Trong muôn ngàn cách để chống chọi lại với nỗi bi quan của đời mình, Jean Louis Fournier đã chọn tiếng cười nhằm chấp nhận và đi tìm ý nghĩa trong nỗi bất hạnh lớn lao của đời ông. Sở dĩ chúng tôi mạn phép đồng nhất nhân vật “tôi” (người cha) trong tác phẩm với tác giả Jean Louis Fournier (sinh 1938 tại Arras) - một đạo diễn phim truyền hình và nhà văn trào lộng người Pháp, là bởi Ba ơi, mình đi đâu? là một tiểu thuyết có tính chất tự truyện. Hiếm người nào đó trên thế gian dám đem nỗi bất hạnh ra nhằm bỡn cợt, lại còn hiếm hoi hơn khi nỗi bất hạnh đó là một sự thật trong cuộc sống gia đình thực của chính nhà văn. Trên phương diện ấy, Jean Louis Fournier đã bóc tách ý nghĩa của cuộc sống, của sự bất hạnh theo một cách dị thường nhất đối với chúng ta, nhưng lại khá quen thuộc với người Pháp, đó chính là phương thức khai thác quan niệm nghệ thuật về con người dựa trên tính “humour đen” (humour noir).
Ba ơi, mình đi đâu? là một cuốn tiểu thuyết nhỏ (175 trang bản dịch khổ 12x20) kể về cuộc sống của một người cha có đến “hai ngày tận thế”. Phần mở đầu của tác phẩm, tác giả đã sử dụng phương thức trần thuật lấy đối tượng giao tiếp là hai nhân vật chính trong tác phẩm, hai đứa con tật nguyền Mathieu và Thomas. Ở các phần sau đó, với một cách dẫn chuyện tự nhiên và hài hước một cách xót xa, Jean Louis Fournier đã lần lượt quay lại bộ phim của cuộc đời mình theo đúng chất humour đen. Người cha trong tác phẩm đã sớm hứng chịu những nỗi đau đớn lớn lao, khi hai đứa con xinh xắn mà ông ta đón chào đều bị thiểu năng trí tuệ và cơ thể. Trong đó, Mathieu là đứa sinh ra đầu tiên, trong suốt cuộc đời chỉ luôn miệng kêu “brừm, brừm” như một động cơ xe nổ. Thomas là một thiên thần xinh đẹp khi mới lọt lòng, nhưng trí tuệ thiểu năng cũng chỉ giúp cho đứa con thứ này nói độc mãi một câu: “Ba ơi, mình đi đâu?” trong suốt cuộc đời. Mathieu sớm từ giã cuộc đời vào tuổi 15, trong một cuộc phẫu thuật bất thành, sau khi mọi phương pháp trị liệu, kể cả chiếc áo kim loại nhằm định hình khung xương đều thất bại. Thomas thì phải đưa vào trại chăm sóc đặc biệt, để sống một cuộc sống mãi mãi dừng ở tuổi ấu thơ, hoàn toàn phi ý thức.
Là một câu chuyện tự thuật về những nỗi bi kịch lớn lao nhất của cuộc đời: vợ bỏ đi, hai đứa con tật nguyền, cái chết của Mathieu, cuộc sống điên dại của Thomas, những niềm hi vọng bị đổ vỡ và cả những sự dè bỉu từ những người cha bình thường khác, nhưng Jean Louis Fournier đã khai thác nội dung dưới một nhân sinh quan đặc biệt, đậm chất hài hước nhưng cũng đầy tính bi quan. Đầu tiên là ông vẫn thấy được những “cái lợi ích” từ sự tật nguyền của hai con (giấy phép đỗ xe miễn phí), sau đó là những phép thắng lợi tinh thần (giả định các con ông cũng học hành, lấy vợ, li dị), nhưng quan trọng nhất, người cha vẫn tìm thấy hạnh phúc cũng như niềm vui trong tình yêu dành cho những đứa con. Ít ra, đối với những đứa con đặc biệt như thế, người cha không bao giờ cảm thấy mình già đi, hơn nữa, cho dù làm cha của những đứa con đặc biệt (chính xác là tật nguyền), nhưng những cảm xúc và tình cảm thông thường nhất (chính xác là thiêng liêng nhất) của tình phụ tử cũng không hề bị mất đi.
Jean Louis Fournier đã không ngần ngại làm chúng ta bất ngờ trong những nụ cười sâu cay, khi công nhiên bày tỏ ý định căm ghét những bậc phụ huynh có con cái bình thường, nhiều lần khác, tác giả thản nhiên mong những đứa con mình biến mất trong những tai nạn, hoặc đưa lên báo đài về những khiếm khuyết của chúng. Một sự trâng tráo mang tính chất bi kịch không khỏi làm chúng ta nhớ đến các tình huống hài trong các bộ phim nổi tiếng của danh hài Louis-de-Funes. Tất cả chúng ta vẫn đều thấy cảm thông cho chính người cha trong tác phẩm, bởi ngoài việc phát ngôn một cách sâu cay, tất cả phần ác nghiệt mà cuộc sống này có thể có đều đã dồn lên đôi vai của ông ta. Trong những hoàn cảnh như thế, nếu còn nói, và thậm chí cả nghĩ về những điều hạnh phúc, hoặc cầu nguyện cho hạnh phúc của người khác, thì hẳn nhiên sẽ là lời nói dối thiếu nhân đạo với chính mình.
Ba ơi, mình đi đâu? là tác phẩm vinh dự trở thành tâm điểm văn học Pháp năm 2008. Với giải thưởng Femina - giải thưởng văn học có lịch sử từ năm 1904, vốn có ban giám khảo toàn những nhà văn nữ, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo nghệ thuật trong nữ giới, sau này giải thưởng được trao cho những sáng tạo giàu sức tưởng tượng nói chung, Ba ơi, mình đi đâu? xứng đáng là “một cuốn sách nhỏ để đến với điều cốt tủy”. Tất cả loài người rồi cũng chỉ có một ngày tận thế, nhưng đôi lúc, với ai đó lẻ loi trên trái đất này, có đến hai ngày tận thế đã xảy ra, biết đâu, ở một nơi nào đó, vào một lúc nào đó, những ngày tận thế như vậy sẽ gọi tên chúng ta? Chính vì thế, những ai đang đau khổ, kể cả những ai đang hạnh phúc trên cuộc đời này, Ba ơi, mình đi đâu? vẫn là một kiệt tác cần đọc nhằm “hướng con người đến cái Thiện” (Christine Jordis - Trưởng Ban giám khảo giải Femina).
F.A (248/10-09)
|