Tạp chí Sông Hương - Số 130 (tháng 12)
Những người làm thông tin trong cơn lũ
14:44 | 30/10/2009
SĨ THIỆNGiặc lụt chẳng chừa một ngành nào, địa phương nào của tỉnh. Cơn lũ lớn nhất trong TK 20 này tàn phá nặng nề mạng lưới TTLL hiện đại của Bưu điện TT Huế.
Những người làm thông tin trong cơn lũ
Hình ảnh về trận lụt tháng 11 - 1999 ở Huế

Từ đêm 1/11 nguồn điện lưới bị mất, 2 máy nổ dự phòng thay nhau hoạt động. Đến 11h trưa ngày mồng 2, nước tràn vào tổng đài Huế - trung tâm đầu mối các huyện phía Nam và ngập máy nổ của tổng đài Bạch Yến - trung tâm đầu mối các huyện phía Bắc. Hệ thống điện thoại cố định của tỉnh mất liên lạc. Lập tức hệ thống điện thoại đơn công và điện báo CODAN giữa tỉnh với 8 huyện liên tục làm việc. Và điện thoại di động thực sự phát huy thế mạnh của mình. Đoán biết mức nước còn dâng, một máy nổ nhỏ được gánh lên tầng 2 cung cấp nguồn cho trạm di động để 1 phút không gián đoạn. Đồng thời nhờ có kinh nghiệm bao năm phục vụ phòng chống bão lụt nên lãnh đạo không chủ quan, ỷ vào phương tiện thiết bị hiện đại, đã triển khai thêm mạng khai thác thoại vô tuyến KENWOOD với tất cả các trạm tổng đài. Từ trưa mồng 2, Ban chỉ huy PCBL tỉnh chuyển "đại bản doanh" bằng xe lội nước đến trụ sở Bưu điện để liên lạc thuận lợi hơn với TW.

Ở hai Trung tâm tổng đài Huế và Bạch Yến, công nhân và cán bộ kỹ thuật tạm quên vai trò chủ lực trong gia đình, bằng mọi cách đến bằng được nhiệm sở cùng nhau hợp lực nâng cao giá đỡ tổng đài, sấy máy, đấu nguồn điện, xử lý sự cố và bất chấp hiểm nguy chuyển máy nổ bằng thuyền gần 10 km ra cho Bạch Yến. Với công nhân máy nổ, biết mình là người cấp nguồn sinh lực cho các thiết bị hoạt động nên làm việc không còn biết thời gian, mặc mưa lạnh. Các kỹ sư quản lý và thực hành tổ chức được đường Fax nóng giữa chỉ huy Tỉnh với TW và các tỉnh bạn từ tối mồng 2.

Chiến thắng ban đầu với đói, lạnh đã đưa bộ não E10 trở lại hoạt động từ ngày 4. Một phần tư số máy điện thoại ở vùng cao liên lạc được với nhau. Phương án liên hoàn gồm 4 mạch vòng có từ trước kết hợp với sáng kiến đấu mạch thuê bao xa từ Đà Nẵng, khi E10 và HOST Bạch Yến trở lại hoạt động, mạng điện thoại thuê bao cố định liên lạc ra ngoài tỉnh và quốc tế trở lại bình thường.

Cũng bằng tinh thần chống lũ như đánh giặc, các tổng đài khu vực Ưu Điềm, Phú Diên, Phong Xuân và vùng biển Thuận An, Vinh An từ ngày 4 có liên lạc trở lại. Sang ngày 5, các tổng đài Bạch Yến, Bãi Dâu, Huế Thành, Quảng Điền, Xuân Phú, La Sơn, Điền Hòa nối tiếp hoạt động. Đến ngày 8 là các tổng đài còn lại: Quảng Công, Quảng Thành, Vinh Thái, Phú Vang, Kim Long, Tây Lộc.

Ở khối thông tin Bưu chính - PHBC, chiến công có vẻ thầm lặng hơn nhưng cũng không kém cam go. 35/37 bưu cục ngập trong biển nước. Hàng chục bưu cục bị cô lập. Có bưu cục chỉ 1 nữ công nhân vẫn chống chọi vững vàng. Lực lượng tự vệ, thanh niên ở Trung tâm Bưu chính - PHBC Huế và các huyện bằng đủ mọi phương tiện ứng cứu mì tôm đến các bưu cục chỉ còn thấy mái ngói. Một khối lượng lớn tài sản, thiết bị, tài liệu và cả bưu kiện của nhân dân được bảo toàn trọn vẹn, chỉ 1 túi bưu kiện bị nước cuốn trôi. Anh em bưu tá, điện tá phát công văn, điện khẩn không còn biết thời gian, chị em giao dịch không ngơi tay phục vụ hơn 10 bàn điện thoại công cộng tiếp máy cho bà con gặp người thân ở các huyện và ngoại tỉnh . Tính đến ngày 9/11 vẫn còn 15 bưu cục ở vùng trũng bị giặc đại hồng thủy không chịu "rút quân".

Giặc nước đã tạm yên. Tính sơ bộ có trên 25 tỉ tài sản thiệt hại. Nhưng điều lãnh đạo đau đầu nhất không phải ở con số đó mà là ở 4 trạm tổng đài ven biển với hơn 400 máy thuê bao và với 2 huyện miền núi A Lưới, Nam Đông. Giặc lũ chia cắt các xã vùng biển từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền thành mấy ốc đảo. Đường bộ lên A Lưới, Nam Đông bị tàn phá hơn cả đèo Hải Vân. Bưu điện tỉnh đang chờ máy bay trực thăng và chờ sự tổ chức vận chuyển đường bộ của tỉnh đi vòng ra Khe Sanh, cầu ĐacKrong lên đường Hồ Chí Minh năm xưa để gửi gạo, nhu yếu phẩm lên cho đồng đội trên ấy. Phương án khôi phục liên lạc cho 400 máy điện thoại ở 3 khu vực biển Vinh Thái, Vinh An, Vinh Giang đang triển khai khẩn trương. Trước đây thuê bao ở 3 trạm vệ tinh này tập trung về CSND Thuận An nay bị cắt đứt bởi cửa biển mới Phú Diên. Tổng đài Phú Diên sẽ nâng lên thành CSND, đấu bộ thuê bao tập trung từ 3 trạm vệ tinh đó về đây.

Chưa thể ngồi mà nhìn lại những tác hại của giặc lũ cũng như những thành quả khắc phục được vì còn bề bộn bao việc phải làm và làm gấp. Chỉ riêng thành phố Huế đã hơn 1 vạn máy ĐT bị ngập, ít ra cũng phải nữa số đó cần thay dây đầu mối và thay máy. Hàng trăm cây số cáp phải kéo lại. Thay mới và tăng thêm máy nổ, ắc quy cho gần 20 tổng đài vệ tinh. 20% thuê bao còn hỏng thuộc diện khó hơn số đã khôi phục. Gần một nửa trong tổng số 60 buồng cardphone rất cần trở lại để bà con sử dụng công cộng thuận lợi hơn. Phải  thay khá nhiều card theo từng loại tổng đài bị giặc lũ gây hỏng. Khôi phục lại đường thư về các huyện, đặc biệt cho 2 huyện miền núi và 8 xã vùng biển trên các ốc đảo mới. Nhanh chóng mở cửa các bưu cục vùng thấp vùng xa. Rồi phải chăm lo, giúp đỡ cho 70% nhà của công nhân vùng quê bị hư hại. Và không thể quên hàng trăm gia đình cán bộ ngành nghỉ hưu.

Huế 12/11/1999
S.T
(130/12-1999)



 

 

Các bài mới
Hai bàn tay anh (01/11/2009)
Các bài đã đăng
Trung thu (28/10/2009)