Tạp chí Sông Hương - Số 248 (tháng 10)
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Người nhen lửa
08:33 | 06/11/2009
NGÔ MINHTôi quen biết họa sĩ Đặng Mậu Tựu từ những ngày gửi con trai đi học lớp hội họa ở Nhà Thiếu nhi Huế. Những ngày đó thiếu nhi đến học vẽ đông lắm. Có lớp buổi sáng, buổi chiều, lại có lớp ban đêm. Lớp nào cũng có mặt thầy Đặng Mậu Tựu có mái tóc bồng bềnh như sóng Quy Nhơn, mặt mày hốc hác vì thiếu ngủ và thiếu dinh dưỡng, cặm cụi dạy các cháu cách cầm cọ, pha màu, phác thảo tranh. Rồi thầy Tựu dắt các em đi chơi Bạch Mã, Lăng Cô... để tìm cảm hứng vẽ.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Người nhen lửa
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Nhiều em học vẽ ở Nhà thiếu Nhi Huế thời ấy đã trở thành họa sĩ, kiến trúc sư có tiếng ở khắp mọi miền đất nước như Phạm Xuân Kiên, Tôn Thất Liêm... Có nhiều họa sĩ nổi tiếng, tranh của họ đã đi vào các bộ sưu tập trong nước và trên thế giới như Lê Thừa Tiến, Nguyễn Quý Tâm, Lê Văn Nhường v.v.. Cho nên tôi gọi Đặng Mậu Tựu là “người nhen lửa”, nhen niềm đam mê cho những ước mơ hội họa bay xa là như thế.

Do nhiều năm tiếp xúc với các em, nên Tựu có phong thái luôn vui vẻ, hòa đồng và cả những đam mê ngẫu hứng thơ ngây rất đáng yêu nữa. Thấy ai cốt mạo ấn tượng, ví như Phùng Quán râu ria, quần bò áo Mán chẳng hạn, là Tựu rút bút ký họa ngay, dù đang làm việc gì. Có lần cách đây 3 năm, Tựu làm trưởng đoàn văn nghệ sĩ Huế đi tham quan và giao lưu ở các tỉnh phía Bắc, trên đường về, Hội Văn nghệ Thanh Hóa mời tiệc chiêu đãi. Các quan chức đang “nói lời xã giao có cánh”, phát hiện một cô gái phục vụ dễ thương, dù đang ngồi giữa bàn tiệc, không có giấy vẽ, Tựu lấy ngay tấm khăn ăn trước mặt, rút bút dạ ký họa ngay mấy nét rồi long trọng tặng người đẹp, trước sự vỗ tay tán thưởng của mọi người. Xã giao kiểu Đặng Mậu Tựu như thế không khách khí, lại rất tài tử, và thân tình.

Nhiều năm quen biết Đặng Mậu Tựu, nhưng tôi rất bất ngờ thấy năm bảy năm lại đây, tranh của anh trở nên rất ám ảnh. Dường như anh vừa lột xác để biến thành một Đặng Mậu Tựu khác vừa siêu thực, trừu tượng, lại vừa lấp lánh trầm tích sắc màu dân gian gần gũi. Cũng vẽ về địa danh quê quán như Quy Nhơn, Huế..., nhưng tranh của Tựu không cụ thể mà như những mảng hồi ức bất ngờ, người xem có tâm trạng nào thì nhìn thấy mình trong đó, như là một niềm đồng cảm với cảnh vật xứ sở. Bởi nghệ thuật là cái thực mà ảo, không biên giới. Có lần Tựu bảo: “tôi không vẽ cái là mà vẽ cái hình như là”. Cái “hình như là...” ấy là cái gợi, cái cảm, cái chiêm nghiệm lẽ đời. Ví dụ bức tranh “Mặt nạ tuồng” có người nói là do nhớ quê mà Tựu vẽ tuồng Bình Định, điều đó không sai, vì tuồng là máu thịt, hồn vía người Bình Định. Nhưng xem tranh tôi lại cứ nghĩ đây là mặt nạ đời. Bởi vì tất cả chúng ta ngày ngày cũng đang tham gia những vở tuồng của cuộc đời, cũng luôn mang những kiểu mặt nạ khác nhau! Hay tranh Xóm dưới chân thành màu sắc u buồn, nhưng thân thiết, ấm lòng. Có thể là thành Huế, cũng có thể là thành Nhà Hồ. Cái đọng lại trong lòng người là những sắc màu của ký ức chưa kịp phôi pha...

Có lẽ ngọn lửa mới cho những sáng tác mới lạ ấy được nhen lên lúc Tựu bắt đầu biến ngôi nhà mới bên sông của mình thành một địa chỉ triển lãm tranh quen thuộc của giới trẻ Huế. Trong nhiều năm nay, người thưởng lãm tranh sành điệu ở Huế và các nhà sưu tập tranh qua con đường du lịch rất chú ý tới quán cà phê Sông Như của vợ chồng Tựu. Vì ở đó Đặng Mậu Tựu thường xuyên tổ chức cho rất nhiều lứa họa sĩ trẻ của Huế đang là sinh viên Đại học Nghệ thuật Huế hay mới ra trường trình làng những sáng tác của mình. Họ mới mẻ cả về cảm hứng sáng tạo và bút pháp mảng màu. Họ có những vụng về đáng yêu. Và Đặng Mậu Tựu đã “tự trẻ hóa” mình để hòa đồng được với giới cọ trẻ thời hội nhập rất nhạy cảm ấy. Thời gian này Đặng Mậu Tựu say vẽ và vẽ rất nhiều. Những bức tranh nổi tiếng của Tựu được các nhà sưu tầm chú ý như Thủy triều, Mặt nạ tuồng, Xóm dưới chân thành, Chiến tranh, Chợ quê, Đà Lạt sương, Trăng vào thành, Dấu thời gian v.v.. đều ra đời ở Art Café Sông Như Huế.

Tác phẩm Đất và nước của hoạ sỹ Đặng Mậu Tựu


Tôi đến nhà của Tựu thấy đầy ắp tranh. Tranh treo khắp lối đi, tranh ở trong phòng ngủ, trên cầu thang… Vợ họa sĩ kể với nhà báo rằng, đã có những bức tranh người mua trả giá cao nhưng Tựu không bán, vì tiếc. Bức tranh lụa Giếng làng được nhà điêu khắc nổi tiếng Điềm Phùng Thị bao lần dạm hỏi mà ông một mực từ chối, bởi “Đó là cả bầu trời tuổi thơ của tôi... Vẽ lại bức thứ hai e là không thể!”.

Có tranh triển lãm ở thành phố Quy Nhơn từ năm 20 tuổi (1973), đến nay Đặng Mậu Tựu đã có gần hai chục cuộc triển lãm tranh ở Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đức, JAKARTA (Indonexia), nhưng anh vẫn đam mê sáng tạo như thời trẻ, bởi Tựu là người luôn khởi động cái mới. Ở vị trí là Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, bằng những sự khởi động của mình, Đặng Mậu Tựu đang “đổ thêm dầu vào ngọn lửa” sáng tạo trong lòng mỗi họa sĩ Huế, để Hội họa Huế không bị “lão hóa”, mà luôn luôn mới, luôn luôn trẻ. Nhiều lần xem Triển lãm Mỹ thuật Bắc Miền Trung, tôi thấy tranh của các họa sĩ Huế mới hơn ám ảnh hơn.

Một trong những sự nhen lửa rất thành công nữa của Tựu là chuyện chơi tranh con Giáp vào các dịp Tết Nguyên Đán ở Huế. Chơi tranh con Giáp hàng năm đã trở thành một tập tục văn hóa đẹp của giới cọ xứ Huế. Cuộc chơi này bắt đầu từ Tết Mậu Dần (1998) đến nay, tức là đã 11 cái Tết rồi. Sang năm Dần là cuộc chơi đúng một giáp. Đặng Mậu Tựu “kiến trúc sư” các phòng tranh con giáp hàng năm là người ham đọc sách, anh có kiến thức văn hóa xã hội sâu rộng, lại là trưởng ban tổ chức nên Tựu nghĩ ra những chủ đề có ý tứ mà ngộ nghĩnh để các hoạ sĩ lấy cảm hứng sáng tác. Ngay việc đặt tên cho phòng tranh cũng đầy ý vị: Ví như năm Thìn thì chủ đề là “Rồng năm Thìn”, năm Ngọ thì “Năm Ngọ vẽ Ngựa”; năm Mùi thì “Dê chín Mùi” (theo câu đồng giao Con tằm chín đỏ con dê chín mùi); năm Thân thì “Con khỉ Giáp Thân”; năm Tuất thì “Cây Còn - Con Cầy”, năm Hợi này thì “Con hèo con hẻo con heo”, năm Tý thì “Thử Tý Chuột”. Thử, Tý đều là chuột. Nhưng Thử Tý Chuột lại mang một nội dung đời của thời Internet. Nghĩa là hãy nhấp chuột xem năm Tý có gì mới, có gì hay? Năm Kỷ Sửu này, nội dung tranh con giáp lại mang tên “Con tru ra ràng”. Con tru là con trâu, tiếng dân gian miền Trung. Nhưng tru còn có nghĩa đời là tru lên... Đặng Mậu Tựu lo phòng tranh con giáp ở 26 Lê Lợi Huế, cho các vị “cây đa cây đề” trong làng cọ Huế so tài. Anh còn tổ chức một cuộc triển lãm tranh con giáp tại Art Café Sông Như cho các sinh viên, họa sĩ trẻ trình làng những con giáp của mình. Những khởi động đó làm cho Tết Huế thêm ý vị.

Đặng Mậu Tựu cho biết, mùa đông năm 1988, mấy anh em văn nghệ sĩ ngồi uống cà phê đàm đạo về con tò he bán ngoài chợ Tết cho trẻ con chơi, nhà thơ Võ Quê (Chủ tịch Hội lúc đó) đã đề xuất ý tưởng “chơi” phòng tranh Con Giáp. Thế là Đặng Mậu Tựu lao vào cuộc chơi. Có lẽ đến nay trong cả nước, duy nhất ở Huế có các phòng triển lãm tranh Con Giáp mỗi khi Tết đến Xuân về. Bây giờ thì phòng tranh Con Giáp đã được xếp vào danh mục triển lãm hội hoạ chính thức của tỉnh. Hội Mỹ Thuật Thừa Thiên Huế có kế hoạch đến khi vẽ đủ 12 con giáp, sẽ chọn lọc xuất bản một tập tranh nghệ thuật về 12 Con Giáp. Nhất định đây là một tập tuyển tranh độc đáo chưa từng có ở Việt Nam.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu sinh năm 1953 tại xã Mỹ Tho, huyện Phù Mỹ. Năm 1964, anh rời Bình Định ra Huế học. Tốt nghiệp Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1972 rồi chọn Huế làm quê hương thứ hai. Anh đã một thời “xuống đường” đấu tranh chống Mỹ cùng thanh niên sinh viên Huế. Sau năm 1975, anh phụ trách Nhà Thiếu nhi Huế, rồi làm việc trong ngành văn hóa Huế. Hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Tranh của Đặng Mậu Tựu đã giành được nhiều giải thưởng: Giải Bông sen trắng (Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Trị Thiên), Giải Văn học Nghệ thuật Cố đô lần I, Tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc khu vực IV - 1996, tặng thưởng hàng năm của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế năm 1999 và 2001. Tranh của Đặng Mậu Tựu được trang Web của Phòng tranh Phương Mai cập nhật giới thiệu rất sang trọng. Nhưng tôi nghĩ, cái đọng lại trong lòng người xem tranh mới là cái còn lại của hội họa Đặng Mậu Tựu.

N.M
(248/10-09)





 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bến vạc (30/10/2009)