tầng, ngói sứ lợp màu xanh, một cây liễu xõa lòa xòa trước cửa.

Giỗ cậu, mọi người đi lại đông đúc. Tôi hít hà, ăn nốt chỗ cốm trong chiếc lá sen rồi nhảy thốc xuống đất. Đau đớn thấy đây là một cuộc sống không bước ngoặt, không thay đổi. Nên bằng cách nào đó tôi phải thoát ra khỏi nó. Trong suốt một tuần, lòng tôi thắt lại vì cái chết của cậu. Trong một tuần, tôi đi trên con đường ngang qua cửa văn phòng trước kia cậu từng là giám đốc, thấy cuộc đời một con người mong manh như chiếc lá.

Tối, cho đỡ buồn, bạn tôi rủ tôi đi chơi. Qua trường Y, bạn tôi hỏi: “Trường mình bây giờ đẹp lắm! Từng gốc cây ngọn cỏ...” Hai đứa quyết định đi thăm một cô bạn cùng lớp, mới có con, trong làng Khương Thượng. Đám bác sĩ chúng tôi, một số đã lập gia đình, có con, đứa đi học cao học, có đứa mở công ty nuôi ong, với đi buôn... Đa phần đi làm trình dược viên cho hãng thuốc... Còn tôi thấy rõ là tình vọng từ hướng biển. Tôi lưu lạc giữa một bên là suối mùa lũ, một bên là biển thở phì phò, ùng ục. Hai tư tuổi, biển trong tôi giống một con mèo. Vừa ấm, vừa mềm, lại vừa phản trắc.

Rồi hình ảnh trường tôi với những bài học cũ như những đợt sóng phả vào mặt, vã vào mặt. Nhớ nghề quay quắt, tôi nhất quyết về làm cán bộ dự án. Tôi ngồi uống nước dừa trước cổng bệnh viện huyện, một huyện miền Trung, mà thấy nao lòng. Những vấp váp thời non trẻ sẽ nhói đau như một vết thương vào một ngày chúng ta bỗng thấy mình không còn phù hợp với cuộc sống sắc sảo này nữa. Tôi sẽ phải xung trận khi đã luống tuổi. Ngoảnh lại sau lưng, đám phi lao bạc phếch, một đám bụi trắng bay dạt di cư.

Nóng! Nóng quá trời! Sáng xách xe máy ra, chuẩn bị tinh thần vượt hai nhăm cây số xuống trạm xá thì không nổ được máy. Lại phải đem ra phơi nắng, chỉ còn thua truyện cười Azit Nexin, cho một bãi để hâm nóng động cơ. Sau hai tháng, tôi thành một dạng chân chạy, làm đủ việc sai phái vớ vẩn đồng thời học được khối cách nổ máy. Khí hậu thì khắc nghiệt. Sáng ra thì cũng tử tế, với đám lá phi lao rụng, với bà già quét sân... Nhưng chỉ tới trưa là biết nhau ngay. Khắp các ruộng vừng quăn lá, tre đỏ hung như phải bỏng. Cát sục sôi và nhựa đường hắt lên nóng ran. Hoa phượng đỏ lên gay gắt, rực rỡ cùng lúc bằng lăng và phượng vĩ cuối mùa ở Hà Nội đã tàn màu và kết đầy quả non.

Tới nơi (tới trạm) thường đã được nửa buổi, có một cán bộ trạm đang giảng mà mồ hôi mướt mát. Xóm hôm đó không phải là xóm đi đạo, các nữ tình nguyện viên hát to nói bậy vừa họp vừa hăm hở đòi cắt phăng “ cái ấy” của “ Cha” đi. Hứng đủ cái gió khô cháy vắt kiệt sức người, các đồi thông nối nhau bạt ngàn không biết bao nhiêu mộ. Con đường đất đỏ chúng tôi vừa vượt qua “thiên thần” hơn nhiều so với một đoạn vừa dốc, vừa lổn nhổn khiến xe máy tới đấy là tắt máy liên tục, lần nào qua thoát là thở phào nhẹ nhõm. Vào lớp, vừa thở vừa thâu tóm quang cảnh thì, chị diện hai áo để một áo phanh ngực. Chị ngả ngớn nghiêng đầu vào vai bạn, còn lại một số ít giương mắt lên nhìn vì nóng thì ít mà vì căng thẳng thì nhiều. Mọi người trong lớp đều đã chép xong, ngồi rốn lại đợi một “ Đại ca” đầu bàn, răng đen, mắt lòa nhất lớp, còn đang tròn mồm ấn bút. Thế rồi tất bật, cả sếp tôi đang lào khào nói chẳng ra hơi, hò nhau vào phòng khám Sản, hấp đủ một bên nắng chiều, nóng như cái hũ. Ngoài sân, bóng cây đổ xuống ngắn tí tẹo. Trường học trống tuếch, rễu rều rệu, như một cái chuồng trâu.

À, phải kể một chút về không khí làm việc của tôi. Nhóm có ba người, đều là nữ. Một chị nói nhiều, tính hay đố kị, khi nói hăng, nhất là về thành tựu thì phun nước bọt. Tôi thấy ngại khi chính chị là người phụ trách tôi, vì chị thông minh nhưng đồng bóng và luôn có những suy đoán sai lầm. Tôi nhăn nhó như khỉ, làm việc mà cứ cảm thấy không an toàn, như đùa với dao vậy.

Hóa ra với tôi khó nhất là vượt qua cái chặng này. Mới đầu tôi cũng cáu, nghĩ thích mánh mung với tôi thì tôi có cách lươn lẹo lại. Nhưng liệu kể được bao nhiêu sự thật? Sự thật đâu có đơn giản... Còn phải giữ uy tín cho những người thích mạt sát người khác nữa chứ... Mà tôi thì... hơi hơi nhạy cảm, đã vập mặt vào bao nhiêu hàng rào mánh khóe. Chỉ biết rằng nếu làm như vậy rồi sau tránh không kịp cảm giác bạc bẽo trong tim.

Về kể chuyện cho mẹ nghe, mẹ tôi bảo: “Thôi không nghe nữa... Chuyện con gái gì mà... Đông cả máu lại”. Nhiều tối, con gái mà luôn về muộn do phải thù tạc, làm việc với Uy ban... Thoát được những bia bọt, dằng dai, hể hả... Có những lúc tôi tự hỏi tại sao mình cứ bằn bặt với cái bằng chả dùng đến mấy, rát cả cổ họng ở nơi này nhỉ? Ừ thì vất vả là trước mắt. Nơi có bác sĩ trong đội xuống xã chỉ giỏi dùng kháng sinh liều cao và chê dân nghèo dân trí thấp. Nơi y sĩ trực đêm nghe động không dám ra ngoài vì sợ bị vụt vào đầu. Rình rập tới gần sáng thì dân có chồng bế vợ, mới đẻ đã chảy máu lại, tới bắt đền nữ hộ sinh. Rồi bị tra mãi cũng khai ra: “ Tại vợ chồng em có trót “ chơi” nhau”. Bao trẻ con cắn đứt lưỡi vẫn để không, tự liền. Đầy ra những bàn tay phạt dừa, mất ngón... Khắc nghiệt và ngang tàng, như bản thân khí hậu vậy.

Tất cả những điều đó, chỉ chờ lúc quay lại trường Y lại quặn đau.

Bây giờ không có những lúc sẩm tối, từng đôi sinh viên như đôi gà nắm tay nhau long tong ra nhà ăn, để sách vở lại chiếm chỗ trong giảng đường. Gặp mưa, tay che đầu, tất tưởi chạy. Mùa thi... Ai quên được cái nóng hãi hùng mông muội đó, của thư viện những mảnh gỗ vá chằng ngang dọc. Thầy giải đáp thắc mắc, nhìn bọn sinh viên không hỏi gì thêm mà bực lắm, vặn vẹo: “Các anh chị không hỏi gì tôi cả à? Cứ nhìn tôi như nhìn khỉ làm xiếc thế à?” Khi chúng tôi đang cọ xát, lê la với kiến thức, với đáp án ở chân cầu thang, bỗng giạt hết, bật dậy nhường chỗ cho cô đi lên, dắt xe cho cô... Ở đây chúng tôi học khôn. Ở đây là những mối tình của tôi. Học chữ Trung Tín Lễ Nghĩa. Ngày đó, tưởng không phai nhòa.

Sau mưa, trời thường sáng chói, vẩn mây ngũ sắc ở nóc Tổng công ty thép ở cổng trường dân lập Đông Đô bây giờ. Tôi nhớ, trong khi ở sân bóng mọi người hò reo vang dội tôi không học hành gì nổi. Và tôi viết:

            Chỉ vì chiều nay có gió
            Mà em ra chỗ đông người

            Đừng trách gió sao rất mới
            Đổi thay bạc lắm em ơi.

Đã đi ngủ, tôi lại lục sục dậy bật đèn. Giờ đây những gì đã qua như có thể rờ thấy được, tôi khóc trong đêm. Tôi khóc cho những y đức, những tình yêu trong những tấm lòng vô cùng nhẫn nại. Có lúc tôi tự hỏi: Hay mình không biết tính? Thực tế tựa như một giọng nói, lúc khào khào cay nghiệt, lúc ton hót đểu cáng, dồn ép chúng tôi lại và đưa đẩy... Không biết sức nóng nào đã nâng đỡ, nhờ nó chúng tôi vẫn giữ được nhân ái khi lựa chọn. Ôi những nhân ái nhọc nhằn.

Thỉnh thoảng tôi lại xin đi một Tour, làm hướng dẫn. Dẫn khách Tây, đi xem múa rối nước. Được rảnh sau khi hết phần việc của mình là minh họa nội dung, tôi cười, mắt sáng rực trong ánh sáng, khi người ta đốt pháo. Ở đây người ta được phép đốt pháo một cách hợp pháp. Nơi những ước mơ được mặc sức thể hiện, nồng nàn háo hức bên một biên giới mong manh. Để quên đi mùa thu chớm lạnh, lần lượt từng đám cưới của những người bạn trai trước của tôi... Gần hết. Khó mà làm gì được trong lòng đang tê tái cảm giác muộn giờ và một thái độ thúc thủ buông xuôi, tất cả chen chân cùng nỗi đau của người thua cuộc.

3. Lần cuối, tôi xuống xã cùng sếp. Lại bia và tiếp đón.

Chín giờ tối mới đi ăn về. Tưởng lên văn phòng là thoát, không ngờ giám đốc bệnh viện huyện hiện ra, đến đòi đưa đi xem bệnh viện. Chỉ thương cho sếp, một ông Tây, vốn sợ cái nóng này lắm. Trông cả đám thầy trò cứ như: “ Thôi tha cho tôi, tôi về tôi nghỉ”, trong mùi thuốc lẫn mùi nước đái trẻ con hòa lẫn với nhau ngột ngạt, giát gường và song sắt rỉ hết cả. Sếp đi, dưới quần soóc là chân dài chân ngắn, dưới một cái áo đẫm mồ hôi, bước lử khử như cò bợ. Qua các khoa, bệnh nhân địa phương cứ bò lăn ra cười. Tối hôm đó, sếp bị anh Đình săm soi chăm sóc. Anh là trưởng trạm y tế của một xã nhưng lại là người của xã khác.

Đi hết một vòng, đang nghỉ thì từ đâu anh sồng sộc chạy đến, chúng tôi lại phải theo lời mời đi uống nước trong cái quán tù mù. Lại bia, trứng chim cút du đã nôn nao cả người. Hôm qua, anh một lòng một dạ bảo xã nóng lòng tiếp đoàn xuống thăm, chuẩn bị hết cả ra đấy rồi, khiến chúng tôi được phen bẽ bàng. Khi đến, mọi người ở Uy ban đang tanh bành uống trà. Vắng mặt Đình, chẳng ai hiểu đầu cua tai nheo ra sao cả. Đến chiều nay, xe phân khối lớn của sếp bị kim châm. Trong khi chờ vá săm, một số dân địa phương cứ đi quanh cái xe Tây, trầm trồ: “ Được cái xe này để chở lợn thì tốt!”. Thợ thì sửa xe, xếp thì làu bàu: “Thằng Đình này như dở hơi”. Động cơ của anh là nì nèo xin bằng được cho xã anh được hưởng dự án, để khi có trang thiết bị tốt rồi, sẽ chuyển về gần nhà làm cho tiện. Đến cuối buổi, anh như bị lên đồng, một mực kéo tay một cô trong nhóm lôi sềnh sệch, đòi nói chuyện một phút rưỡi. Bị chống cự, anh cố nhét vào tay cô cái phong bì. Cuối cùng nhờ sếp can thiệp, chúng tôi mới về được văn phòng, chán mớ đời trong tiếng côn trùng rỉ rả.

Xong việc ở các trạm, tôi xuống biển. Thấy biển cồng kềnh mà cũng dễ bị tổn thương. Nơi đây đâu đâu tre và cây cối cũng bị bỏng nắng hết, chỉ có con người sống được. Trên đường cái tịnh không thấy những cái xe sung sục chở gỗ. Sóng rất to. Mùa này chỉ thấy mộ người chết đuối. Còn sau mùa bão, chim bị sóng đánh về đen kịt. Xác chim đã thấm nước, không ăn được. Chẳng có ai bỏ sức đem chôn. Bao khát vọng hướng về đất liền ấy táp vào rồi lại dạt ra, chật vật, lở lói bên những ghềnh đá quanh năm sóng biển bào mòn.

4. Mãi rồi người ta cũng hiểu rằng nên cho tôi thôi việc. Tôi bị ức chế bởi những hỏng hóc nội bộ này rồi. Chán kinh khủng. Đúng là một kiểu bị “treo niêu”, đói ăn, vậy mà tôi vẫn sướng không tả được. Một cuộc sống hết điều mới lạ, không được tôn trọng, nghẹn thở đến như không có khoảng trống, thì có gì để mà luyến tiếc?

Tuy thực ra thì chẳng có gì, chỉ một nỗi buồn giá băng khi tôi nhận chân ra sự việc, thấy mình đã kiên nhẫn, hy sinh và tẻ nhạt biết bao nhiêu. Tình trạng thải người hàng loạt của Công ty lớn hiện nay cũng chẳng làm tôi thoải mái tí nào. Buổi chiều hôm trước, tôi ngồi dưới phòng ăn, biết chắc ngày mai, không họ nói thì mình nói, cái chuyện từ giã tổ chức này. Cũng đúng lúc để nói lời tạm biệt.

Tôi đọc một truyện ngắn của Jack London, kể về người đàn ông một mình vượt qua vùng cực Bắc hoang vắng và băng giá. Về cách ông ta giữ thức ăn, cái quý nhất đối với con người đó. “Có một gói lồi ra bên trong cái áo Jacket của ông ta. Gói đó cũng ở bên trong áo sơ mi của ông ta nữa, nó được gói trong một khăn tay và áp sát vào da của ông ta. Đó là cách duy nhất để giữ cho những bánh nướng này không bị đông lạnh”. Thế là, rất từ từ, những ngày đầu, với hơi nóng và cái tài của tuổi trẻ là rất tự tin, khi mà anh cũng yêu tôi, lại trở về. Tôi đã gửi thư cho anh và dặn anh đọc xong trả lại cho tôi.

Tôi nhớ, trời hôm đó rét đậm. Tôi co ro trong cái áo lông, thầy vừa ngừng giảng là loe toe chạy ngay ra khỏi lớp. Cửa khóa. Tôi quành lại đi cửa khác. Anh chỉ sau tôi có mấy bước chân. Tiếng anh gọi. Tôi quay lại. Hình như cười dễ thương. Và tờ giấy ấm mãi trong tay. Đến khi tôi bỏ thư vào túi, nó vẫn còn ấm hơn tay tôi.

Anh là người thông minh. Anh luôn biết cách làm những chi tiết nhỏ trở nên có ý nghĩa.

Bằng cách suy nghĩ của anh, tôi đã vượt qua. Qua những lần tỉnh giấc đang đêm, nghĩ mình đang ở bệnh viện, run lên vì lo âu, nhỏ nhoi và bất ổn. Qua những lúc tưởng như đau đớn nhất. Chữ hiếu nghĩa sao bạc như vôi? Không phải đến lúc ra trường tôi mới luôn chỉ mong đợi vào bản thân mình và từ lâu lắm rồi, tôi không nghĩ tôi là người may mắn.

Nhớ ngày sinh nhật lần thứ 22, tôi còn đứng bần thần nhìn cốc hoa may. Quá mong manh, nó làm tôi muốn bay và muốn khóc. Hơn hai mươi tuổi, cái nghĩa làm người cứ đè trĩu lên vai. Nó to lớn quá, tôi thì bé nhỏ quá, làm sao mà dìu nó được.

Tất cả đã thay đổi. 25 tuổi rồi, đâu có trẻ mãi được. Tôi đã cố gắng, như thể chưa có ai lao tâm khổ tứ, vật lộn đến thế. Nhưng sao vẫn cứ không ổn định, lang bạt, như một người lặn xuống mãi tầng đáy nước, tìm lại trong biển bóng dáng một con tàu đã đắm, cùng một ánh sáng đã tắt từ lâu.

Âm hưởng những ngày đã qua sao rõ quá. Tôi không thích cảm giác như sự đổi
mùa trong đời một người con gái. Lần thôi việc này lại một lần nữa gieo vào tôi một sự thất vọng, thực ra là một nỗi thất vọng nhân đôi. Mắt tôi vẫn sáng rực lên khi trên sân khấu múa rối nước người ta đốt pháo. Ngoài cửa, khác “tăng hai” tụ tập đông lắm. Khi những đàn chim đã bay về phương Nam. Sắp đến rằm trung thu và khắp nơi vang vang trống ếch. Hay pháo cũng có một tiếng vọng? Anh luôn là người khôn ngoan, cả những lúc làm tôi hụt hẫng.

Năm nay trung thu trở rét. Ai cũng bảo, lạ thật, tiếc thật. Ngày hôm trước, trên cao, dọc từng con phố, đèn lồng đỏ sáng rực. Như bao người, tôi len lỏi trong đám đông, mua đủ thứ linh tinh. Tôi không giàu trí tưởng tượng (hay không còn giàu trí tưởng tượng lắm nữa), chỉ thấy phố đồ chơi toàn người bán, người mua, huyên náo như bao vùng tôi đã qua, khí thiêng sông núi chen chân cùng tiếng người giành giật sống. Trên cao đó, sau giấy bóng, nhựa dẻo, tỏa xuống đường phố một thứ ánh sáng hồng hồng. Sao tôi vẫn muốn gặp mặt anh. Như những người cùng hội cùng thuyền... Sao tôi không còn có thể căm ghét anh. Chữ “ căm ghét” này rồi thời gian sẽ minh chứng lại. Dù tôi đã khóc tê tái mãi không dứt đến nỗi bạn tôi phải lắc tôi như điên dại mà bảo: “ Tao cũng mừng là mày vui!”. Những tình yêu như vết chém đó giờ nhìn ta từ trên cao xuống, tin cậy như những giấc mơ con trẻ. Có một đôi tay chưa từng độ lượng đã thắp sáng đèn lồng đỏ, bất chấp bao oan ức như tiếng vọng mách bảo ta hãy đi xa, thật xa, để sương trái mùa gieo rắc thêm nữa một lần lãng mạn, cho con tim náo nức hát mừng.

Hà Nội ngày 2/ 10/ 1998
H.H.C
(130/12-1999)





 

Các bài mới
Hai bàn tay anh (01/11/2009)
Các bài đã đăng